Bố thí đối trị xan tham. Trì giới đối trị hủy phạm. Nhẫn nhục đối trị sân hận. Tinh tấn đối trị giải đãi. Thiền định đối trị tán loạn. Trí huệ đối trị ngu si. Bồ Tát đối trị với chúng sinh, trước hết phải hành bốn pháp nhiếp (Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự), khiến cho chúng sinh có hảo cảm. Và dùng từ, bi, hỷ, xả, bốn tâm vô lượng để làm căn bản, mới lợi lạc chúng sinh.
‘’Ðạo cầu nơi chỗ thấp‘’, câu nầy rất là triết lý. Người tu đạo, đừng háo cao vụ viễn, muốn đến trên trời mà tìm đạo, như vậy thì tìm chẳng được. Nay lược giải lục độ, nếu có ai nghe qua rồi, thì đừng ngại nghe lần nữa. Người chưa nghe qua thì phải chú ý nghe. Lục độ tức là pháp căn bản hành Bồ Tát đạo.
1. Bồ Tát làm thế nào để viên mãn bố thí Ba la mật? Bố thí tiếng Phạn là Đàn, dịch ra là bố thí. Ba la mật là đến bờ kia, từ bờ sinh tử bên nầy, qua dòng sông phiền não, đạt đến bờ Niết Bàn bên kia.
Bố thí có ba :
A. Tài thí : Tức là dùng tài vật để cứu giúp những người cần, chẳng phải nói bỏ tiền làm chùa mới có công đức. Bố thí phải ba luân thể không, mới gọi là thật bố thí. Ba luân thể không tức là:
- Chẳng có người thí.
- Chẳng có vật thí.
- Chẳng có người nhận.

Tóm lại, bố thí chẳng phải vì danh lợi, chẳng có xí đồ, mới có công đức. Chư Phật Bồ Tát bố thí thì ngoài xả bỏ đất nước vợ con, trong thì xả bỏ đầu não tủy mắt, bố thí hết thảy. Tuy bố thí mà chẳng có tướng bố thí, hành sở vô sự. Ðây là bố thí căn bản, cũng là biểu hiện khó làm mà làm được, khó xả mà xả được. Do đó, có câu :

‘’Hữu tâm vi thiện, tuy thiện bất thường
Vô tâm vi ác, tuy ác bất phạt‘’.

Nghĩa là :

‘’Làm thiện muốn người thấy,
Chẳng phải là chân thiện.
Làm ác sợ người biết,
Thật là đại ác‘’.

‘’Làm thiện chẳng mong đền đáp,
Tự nhiên mộng ẩn thần thanh‘’.

Ðây là những câu khắc vào đá của người tu hành. Ðức Phật xả bỏ vinh hoa phú quý, vợ đẹp con xinh, vào núi tuyết tu khổ hạnh sáu năm, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, cuối cùng chứng quả thành Phật. Hành vi như thế mới là đại Trượng Phu, đại anh hùng, đại hào kiệt ! Ðây là hành vi hơn người, thành tựu đạo nghiệp, trở thành giáo chủ của Phật giáo.
Bồ Tát hành Bồ Tát đạo, tất cả đều xem là không, là giả, cho nên mới bố thí cho người. Có người cần cái đầu, thì có thể cắt xuống; có người cần con mắt, thì có thể móc ra.
B. Pháp thí : Tức là giảng Kinh thuyết pháp. Do đó:

‘’Trong các sự cúng dường.
Cúng dường pháp là hơn hết‘’.

Nếu có người muốn minh bạch Phật pháp, muốn tu hành Phật pháp, thì hãy đem hết sự hiểu biết của mình để chỉ dẫn họ, trợ giúp họ, khiến cho họ y pháp tu hành, cho đến thành Phật. Người nầy thành Phật là bạn trợ giúp họ thành Phật. Bạn trợ giúp người khác thành Phật, thì người khác cũng sẽ trợ giúp bạn thành Phật.
Ðây là tự lợi lợi tha, nhưng đừng có tâm niệm như thế, phải phát đại bồ đề tâm, nguyện người người thành Phật.

Tôi ở nước Mỹ đã từng nói : ‘’Tôi đào tạo Phật sống, Bồ Tát sống, Tổ Sư sống. Ai muốn làm Phật sống, Bồ Tát sống, Tổ Sư sống ? Thì mời đến công xưởng của tôi (chùa Kim Sơn). Chẳng màn quá khứ như thế nào ? Ðến chùa Kim Sơn, đừng sợ khổ, đừng sợ gian nan. Chỉ cần cước đạp thật địa, chân thật tu hành, thì nhất định sẽ thành tựu. Ở trong lò đúc lớn, trải qua một phen rèn luyện, thử nhìn xem cứu kính là vật liệu gì, thì tạo thành Phật, Bồ Tát, Tổ Sư đó‘’.
C. Vô úy thí : Tức là bố thí vô sở úy. Có người phát sinh sợ hãi, như lầm vào vực sâu núi thẳm, như đi trên băng mỏng, trên dưới chẳng yên, cần thiện tri thức để an ủi họ, khuyên họ một lòng một dạ niệm ‘’Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát‘’, như vậy sẽ khiến cho tinh thần tập trung, một lòng mong cầu Bồ Tát bảo hộ, thì chẳng bị cảnh giới sợ hãi làm lay chuyển. Hoặc giảng cho họ nghe nhân quả của Phật giáo, nói về công lý xã hội. Hoặc dạy cho họ ngồi thiền tĩnh tọa, an định tâm của họ, như thế thì họ chẳng có sợ hãi nữa.
2. Bồ Tát làm thế nào để được viên mãn giới Ba la mật ? Lúc Ðức Phật sắp vào Niết Bàn thì Tôn giả A Nan hỏi Ðức Phật bốn câu hỏi. Trong đó có một câu : ‘’Khi Phật còn ở đời, chúng con nương Phật làm thầy. Sau khi Phật vào Niết Bàn rồi, chúng con nương ai làm thầy‘’? Phật nói : ‘’Hãy lấy giới làm thầy‘’. Cho nên người xuất gia phải thọ giới, phải giữ giới. Giới là ngừa ác phòng quấy, do đó ‘’Ác không ngừng thì thiện không sinh‘’. Tức cũng là đừng làm các điều ác, siêng làm các điều thiện. Pháp môn giữ giới là quan trọng nhất, bất cứ người nào không thể không giữ giới luật. Trừ khi đến được cảnh giới không nghĩ thiện, không nghĩ ác, thì miễn luận bàn. Nên nhớ! Phạm giới thì nhật định đọa địa ngục.
Ở trong Lục Tổ Ðàn Kinh có nói : ‘’Thiền Sư Huệ Minh thỉnh pháp Lục Tổ Ðại Sư. Lục Tổ nói : Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính lúc đó bản lai diện mục của thượng tọa như thế nào ? Ông biết chăng‘’ ! Huệ Minh Ðại Sư nghe rồi liền khai ngộ.
3. Bồ Tát làm thế nào để được viên mãn nhẫn nhục Ba la mật ? Người tu hành phải học nhẫn nhục. Nhẫn khổ, nhẫn vui, nhẫn gió, nhẫn mưa, nhẫn nóng, nhẫn lạnh, tất cả phải nhẫn chịu; không nhẫn được cũng phải nhẫn. Tôi thường nói :

‘’Nhẫn là báu vô giá
Người người xử không tốt.
Nếu hay dùng được nó
Mọi việc đều tốt đẹp‘’.

Câu nầy tuy nông cạn nhưng ý nghĩa rất thâm sâu. Chúng ta đối với pháp cũng phải nhẫn, nghiên cứu Phật pháp, phải có tâm nhẫn nại. Phật pháp thâm sâu như biển cả. Do đó:

‘’Thiên hạ chẳng việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền‘’.

Nếu chuyên tâm nghiên cứu, thì sẽ thâm nhập Kinh tạng, trí huệ như biển, đây là sự thuyết minh tốt nhất.
Nhẫn có nhiều thứ, một số nói, có sinh nhẫn, pháp nhẫn, vô sinh pháp nhẫn, ba thứ. Thọ nhẫn những gì họ khi nhục là sinh nhẫn. Chịu đựng cảnh thiên nhiên là pháp nhẫn. Bồ Tát mới tu đến vô sinh pháp nhẫn, tứ là đoạn, thường, hai kiến chẳng còn; ngã, pháp, hai chấp chẳng sinh. Không thấy chút pháp sinh, không thấy chút pháp diệt, là vô sinh pháp nhẫn.
Trong Kinh Kim Cang có nói : Thuở xưa lúc Ðức Phật làm Nhẫn Nhục Tiên Nhơn, bị vua Ca Lợi chặt thân thể mà chẳng sinh tâm sân hận. Phật là người quá khứ để lại cho chúng ta pháp môn nhẫn nhục vô thượng, chúng ta nên y pháp tu hành. Nhẫn nhục là pháp môn diệu nhất. Ðừng cảm thấy còn khổ hơn là huỳnh liên, phải cảm thấy ngọt hơn là cam lồ, như thế mới có sự thọ dụng. có câu người ta nói :

‘’Một câu nhịn chín câu lành‘’.

Hoặc :

‘’Nhẫn một thời, trăm ngày yên‘’.

Ðây là những kinh nghiệm. Chúng ta hay cung hành thực tiễn, tu chữ nhẫn thì sẽ thành tựu lớn. Trong Kinh Kim Cang có nói :

‘’Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng huyễn bọt bóng
Như sương cũng như điện
Hãy nên quán như thế‘’.

Tất cả pháp tức là tất cả sự việc, tức cũng là tất cả cảnh giới. Mỗi ngày thường gặp, đều gọi là tất cả pháp. Lúc đó đối diện với hiện thực, thì sẽ nhận thức sự thật. Cần người để biện việc, chứ không cần việc để biện người. Nhìn xuyên thủng, buông xả được, thì đắc được tự tại. Tôi có một câu diệu pháp, xử dụng ở nước Mỹ, tức là : ‘’Tất cả đều OK‘’, (Everything Is OK) thế nào cũng được, gì cũng đều chẳng có vấn đề, đây tức là nhẫn. Tất cả mọi sự việc trong trời đất đều như mộng, như huyễn, như bọt nước, như hình bóng, như sương, như điện. Nên quán tưởng như thế, thì chẳng còn chấp trước nữa.
Tại sao hay khởi phiền não ? Tức là vì ngu si. Nếu có trí huệ, thì tuyệt đối chẳng khởi phiền não. Phiền não từ trong vô minh, làm thế nào mới không có vô minh ? Thì phải tu giới định huệ, có trí huệ quang minh rồi, thì chiếu phá vô minh đen tối.
Phiền não tức bồ đề, chuyển phiền não qua, tức là bồ đề. Hay dùng được tức là bồ đề, chẳng dùng được tức là phiền não. Ðừng có riêng ngoài phiền não đi tìm bồ đề, bồ đề tức là phiền não. Có người chủ trương đoạn phiền não, tôi chủ trương chẳng cần đoạn phiền não. Tại sao ? Vì phiền não tức bồ đề. Nếu đoạn phiền não thì chẳng phải là đoạn bồ đề chăng ? Ðoạn cái gì ? Có gì để đoạn ? Vốn chẳng cần hướng bên ngoài truy cầu, hồi đầu là bờ. Chỉ cần giác, tức là bồ đề. Nếu mê tức là phiền não.
Phiền não bao quát bồ đề. Bồ đề chẳng biết dùng tức phiền não. Biết dùng phiền não tức bồ đề, dễ như trở bàn tay, đừng có đầu lại thêm đầu, lìa khỏi phiền não đi tìm bồ đề, đó là sai. Phải biết phát bồ đề tâm cũng là người nầy, sinh phiền não cũng là người nầy; thành Phật cũng là người nầy, làm quỷ cũng là người nầy, chứ chẳng phải riêng ngoài đi tìm người. Do đó :

‘’Nếu ai muốn biết rõ
Tất cả Phật ba đời
Hãy quán tánh pháp giới
Tất cả duy tâm tạo‘’.

