Bấy giờ, đại Bồ Tát Pháp Giới Phổ Âm, nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp tất cả đại chúng hải hội trong đạo tràng, rồi nói bài kệ rằng.

Lúc đó, vị đại Bồ Tát Pháp Giới Phổ Âm, nương đại oai thần lực của Phật, quán sát khắp tất cả đại chúng hải hội trong đạo tràng, rồi dùng mười một bài kệ để giải thích nói đạo lý ở trước chưa nói hết.
Bài kệ thứ nhất trong mười một bài kệ là tổng, đại khái tổng lại nói ý nghĩa mười Ba la mật, còn mười bài kệ sau là biệt, phân biệt để nói. Phải nhận chân tu mười Ba la mật này, thì mới đến được bờ kia. Mười Ba la mật tức cũng là mười độ :

1). Bố thí độ.
2). Trì giới độ.
3). Nhẫn nhục độ.
4). Tinh tấn độ.
5). Thiền định độ.
6). Bát nhã độ.
7). Phương tiện độ.
8). Nguyện độ.
9). Lực độ.
10). Trí độ.


Ðộ tức là độ bạn đến cứu kính Niết Bàn, tức cũng là chiếc thuyền, chiếc thuyền qua khỏi biển khổ sinh tử. Ðây là mười chiếc thuyền, đều có thể đến bờ kia.

Thần lực của Phật khắp mười phương
Thị hiện rộng lớn chẳng phân biệt
Hạnh đại bồ đề Ba la mật
Thuở xưa đầy đủ đều khiến hiện.

‘’Thần lực của Phật khắp mười phương.’’ Ðại oai đức, đại thần thông, đại lực của Phật, đầy khắp mười phương, tận hư không khắp pháp giới.
‘’Thị hiện rộng lớn chẳng phân biệt.’’ Oai thần lực của Phật rộng lớn bình đẳng, thị hiện đến khắp các nơi, chẳng có phân biệt cao thấp.
‘’Hạnh đại bồ đề Ba la mật.’’ Phật tu hạnh môn đại bồ đề, cũng phát đại tâm giác ngộ, tu đại Ba la mật. Khó hành mà hành được, khó nhẫn mà nhẫn được, tất cả pháp môn đến bờ kia, đều dũng mãnh tinh tấn tu hành.
‘’Thuở xưa đầy đủ đều khiến thấy.’’ Thuở xưa Phật tu mười độ vạn hạnh đều viên mãn đầy đủ, khiến cho đại chúng trong pháp hội đều thấy được cảnh giới này.

Xưa khởi đại bi với chúng sinh
Tu hành bố thí Ba la mật
Nhờ đó thân Phật thù diệu nhất
Đều khiến người thấy sinh hoan hỷ.

Bốn câu kệ này, là nói về bố thí Ba la mật. Ba la mật dịch là "đến bờ kia". Phàm là việc gì làm xong, hoặc là thành công, đều gọi là đến bờ kia, đây là từ ngữ thời xưa của Ấn Ðộ.
Tại sao phải bố thí ? Vì chúng sinh có sáu thứ che đậy, che đậy đường bồ đề của chính mình.

1). Keo kiệt che đậy : Tức là xả bỏ chẳng đặng, dù một đồng cũng chẳng bố thí cho người, do đó có câu : ‘’Xả tiền như lóc thịt.’’ Bất cứ việc gì cũng tính toán kỹ lưỡng, việc đối với mình có lợi thì làm; còn nếu việc mình chẳng có lợi, thì chẳng bao giờ làm, tính toán rất kỹ càng, đây là tư tưởng keo kiệt.
Thuở xưa, có một người rất tham lam keo kiệt, bạn của ông ta mời dự sinh nhật, thì phải mang quà đến biếu, ông ta nghĩ, bất cứ mang thứ gì đến tặng cũng phải chi tiền ra mua, thật là uổng tiền lại chẳng kỷ niệm giá trị gì. Chi bằng vẽ một cái bánh thật lớn lên giấy, vừa chẳng tốn tiền vừa làm kỷ niệm. Do đó, ông ta bèn vẽ một cái bánh mừng sinh nhật, mang đến nhà bạn chúc mừng. Thấy bạn bè thì chúc mừng nói : ‘’Chúc mừng ! Chúc mừng ! Chúc bạn sinh nhật vui vẻ, vạn thọ vô cương ! Tôi chẳng có lễ vật đặc biệt để tặng, chỉ mang đến cái bánh này làm lễ chúc mừng.’’
Người bạn của ông ta còn keo kiệt hơn, thấy bánh mừng sinh nhật vẽ trên giấy, bèn nói với ông ta rằng : ‘’Khi nào đến ngày sinh nhật của anh, thì tôi mang đến cái bánh lớn như vầy (ông ta dùng tay vẽ một cái vòng tròn lớn ở trong hư không), đến mừng sinh nhật của anh và làm quà kỷ niệm.’’ Người này cho đến một trang giấy cũng xả bỏ chẳng đặng, một đồng cũng chẳng tốn, đây là chuyện tiếu về keo kiệt.
2). Phạm giới che đậy : Người tin Phật thọ giới rồi, mà chẳng giữ gìn giới báu kim cang, luôn luôn sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, phạm năm giới căn bản này.
3). Sân hận che đậy : Bất cứ gặp việc gì vô duyên vô cớ nổi nóng, lửa vô minh cao ba trượng mà mình vẫn không biết.
4). Giải đãi che đậy : Cảm thấy làm gì cũng chẳng có ý nghĩa, chi bằng ngủ là sung sướng nhất, đó là biểu hiện sự giải đãi.
5). Tán loạn che đậy : Suốt ngày từ sáng đến tối khởi vọng tưởng, tinh thần chẳng tập trung, tâm chẳng tu hành. Một khi giải đãi thì tán loạn, tán loạn thì chẳng có trí huệ, chẳng có trí huệ thì chẳng được giải thoát.
6). Ác huệ che đậy : Trí huệ cũng có phân ra thiện và ác. Dùng chỗ chánh đáng là thiện trí huệ, dùng chỗ chẳng chánh đáng là ác trí huệ, giống như thiếu niên bất lương, chúng là ác trí huệ, làm việc gì cũng thông minh, song ngược lại bị thông minh lừa.
Có thứ che đậy này, thì không thể hành bố thí. Họ nghĩ rằng : ‘’Tại sao tôi phải bố thí cho bạn ? Sao bạn không bố thí cho tôi‘’ ? Giống như người xuất gia chẳng nghĩ bố thí cho người khác, chuyên nghĩ người khác bố thí cho mình. Suốt ngày đến tối chỉ chú ý về cư sĩ, rằng vị cư sĩ này có bao nhiêu tiền ? Vị kia có bao nhiêu tiền ? Tính toán rất là rõ ràng, cứ khởi những vọng tưởng này.
‘’Xưa khởi đại bi với chúng sinh.’’ Thuở xưa khi Phật tu hành tại nhân địa, thì khởi tâm đại bi đối với chúng sinh, bi hay cứu khổ, chúng sinh có khổ thì bố thí niềm vui, khiến cho chúng sinh lìa khổ được vui.
‘’Tu hành bố thí Ba la mật.’’ Phật tu pháp môn bố thí, phát tâm cứu khổ chúng sinh, khiến cho chúng sinh đắc được chân chính khoái lạc.
Tu bố thí phải liên tục không gián đoạn, bất cứ bố thí nhiều hoặc bố thí ít, đều phải bố thí, phải có tư tưởng "tam luân thể không" (bố thí ba không) :
1). Không thấy người bố thí.
2). Không thấy vật bố thí.
3). Không thấy gười nhận.

Ba thứ này phải không, tức là chẳng chấp trước. Nếu chấp trước thì chẳng có công đức, đó là bố thí cầu danh cầu lợi, có sở xí đồ.

Bố thí có ba thứ :
1). Tài thí : Tài thí gồm có hai thứ : Nội tài và ngoại tài. Nội tài là đầu mắt tủy não; ngoại tài là đất nước vợ con. Ngoại tài dễ bố thí, có thể đem đất nước thành thị bố thí cho người, và có thể đem vợ con đều bố thí cho người. Song, nội tài chẳng dễ gì bố thí, song người hành Bồ Tát đạo, vì có tâm từ bi hỷ xả bốn tâm vô lượng, thì xả được bố thí.
2). Pháp thí : Tức là giảng kinh thuyết pháp, đây là dùng pháp cúng dường, do đó có câu :

‘’Trong các sự bố thí,
Cúng dường pháp là hơn hết’’.

Do đó, pháp thù thắng hơn tài thí. Tài thí là bố thí có hình tướng, pháp thí là bố thí vô hình. Nếu có người chẳng có tiền của, hoặc pháp để bố thí, thì có thể bố thí sức lực, đem thân hiến cho Phật, vì Phật giáo mà làm việc, chỉ cần kiền thành chẳng có sở cầu, hoặc quét đất, hoặc lau chùi nhà cầu cho sạch sẽ, cũng có công đức. Trang nghiêm đạo tràng, làm đẹp hoàn cảnh cũng là bố thí, bố thí sức lực.
3). Vô úy thí : Khiến cho người chẳng sinh tâm sợ hãi, luôn luôn cảm giác rất bình an. Giống như có người gặp tai nạn, phải dùng lời lẽ an ủi họ, phải dùng hành động để trợ giúp, khiến cho kẻ gặp nạn được an toàn, đây là tinh thần từ bi đại vô úy của Phật giáo.
‘’Nhờ đó thân Phật thù diệu nhất.’’ Vì Phật tu hành bố thí Ba la mật, cho nên thân Phật tướng tốt trang nghiêm, có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp, có tướng thân vi diệu thù thắng như thế.

Khi Phật tu hành bố thí, thì bất cứ vật gì, cũng bố thí cho chúng sinh, chúng sinh cần gì, thì bố thí cho chúng sinh thứ đó, thậm chí thân tâm tính mạng của mình, cũng đều có thể bố thí. Tinh thần từ bi hỷ xả như thế, thật là vĩ đại ! Chẳng như chúng ta người ngu si, cho rằng bố thí là thiệt thòi. Tại sao phải đem tiền của mình ra bố thí cho kẻ khác ? Không nên có tư tưởng như thế, phải biết bố thí có vô lượng công đức, do đó có câu :

‘’Thiệt thòi là chiếm tiện nghi.’’

Sáng thì thiệt thòi, tối thì tiện nghi. Cảnh giới này chỉ có người bố thí mới thể hội được chân lý của nó.
‘’Ðều khiến người thấy sinh hoan hỷ.’’ Hay khiến cho hết thảy chúng sinh thấy được Phật, đều sinh tâm đại hoan hỷ ! Vì khi Phật tu hành tại nhân địa rộng kết duyên lành, cho nên ai ai thấy Phật cũng đều hoan hỷ, cung kính cúng dường, luyến ái chẳng xả bỏ.

Xưa trong vô biên biển đại kiếp
Tu trì tịnh giới Ba la mật
Nên chứng tịnh thân khắp mười phương
Diệt các khổ nặng của thế gian.

Bốn câu kệ này, nói về trì giới Ba la mật. Giới là gì ? Tức là không làm các điều ác, phòng ngừa việc quấy, tức cũng là:

‘’Không làm các điều ác,
Làm các điều lành.’’

Ðừng làm các điều ác, tức là thân khẩu ý ba nghiệp thanh tịnh. Thân chẳng phạm: Giết hại, trộm cắp, tà dâm, ba điều ác; miệng thì không phạm: Nói dối, nói thêu dệt, chửi mắng, hai lưỡi; ý thì không tham, sân, si, ba điều ác. Không phạm mười điều ác này, thì ba nghiệp mới thanh tịnh. Làm các điều lành, tức là làm việc có lợi ích cho chúng sinh, tức cũng là siêng tu giới định huệ.

Vua Ðường Tuyên Tôn (từng xuất gia làm Sa di) hỏi thiền sư Tiến Phước Biện rằng: ‘’Thế nào là giới định huệ‘’?
- Thiền sư đáp : ‘’Ngừa điều quấy không làm các điều ác là giới. Sáu căn tiếp súc với sáu cảnh mà không tùy theo duyên là định. Tâm cảnh đều không, chiếu soi là huệ.’’ Ðây là nói rõ về giới định huệ.

Giới luật là phòng ngừa phạm tội, giới luật của Phật giáo và pháp luật của thế gian chẳng giống nhau. Pháp luật của thế gian, là trừng phạt người đã phạm tội, mà chẳng phòng ngừa phạm lỗi công hiệu. Có giới tức không làm các điều ác, có sự giữ gìn tức làm các điều lành, cho nên Phật pháp trợ giúp cho pháp luật, khiến cho người hiểu thấu được đạo lý nhân quả báo ứng, mà chẳng tạo nghiệp ác trái với lương tâm. Tóm lại, siêng tu giới định huệ, tức là làm các điều lành; diệt trừ tham sân si, tức là đừng làm các điều ác.
Vào đời Ðường ông Thái thú Bạch Cư Dị hỏi vị Thiền sư Ô Sào rằng : ‘’Phật pháp là gì‘’?
- Thiền sư nói :

‘’Ðừng làm các điều ác,
Hãy làm các điều lành.’’

- Ông Bạch Cư Dị nói : ‘’Ðạo lý này, con nít ba tuổi đều biết.’’
- Thiền sư nói : ‘’Tuy con nít ba tuổi đều biết, song ông già tám mươi làm chưa xong.’’
Thật là như vậy, cho nên Phật giáo chú trọng về hiểu và làm phải tương ưng, biết mà không làm cũng như không biết.
‘’Xưa trong vô biên biển đại kiếp.’’ Thuở xưa, Phật trải qua đại kiếp số nhiều vô lượng vô biên như biển cả, cho nên gọi là biển đại kiếp.
‘’Tu trì tịnh giới Ba la mật.’’ Tu hành giới báu kim cang quang minh rất thanh tịnh. Giới có năm giới, tức là chẳng giết hại, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm, chẳng nói dối, chẳng uống rượu. Lại có tám giới, tức cũng là Bát quan trai giới. Hai thứ giới này là giới người tại gia thọ trì. Lại có mười giới, đây là giới của Sa Di và Sa Di Ni thọ trì. Tỳ Kheo có hai trăm năm mươi giới, Tỳ Kheo Ni có ba trăm bốn mươi tám giới, đây là giới của người xuất gia thọ trì. Còn có giới Bồ Tát, mười giới trọng bốn mươi tám giới khinh, đây là giới của người tại gia và xuất gia đều có thể thọ trì. Ðủ thứ giới tướng, đều phải thân tâm thọ trì tịnh giới Ba la mật này, thì mới đạt đến Niết Bàn thanh tịnh bờ bên kia.
‘’Nên chứng tịnh thân khắp mười phương.’’ Vì Phật tu hành tất cả giới luật, tu hành đủ thứ pháp lành, giáo hóa tất cả chúng sinh, cho nên chứng được pháp thân thanh tịnh, mới đầy khắp mười phương pháp giới.
‘’Diệt các khổ nặng của thế gian.’’ Phật bình đẳng tiệu diệt hết thảy khổ nặng của thế gian, khiến tất cả chúng sinh thế gian đều được an lạc.

Thuở xưa tu hành nhẫn thanh tịnh
Tin hiểu chân thật chẳng phân biệt
Cho nên sắc tướng đều viên mãn
Khắp phóng quang minh chiếu mười phương.

Bốn câu kệ này, nói về nhẫn nhục Ba la mật, tức là bị người nhiễu loạn khinh khi, phải nhẫn thọ chẳng phát tác. Nhẫn những việc mà người khác nhẫn không được, không nhẫn được cũng phải nhẫn, đây là hạnh môn quan trọng nhất của người tu hành. Muốn minh bạch Phật pháp, thì không thể quên pháp nhẫn nhục. Có người mắng bạn, bạn phải nhẫn, có người đánh bạn, bạn cũng phải nhẫn, thậm chí có người giết bạn, bạn càng phải nhẫn thọ, không sinh tâm sợ hãi, đây là sức nhẫn lớn nhất, người chẳng có công phu sâu dày thì làm chẳng được. Chẳng những thân phải nhẫn, mà tâm cũng phải nhẫn. Có người mắng bạn, chẳng những miệng không nói lại, mà tâm cũng chẳng sân hận. Có người đánh bạn, chẳng những không đánh lại, mà trong tâm cũng chẳng sinh tâm báo thù. Bạn nhẫn được như thế, thì có vô lượng công đức. Tôi thường nói :

‘’Nhẫn là báu vô giá
Mọi người xử không tốt
Nếu nhẫn chịu đựng được
Mọi sự đều tốt đẹp’’.

Ðây là nhẫn nhục Ba la mật, tức là báu vô giá, nếu mọi người đối xử không tốt, mà nhẫn chịu đựng được, thì bất cứ làm gì, chắc chắn đều thành công viên mãn.
Bồ Tát Di Lặc có nói :

‘’Lão Tăng mặc áo vá
Cơm hẩm no đầy bụng
Áo vá che rét lạnh
Vạn sự hãy tùy duyên.’’

Lão Tăng tôi chỉ mặc áo rách vá lại, tôi chỉ ăn cơm đạm bạc, chẳng có mùi vị gì, ăn no thì thôi. Áo vá của tôi mặc để che rét lạnh. Bất cứ việc gì đều phải tùy duyên, không chấp trước.
Lại nói :

‘’Có người mắng lão quê,
Lão quê chỉ nói tốt
Có người đánh lão quê,
Lão quê nằm lăn ra.’’

Nếu như có người đến mắng tôi, thì tôi nói tốt; nếu có người muốn đánh tôi, thì tôi nằm lăn ra, giống như ngủ chẳng biết gì.
Lại nói :

‘’Khạc nhổ vào mặt lão
Để nó tự khô lấy
Tôi cũng chẳng nhọc sức
Họ cũng chẳng phiền não.’’

Nếu có người nhổ nước bọt vào mặt tôi, thì tôi cũng chẳng lấy tay chùi, để nó khô tự nhiên, như thế thì tôi cũng chẳng nhọc sức, họ cũng chẳng có phiền não.
Lại nói :

‘’Ðó là Ba la mật,
Châu báu ở trong diệu
Nếu làm được như thế
Lo gì đạo chẳng thành.’’

Nhục Ba la mật là bảo bối ở trong diệu, nếu làm được những gì Ngài nói, lo gì đạo nghiệp chẳng thành tựu !

Các vị ! Ai tu được nhẫn nhục Ba la mật, thì người đó độ lượng rất lớn, các bạn thấy đó. Tại sao bụng của Bồ Tát Di Lặc lớn như thế ? Vì Ngài nhẫn được việc thiên hạ chẳng nhẫn được. Khoan hồng đại lượng, thì nhẫn thọ được tất cả mọi việc. Bụng của Bồ Tát Di Lặc dung nạp được tất cả, chẳng giống như bụng của chúng ta, chẳng dung nạp được chuyện nhỏ như hạt mè. Người ta nói một câu thì chịu không được, hoặc thấy được cảnh giới gì đó, thì dung chẳng được. Người đó đối với tôi ra sao ? Người đó đối với tôi như thế nào ? Suốt ngày đến tối, chất chứa những việc đó đầy dẫy trong bụng.

Còn có một bài kệ khen ngợi Bồ Tát Di Lặc :

‘’Mở miệng cười, ít nói chuyện.
Bao lớn chẳng to bằng bụng,
Trước mắt phước báo thường bay đến,
Vì Ngài vạn vật dung chứa được.’’

Bồ Tát Di Lặc luôn luôn đều cười, rất ít nói chuyện, Ngài mang trên vai túi vải lớn (sau này gọi Ngài là Bố Ðại Hòa Thượng), chưa lớn bằng bụng của Ngài. Ngài luôn luôn có phước báo lớn, thường bay đến trước mặt Ngài. Vì sao Ngài có phước báo lớn như thế ? Vì Ngài có công phu nhẫn nhục, bất cứ việc gì đều chẳng tranh luận với ai, nên Ngài chứng được vô tranh tam muội. Tất cả mọi sự đều bao dung ở trong bụng. Có câu đối liễn rằng :

Mở miệng thường cười,
Cười kẻ thiên hạ đáng cười.
Bụng lớn dung chứa,
Chứa việc thiên hạ khó nhẫn.’’

Do đó, có câu : ‘’Tâm rộng thể mập‘’, phàm là người lạc quan, hầu như đều mập mạp. Bồ Tát Di Lặc đại biểu tượng trưng cho "lạc thiên phái", Ngài là vị giáo chủ ở đời vị lai, tương lai sẽ đến nhân gian hoằng dương chánh pháp, bây giờ đang ở trên nội viện cung trời Ðâu Suất, giảng kinh thuyết pháp.
‘’Thuở xưa tu hành nhẫn thanh tịnh.’’ Thuở xưa khi Phật tại nhân địa, thì tu hành pháp môn nhẫn nhục thanh tịnh.
‘’Tin hiểu chân thật chẳng phân biệt.’’ Phật tin hiểu chân thật chẳng có phân biệt, đối đãi với chúng sinh đều bình đẳng, xem tất cả chúng sinh đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong tương lai. Tức nhiên là cha mẹ trong quá khứ, thì không thể không hiếu thảo với cha mẹ, tức nhiên là chư Phật ở đời vị lai, thì không thể nào không cung kính chư Phật, cho nên phải tu hạnh môn nhẫn nhục.
‘’Cho nên sắc tướng đều viên mãn.’’ Bởi nhân duyên đó, cho nên khi Phật thành Phật, thân thể đặc biệt rất viên mãn, tướng mạo đặc biệt trang nghiêm.
‘’Khắp phóng quang minh chiếu mười phương.’’ Quang minh nhẫn nhục của Phật chiếu sáng khắp mười phương, khiến cho tất cả chúng sinh tu nhẫn nhục, sớm thành Phật đạo.

Thuở xưa siêng tu nhiều biển kiếp
Chuyển được chướng nặng của chúng sinh
Nên phân thân được khắp mười phương
Đều hiện dưới bồ đề thụ vương.

Bốn câu kệ này là nói về tinh tấn Ba la mật, tinh tấn có ba ý nghĩa :
1). Bị giáp.
2). Nhiếp thiện.
3). Lợi lạc.

1). Bị giáp : Giống như quân nhân tác chiến thời xưa, đều mặc áo giáp phòng vệ vũ khí của kẻ địch. Bị giáp nói ở đây là áo giáp tinh tấn, chỉ hướng về trước chứ không thối lùi, cũng giống như tác chiến, nhất định phải thắng lợi, không thể bại được.
Tin niệm thắng lợi ở đây dùng gì để chi trì ? Tức là phát đại thệ nguyện, dùng đại thệ nguyện để chi trì, giống như người xuất gia, nhất định phải phát đại thệ nguyện, chỉ có tiến về trước, không thể lùi về sau. Không thể hằng ngày khởi vọng tưởng hoàn tục, bằng không thì chẳng có áo giáp tinh tấn. Bất cứ gặp cảnh giới gì, không nên sinh tâm thối chuyển, phải vì Phật giáo nỗ lực, vì Phật giáo chí nguyện hy sinh. Tóm lại, tất cả đều vì Phật giáo, đây là áo giáp tinh tấn phát đại thệ nguyện.
2). Nhiếp thiện : Tức là dùng đủ thứ pháp môn phương tiện, để hướng về đạo bồ đề phía trước. Chẳng những mình đi trên con đường đạo bồ đề, mà cũng dạy chúng sinh đi trên con đường đạo bồ đề, mọi người cùng nhau tiến về trước, mọi người cùng nhau đến tu hành. Ðây là nhiếp trì căn lành của chúng sinh, đều thành Phật đạo.
3). Lợi lạc : Tức là lợi ích khoái lạc tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh, đắc được vô thượng chánh đẳng chánh giác.
‘’Thuở xưa siêng tu nhiều biển kiếp.’’ Phật thuở xưa siêng tu hạnh môn tinh tấn, càng ngày càng tinh tấn, càng ngày càng dụng công, trải qua nhiều biển kiếp mới tu thành công, chứng được quả vị Phật.
‘’Chuyển được chướng nặng của chúng sinh.’’ Phật có thể chuyển nghiệp chướng sâu nặng, chướng ngại đạo bồ đề của chúng sinh, tức cũng là chuyển phiền não thành bồ đề, chuyển sinh tử thành Niết Bàn.
‘’Nên phân thân được khắp mười phương.’’ Cho nên, Phật phân thân đầy khắp mười phương pháp giới.
‘’Ðều hiện dưới bồ đề thụ vương.’’ Hết thảy phân thân hoàn toàn, hiện nơi Ðạo tràng bồ đề thụ vương.

Phật tu lâu xa vô lượng kiếp
Thiền định biển lớn khắp thanh tịnh
Nên khiến người thấy tâm hoan hỷ
Phiền não chướng cấu đều trừ diệt.

Bốn câu kệ này, là nói về thiền định Ba la mật, hai chữ thiền định là danh từ Trung, Ấn hợp lại. Thiền là tiếng Ấn Ðộ, đáng lẽ đọc là thiền na, dịch là "tĩnh lự", ngừng bặt tư lự, không khởi vọng tưởng. Ðịnh là tiếng Trung Quốc, nghĩa là "định lực", không lệch không tà là chánh, không suy không nghĩ là định. Khi nào chẳng có vọng tưởng, thì lúc đó chứng được cảnh giới khai ngộ.
Thiền tông là Phật giáo chân chánh của Trung Quốc, vào thời Ðông Tấn, Pháp sư Ðạo Sinh đề ra lý luận đốn ngộ, trồng xuống hạt giống bồ đề, đến đời Ðường, thời Lục tổ Huệ Năng, mới khai hoa kết trái. Ðây có thể nói là cách mạng của Phật giáo, chẳng nặng về hình thức, chuyên tu tâm. Từ đó về sau, lập ra bốn tiêu chuẩn là :
1). Giáo ngoại biệt truyền (truyền ngoài giáo lý).
2). Bất lập văn tự (chẳng cứ chữ nghĩa).
3). Trực chỉ nhân tâm (chỉ thẳng tâm người)
4). Kiến tánh thành Phật (thấy tánh thành Phật).

Thiền có nhiều thứ, phần lớn chỉ nói về Như Lai thiền và Tổ Sư thiền. Như Lai thiền là thiền nguyên thủy ở Ấn Ðộ, tức cũng là thiền tiểu thừa, ngồi thì chú ý điều tâm và điều hơi thở, tay chân tư thế đều có quy định. Tổ Sư thiền là trải qua sự cải cách của các vị Tổ Sư, hình thức tự do hơn, tức là tại núi rừng, động, cốc, đều là nơi tham thiền, không nhất định là tại thiền đường, hoặc tịnh thất; chỉ cần nhất tâm bất loạn, một bụi trần cũng không nhiễm, thì sẽ khai ngộ. Không chú trọng về nghi thức, mà chuyên chú về tâm, cho nên vào thời Ðường Võ Tông phá hoại Phật pháp, thì các tông phái khác của Phật giáo đều ngã quật, chẳng chấn chỉnh được, chỉ có thiền tông vẫn đứng vững, vì chẳng cần có hình thức chùa chiền, cũng chẳng cần có hình thức kinh điển, cho nên chẳng ảnh hưởng thọ pháp nạn. Do đó, Phật pháp ở Trung Quốc, bảo tồn đến nay mà chẳng bị hủy diệt, có thể nói là ‘’tục Phật huệ mạng‘’, nếu không thì thật không thể tưởng tượng được.
‘’Phật tu lâu xa vô lượng kiếp.’’ Phật luôn luôn đều tu hành, trải qua thời gian lâu dài vô lượng đại kiếp, chưa từng giải đãi mà siêng tinh tấn.
‘’Thiền định biển lớn khắp thanh tịnh.’’ Phật tu pháp môn thiền định, trải qua thời gian dài như biển kiếp, thảy đều thanh tịnh, diệt sạch hết vọng tưởng thì trí huệ sinh ra, tức cũng là trí huệ giải thoát.
‘’Nên khiến người thấy tâm hoan hỷ.’’ Cho nên, mới khiến cho chúng sinh thấy được Phật, đều sinh tâm hoan hỷ luyến mộ.
‘’Phiền não chướng cấu đều diệt trừ.’’ Vì hoan hỷ, cho nên phiền não chướng cấu đều tiêu trừ sạch hết, trí huệ cũng hiện tiền.

Xưa Như Lai tu các biển hạnh
Đầy đủ Bát nhã Ba la mật
Cho nên quang minh chiếu sáng khắp
Khắc phục tất cả tối ngu si.

Bốn câu kệ này nói về Bát nhã Ba la mật, Bát nhã dịch là "trí huệ", vì trí huệ này là trí huệ xuất thế gian, chẳng phải là trí huệ thế gian. Trí huệ thế gian có thể là thiện, lại có thể là ác. Trí huệ xuất thế gian là thiện, chẳng phải ác; vì tôn trọng ý của nó, cho nên gọi là Bát nhã. Bát nhã có ba thứ :
1). Văn tự Bát nhã : Tức là dùng văn tự để nói rõ chân lý như tam tạng, mười hai bộ, tất cả kinh điển.
2). Quán chiếu Bát nhã : Tức là phải quán sát, phải chiếu rõ tất cả kinh điển, mới có thể thấu hiểu chân lý. Giống như dùng ánh đuốc chiếu soi đạo lý.
3). Thật tướng Bát nhã : Thật tướng là vô tướng, do đó có câu :

‘’Bát nhã phá hết các tướng.’’

Bất cứ vật gì, hình ảnh gì, cũng đều chẳng có hình tướng. Vô tướng là gì ? Tức là trí huệ tự có, tức cũng là tự tâm. Tự tâm này thanh tịnh tức là Bồ Tát, tự tâm này mê hoặc tức là chúng sinh.
‘’Xưa Như Lai tu các biển hạnh.’’ Thuở xưa Phật tu tất cả hạnh môn nhiều như biển, tức cũng là tu hạnh môn Bát nhã trí huệ.
‘’Ðầy đủ Bát nhã Ba la mật.’’ Tại sao phải tu các biển hạnh ? Vì muốn đắc được Bát nhã Ba la mật. Nếu tu hành đầy đủ rồi, thì sẽ qua được biển phiền não ngu si một cách an toàn, đạt đến bờ bên kia trí huệ.
‘’Cho nên quang minh chiếu sáng khắp.’’ Vì tu hạnh môn Bát nhã, cho nên phát ra ánh sáng trí tuệ, chiếu khắp mười phương pháp giới.
‘’Khắc phục tất cả tối ngu si.’’ Phật khắc phục được tất cả ngu si và vọng tưởng, phá sạch tất cả ngu si đen tối, chỉ có tồn tại trí huệ quang minh, khiến cho tất cả chúng sinh cũng hiện ra trí huệ vốn có. Trí huệ vốn có hiện ra như thế nào ? Chỉ có một biện pháp tức là ngồi thiền. Ðây là phương pháp căn bản tu trí huệ. Ngồi đến lúc "Hà xứ nhạ trần ai" (bụi bám ở chỗ nào) ? Tức cũng là lúc khai ngộ.

Đủ thứ phương tiện độ chúng sinh
Khiến sự tu hành đều thành tựu
Tất cả mười phương đều đến khắp
Vô biên tế kiếp chẳng nghỉ ngơi.

Bốn bài kệ này nói về phương tiện Ba la mật. Phương là phương pháp, tiện là tiện lợi, tức cũng là thiện xảo. Phương tiện có hai thứ, tức là hồi hướng phương tiện và bạt tế phương tiện. Do đại trí mà hồi tiền lục độ, hướng đại bồ đề, đây là hồi hướng phương tiện. Do đại bi mà hồi tiền lục độ, cứu tế hữu tình, đây là bạt tế phương tiện. Trong câu kệ có nói : ‘’Ðủ thứ phương tiện độ chúng sinh’’ là cứu tế phương tiện. ‘’Khiến sự tu hành đều thành tựu’’ là hồi hướng phương tiện. Tóm lại, đây là độ về điều phục tất cả, cứu tế tất cả, phương pháp hành hóa.
‘’Ðủ thứ phương tiện độ chúng sinh.’’ Phật dùng đủ thứ pháp môn phương tiện khéo léo, để giáo hóa tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh, trước hết do pháp phương tiện, sau đó đắc được pháp chân thật.
‘’Khiến sự tu hành đều thành tựu.’’ Khiến cho tất cả chúng sinh, đối với những hạnh môn tu hành, thảy đều hoàn toàn thành tựu.
‘’Tất cả mười phương đều đến khắp.’’ Phật đến khắp hết thảy cõi Phật trong mười phương, để diễn nói diệu pháp; tức cũng là diễn nói diệu pháp Kinh Hoa Nghiêm Ðại Phương Quảng Phật này.
‘’Vô biên tế kiếp chẳng nghỉ ngơi.’’ Phật ở trong đại kiếp nhiều chẳng có bờ mé, đều đi giáo hóa chúng sinh, vĩnh viễn chẳng nghỉ ngơi. Phật chẳng phải vì mình, mà là vì tất cả chúng sinh, cho nên mới đến độ tất cả chúng sinh, khiến cho chúng sinh lìa khỏi sự khổ, đắc được an vui. Chúng ta nên học tu Phật như thế, mới có thể báo được ân của Phật.

Xưa Phật tu hành biển đại kiếp
Tịnh trị các nguyện Ba la mật
Cho nên xuất hiện khắp thế gian
Suốt kiếp vị lai cứu chúng sinh.

Bốn câu kệ này nói về nguyện Ba la mật, nguyện giống như chiếc thuyền, chẳng những độ mình mà còn độ người, là đại nguyện đồng sinh về tịnh độ. Nguyện có hai thứ :
1). Bồ đề nguyện, tức là trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh, tức cũng là:

‘’Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.’’

2). Nguyện lợi lạc kẻ khác, tức cũng là từ bi hỷ xả, bốn tâm vô lượng. Ðem sự lợi ích, an vui cho kẻ khác, đó là tinh thần Bồ Tát. Ðối tượng của Kinh Hoa Nghiêmnói pháp, là pháp thân Đại sĩ, nơi nơi đều dùng Bồ Tát làm mục tiêu, lấy lục độ vạn hạnh làm hạnh môn, do đó có câu :

‘’Tu hành không phát nguyện,
Nở hoa chẳng kết trái.’’

‘’Xưa Phật tu hành biển đại kiếp.’’ Thuở xưa Phật tu hành, trải qua thời gian lâu dài biển đại kiếp.
‘’Tịnh trị các nguyện Ba la mật.’’ Phật tu hành tất cả đại nguyện, chiếu theo nguyện đã phát ra mà tu hành, mỗi lời nguyện đều tịnh trị thanh tịnh, chẳng có chút bụi bặm. Mỗi người tu đạo đều phải phát đại nguyện, ai ai cũng chiếu theo lời nguyện mà tu hành. Phát nguyện gì, thì phải y theo nguyện đó mà tu hành. Không nên ngày nay phát nguyện, ngày mai quên mất. Phải luôn luôn y theo lời nguyện mình đã phát ra mà tu hành, một chút cũng không thể giải đãi. Như thế thì không nên khởi nhiều vọng tưởng, cũng không nên không giữ quy cụ, cho nên ai ai cũng phải phát nguyện. Tại sao Phật thành Phật ? Vì thuở xưa Phật đã từng phát nguyện, cho nên đặng thành Phật. Chúng ta cũng phải phát nguyện, thì tương lai cũng sẽ thành Phật.

Chúng ta phát nguyện, phải luôn luôn giáo hóa chúng sinh, vĩnh viễn chẳng nghỉ ngơi. Ví như phát nguyện ngủ ngồi không nằm, thì phải luôn luôn ngủ ngồi không nằm; phát nguyện ngày ăn một bữa, thì phải hằng ngày ăn một bữa; phát nguyện chẳng cất giữ tiền bạc, thì phải luôn luôn chú ý, đừng coi trọng tiền bạc; phát nguyện đời đời kiếp kiếp, muốn xuất gia tu học Phật pháp, hoằngdương Phật pháp, thì đừng khởi vọng tưởng, cứ muốn hoàn tục; phát nguyện hộ trì Phật pháp, thì phải luôn luôn hộ trì Tam Bảo, trang nghiêm Tam Bảo, cúng dường Tam Bảo. Phải y chiếu lời nguyện của mình mà tu hành, đó mới là tịnh trị.
‘’Cho nên xuất hiện khắp thế gian.’’ Vì Phật tu hành nguyện Ba la mật, cho nên xuất hiện trong hết thảy thế gian.
‘’Suốt kiếp vị lai cứu chúng sinh.’’ Ðại nguyện của Phật phát ra, là đời đời suốt kiếp vị lai, đều cứu độ tất cả chúng sinh.

Phật vô lượng kiếp rộng tu trị
Tất cả pháp lực Ba la mật
Do đó thành tựu tự nhiên lực
Hiện khắp mười phương các cõi nước.

Bốn câu này nói về lực Ba la mật, lực là sức lực, không thể khuất phục, tiêu diệt sạch tất cả phiền não, tức cũng là pháp lực, suy nghĩ lựa chọn các pháp mà tu tập, thứ lực này có thể đến thẳng bờ bên kia.
‘’Phật vô lượng kiếp rộng tu trị.’’ Phật ở trong vô lượng kiếp rộng tu hành. Trong lúc tu hành, có khi sinh ra các thứ phiền não, thì luôn luôn có ma chướng đến khảo nghiệm định lực của bạn. Lúc đó ‘’Tâm không động‘’, là pháp bảo dùng nó để trị ma chướng, thì tự nhiên bình an vô sự.

Bây giờ xin đưa ra ví dụ : Ví như chúng ta muốn tu bố thí Ba la mật, lúc đang muốn thực hành bố thí, thì đột nhiên ý niệm thứ hai sinh ra : ‘’Ta không thể bố thí, nếu bố thí thì chẳng còn tiền để ăn uống, hoặc chẳng còn tiền để đi xe .v.v...’’ Do đó, chẳng tu bố thí Ba la mật. Lúc đó, phải dùng trị để xử lý. Ví như có người bị bệnh, nhất định muốn trị khỏi bệnh. Nếu nghĩ như thế này : ‘’Ôi ! Người này rất là khổ, ta hãy bố thí cho họ ! Ta ăn bớt lại một chút cũng chẳng sao, không có tiền đi xe, đi bộ cũng được.’’ Nghĩ như thế, thì sẽ chữa khỏi bệnh san tham, chẳng những một việc là như thế, mà hết thảy mọi việc đều như thế, đó tức là rộng tu trị.
‘’Tất cả pháp lực Ba la mật.’’ Phật tu hành tất cả các pháp, và hết thảy tám vạn bốn ngàn pháp môn, đều là dùng sức lực của các pháp đến bờ bên kia.
‘’Do đó thành tựu tự nhiên lực.’’ Vì tu hành đủ thứ pháp, đắc được đủ thứ pháp lực đến bờ bên kia, nên thành tựu tự nhiên trí huệ lực.
‘’Hiện khắp mười phương các cõi nước.’’ Pháp thân trí huệ quang minh, hiện khắp nơi các nước chư Phật trong mười phương, để vì chúng sinh hiện thân thuyết pháp, đó là Phật lực.

Xưa Phật tu trị trí phổ môn
Tất cả trí tánh như hư không
Cho nên thành tựu vô ngại lực
Quang minh chiếu khắp mười phương cõi.

Bốn câu kệ này nói về trí Ba la mật. Trí này do sáu Ba la mật ở trước thành tựu (từ bố thí đến Bát nhã), về sau đắc được trí huệ. Lại do trí này, mà thành lập sáu Ba la mật ở trước, tức cũng là thành tựu tất cả trí năng, do đó trí ‘’Thọ dụng pháp lạc, thành thục hữu tình.’’
‘’Xưa Phật tu trị trí phổ môn.’’ Thuở xưa, khi Phật tu hành tại nhân địa, tu trị trí huệ phổ môn thị hiện, tức cũng là bình đẳng trí.
‘’Tất cả trí tánh như hư không.’’ Bổn thể của trí là gì ? Giống như hư không chẳng có hình tướng.
‘’Cho nên thành tựu lực vô ngại.’’ Vì nó như hư không, cho nên thành tựu trí huệ lực vô ngại. Vô sở chướng ngại tức là bao quát hết thảy Đại viên cảnh trí, Bình đẳng tánh trí, Diệu quán sát trí, Thành sở tác trí.
‘’Quang minh chiếu khắp mười phương cõi.’’ Trí huệ quang minh của Phật phóng ra, chiếu sáng khắp tất cả thế giới đen tối trong mười phương, giáo hóa tất cả chúng sinh trong sáu nẻo, khiến cho họ sớm thoát khỏi luân hồi, khai mở trí huệ, thành tựu quả vị Phật.

Có người hỏi : ‘’Tu trị và tịnh trị có gì khác nhau‘’? Ý nghĩa tu trị là lúc ban đầu nghĩ muốn làm việc gì, chẳng được tự nhiên, về sau dùng đủ thứ phương tiện pháp môn để đối trị, trị tốt những mao bệnh này, đó gọi là tu trị. Ý nghĩa tịnh trị là có rất nhiều vọng tưởng, tìm cách làm cho thanh tịnh; có rất nhiều nhiễm ô, làm cho nó thanh tịnh. Ý nghĩa tu trị và tịnh trị chẳng khác gì mấy, bất quá tu trị là trị lý tiêu cực, còn tịnh trị là trị tích cực, đây là điểm khác nhau.

Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Giảng Giải
Hòa Thượng Tuyên Hóa (Tổ Sư Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông)