An Dương Vương là hậu duệ của Thủy Tinh - bại tướng của Sơn Tinh?



Tranh vẽ về cuộc chiến Sơn Tinh và Thủy Tinh - Ảnh: Internet
Liệu An Dương Vương có phải là hậu duệ của một “Thủy Tinh – thất bại trong cầu hôn” hay không? Chúng tôi không đưa ra kết luận mà chỉ nêu ra vấn đề để bạn đọc suy ngẫm. Hay như sử gia Ngô Sỹ Liên từng nói: Còn như việc Sơn Tinh, Thủy Tinh thì rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi

Trước thời kỳ Bắc thuộc, sử nước ta ghi chép rất sơ sài với nhiều chi tiết truyền miệng và mang tính chất huyền sử. Có một điều chắc chắn từ các di chỉ cổ vật thì nhà nước đầu tiên của người Lạc Việt là Văn Lang do các vua Hùng lãnh đạo. Sau đó mới đến nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương.

Thời kỳ vua Hùng thì cũng có nhiều truyền thuyết được nhắc đến như Thánh Gióng phá giặc thời vua Hùng thứ 6 hay vua Hùng thứ 7 là Hoàng tử Lang Liêu được vua cha truyền ngôi nhờ biết cách làm bánh chưng bánh dày hay chuyện Mai An Tiêm thời vua Hùng thứ 17. Về sử thì có kể thêm truyện: Thời Thành Vương nhà Chu [1063-1026 TCN], nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu (không rõ vào đời Hùng Vương thứ mấy), xưng là Việt Thường thị, hiến chim trĩ trắng. Chu Công nói: "Chính lệnh không ban đến thì người quân tử không coi người ta là bề tôi của mình", rồi sai làm xe chỉ nam đưa sứ giả về nước.

Nhưng nổi tiếng hơn cả là truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh thời vua Hùng thứ 18 đã được đưa vào cả sử sách và được kể rất nhiều trong các câu truyện cổ tích. Chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh thời Hùng vương thứ 18 được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau:
Bấy giờ có hai người từ ngoài đến, lạy dưới sân để cầu hôn. Vua lấy làm lạ, hỏi thì họ thưa rằng một người là Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh, đều ở trong cõi cả, nghe nhà vua có thánh nữ, đánh bạo đến xin lĩnh mệnh. Vua nói: "Ta có một người con gái, lẽ nào lại được cả hai rể hiền?". Bèn hẹn đến ngày hôm sau, ai đem đủ sính lễ đến trước thì gả cho người ấy. Hai người vâng lời, lạy tạ ra về. Hôm sau, Sơn Tinh đem các đồ châu báu vàng bạc, chim núi thú rừng đến dâng. Vua y hẹn gả con cho. Sơn Tinh đón vợ về ở ngọn núi cao trên núi Tản Viên. Thủy Tinh cũng đem sính lễ đến sau, giận tiếc là không kịp, bèn kéo mây làm mưa, dâng nước tràn ngập, đem các loài thủy tộc đuổi theo. Vua cùng Sơn Tinh lấy lưới sắt chăng ngang thượng lưu sông Từ Liêm để chặn lại. Thủy Tinh theo sông khác, từ Ly Nhân vào chân núi Quảng Oai rồi theo dọc bờ lên cửa sông Hát, ra sông lớn mà rẽ vào sông Đà để đánh Tản Viên, nơi nơi đào sâu thành vực thành chằm, chứa nước để mưu đánh úp. Sơn Tinh có phép thần biến hóa, gọi người man đan tre làm rào chắn nước, lấy nỏ bắn xuống, các loài có vẩy và có vỏ trúng tên đều chạy trốn cả. Rốt cuộc Thủy Tinh không thể xâm phạm được núi Tản Viên. (Tục truyền SơnTinh và Thủy Tinh từ đấy về sau đời đời thù oán, mỗi năm mùa nước to thường vẫn đánh nhau).

Cho dù trong sử đã bỏ những chi tiết sính lễ khó tin như voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao nhưng màu sắc huyền sử vẫn còn như chuyện Thủy Tinh kéo mây làm mưa... Chính sử gia Ngô Sỹ Liên cũng chua rằng: Còn như việc Sơn Tinh, Thủy Tinh thì rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi).
Thủy tinh thất bại nhưng nhiều lần kéo quân lên gây chiến, đó là chuyện được đúc kết lại và người ta tin rằng câu chuyện nhằm để kể về ý thức trị thủy từ xa xưa của ông cha ta. Nhưng cũng có một chi tiết khác mà ít người biết là cuối thời vua Hùng có truyện được Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép như sau:

“Trước kia, Hùng Vương có con gái gọi là Mị Nương. Thục vương nghe tin, sai sứ đến cầu hôn. Hùng Vương muốn gả cho, nhưng Lạc Hầu can rằng: "Ý nó muốn toan tính ta đây, chẳng qua mượn tiếng cầu hôn đó thôi". Thành thử việc đó thôi hẳn. Thục vương căm giận lắm, dặn con cháu sau thế nào cũng phải diệt nước Văn Lang. Đến bấy giờ, cháu là Thục Phán có sức mạnh và mưu lược, nhiều lần đem quân đánh Hùng Vương. Hùng Vương quân giỏi, tướng mạnh, hễ ra đánh, quân Thục thua liền.

Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép truyện này vắn tắt hơn như sau: “Mị Nương đã lấy Sơn Tinh, Thục Vương tức giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm lấy nước. Đến đời cháu là Thục Phán có dũng lược, bèn đánh lấy nước”.

Như vậy, có thể đặt ra nghi vấn là phải chăng câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh được truyền miệng trước đây cũng là nhằm để tả những cuộc chiến giữa Văn Lang và các nước láng giềng do tranh chấp xung quanh việc thông hôn. Thủy Tinh – vua loài thủy tộc đòi lấy người thì chắc là không có thật nhưng chuyện Thục Phán (hay An Dương Vương), người ghi mối hận đời trước bị vua Hùng cự tuyệt hôn nhân là có thật. Liệu An Dương Vương có phải là hậu duệ của một “Thủy Tinh – thất bại trong cầu hôn” hay không? Chúng tôi không đưa ra kết luận mà chỉ nêu ra vấn đề để bạn đọc suy ngẫm.

Sau cuộc nội chiến đầu tiên của người Việt đã dẫn đến sự thống nhất của Âu Việt (Thục Phán) – Lạc Việt (Hùng Vương) thành nước Âu Lạc do Thục Phán - An Dương Vương lãnh đạo.
A.T