Nếu như có người muốn minh bạch hết thảy tất cả chư Phật ba đời, thì hãy quán sát tình hình pháp giới, hết thảy tất cả sự vật, đều do tâm của mình tạo ra.
Tâm mình có thể thành Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn. Tâm mình cũng có thể làm người trời, làm người đời, A Tu La, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Chúng sinh mười pháp giới nầy đều do tâm tạo ra. Có người nói : ‘’Tôi chẳng tin có quỷ‘’, vậy bạn tin có Phật chăng ? Họ nói: ‘’Ðương nhiên là tin có Phật‘’. Nói cho bạn hay, Phật là do quỷ tu mà thành. Cho nên nói tâm mình có thể làm Phật, lại có thể làm quỷ. Cho nên nói: ‘’Tất cả do tâm tạo‘’.
Tại sao Phật phải nói pháp? Vì muốn độ tất cả chúng sinh. Do đó:

‘’Phật nói tất cả pháp
Vì độ tất cả chúng sinh
Nếu chẳng có tất cả chúng sinh
Chẳng dùng tất cả pháp. ’’

Cổ đức có nói : ‘’Vô tâm tức là đạo‘’. Cảnh giới chân chánh vô tâm, là:

‘’Trong quán tâm, tâm chẳng có
Ngoài quán hình, hình chẳng có
Xa quán vật, vật chẳng có.

Cả ba đều không, chỉ thấy không; quán không cũng không, không chẳng chỗ không. Lúc đó hoàn toàn vắng lặng (nhập định), dục niệm có sinh chăng ? Dục niệm chẳng sinh, tức là thật vắng lặng. Ðây bất quá là một cảnh giới nhỏ trong quá trình tu hành mà thôi. Dần dần mới có thể đắc được cảnh giới nhĩ căn viên thông, sáu căn dụng với nhau, tức là sáu căn mỗi căn đều có sáu thứ tác dụng.
Nhẫn nhục được thì trợ giúp cho tinh tấn, thiền định, trí huệ. Trong Kinh Pháp Hoa có nói : Bồ Tát Thường Bất Khinh thấy người thì lễ lạy, miệng còn nói : Tôi không dám khinh các vị, các vị đều sẽ thành Phật. Tuy nhiên lễ lạy người, song, Tỳ Kheo tăng thượng mạn đánh Ngài, mắng Ngài, Ngài cũng chẳng thay đổi. Ở nơi xa xa đảnh lễ họ, còn nói : Tôi chẳng dám khinh các vị, các vị đều sẽ thành Phật. Tỳ Kheo tăng thượng mạn muốn đánh Ngài thì Ngài đứng dậy chạy‘’. Chúng ta tu hành pháp môn nhẫn nhục, thì phải học Ðức Phật bị chặt thân thể, mà chẳng sinh tâm sân hận. Bồ Tát Thường Bất Khinh bị đánh, bị mắng, cũng chẳng sinh tâm sân hận, đó đều là mô phạm tốt nhất.
4. Bồ Tát làm thế nào để được viên mãn tinh tấn Ba la mật ? Tinh tấn tức là chẳng giải đãi. Có người biết tinh tấn là tốt mà vẫn giải đãi. Biết thời gian quý báu nhưng chẳng thương tiếc, đây là biết rõ mà cố phạm. Người xưa nói :

‘’Một tấc thời gian một tấc vàng,
Tấc vàng khó mua tấc thời gian‘’.

Lại nói :

‘’Mất đi tấc vàng dễ được lại
Thời gian qua rồi khó tìm lại‘’.

Ðây là những lời nói khuyên chúng ta khắc phục sự giải đãi. Lại nói :

’’Một tấc thời gian, một mạng sống‘’.

Ðể một tấc thời gian trôi qua lãng phí, thì giảm đi một tấc mạng sống. Thơ xưa có nói :

‘’Ðừng đợi đến già mới học đạo
Mồ hoang đầy dẫy bọn trẻ măng‘’.

Ðừng đợi đến già mới học Phật, các bạn hãy nhìn xem những người ở ngoài nghĩa địa đều là những trẻ con. Ðời người vô thường, chẳng biết lúc nào thì sẽ kết thúc mạng sống, cho nên phải kịp thời học Phật. Hôm nay biết Phật pháp, thì hôm nay học Phật Pháp, không thể đợi đến ngày mai. Ngày mai ! Ngày mai ! Vĩnh viễn có ngày mai. Ðợi đến lúc chết thì cũng không thể học Phật pháp, thật đáng thương xót !
Tinh tấn phải thân tinh tấn, tâm tinh tấn, ngày đêm sáu thời thường tinh tấn. Ðức Phật trong quá khứ đứng ở trước Phật bảy ngày bảy đêm, mắt chẳng tạm rời, chiêm ngưỡng Phật, đó mới là chân tinh tấn. Bồ Tát Dược Vương đốt cánh tay để cúng dường Phật, biểu thị sự thành tâm, đó mới là chân tinh tấn. Chư Phật Bồ Tát quá khứ vì cầu đạo nghiệp mà bố thí tánh mạng, đó là biểu hiện sự tinh tấn. Ai ai cũng có tánh lười biếng, cho nên phải dùng tinh tấn để khắc phục, dũng mãnh hướng về trước, không thể thối lùi về sau. Học Phật pháp như thuyền đi ngược dòng, chẳng tiến thì lùi. Trước kia quy cụ trong tùng lâm là: ‘’Ðông tham hạ học‘’. Nghĩa là: ‘’Mùa đông tham thiền, mùa hè thì học‘’. Vì mùa đông trời lạnh, cho nên phải ngồi thiền, vì quá lạnh nên không thể ngủ nhiều. Vì hè trời nóng, cho nên phải giảng Kinh thuyết pháp. Chùa Kim Sơn ở nước Mỹ, bất cứ xuân hạ thu đông bốn mùa đều phải tinh tấn, chẳng có nghỉ ngơi.
5. Bồ Tát làm thế nào để được viên mãn thiền na Ba la mật ? Thiền na dịch là tư duy tu, lại dịch là tĩnh lự. Do đó có câu :

‘’Vọng tưởng không sinh là thiền
Ngồi thấy bản tánh là định‘’.

Ngồi thiền là đuổi vọng tưởng đi, ngồi lâu dần thì mới có thiền. Cổ đức nói : ‘’Ngồi lâu có thiền ! Ngồi thiền chẳng sợ lưng ê, chẳng sợ chân đau, bất cứ đau như thế nào cũng phải nhẫn; đập phá cửa ải đau, thì chẳng còn đau nữa.
Ngồi thiền sẽ có đủ thứ cảnh giới đến nhiễu loạn, nhưng đừng sợ cảnh giới, phải hàng phục cảnh giới. Ví như đang ngồi thiền, thì có con cọp muốn ăn thịt người sống, làm cho bạn hồn bay phách tán lên chín tầng mây, đứng dậy chạy. Kết quả chẳng biết con cọp đi về đâu. Tất cả do tâm tạo, tâm định thì tự nhiên chẳng có cảnh giới. Cọp đến cũng đừng chạy. Nó sẽ không ăn bạn. Tại sao ? Vì cảnh giới này là khảo nghiệm định lực của bạn có đủ hay chăng. Ðến thử nghiệm công phu tham thiền của bạn đến trình độ nào ? Tóm lại, bất cứ cảnh giới gì, tốt cũng mặc kệ, xấu cũng mặc kệ, đừng động tâm thì tất cả ma chướng sẽ biến mất, sẽ hàng phục được tất cả trận ma.
Phương pháp ngồi thiền, nay lược nói sơ qua. Kỳ thật ngồi thiền chẳng có diệu pháp gì, tức là ngồi ngay ngắn, ngồi kiết già. Tư thế nầy chẳng dễ gì hôn trầm, trạo cử, còn có thể hàng ma, cho nên gọi là tư thế ngồi kim cang. Vì kiên cố cho nên chẳng dễ gì nghiêng ngã. Lúc ngồi thì mắt quán mũi, mũi quán miệng, miệng quán tâm. Lúc nầy lưỡi uống lên phía trên, có nước dãi thì nuốt vào, sẽ rất bổ ích cho cơ thể. Tại sao phải dùng phương pháp nầy ? Vì có thể điều hơi điều máu. Khí huyết điều hòa thì trăm bệnh chẳng sinh.
Công năng ngồi thiền có thể giảm bớt thời gian ngủ, ngủ bình thường cần tám tiếng, ngồi thiền chỉ cần bốn tiếng là đủ, mà tinh lực sung mãn, tinh thần sản khoái. Ngồi thiền có sự lợi ích không thể nghĩ bàn, cho nên tại xứ Mỹ tôi cực lực đề xướng pháp môn nầy.
Tổ thứ mười ở Ấn Ðộ tôn giả Hiếp, Ngài một đời lưng chẳng đụng chiếu, tức cũng là ngủ ngồi chứ không nằm. Lịch đại Tổ Sư đều ngủ ngồi, cho nên có đại thành tựu. Ngủ ngồi lâu dần sẽ thành tập quán, chẳng còn cảm thấy khổ sở nữa, ngược lại cảm thấy sản khoái. Do đó : ‘’Tập quán thành tự nhiên‘’. Nếu như tâm chẳng thường hằng, một ngày nóng, mười ngày lạnh, thì đương nhiên chẳng có sự thành tựu. Phải có tâm nhẫn nại, mới có sự thành tựu.
6. Bồ Tát làm thế nào để viên mãn Bát Nhã Ba la mật ? Bát Nhã dịch là trí huệ. Tại sao chẳng dịch ra ? vì có năm quy định chẳng dịch :
A. Tôn trọng không dịch: Như Bát Nhã, Bồ Ðề v.v…
B. Ða hàm không dịch: Như Bát Nhã, Tỳ Kheo v.v...
C. Thuận cổ không dịch : Như A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề .v.v...
D. Bí Mật không dịch : Như Chú ngữ.
E. Thử phương vô không dịch : Như Cây Diêm Phù Ðề, quả Am ma la .v.v...
Bát Nhã có ba nghĩa :
a. Bát Nhã văn tự : Tức là văn tự Kinh điển. Dùng văn tự để nói rõ đạo lý quán chiếu và thực tướng.
b. Quán chiếu Bát Nhã : Có văn tự Kinh điển rồi, phải quán sát phải chiếu rõ, mới thấu hiểu chân thật nghĩa.
c. Thật tướng Bát Nhã : Thấu hiểu chân lý rồi mới biết các pháp thật tướng, tức cũng là vô tướng, vô tướng vô sở bất tướng. Tóm lại, vì có văn tự nên khởi quán chiếu, có quán chiếu rồi mới chứng nhập thật tướng. Cho nên nói văn tự là công cụ, quán chiếu là thủ đoạn, thật tướng là mục đích. Cả ba hợp lại làm một thể.
Có bộ Kinh Ðại Bát Nhã, có sáu trăm quyển. Bộ Kinh nầy do Ðại Sư Ðường Huyền Trang mang từ Ấn Ðộ về. Ðại sư Huyền Trang vào lúc 59 tuổi thì bắt đầu phiên dịch bộ Kinh nầy, trải qua bốn năm mới dịch xong. Vào ngày 5 tháng 2 vào lúc nửa đêm Ðại Sư viên tịch thọ 63 tuổi, bộ Kinh nầy là bộ Kinh Ngài dịch cuối cùng. Ngài dịch khoảng 74 bộ, tổng cộng có 1335 quyển, trở thành một trong bốn nhà dịch Kinh lớn của Trung Quốc.
7. Bồ Tát làm thế nào để được viên mãn từ ? Từ là ban vui cho tất cả chúng sinh. Vì chúng sinh mà mưu phước lợi, tức là vô duyên đại từ. Chúng sinh chẳng có duyên cũng ban vui cho họ.
8. Bồ Tát làm thế nào để viên mãn bi ? Là cứu những thống khổ của chúng sinh. Phải vì chúng sinh giải quyết khó khăn, tức là đồng thể đại bi, chẳng có kẻ oán người thân, xem như nhau. Phải có tư tưởng đồng cam cộng khổ với chúng sinh.
9. Bồ Tát làm thế nào để được viên mãn hỉ ? Thấy chúng sinh có được may mắn và vui vẻ thì sinh tâm hoan hỉ, chẳng có vui tai mừng họa, cũng chẳng có tâm đố kị, chỉ có tâm vui vẻ, đó mới là hành vi của Bồ Tát.
10. Bồ Tát làm thế nào để được viên mãn xả ? Xả bỏ từ, bi, hỉ, ba tâm, chẳng có tâm oán thân bình đẳng, cũng chẳng có tình cảm thương ghét. Tất cả đều chẳng chấp trước tướng, chẳng có tư tưởng xí đồ, do đó : ‘’Thi ân bất cầu báo‘’. Ðây đều là biểu hiện của xả.

Hòa Thượng Tuyên Hóa (Tổ Sư Giác Ngộ Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông)