kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Chiến dịch tuyệt mật "Kavkaz" của Liên Xô tại Ai Cập

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Chiến dịch tuyệt mật "Kavkaz" của Liên Xô tại Ai Cập

    Chiến dịch tuyệt mật "Kavkaz" của Liên Xô tại Ai Cập

    (Hồ sơ) - Xin chuyển đến bạn đọc bài báo của 2 chuyên gia quân sự Nga Aleksandr Staver và Roman Skomorokov đăng trên”Bình luận quân sự” (Nga)


    1. Lời dẫn
    Những ngày tháng 12 này, nhân dịp kỷ niệm 45 năm “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”, có lẽ là thời điểm thích hợp để nói về lực lượng phòng không nói chung và tên lửa phòng không nói riêng.Vì vậy,xin chuyển đến bạn đọc bài báo của 2 chuyên gia quân sự Nga Aleksandr Staver và Roman Skomorokov đăng trên”Bình luận quân sự” (Nga) về chiến dịch tuyệt mật mang tên “Kavkaz” đưa các tổ hợp tên lửa phòng không và quân nhân Xô Viết đến tham chiến tại Ai cập cách đây gần nửa thế kỷ (cùng thời gian với cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại đường không tại Miền Bắc nước ta). Bài này tương đối dài, xin bạn đọc kiên nhẫn.



    2.Nội dung bài viết

    Cuối những năm 1960, cuộc đối đầu vũ trang giữa Israel và Ai cập đã lên đến đỉnh điểm. Cả hai bên đều tìm mọi cách để chiếm vị trí hàng đầu trong khu vực. Người Israel lúc đó đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ hợp tác với Liên Xô và triển khai thực hiện chính sách đối ngoại thân Mỹ.

    Còn người A rập, trong đó có Ai cập, thì ngược lại, bắt đầu phát triển các mối quan hệ, kể cả quân sự, với Liên Xô.
    Năm 1967, trong cuộc “Chiến tranh 6 ngày” Israel đã đánh thảm bại quân Ai cập. Để có thể hình dung quy mô những tổn thất của Ai cập, xin dẫn các số liệu sau. Liên quân A rập chỉ trong 6 ngày tham chiến đã mất 40.000 binh sỹ - cả thiệt mạng, bị thương và bị bắt làm tù binh. Có tới hơn 9.000 xe tăng , 1.000 khẩu pháo bị phá hủy hoặc bị “bắt sống”.

    Liên quân A rập mất tới hơn 400 máy bay!
    Tốc độ tấn công của Quân Israel nhanh đến nỗi trong cuộc chiến tranh chớp nhoáng này các đơn vị Quân đội Israel đã chiếm được Bán đảo Sinai, dải Gaza, Cao nguyên Goland và Bờ Tây sông Jordan.Về nguyên tắc, sức kháng cự của Quân A rập đã bị đè bẹp. Khu vực này đã trở thành không chỉ là một quả bom nổ chậm, mà đã là một đám lửa đang cháy lan. Ngọn lửa đó có thể lan sang bất kỳ nơi nào.

    Đây là điều đã xảy ra trong những năm tiếp theo đó như chúng ta đã chứng kiến.
    Liên Xô buộc phải có phản ứng. Ngày 10/6/1967, Liên Xô tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Israel đồng thời gửi thông điệp cảnh báo đòi Tel-Aviv phải chấm dứt ngày các hoạt động chiến sự và giải quyết xung đột bằng các cuộc đàm phán hòa bình. Liên Xô điều đến bờ biển Ai cập các tàu chiến của Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Biển Đen và trên thực tế đã phong tỏa khu vực.Lính thủy đánh bộ Xô Viết đổ bộ lên cảng Port Said. Và ngay sau đó, một phi đội máy bay ném bom chiến lược Tu-16 mang vũ khí hạt nhân cũng được điều đến Ai cập. Chiến sự chấm dứt ngay trong ngày hôm đó. Các bên tham chiến dừng lại trên tuyến kênh đào Suez. Tình hình ổn định trở lại.


    Nhưng cần phải “hồi sinh” Quân đội Ai cập. Liên Xô bắt đầu cung cấp ồ ạt phương tiện kỹ thuật quân sự và vũ khí cho Ai cập. Chính vào thời gian này đã có rất nhiều sỹ quan Xô Viết đến công tác tại khu vực. Bởi vì không chỉ cung cấp vũ khí, khí tài,- còn cần phải huấn luyện Quân đội Ai cập cách khai thác sử dụng những vũ khí, khí tài đó .Nhiệm vụ trên đã được hoàn tất vào cuối năm 1968.

    Quân đội “mới” của Ai cập lại trở thành một đội quân hiện đại. Nhưng chính điều đó đã làm nóng đầu giới lãnh đạo nước này.Cairo quyết định bắt đầu triển khai các hoạt động tác chiến cường độ thấp.
    Theo quan điểm của giới lãnh đạo Ai cập thì tính toán trên là chính xác vì họ cho rằng nguồn lực của các nước A rập và Israel là không tương đương nhau.

    Một cuộc chiến tranh tiêu hao nhất định sẽ dẫn đến thất bại của Tel-Aviv.
    Trên thực tế, chiến tranh “ tiêu hao” bắt đầu từ tháng 3/1969. Nhưng đến tháng 4/1969, chính quyền Ai cập mới chính thức tuyên bố sẽ không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn.

    Vậy thuật ngữ “chiến tranh tiêu hao” trên thực tế có nghĩa là gì? Đó là pháo kích liên tục bờ Đông kênh đào Suez bằng pháo binh tầm xa. Là tiến hành các đợt không kích của Không quân Ai cập vào các trận địa của Israel.Là “đi săn trên không”, nghĩa là các phi công A rập tấn công đối phương và tiêu diệt đối phương trong các trận không chiến chớp nhoáng. Thêm nữa, lính biệt kích Ai cập tăng cường hoạt động.

    Các nhóm biệt kích liên tục đột nhập và phá hủy các mục tiêu trong hậu phương của Quân Israel.
    Dĩ nhiên, Quân đội Israel không bao giờ cam chịu. Cho dù Ai cập có ưu thế về pháo binh nói riêng và nếu nói về phương tiện kỹ thuật tác chiến- nước này chiếm ưu thế tuyệt đối.Đòn đáp trả trước các hành động ngang ngược của Cairo từ phía Israel là các trận không kích của Không quân nước này vào các trận địa Quân Ai cập. Những trận không kích rất hiệu quả này của Không quân Israel đã buộc phía Ai cập phải giảm cường độ và tần suất các đợt không kích, pháo kích và xâm nhập biệt kích vào cuối tháng 7/1969.

    Vấn đề là ở chỗ, Quân đội Israel có một nguyên tắc bất di bất dịch–dứt khoát phải trả đũa. Nói một cách ngắn gọn hơn, bất kỳ một cuộc pháo kích, bất kỳ một hành động đột nhập, bất kỳ một đợt không kích nào nhằm vào các mục tiêu Israel cũng đều phải bị trừng phạt. Và nhanh nhất có thể.


    Một ví dụ về hiệu quả tác chiến của Không quân Israel trong các ngày 20-24/7/1969. Để yểm trợ các khẩu đội pháo binh của mình trước các đợt không kích, Quân đội Ai cập đã triển khai trên bờ kênh đào Suez 7 tiểu đoàn tên lửa phòng không SA-75M.

    Các tiểu đoàn này được bố trí tại Suez, Port Said và Ismailia. Sau khi phóng được vài quả tên lửa,chỉ trong 4 ngày, 6 trong số 7 tiểu đoàn nói trên đã bị Không quân Israel loại hoàn toàn khỏi vòng chiến đấu. Hiệu quả “công việc” của Không quân Israel là như vậy đấy.Ngoài ra, người Israel còn tấn công sâu vào hậu phương của đối phương. Và đến lúc này thì các đòn tấn công đó không chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự, mà cả những mục tiêu dân sự có tầm quan trọng sống còn đối với Ai cập.Không quân Israel thường xuyên “bay treo” trên các thành phố Ai cập để trinh sát và phát hiện các mục tiêu cho các đợt không kích tiếp theo.

    Tháng 9/1969, những chiếc máy bay “Con ma” (Phantom-F-4E) ( theo phân loại của Israel là “Kurnass”) đầu tiên được đưa vào trang bị. Ngoài ra, Không quân Israel còn có trong trang bị các máy bay A-4 “Skyhawk” và “Mirage 3C”.



    Dân chúng Ai cập hoảng loạn. Do hiểu rằng - bất cứ lúc nào cũng có thể phải hứng chịu đòn không kích, ngày càng có nhiều người Ai cập lên tiếng về sự cần thiết không chỉ phải chấm dứt chiến tranh mà còn phải thay đổi đường lối chính trị của Ai cập.Thay đổi đường lối chính trị có nghĩa là lật đổ Tổng thống Gamal Abdel Naser.

    Ai cập lâm vào tình trạng có thể “nổ từ bên trong”.
    Đầu tháng 12/1969, Naser bí mật đến Matxcova. Mục đích chuyến thăm – thuyết phục Breznhev (nhà lãnh đạo Liên Xô) đưa quân vào Ai cập và thiết lập lá chắn tên lửa chống lại không quân Israel. Nhìn chung, lúc đó Naser chấp nhận bất kỳ sự nhượng bộ.Cả khả năng gia nhập Hiệp ước Warszawa.

    Cuối cùng, Tổng thống Ai cập đã thuyết phục được giới lãnh đạo Xô Viết. Liên Xô đã hạ quyết tâm giúp đỡ “nhân dân Ai cập anh em”. Nhưng, do tính tới mối quan hệ với Mỹ, hành động “giúp đỡ” trên cần phải được tiến hành một cách lặng lẽ.
    Trong bối cảnh như vậy, một chiến dịch của Quân đội Xô Viết mang mật danh “Kavkaz” đã được tiến hành. Mật danh chiến dịch được đích thân Bộ trưởng quốc phòng Liên Xô Nguyên soái Liên Xô A.A. Grechko đặt. Nội dụng của chiến dịch là xây dựng một hệ thống phòng không tại Ai cập bằng các đơn vị và phân đội Quân đội XôViết.



    Động thái đầu tiên của Liên Xô là thành lập một sư đoàn phòng không đặc biệt gồm các đơn vị đã có mặt trên lãnh thổ Ai cập lúc đó và các đơn vị khác sẽ được điều đến sau đó. Tư lệnh Quân chủng phòng không Xô Viết, Nguyên soái Liên Xô P.F.Batistki đích thân giao nhiệm vụ tại một cuộc giao ban khẩn tại trụ sở Bộ tham mưu Quân chủng.

    Thành phần chủ yếu của Lục lượng phòng không sẽ có tại Ai cập là Sư đoàn tên lửa phòng không đặc biệt số 18 mới được thành lập từ các lữ đoàn phòng không khác nhau. Ngày 13/1/1970, đã có lệnh về việc thành lập Sư đoàn này. Các cán bộ chỉ huy tiểu đoàn mới được bổ nhiệm nhận quân và phương tiên kỹ thuật và sau đó hành quân đến các trường bắn Ashluk và Yangalz để tập bắn các mục tiêu bay thấp.

    Trong biên chế tổ chức của Sư đoàn 18 có:- Lữ đoàn tên lửa phòng không số 1 (Trung đoàn tên lửa phòng không 559), lữ đoàn trưởng- Đại tá B.I.Zaivoronok;- Lữ đoàn tên lửa phòng không số 2 (Trung đoàn tên lửa phòng không số 582), Lữ đoàn trưởng - Trung tá N.A.Rudenko;- Lữ đoàn tên lửa phòng không số 3 (Trung đoàn tên lửa phòng không số 564), Lữ đoàn trưởng- Thiếu tá V.A.Belorusov;- Lữ đoàn tên lửa phòng không số 4, Lữ đoàn trưởng - Đại tá Shumilov ( khi đến Ai cập, Lữ đoàn này rút gọn xuống còn một tiểu đoàn, các tiểu đoàn còn lại được tăng cường cho các lữ đoàn khác mỗi lữ đoàn có 8 tiểu đoàn).

    Dưới quyền chỉ huy của Sư đoàn trưởng, Thiếu tướng A.G.Smirnov là 24 tiểu đoàn tên lửa phòng không, 4 tiểu đoàn kỹ thuật, 2 đại đội kỹ thuật. 24 trung đội phòng không, 3 tiểu đội đủ và rút gọn chuyên kiểm định, hiệu chỉnh và sửa chửa “Shilka” (mã số GRAU - 2А6 - tổ hợp phòng không tự hành).Ngày 2/3/1970, sư đoàn lên đường đến Aleksandria (Ai cập). Các lữ đoàn được đưa tới cảng Nhikolaev (thuộc Ucraine hiện nay) và được bố trí trên các tàu dân sự. Đã có 16 tàu hàng được huy động để vận chuyển sư đoàn này.


    Mỗi tàu chở 2 tiểu đoàn S-125 cùng với phương tiện kỹ thuật và bộ đội, thêm một số phương tiện kỹ thuật và bộ đội của các phân đội khác. Ở trên boong là các xe kéo, ô tô, máy phát điện và “Shilka” (được phủ bạt). Bộ đội và các bệ phóng tên lửa bố trí dưới các hầm tàu.


    Theo ý đồ từ trước, binh sỹ và sỹ quan Quân đội Xô Viết trở thành các nhân viên dân sự. Chỉ huy tàu không được biết hải trình của tàu. Mỗi khi đi qua một điểm nhất định trên biển, lại bóc một phong bì đã niêm phong ghi hành trình tiếp theo. Các hoa tiêu trên tàu cũng không được phép lên vị trí chỉ huy tàu.

    Còn trên boong tàu, có các sỹ quan mang vũ khí thay nhau trực nhật. Nhằm loại trừ mọi ý định đào ngũ ngũ hoặc tìm cách liên lạc với ai đó. Đã có lệnh mật cho phép bắn bỏ bất kỳ ai dù người đó chỉ mới có ý định nhảy xuống biển để bỏ trốn.Nhưng phải thừa nhận rằng, mặc dù áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa như vậy, chiến dịch vẫn không thể giữ được bí mật.

    Tình báo đối phương biết rất rõ về mọi động thái, thành phần và nhiệm vụ của các đơn vị Xô Viết.
    Hơn nữa, người Mỹ và Israel công khai chế nhạo các nỗ lực của Liên Xô nhằm giữ bí mật cho chiến dịch này. Cụ thể như, ngay sau khi chiếc tàu Xô Viết đầu tiên vào biển Địa Trung Hải, một chiếc máy bay tiêm kích hạm Mỹ đã bay trên tàu nhằm chuyển một thông điệp rõ ràng cho phía Xô Viết.

    Chương trình phát thanh bằng tiếng Nga của Israel trong các chương trình thời sự liên tục cập nhật về hải trình của các tàu chở hàng Liên Xô mang các tên lửa bí mật mới nhất đang hướng đến cảng Aleksandria. Điều nghịch lý là ở chỗ những người không hề biết gì về sứ mệnh nói trên lại chính là các binh sỹ và sỹ quan của chúng ta (Liên Xô) đang có mặt trên tàu.Ngày 5/3, chiếc tàu đầu tiên mang tên “Rosa Luxemburga” đã cập cảng Aleksandria, tàu này đã dỡ hàng vào đêm rạng sáng ngày 6/3.


    Lữ đoàn của Zaivoronok vào chiều 6/3 đã bắt đầu hành quân. Đến cuối chiều ngày 7/3, lữ đoàn đã triển khai xong đội hình. Sư đoàn đặc biệt số 18 bắt đầu trực tác chiến trên bầu trời Ai cập.Những gì mà đài truyền thanh Israel vừa nhạo báng, tức các tổ hợp S-125 không lâu sau đó sẽ cho thấy là các đối thủ xứng tầm của Không quân Israel. Những quả tên lửa không lớn nhưng đáng sợ của S-125 sẽ là một cơn ác mộng đối với các phi công “Phantom” Do Thái.

    Ngay sau khi cập cảng Aleksandria, binh sỹ và sỹ quan Xô Viết mặc quân phục Ai cập không quân hàm, quân hiệu.Để phân biệt sỹ quan và binh sỹ,cách giải quyết “thuần Nga” như sau: Sỹ quan mặc áo khoác bỏ ngoài quần. Đến lúc này thì bất kỳ ai cũng có thể phân biệt được – nếu ai đó áo bỏ trong quần (đóng thùng) thì đó là lính và ngược lại.



    Nhiệm vụ xây dựng trận địa cho các bệ phóng chiếm một thời gian tương đối dài. Chính vì thế mà đã có các đội công tác đặc biệt được cử đến trước khi Sư đoàn đặc biệt 18 có mặt trên đất Ai cập. Nhưng chúng ta quan tâm hơn đến việc những người lính phải đối mặt với những vấn đề gì trong những điều kiện như vậy.
    06



    Vấn đề là ở chỗ, điểm khác biệt của chiến trường này là nền cát. Có nghĩa là gần như không thể đào hầm trú ẩn và giao thông hào. Cát sẽ tụt xuống ngay và mọi công sức lao động sẽ trở thành công cốc. Kể cả khi đắp được công sự thì ngay sau quả đạn đầu tiên phóng đi, công sự cũng trở thành một cồn cát vô dụng.



    Và khi đó,các sỹ quan và binh sỹ Xô Viết đã làm quen với một kiểu hầm trú ẩn mới của địa phương- malga. Cách làm malga rất đơn giản. Tại bất kỳ một hố nào cũng có thể đặt một khung thép.Sau đó lấy các bao tải đựng cát xếp dựa vào khung đó. Sau đó lấy cát từ cồn cát bên cạnh bồi thêm vào kết cấu đã có sẵn. Một hình thức ngụy trang lý tưởng.

    Nhưng về mức độ bảo vệ (kiên cố) – thì gần như vô dụng. Chỉ cần một quả bom nổ bên cạnh là malga sẽ bị khoan thủng như người ta lấy dao cắt miếng bơ vậy.
    Mặc dù vậy, rất nhiều những người đã từng có mặt tại Ai cập nhớ malga, như nhớ ngôi nhà của mình.

    Đặc biêt là những người được cử đi phối thuộc với các đơn vị Ai cập. Họ sống trong những “hầm” như vậy hàng tháng trời. Điều bất tiện duy nhất, ngoài các vụ không kích- đó là sinh vật sa mạc.
    Các loại thạch sùng, thằn lằn có thể sống rất thoải mái trong các malga. Và không gây điều gì bất tiện. Nếu như, tất nhiên, trừ trường hợp chúng rơi từ nóc malga xuống mặt trong lúc đang ngủ. Nhưng còn bò cạp và các loại côn trùng khác…. Giường nằm, quần áo và bất cứ thứ gì đeo lên người đều phải rũ thường xuyên.

    Thậm chí chỉ nửa giờ sau khi bạn thay quần dài hoặc áo ngoài, thì trên bộ quần áo đó đã có một con bò cạp mệt mỏi vì cái nóng thiêu đốt của mặt trời bò trên đó và chúng coi sự xuất hiện của chúng ta (binh sỹ Liên Xô) trên sa mạc Ai cập như một hành động xâm lược.Còn ở khu vực gần kênh đào lại có những tai họa khác. Đấy là ruồi và những đàn muỗi vàng khủng. Trong bể chứa nước có rất nhiều ký sinh trùng. Có 2 chiến sỹ tắm trên kênh đào và phải trả giá đắt- cả hai bị tàn tật và phải hồi hương.

    Có lẽ, vì tế nhị nên không nên viết thêm về bệnh kiết và những điều thi vị khác tương tự như vậy. Tất cả đều biết rất rõ là cơ thể binh sỹ Xô Viết không chịu được các căn bệnh địa phương. Theo hồi ký của các chuyên gia từng tham gia các sự kiện trên thì phương pháp chống lại bệnh tật được thực hiện theo đúng đơn thuốc gia truyền của lính – đó là đồ uống có cồn.


    Dĩ nhiên, khi kể về Sư đoàn đặc biệt này phải kể về các trận đánh mà nó tham, gia. Một chân lý đơn giản là muốn làm cho các phi công thượng thặng Israel biết sợ, phải có cơ sở nhất định. Nhưng sự khởi đầu của lực lượng phòng không Xô Viết tại Ai cập lại nhuốm màu bi kịch. Và nguyên nhân lại hoàn toàn không liên quan gì đến người Israel.

    Vấn đề là ở chỗ các máy bay Ai cập được trang bị thiết bị nhận biết “địch-ta” Kremnii-1” của Liên Xô. Ngày 26/12/1969, một nhóm trinh sát- biệt kích Israel đã đột nhập sân bay Ras Gariba Ai cập và dùng máy bay lên thẳng cẩu ngay tại sân bay này trạm radar trinh sát và chỉ mục tiêu P-12PM của Ai cập. Hệ thống “Kremnhii-1” đó đến tay người Mỹ và được “tìm hiểu” kỹ lưỡng.Và sau đó lại về Israel. Thế nhưng người A rập vẫn tiếp tục sử dụng “Kremnhii-1”.

    Trong khi đó thì các tổ hợp tên lửa phòng không Xô Viết đã sử dung hệ thống mới là “Kremnhii-2”. Ngày 14/3/1970, trận địa của tiểu đoàn N.M. Kutytsev nhận được tín hiệu về việc đã phát hiện một mục tiêu bay thấp đang bay thẳng đến sân bay.
    Tham mưu trưởng lữ đoàn tên lửa phòng không Rzeusski gọi điện hỏi có máy bay ta trên khu vực đó hay không.

    Phía Ai cập trả lời là không có. Sau khi nhận thông báo trên, Rzevsski lệnh cho tiểu đoàn phóng 2 quả tên lửa vào mục tiêu. Máy bay bị bắn rơi, các phi công thiệt mạng.
    Nhưng sau đó mới biết rằng các tên lửa Xô Viết đã bắn hạ máy bay trinh sát Il-28BM của Không quân Ai cập. Chiếc máy bay này đang trên đường về sau khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên Địa Trung Hải. Kẻ có lỗi, dĩ nhiên, bao giờ cũng là các sỹ quan Xô Viết.

    Trung tá Rzevsski bị Bộ Quốc phòng Liên Xô ra quyết định kỷ luật cảnh cáo.
    Đây không phảin là trường hợp duy nhất. Thái độ cẩu thả của các phi công và cơ quan hàng không Ai cập đã làm các chiến sỹ Xô Viết bị sốc. Ví dụ, ngày 18/3, các pháo thủ của một đơn vị yểm trợ Ai cập đã bắn 2 chiếc máy bay.Xạ thủ tổ hợp tên lửa phòng không vác vai “Strela-2” trong trung đội yểm hộ tiểu đoàn S-125 tại Aleksandria cũng đã phóng tên lửa vào chiếc máy bay dân sự An-24 ở độ cao gần 1.000m.Viên xạ thủ đã thực hiện một mệnh lệnh được đưa ra đúng một ngày trước đó.

    “Những máy bay nào bay thấp hơn độ cao 6km và có cự ly cách trận địa 25 km được coi là máy bay địch và cần phải bị bị tiêu diệt”.
    Còn một tiểu đoàn phòng không khác lại đã bắn hạ một chiếc máy bay tiêm kích- ném bom Su-7B của chính Ai cập. Lỗi do viên phi công đã phớt lờ mọi mệnh lệnh và bay vào khu vực chịu trách nhiệm của tiểu đoàn này.


    Không những thế, máy bay còn lao thẳng vào trận địa. Sỹ quan điều khiển ấn nút và đã hạ chiếc máy bay này. Nhưng sau đó, các phi công Ai cập bắt đầu "tôn trọng” lực lượng phòng không Nga.Còn bây giờ xin kể về các trận đánh làm các phi công Israel không còn ý định nắn gân các lực lượng phòng không Xô Viết nữa.
    04



    Ngày 5/7/1970, tiểu đoàn tên lửa phòng không S-75M số 10 và 3 tiểu đoàn tên lửa S-125 lần đầu tiên đối mặt với 24 chiếc máy bay của đối phương. Vào lúc 15 giờ, một tốp máy bay gồm 14 chiếc tấn công các trận địa tên lửa. Các “Phantom” này Israel thuộc phi đội số 69 chia thành 2 nhóm. Nhóm tấn công gồm 3 cặp tấn công trận địa tên lửa ở độ cao cực thấp.Tiểu đoàn của Trung tá S.K.Zavesnhitski phóng 2 quả đạn. Kết quả 1 (một) trong số “Kurnass( F-4E) đó bị bắn hạ.

    Các máy bay khác dừng tấn công.
    Còn máy bay của các nhóm khác bị các SA-75M của Ai cập công kích. Các SA-75M Ai cập hạ thêm 1 “Kurnass” nữa. Như vậy, kết quả trận đầu là 2 chiếc “Phantom” của Israel. Nhưng như trên đã nói, các phi công Israel luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc “ăn miếng trả miếng”.Vì thế, dến 16 giờ, Không quân Israel bắt đầu đợt không kích thứ hai với một tốp gồm 10 máy bay.

    Lần này, các “Phantom” quyết định tấn công các trận địa SA-75M của Ai cập. Hai tiểu đoàn SA-75M đáp trả. Ngoài các tiểu đoàn tên lửa, các đơn vị pháo phòng không cũng tham chiến, và phi đội 69 Israel mất thêm một “Phantom” nữa.
    Sau đó, các đợt không kích của người Israel tạm lắng. Bộ Tư lệnh Israel nghiên cứu tìm các phương án đối phó với tên lửa mới Xô Viết.

    Có lẽ, trận đánh ác liệt nhất là trận ngày 18/7/1970. Khác với các đợt tấn công “ngẫu hứng” trước đó, lần tấn công này được lên kế hoạch rất chi tiết. Chỉ những phi công Israel giàu kinh nghiệm nhất mới được chọn tham gia trận này.

    Đó là những huyền thoại sống của Không quân Israel: Thiếu tá Shmuel Hets (chỉ huy phi đội 201) và Trung tá Avih Ben Nun (chỉ huy phi đội 69).
    Các máy bay tham gia trận không kích được trang bị phương tiện chế áp radar phát hiện sớm của Bộ đội phòng không Ai cập. Mục tiêu chủ yếu của các đợt tấn công là các trận địa SA-75M của Bộ đội Ai cập. Tuy nhiên, cặp bay của Thiếu tá Hets đã tấn công tiểu đoàn của Tolokonnhikov.

    Tolokonhikov lệnh phóng một loạt 2 quả tên lửa. Máy bay của Hets, dù đã kịp cơ động tránh tên lửa những vẫn bị bắn trúng. Một phi công nhảy dù, còn chính Hets đã thiệt mạng khi cố đưa máy bay đã bị thương về sân bay.Trận địa tên lửa mới bắn máy bay của Hets bị Ben Nun phát hiện.

    Anh quyết định trả thù cho đồng đội. Tuy nhiên, các trắc thủ tên lửa Liên Xô đã kịp phóng loạt thứ ba với 2 tên lửa. Ben Nun cũng tìm cách cơ động để tránh, nhưng quả tên lửa đã nổ ngay bên cạnh máy bay của viên chỉ huy phi đội 69 này.
    Ben Nun đã đưa được chiếc máy bay bị thương này về được sân bay nhưng sau đó máy bay này phải loại biên vì không thể sửa chữa được.

    Số hai của Ben Nun là Đại úy Aviam Sela quyết định tấn công trận địa Tolokonnhikov ở độ cao cực thấp. Lần này, tuy lính tên lửa Liên Xô vẫn phát hiện được mục tiêu nhưng không kịp khóa và phóng tên lửa. Tên lửa không điều khiển và bom từ máy bay của Aviam Sela đánh trúng trận địa.Tất cả khẩu đội phóng, lái xe vận chuyển- nạp đạn, một số chiến sỹ từ các trận địa khác đến hỗ trợ đã hy sinh. Tổng cộng 8 người (có danh sách kèm theo-ND).

    Cuộc chiến đấu của Sư đoàn đặc biết này vẫn tiếp tục. Những trận đánh ác liệt nhất diễn ra từ 30/6 đến 3/8/1970. Trong các trận này Sư đoàn đã bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương 3 chiếc (đây là các số liệu được phía Israel thừa nhận).Con số tổn thất của sư đoàn là 12 người chết. Trong số đó có 8 người hy sinh trong chiến đấu (như vừa nói tới ở trên), 3 người chết vì tai nạn và 1 người chết vì bệnh tật.166 quân nhân của Sư đoàn được tặng thưởng huân huy chương.

    Hai người - Tiểu đoàn trưởng Kutytsev Bhikolai Mikhailovich (theo Sắc lệnh phong tặng danh hiệu Anh hùng thì tiểu đoàn của Kutytsev đã bắn rơi 11 mục tiêu và không chịu tổn thất nào) và Tiểu đoàn trưởng Popov Konstantin Ilich (trong trận đánh ngày 3/8/1970 đã bắn hạ 2 và bắn bị thương 1 máy bay chiến đấu Israel) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.







    Bài viết này chỉ đề cập đến một phía của chiến dịch “Kavkaz”. Đó là kể lại lịch sử chiến đấu oai hùng của một sư đoàn.


    Nhưng cũng trong giai đoạn này, trên lãnh thổ Ai cập còn có nhiều quân nhân Liên Xô khác nữa, các phi công và nhân viên kỹ thuật của Phi đội máy bay tiêm kích độc lập số 35 gồm các máy bay MiG-21MF, Trung đoàn không quân tiêm kích số 135 trang bị các máy bay MiG-21MF, Cụm không quân độc lập số 63 trang bị máy bay MiG-25R và MiG-25RB.

    Có cả các thủy thủ của Phân đội tàu tác chiến Địa Trung Hải số 5.
    Cả các phi công Không quân hải quân Phi đội không quân đặc nhiệm viễn chinh số 90. Có cả các sỹ quan tác chiến điện tử thuộc Trung tâm tác chiến điện tử. Có cả các chiến sỹ liên lạc của Tiểu đoàn phát nhiễu sóng ngắn và đại đội phát nhiễu phá sóng liên lạc siêu cao tần. Có cả các cố vấn quân sự trực tiếp tại các đơn vị Ai cập.

    Không được phép lãng quên những người lính từng tham gia vào các cuộc chiến tranh ở những nơi mà họ “chưa từng có mặt ở đó” (Cụm từ thông dụng hiện ở Nga dùng để chỉ những chiến sỹ Xô Viết thực hiện nhiệm vụ quốc tế nhưng cho đến nay vẫn chưa được công khai thừa nhận và được nhận chế độ đãi ngộ xứng đáng-ND).
    Càng không được phép lãng quên những chiến thắng.

    Nước Nga đã, đang và sẽ đứng vững trên những chiến thắng đó. Trân trọng lịch sử- đó chính là nền tảng sức mạnh của chúng ta.
    Đến thời điểm này, có thể nói nhiều, rất nhiều về tính hợp lý (nên hay không-ND) của những nhiệm vụ mà các sỹ quan và binh sỹ của chúng ta đã thực hiện. Tuy nhiên, mục đích của chúng tôi – chỉ để bày tỏ sự ngưỡng mộ, tưởng nhớ và kính trọng những người đã thực hiện mệnh lệnh của Tổ quốc.

    Các tác giả (Aleksandr Staver, Roman Skomorokhov-ND) tha thiết đề nghị tất cả bạn đọc không nên sa đà vào những khía cạnh chính trị hiện đại khi cho ý kiến phản hồi bài báo này.


    • Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (giới thiệu và dịch)


    Last edited by Bin571; 09-12-2017 at 12:09 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 14
    Bài mới gởi: 10-12-2015, 10:51 AM
  2. Trả lời: 7
    Bài mới gởi: 18-02-2013, 08:23 PM
  3. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 25-03-2010, 12:29 PM
  4. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 11-03-2010, 04:21 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •