BỒ ĐỀ NGUYỆN

Biển thệ nguyện của tất cả Bồ Tát như thế nào ? Hết thảy Bồ Tát đều lấy bốn hoằng thệ nguyện làm căn bản:

1). Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.
2). Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
3). Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
4). Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.


Hằng ngày mỗi buổi tối, chúng ta đều đọc bốn hoằng thệ nguyện, nhưng chúng ta có y chiếu theo bốn thệ nguyện này tu hành chăng ? Nếu chẳng có thì tức là ở trước Phật nói dối, quả báo tương lai không thể tưởng tượng được, nhất định sẽ đọa vào ba đường ác.

‘’Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.’’ Chúng sinh bao quát con người và chẳng phải con người, tất cả chúng sinh nhiều vô lượng vô biên. Trong thân của mỗi chúng sinh, cũng có vô lượng vô biên chúng sinh. Con người là một vi trùng lớn, lại có vô lượng vô biên vi trùng nhỏ. Những vi trùng nhỏ này ở trong thể của vi trùng lớn, nương nhờ vi trùng lớn bố thí cúng dường mà sinh tồn. Song, sự bố thí cúng dường này, chẳng phải tự động, hoặc tâm cam tình nguyện, mà là bị động, bắt buộc, chẳng bố thí thì chẳng được. Vì những vi trùng nhỏ này ăn trộm, hút máu thịt của bạn, song chẳng có cách gì thoát khỏi quan hệ với chúng, vì chẳng có vi trùng nhỏ, thì vi trùng lớn cũng chẳng sống được. Cho nên, có nhân duyên trợ giúp lẫn nhau để cùng sinh tồn.
Mỗi chúng sinh lớn đều nuôi sống vô số chúng sinh, giống như sư tử và rồng rất là độc hại, trăm thú đều sợ, song trong thân của chúng có vô số trùng nhỏ ăn thịt uống máu của chúng. Vì trong vô lượng lại có vô lượng chúng sinh, cho nên nói chúng sinh vô biên. Tuy nhiên chúng sinh vô biên, nhưng cũng phải độ chúng sinh. Làm thế nào để độ chúng ? Do đó, có câu:

‘’Muốn khiến vào Phật trí,
Trước dùng móc dục dắt.’’

Muốn giáo hóa chúng sinh khai ngộ trí huệ của Phật, thì trước hết phải cho họ vật gì mà họ thích, khiến cho họ sinh hảo cảm, mới có hứng thú, sau đó dẫn họ vào cửa Phật, nghiên cứu Phật pháp. Ðó là pháp môn phương tiện độ chúng sinh, cũng là dùng pháp môn phương tiện khéo léo để độ tất cả chúng sinh.

‘’Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.’’ Tu Phật pháp thì phải có sự khảo nghiệm, phải thọ sự khảo nghiệm. Phàm là tất cả cảnh giới đến, bất cứ là tốt, là xấu, đều là khảo nghiệm. Bình thường mình cho rằng mình đã nhìn thấu, buông xả đặng tất cả, cảm thấy chẳng có chấp trước, kết quả cảnh giới đến thì bị mê hoặc, hiện ra nguyên hình, bị cảnh giới lay chuyển. Nếu có định lực thì cảnh giới đến, tâm cũng chẳng lay động, giống như chẳng có cảnh giới, đó mới là chuyển được cảnh giới, công phu tu hành như thế mới là thật sự đến nhà, mới thật sự nhìn thấu, buông xả.
Ví như khi bạn đang ngồi thiền dụng công, một khi cảnh giới đến, hoặc là người, hoặc là ma, tay cầm đao muốn chém đầu bạn. Lúc đó, người có định lực thì rất bình tĩnh, tâm nghĩ : ‘’Tùy ý anh, tôi chẳng màng, xin bạn cứ chém, đây là cơ hội tốt giúp tôi thành đạo.’’ Nếu có tư tưởng như thế, thì chẳng sợ hãi, đó mới là công phu chân chánh.

Trước kia có người xuất gia tu hành, bèn đến một ngôi chùa nọ, hỏi thiện tri thức (lão hòa thượng): ‘’Tôi có thể xuất gia được chăng‘’?
- Thiện tri thức đáp: ‘’Ðương nhiên là được, nhưng có điều kiện, anh phải tiếp nhận, mới có tư cách xuất gia, bằng không thì không thể xuất gia.’’
- Người đó hỏi: ‘’Ðiều kiện gì‘’?
- Thiện tri thức nói: ‘’Nếu anh thành tâm xuất gia, thì phải nghe lời của tôi chỉ dạy, tôi dạy anh làm gì thì anh phải đi làm, không thể kháng cự. Nếu anh chấp nhận thì tôi nhận anh làm đệ tử.’’
- Người đó nói: ‘’Con nguyện nghe lời của sư phụ dạy bảo.’’
- Thiện tri thức lại hỏi: ‘’Trong nhà anh có những người nào ?
- Người đó nói: ‘’Có cha mẹ, anh em, chị em, lại có vợ, có con, họ đều tự sinh sống, chẳng cần con chiếu cố, cho nên con muốn xuất gia tu hành.’’
- Vị thiện tri thức lại nói: ‘’Bây giờ ta đưa cho ngươi một thanh kiếm, ngươi hãy về nhà giết hết những người trong nhà, ngươi làm có được chăng‘’?
- Người đó nói: ‘’Sư phụ dạy con làm như thế, thì con y theo ý của sư phụ mà làm, tuyệt đối chẳng kháng cự.’’
- Vị thiện tri thức lại nói: ‘’Ngươi giết hết cả nhà xong rồi, hãy đem thanh kiếm treo ở cửa sau, rồi trở về đây ta độ cho ngươi xuất gia.’’
Anh ta cầm lấy thanh kiếm, tâm nghĩ ngợi: ‘’Làm sao ta có thể giết người thân của mình ? Nếu chẳng làm như thế, thì vị thiện tri thức chẳng thu nhận mình làm đệ tử.’’ Trong lúc tiến thối lưỡng nan, chẳng biết như thế nào mới tốt, thì lại nghĩ: ‘’Vì xuất gia học đạo chỉ có cách đó.’’ Do đó, cầm thanh kiếm đi về nhà, giết hết cả nhà, treo thanh kiếm ở cửa sau. Sau đó trở về chỗ vị thiện tri thức, xuất gia tu đạo.
Anh ta có thật giết hết cả gia đình chăng ? Không. Ðó là thần thông biến hóa pháp môn phương tiện của vị thiện tri thức, để khảo nghiệm anh ta có thành tâm xuất gia chăng ? Tức cũng khiến cho anh ta đoạn hết tất cả tình cảm phiền não với người thân, tâm được thanh tịnh, trợ giúp cho sự thành đạo.
Khi anh ta cầm thanh kiếm về nhà, thì người nhà đều đã ngủ, anh ta cảm giác là đã giết hết người nhà, kỳ thật là chẳng có giết, chỉ bất quá đó là cảnh giới thần thông của vị thiện tri thức hiện ra. Anh ta chiếu theo lời dặn của vị thiện tri thức, đem thanh kiếm treo ở cửa sau, lập tức trở về chùa. Thanh kiếm đó hóa thành một người, treo ngược ở cửa sau mà chết.
Sáng sớm ngày thứ hai, mọi người thức dậy, thì phát hiện người đó treo ngược ở cửa sau mà chết, để lại rất nhiều châu báu (vị thiện tri thức biến hóa ra), mọi người cho rằng anh ta đi trộm cắp về, nhưng lại sợ hỏi tội, cho nên treo ngược mà tự tử. Do đó, đem châu báu ra bán để sinh sống, cả nhà đời sống chẳng còn lo gì nữa, và đem tử thi đi chôn.
Anh ta xuất gia rồi, cho rằng người nhà đều đã bị anh ta giết, mới quyết tâm dụng công tu hành, ngày đêm siêng năng tinh tấn, chẳng giải đãi, chẳng phóng dật. Luôn luôn đề tỉnh chính mình, nếu chẳng thành đạo thì làm sao đối với những người nhà đã bị giết ? Cho nên càng dụng công tu hành, hoàn toàn chẳng có chút phiền não và tạp niệm. Do đó :
‘’Tâm vô quái ngại
Vô quái ngại cố
Vô hữu khủng bố
Viễn ly điên đảo mộng tưởng.’’

Nghĩa là:

Tâm chẳng quái ngại,
Vì chẳng quái ngại,
Chẳng có sợ hãi,
Xa lìa điên đảo mộng tưởng.

Mười hai năm sau, anh ta hoàn thành đạo nghiệp, đắc được vô sinh pháp nhẫn. Lúc đó, đã đắc được ngũ nhãn lục thông, ở trong định biết cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, trong nhà chẳng những chẳng chết, mà còn sinh sống rất sung sướng, thân thể khoẻ mạnh, tâm nghĩ : ‘’Nếu chẳng phải sư phụ an bài như thế, thì ta làm sao mà khai ngộ chứng quả.’’ Do đó, bèn đến trước sư phụ đảnh lễ tạ ân.
Do đó có thể thấy, người tu đạo chẳng có phiền não, thì mới có thể thành tựu đạo nghiệp, nếu có phiền não thì đạo nghiệp chẳng thành tựu. Tại sao người tu đạo có dục tâm ? Vì có phiền não. Tại sao hay phạm giới ? Vì có phiền não. Phiền não là thứ hại người nhất. Tại sao hay có phiền não ? Vì đức hạnh chẳng đủ, không thể khống chế được vọng tưởng tham sân si, cho nên có phiền não. Ðây là vấn đề căn bản mà không thể giải quyết, thì ngọn ngành chẳng làm gì được.

‘’Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.’’ Về phương diện trừu tượng mà nói, thì pháp môn vô lượng vô biên, cho nên phải phát thệ nguyện để học. Nếu nói cụ thể, thì có tám vạn bốn ngàn pháp môn, đều là pháp môn thành Phật. Người tu đạo phải chọn một pháp môn tương ưng với mình, để chuyên nhất tu hành, một môn thâm nhập thì sẽ giải thoát tự tại. Cho nên, người tu đạo phải phát thệ nguyện này.

‘’Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.’’ Ðạo lý của Phật nói, là diệu pháp vi diệu thâm sâu vô thượng, chẳng có gì cao hơn Phật. Phật là Thánh nhân ba giác tròn, vạn đức đầy. Chúng ta muốn học Phật, thì hãy phát nguyện tu ba nghiệp thanh tịnh, chứng được ba đức viên mãn.

Phàm là người tu hành, thì đều phải đầy đủ bốn đại thệ nguyện này, mới có thể thành quả vị Phật. Cho nên, buổi tối khi đọc đến bốn câu thệ nguyện này, thì trong tâm phải quán tưởng, độ chúng sinh như thế nào ? Học Phật pháp như thế nào ? Ðoạn phiền não như thế nào ? Thành Phật đạo như thế nào ? Bằng không thì miệng niệm mà tâm chẳng quán, cũng giống như ca hát chẳng có ích gì.

Hòa Thượng Tuyên Hóa (Tổ Sư Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông)