kết quả từ 1 tới 6 trên 6

Ðề tài: Chữ quốc ngữ buổi đầu

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Chữ quốc ngữ buổi đầu

    Chữ quốc ngữ buổi đầu: Người Nhật chê, người Việt nhận



    Nhật tiếp nhận nhiều văn hóa từ phương Tây, trừ chữ viết hệ La Tinh - Ảnh: Internet
    Vào đầu thế kỷ 17, một số giáo sĩ Dòng Tên đã xuất bản một vài cuốn sách ngữ vựng và ngữ pháp Nhật theo mẫu tự abc. Chỉ có điều người Nhật đã không tận dụng điều này để cải biến hệ thống chữ viết của họ theo hệ La Tinh nên cho đến giờ người Nhật vẫn dùng các bảng chữ phi La Tinh.




    Chữ quốc ngữ xứng đáng là một phát minh vĩ đại trong lịch sử nước ta. Nhờ chữ quốc ngữ, người Việt có hệ thống chữ viết riêng không phải phụ thuộc vào hệ thống chữ tượng hình phức tạp như trước. Sau khi dùng chữ quốc ngữ, chúng ta xóa tỷ lệ mù chữ rất nhanh trong thời gian ngắn. Cũng nhờ chữ quốc ngữ, Việt Nam hòa nhập với quốc tế nhanh hơn. Sẽ là không thừa nếu ôn lại sự phát triển chữ quốc ngữ.

    Khi nhắc đến chữ quốc ngữ, người ta nhắc ngay công lao của ông Alexandre de Rhodes hay còn được gọi với tên Việt là Cha Đắc Lộ. Đúng là ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng công trình Tự điển Việt-Bồ-La, hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh nhưng để có được bộ chữ quốc ngữ mà chúng ta dùng thì đó là công sức của nhiều người. Bản thân Cha Đắc Lộ cũng không phải là người đầu tiên tìm cách ghi tiếng của người Việt bằng hệ chữ La tinh. Giáo sĩ đã tiên phong góp công trong việc hoàn chỉnh lối chữ này phải kể đến cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha.

    Các giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam từ giữa thế kỷ 16 nhưng không có nhiều tài liệu ghi hoạt động của họ trong thời kỳ này. Đến đầu thế kỷ 17, các nhà truyền giáo Dòng Tên gồm cả người châu Âu, Nhật. Giáo sĩ De Pina đến Đàng Trong năm 1617 và là nhà truyền giáo đạo Công giáo đầu tiên nói thông thạo tiếng Việt để giảng đạo trực tiếp bằng ngôn ngữ này. Ông hằng chỉ trích các giáo sĩ đương thời đã không nắm vững được ngôn ngữ địa phương để đạt được mục tiêu rao giảng Phúc Âm. Ông được cho là tác giả tập Manuductio ad Linguam Tunckinensem và là người đã giúp dạy Alexandre de Rhodes học tiếng Việt, góp phần tạo ra chữ Quốc ngữ cho việc truyền giáo.




    Để ghi lại tiếng của người Việt thì De Pina là người đầu tiên thực hiện bằng việc dùng ký tự La Tinh của người Bồ Đào Nha. Theo cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 của ông Đỗ Quang Chính viết năm 1972 khi là Trưởng ban Sử học – Đại học văn khoa Sài Gòn, ông Pina là giáo sĩ đầu tiên thông thạo việc giao tiếp với người Việt nên chỉ ông khi đó mới có khả năng ghi lại tiếng Việt bằng chữ La Tinh. Tuy nhiên, ý tưởng dùng chữ La Tinh để ghi chữ Việt cũng là học theo cách mà các giáo sĩ đi trước áp dụng với tiếng Nhật. Vào đầu thế kỷ 17, một số giáo sĩ Dòng Tên đã xuất bản một vài cuốn sách ngữ vựng và ngữ pháp Nhật theo mẫu tự abc. Chỉ có điều người Nhật đã không tận dụng điều này để cải biến hệ thống chữ viết của họ theo hệ La Tinh nên cho đến giờ người Nhật vẫn dùng các bảng chữ phi La Tinh.



    Trong nguyệt san MISSI của các cha Dòng Tên năm 1961 cũng thừa nhận về chuyện trước đó 300 năm: Thật vậy, giống như Nhật Bản và Triều Tiên, người Việt Nam luôn luôn sử dụng chữ viết của người Tàu và bị nô lệ vì chữ viết này. Chỉ mới cách đây không lâu, người Triều Tiên mới chế biến ra một chữ viết riêng của họ. Còn người Nhật thì, sau nhiều lần thử nghiệm, đã phải bó tay và đành trở về với lối viết tượng hình biểu ý của người Tàu.



    Trong khi Nhật không tiếp nhận chữ La Tinh, thì hệ thống chữ La Tinh cho người Việt lại có sự phát triển mạnh mẽ và sử dụng rất hiệu quả sau này. Nhưng buổi ban đầu thì chữ quốc ngữ bắt đầu chập chững những bước đi đầy gian khó để trước khi hoàn hảo như hiện giờ. Năm 1620, thời điểm có những bản thảo chữ quốc ngữ đầu tiên, dù khi đó giáo sĩ Pina đã nói được tiếng Việt, nhưng khó lòng mà phân biệt được lối cách ngữ và các thanh trong từ như chúng ta dùng ngày nay. Dựa vào những tài liệu viết tay năm 1621- 1626, các chữ còn viết liền theo kiểu người châu Âu và chưa thấy đánh dấu (sắc, huyền, hỏi, ngã) vào những chữ đó. Ví dụ khi viết An Nam thì các văn bản thời kỳ 1620-1626 vẫn ghi là Annam hay ghi ông nghè bằng từ Ungue. Tỉnh Quảng Nghĩa (sau đổi thành Quảng Ngãi để tránh phạm húy) lúc đó được ghi là Quamguya.



    Việc khi ấy, các giáo sĩ chưa phân biệt được dấu cũng rất bình thường. Người châu Âu lần đầu khi tiếp xúc với tiếng Việt vô cùng hoang mang khi mỗi tiếng của người Việt là một từ và khi lên giọng xuống giọng lại thành một từ hoàn toàn khác. Linh mục Gio. Filippo de Marini ở Đàng Ngoài từ 1647 - 1658, cũng nhận rằng: “Một người sau khi đã học nói tiếng Việt kha khá, thì kinh nghiệm cho họ hay rằng, tiếng Việt quả là cực kỳ khó khăn”.



    Linh mục Joseph Tissanier ở Đàng Ngoài từ 1658 - 1663 cũng ghi lại như sau: “Tôi xin thú nhận rằng, lúc đầu tiếng Việt làm tôi phát sợ, vì thấy nó khác các ngôn ngữ Âu châu quá, nên hầu như tôi thất vọng trong việc học tiếng này”.
    Chính cha Đắc Lộ cũng thừa nhận bị choáng khi lần đầu nghe tiếng Việt. Ông viết: “Khi tôi vừa đến Nam Kỳ và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế. Thêm vào đó, tôi thấy hai cha Emmanuel Fernandez và Buzomi, khi giảng, phải có người thông dịch lại. Chỉ có cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi.

    Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ trong vòng 4 tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau 6 tháng, tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt. Kết quả các bài giảng bằng tiếng Việt lợi ích nhiều hơn các bài giảng phải có người thông dịch lại”.



    Cuối năm 1625, cha Pina qua đời nhưng việc phát triển chữ quốc ngữ không dừng lại. Cha Đắc Lộ tiếp nhận những kiến thức từ cha Pina truyền đạt trong việc ghi âm tiếng Việt bằng hệ chữ La Tinh tiếp tục phát triển để hoàn thiện tiếp.
    (còn nữa)
    Anh Tú
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2
    Đai Đen
    Gia nhập
    Feb 2014
    Nơi cư ngụ
    Thanh Xuân, Hà Nội
    Bài gởi
    690

    Mặc định

    Riêng kiểu giản tiện của GS Bùi Hiển là:

    C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r.

    đã thấy việc làm giản tiện này làm mất đi rất nhiều âm đọc. Ko diễn đạt được hết các danh từ, tính từ mà chúng ta sử dụng để nói hàng ngày.

    cờ khác chờ, trờ. Dờ, khác Đờ. Gờ và phờ, thì còn được.
    Sám hối, tạ ơn trước khi ngủ và sau khi thức dậy !
    Lạy Phật giúp tăng trưởng Phước !
    Thương yêu cả với kẻ thù !
    Thực dưỡng Ohsawa !

  3. #3

    Mặc định

    Để chữ quốc ngữ có thanh điệu, cần ghi công một cậu bé


    Đăng lúc: 29.11.2017 12:57
    In bài viết


    Cha Đắc Lộ và cuốn sách đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ - Ảnh: Internet
    Cha Đắc Lộ nói rằng nhờ một cậu bé 13 tuổi (sau này được đặt tên Thánh là Rafael Rhodes) mà ông mới hiểu được hệ thống thanh điệu, lên xuống giọng của người Việt và đó là cơ sở quan trọng để đặt ra các thanh huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng.


    Trong phần trước, chúng tôi đã đề cập đến bước sơ khởi trong tiến trình phát triển chữ quốc ngữ. Ở giai đoạn 1620-1626, các giáo sĩ mà đi đầu là cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha đã bắt đầu thực hiện ghi âm tiếng Việt bằng ký tự La Tinh. Việc ghi của thời này khá đơn giản khi các từ ghép vẫn được viết nối nhau và không hề có vần.

    Phải đến sau 1626 thì bắt đầu có việc ghi cách ngữ và gắng chép có dấu để phân biệt độ lên hạ giọng trong phát âm của người Việt. Việc học cách để ghi cách ngữ chỉ cần có thời gian và chỉnh thói quen là làm được. Nhưng riêng việc phân biệt dấu qua cách lên xuống giọng của người Việt là cực hình đối với người phương Tây, đó còn chưa kể đến việc một tiếng còn có nhiều nghĩa khác nhau.

    Để người ngoại quốc thấy rõ hơn sự nguy hiểm trong khi phát thanh sai tiếng Việt, cha Đắc Lộ thuật lại hai câu chuyện sau đây: Một hôm Linh mục bạn với Đắc Lộ muốn bảo người giúp việc đi chợ mua cá. Khi người giúp việc ở chợ về, bảo cho ông hay là đã mua như ý Linh mục muốn. Ông liền xuống nhà bếp coi xem loại cá nào, thì ông ngỡ ngàng vì người đi chợ lại mua một thúng đầy cà. Linh mục biết ngay là vì đã đọc trại tiếng cá thành cà, nên ông xin lỗi người giúp việc. Một Linh mục khác bảo người nhà đi chém tre. Đoàn trẻ em trong nhà Linh mục nghe thế sợ quá, bỏ chạy tán loạn. Thì ra ông phát thanh lầm là chém trẻ, nên làm cho đàn trẻ em khiếp sợ. Phải giải thích mãi trẻ em mới yên tâm và trở về nhà với Linh mục.

    Do vậy, để có thể truyền tải hết tiếng Việt vào chữ viết thì phải có cách chép dấu. Cuốn công trình Tự điển Việt-Bồ-La của cha Đắc Lộ ra đời năm 1651 đã giải quyết được vấn đề đó. Cha Đắc Lộ nói rằng nhờ một cậu bé 13 tuổi (sau này được đặt tên Thánh là Rafael Rhodes) mà ông mới hiểu được hệ thống thanh điệu, lên xuống giọng của người Việt (cơ sở quan trọng để đặt ra các thanh huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng).

    Cha Đắc Lộ viết: “Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc, học viết tiếng La Tinh và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thầy giảng giúp việc các cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của thầy và nơi Vương quốc Lào láng giềng”.

    Thực ra, cha Đắc Lộ không thể một mình tự nghiên cứu mà ra cuốn Tự điển Việt-Bồ-La mà cần dựa vào nghiên cứu, đúc kết của nhiều giáo sĩ khác. Thời gian cha Đắc Lộ ở Việt Nam không liên tục mà bị ngắt quãng do chính sách của triều đình 2 đàng khi đó. Trước khi bị chúa Trịnh Tráng trục xuất năm 1630, cha Đắc Lộ chỉ có 57 tháng ở với người Việt (ở Đàng Trong từ tháng 12.1624 đến tháng 7.1626 và ở Đàng Ngoài từ tháng 3.1627 đến 5.1630). Sau đó, ông phải ở Áo Môn (tức Macau) trong 10 năm rồi mới quay trở lại Đàng Trong năm 1640 nhưng cũng không ở liên tục mà chia làm 3 lần (lần 1: tháng 2.1640 đến 9.1640, rồi về Áo Môn, lần 2: tháng 12.1640 đến 7.1641, sau đó về Áo Môn, lần 3: tháng 1.1642 đến 7.1643, lại về Áo Môn).



    Chính vì sự ngắt quãng đó cộng với công việc khá nhiều nên cha Đắc Lộ khó có thời gian chuyên tâm nghiên cứu việc phiên âm tiếng Việt. Dựa vào các văn bản có lưu dấu chữ quốc ngữ của cha Đắc Lộ viết trong thời gian đi lại giữa Việt Nam và Áo Môn, các nhà nghiên cứu nhận thấy trình viết của cha Đắc Lộ khi ấy khó sánh bằng cha Gaspar do Amaral. Cha Amaral đến Thăng Long cuối năm 1629 và trong bản tường trình gửi về Bồ Đào Nha ngày 31.12.1632, cha Amaral đã viết rất nhiều chữ quốc ngữ cách ngữ và có dấu như Kẻ Chợ (chỉ Thăng Long), yêu nhău (yêu nhau), hụyen (huyện), bà đạu (bà đạo), đàng ngoằy (đàng ngoài), nhũộn (nhuận)... Có thể thấy nhiều từ quốc ngữ được cha Amaral viết khi đó khá xa với từ hiện giờ nhưng so với cách viết của cha Đắc Lộ khi ấy thì tốt hơn rất nhiều. Cùng thời điểm và có thể muộn hơn, bản viết tay của cha Đắc Lộ vẫn ghi Ce Che (Kẻ Chợ), dau nhu (đạo Nho), huyen gna (huyện nha)...

    Đến năm 1637, thư của cha Amaral đã có nhiều chữ quốc ngữ khá sát với bây giờ hơn khi ông dùng chính xác nhiều từ như đức, thầy, Nghệ An, đàng ngoài... Trong khi đó, cách viết từ quốc ngữ của cha Đắc Lộ cũng không tiến triển nhiều hơn, rất ít dùng chữ có dấu. Phải đến 1644, cách viết chữ quốc ngữ của cha Đắc Lộ mới có bước tiến rõ rệt khi trở lại Việt Nam. Thời kỳ đó, ông đã viết được cả câu quốc ngữ dài: “giũ nghĩ cũ đ Chúa Jesu cho đen het hoy, cho đen blon đoy” (giữ nghĩa cùng đức Chúa Jêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời).

    Có thể thấy trong thời gian trước 1645 thì cha Amaral là người xuất sắc trong việc dùng chữ quốc ngữ và ông cũng là người soạn cuốn tự điển Việt-Bồ-La (Diccionário anamita-português-latim). Nói đến lịch sử chữ quốc ngữ trong giai đoạn này, không thể bỏ qua Linh mục Antonio Barbosa (1594-1647) người Bồ Đào Nha. Cuối tháng 4.1636, Barbosa đến Đàng Ngoài, nhưng rồi ông trở về Áo Môn vào tháng 5.1642, vì lý do sức khỏe. Cha Barbosa đã soạn thảo cuốn tự điển Bồ - Việt (Diccionario português-anamìta).

    Chính 2 cuốn tự điển Việt - Bồ - La của cha Amaral và cuốn tự điển Bồ - Việt của cha Barbosa đã đặt nền móng để cha Đắc Lộ soạn cuốn tự điển Việt-Bồ-La ra đời 1651. Đó là bước ngoặt rất quan trọng để một thời gian ngắn sau đó, người Việt Nam bắt đầu dùng chữ La Tinh để ghi chép.
    (còn nữa)

    Anh Tú

    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  4. #4

    Mặc định

    Ai là người có công đầu với chữ quốc ngữ Việt Nam?

    (Kiến Thức) - Giáo sĩ Alexandre de Rhode được nhiều chuyên gia, học giả đánh giá có đóng góp to lớn đối với sự ra đời chữ quốc ngữ Việt Nam.


    Các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước đã dành nhiều thời gian tìm hiểu xem ai là người có công đầu với chữ quốc ngữ Việt Nam. Đề tài này đã được bàn thảo, tranh luận suốt nhiều năm và cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Alexandre de Rhodes.


    Giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes (1591-1660) được người dân Việt Nam và thế giới biết đến rộng rãi qua 2 quyển sách: Tự điển An Nam - Bồ Đào Nha - Latin (gọi tắt Tự điển Việt - Bồ - La) và Phép giảng tám ngày bằng quốc ngữ được tòa thánh La Mã cho xuất bản năm 1651. Ông được đánh giá là người có công hoàn thiện chữ quốc ngữ thông qua việc tu chỉnh, biên soạn hai tác phẩm trên. Chính vì vậy, từ lâu giáo sĩ này được coi là một trong những tên tuổi lớn có công lớn trong việc tạo ra chữ quốc ngữ.

    Giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
    Để tưởng nhớ công lao của giáo sĩ Alexandre de Rhodes trong việc sáng chế và làm cho chữ quốc ngữ ngày càng hoàn hảo, một bia kỷ niệm khắc tên ông đã được dựng bên hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội vào năm 1941. Đến năm 1955, tên của giáo sĩ này được đặt cho một con đường ở trung tâm Sài Gòn năm 1955.

    Rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá cao vai trò của giáo sĩ Alexandre de Rhodes đối với chữ quốc ngữ của Việt Nam. Cụ thể, vào năm 1950, Giáo sư Dương Quảng Hàm đánh giá giáo sĩ người Pháp này là người có công nhất và là người đầu tiên đem in những cuốn sách bằng chữ quốc ngữ.

    Nhà nghiên cứu Võ Long Tê cũng gây chú ý khi đưa ra nhận xét: “Đành rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes không phải là người duy nhất đã sáng chế và làm cho chữ quốc ngữ trở nên hoàn hảo nhưng lịch sử vẫn xem vị giáo sĩ này là thủy tổ chữ quốc ngữ vì đã có công thử thách chữ quốc ngữ trong các lĩnh vực soạn sách tự điển, văn phạm, giáo lý và nhất là phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ bằng những tác phẩm ấn loát tại nhà in của Thánh bộ Truyền giáo tại La Mã”.


    Có chung quan điểm trên, nhà nghiên cứu Hoàng Tiến nhắc lại vai trò của giáo sĩ Alexandre de Rhodes trong đề tài khoa học cấp nhà nước: Chữ quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20 được xuất bản năm 1994.


    "Cha cố người Pháp Alexandre de Rhodes là một nhà bác học rất giỏi về khoa ngôn ngữ đã tới Việt Nam và giảng đạo bằng tiếng Việt. Tất nhiên, việc này có công sức đóng góp của nhiều người, nhưng ông là đại diện và giữ công đầu”, nhà nghiên cứu Hoàng Tiến nhận định.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  5. #5

    Mặc định

    Hành trình chữ Quốc ngữ khai tử chữ Hán trên đất Việt


    Đăng lúc: 06.12.2017 13:54In bài viết


    Một lớp học của Đông Kinh Nghĩa Thục - Ảnh: Internet
    Trong việc phát triển chữ Quốc ngữ, người Pháp có chủ trương và toan tính riêng phục vụ lợi ích của họ. Tuy nhiên, việc này lại mang rất nhiều tiện lợi cho người Việt Nam khi chúng ta không còn phụ thuộc vào hệ thống chữ Hán khó đọc, khó nhớ nữa. Có lẽ điều người Pháp không thể ngờ rằng chữ Quốc ngữ chính là phương tiện để người Việt phổ biến, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đòi độc lập.


    Sau khi được các nhà truyền giáo phát minh vào đầu thế kỷ 17 mà điểm nhấn là bộ tự điển Việt – Bồ - La của cha Đắc Lộ, chữ Quốc ngữ có nhiều cải biến để ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, suốt gần 3 thế kỷ, chữ Quốc ngữ không được trọng dụng mà chỉ ‘lưu hành nội bộ’ trong cộng đồng của người theo đạo Công giáo.

    Các triều đình phong kiến Việt Nam vốn có ác cảm với các nhà truyền giáo phương Tây đã không tôn trọng chữ Quốc ngữ. Với các nhà nho thì chữ Hán được coi là chữ Thánh hiền và họ không chấp nhận chữ Quốc ngữ của Tây phương. Đó là lý do chữ Quốc ngữ dù ra đời thế kỷ 17 nhưng không được phổ biến trong thế kỷ 18, 19. Vào thời điểm đó, ngoài chữ Hán thì ở Việt Nam còn có chữ Nôm và chữ Quốc ngữ đều là những văn tự ghi tiếng nói của người Việt Nam. Nếu so sánh thì chữ Quốc ngữ rất gần chữ Pháp, lại rất tiện lợi, dễ học, dễ nhớ hơn nhiều so với chữ Nôm.

    Chữ Nôm tuy là để ghi tiếng của người Việt nhưng lại mượn chữ Hán thành ra có thể coi là là cách thức dùng chữ Hán giải mã tiếng Việt. Nếu chữ Hán khó một thì thì chữ Nôm khó 10 vì người giỏi chữ Nôm thì phải cực thạo chữ Hán và nhanh ý để nhìn hình đoán chữ.

    Đáng lẽ với sự tiện lợi của chữ Quốc ngữ như vậy thì phải được dân ta khi đón nhận nồng nhiệt. Nhưng như đã nói, giới sĩ phu Việt Nam đã cực lực chống lại các chính sách ngôn ngữ của nhà cầm quyền Pháp. Họ quan niệm chữ Quốc ngữ là sản phẩm của ngoại bang, là công cụ truyền bá của các nhà truyền giáo. Họ muốn duy trì học chữ Hán bởi vì học chữ Hán là được giáo dục về luân lí về lịch sử, còn học chữ Quốc ngữ thì chỉ như một trò chơi, khi người ta biết đọc biết viết chữ Quốc ngữ người ta không biết gì cả.

    Ngay cả khi không thể dùng chữ Hán để ghi văn bản của người Việt thì họ thà dùng chữ Nôm còn hơn dùng chữ Quốc ngữ. Năm 1867, Nguyễn Trường Tộ chính thức đề nghị triều đình Huế sử dụng chữ Nôm.

    Phải đến khi người Pháp dùng các biện pháp chế tài mạnh mẽ thì chữ Quốc ngữ mới bắt đầu được dùng. Ngày 22.2.1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn ở Nam Kỳ vốn do người Pháp cai trị khi đó. Trước đó, năm 1861, một trường dạy tiếng Việt được thiết lập ở Sài Gòn để đào tạo những viên thông ngôn người Pháp.

    Nghị định 82 ký ngày 6. 4. 1878 do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký cũng đề ra cái mốc hẹn trong bốn năm (tức năm 1882) thì phải chuyển hẳn sang chữ Quốc ngữ: “Kể từ mồng một Tháng Giêng năm 1882 tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị... sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ Quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thơ từ bằng chữ Quốc ngữ sẽ không được bổ nhậm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng...”

    Để khuyến khích việc truyền bá chữ Quốc ngữ, nhà chức trách thuộc địa Nam Kỳ còn ra nghị định ngày 14.6.1880 giảm hoặc miễn thuế thân và miễn sưu dịch cho thân hào hương lý nếu họ biết viết chữ Quốc ngữ

    Cũng may là người Pháp áp việc dùng chữ Quốc ngữ ở Nam Kỳ đầu tiên. Người miền nam nhìn chung có tâm lý phóng khoáng và thực dụng nên tiếp nhận việc dùng Quốc ngữ khá dễ dàng. Cuối thế kỉ 19, các trí thức Nam Kì như cụ Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Tống, Trương Minh Kí, Nguyễn Trọng Quản... là những người đi đầu trong chủ trương truyền bá chữ Quốc ngữ và phát triển tiếng Việt.

    Khi người Việt ở Nam Kỳ nhận thấy sự tiện lợi của chữ Quốc ngữ thì chính quyền Pháp bắt đầu tạo áp lực để dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán ở Bắc và Trung Kỳ vào đầu thế kỷ 20. Triều đình Huế lúc này đã quá suy yếu nên đành phải nhượng bộ trước áp lực của người Pháp.

    Năm 1910, chính phủ Đông Pháp mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ, giao cho Nha Học chính giảng dạy ở Bắc Kỳ. Năm 1915 thì kỳ thi Hương cuối cùng diễn ra ở Bắc Kỳ mặc cho sự chống đối của giới sĩ phu. Ở Trung Kỳ thì đạo dụ của vua Khải Định ngày 26 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ (tức ngày 28.12.1918) chính thức bãi bỏ khoa cử và năm 1919 là năm cuối mở khoa thi ở Huế.

    Thượng thư bộ Học là Cao Xuân Dục có công văn trả lời Toàn quyền Đông Dương với ý tán đồng "cả nước cùng học chữ Quốc ngữ La Tinh, tuyển chọn các vị cử nhân, tú tài, tôn sinh, ấm sinh người bản quốc sung làm giáo sư và thành lập viện dịch chữ Quốc ngữ... Nay vâng mệnh Hoàng đế bản quốc lập ra trường chuyên dạy thứ chữ này chính là muốn thống nhất một lối dùng làm thứ chữ dạy học phổ thông”.

    Trong việc phát triển chữ Quốc ngữ, người Pháp có chủ trương và toan tính riêng phục vụ lợi ích của họ. Tuy nhiên, việc này lại mang rất nhiều tiện lợi cho người Việt Nam khi chúng ta không còn phụ thuộc vào hệ thống chữ Hán khó đọc, khó nhớ nữa. Các nhân sĩ tiến bộ ngoài Bắc cũng nhanh chóng nhận ra lợi ích của chữ Quốc ngữ để kêu gọi mọi người hưởng ứng rộng rãi. Đầu thế kỉ 20 ở ngoài Bắc, hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) cũng đã dấy lên phong trào học chữ Quốc ngữ, coi chữ Quốc ngữ là phương tiện khai hoá quốc dân. Các cụ khẳng định:

    Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước
    Phải đem ra tính trước dân ta
    Sách các nước, sách Chi Na
    Chữ nào chữ ấy dịch ra cho tường.

    Trong Văn minh tân học sách của Đông Kinh Nghĩa Thục, có đoạn viết: "Người trong nước đi học nên lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên để trong thời gian một vài tháng, đàn bà, trẻ con đều biết chữ và người ta có thể dùng Quốc ngữ để ghi việc đời xưa và chép việc đời nay... Đó thực là bước đầu tiên để mở mang trí khôn vậy".

    Có lẽ điều người Pháp không thể ngờ rằng chữ Quốc ngữ chính là phương tiện để người Việt phổ biến, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đòi độc lập.

    Việc chúng ta chuyển từ Hán tự sang chữ Quốc ngữ cũng phải trả một cái giá, đó là hầu hết người Việt Nam ta không đọc được chữ các cụ ngày xưa (nhất là khi vào đền chùa). Tuy nhiên, cái giá đó quá rẻ so với việc đại bộ phận người dân biết chữ thay vì chỉ một số nhỏ biết chữ Hán thời phong kiến.

    Thế nhưng, nếu cải cách chữ theo như đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền - tác giả công trình nghiên cứu cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt thì e rằng thế hệ sau này xa lạ với các dòng chữ mà chúng ta viết hiện giờ. Cái giá khi đó lại trở thành quá đắt.

    Anh Tú
    Bài viết có tham khảo thông tin trong bài Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử của GS-TS Nguyễn Thiện Giáp


    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  6. #6

    Mặc định

    Không cần cải cách chữ Quốc Ngữ, nên để công sức đó đẩy mạnh Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 thì phúc cho dân tộc.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •