Nhà tư sản Minh Hồ với vận mệnh quốc gia, dân tộc


Bà Hoàng Thị Minh Hồ đã rời cõi tạm nhưng câu chuyện về tấm lòng của doanh nhân đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc vẫn còn ở lại.



Ngày 5-11, bà Hoàng Thị Minh Hồ, người từng cùng chồng là nhà tư sản Trịnh Văn Bô hiến 5.000 lượng vàng cho Nhà nước, đã qua đời ở tuổi 104. Nói về bà, nhà sử học Dương Trung Quốc cảm thán: “Bà ấy đã trở thành quá khứ nhưng sự ra đi của bà đã đánh thức tinh thần của giới doanh nhân đối với quốc gia, xã hội…!”.

Tấm lòng vàng của gia đình tư sản

Bà Hoàng Thị Minh Hồ kết duyên với ông Trịnh Văn Bô vào năm 1932. Từ sau đó, bà đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp kinh doanh của chồng và tạo dựng nên thương hiệu gia đình lừng lẫy giới công thương lúc bấy giờ.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, chồng bà Minh Hồ - ông Trịnh Văn Bô đã theo cách mạng từ rất sớm. Tuy nhiên, đóng góp của ông cũng như của gia đình với cách mạng được thể hiện rõ ràng từ thời điểm chính quyền non trẻ của nhà nước ta được thành lập.

Ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh được vợ chồng bà đón về nhà mình tại 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Đây chính là tiệm vải Phúc Lợi, thuộc loại lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ.

Với suy nghĩ “chính quyền có giữ được, mình mới mong tiếp tục buôn bán”, gia đình bà đã bán phá giá nhiều xấp vải trong cửa tiệm để có tiền đài thọ cho mọi chi tiêu, ăn mặc, tiếp khách của Nhà nước. Toàn bộ tầng hai căn nhà 48 Hàng Ngang được bố trí làm nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 15 người trong Thường vụ Trung ương Đảng. Tại đây, Hồ Chủ tịch đã cho ra đời bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ.


Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh: LINH TÂM

Trong hồi ký bà từng ghi chép lại, vào những ngày Bác ở nhà bà (từ ngày 24-8 đến 27-9), bà đều trực tiếp cầm tay chỉ việc nhà bếp nấu ăn phục vụ Người. Sau đó, hai vợ chồng bà thay nhau bê lên. Vào 9 giờ hằng ngày, bà thường bê cháo và hoa quả lên cho Bác. Một hôm, bà đang định quay gót thì Bác hỏi: “Cô tên gì?”. Sau khi bà trả lời, Bác lại nói: “Cô còn trẻ mà đã có cơ đồ sự nghiệp, có chồng con, tiền bạc. Cô chẳng có gì khổ cả”. Nghe vậy, bà Minh Hồ khẳng khái nói: “Cháu vẫn có một điều khổ, đó là nỗi nhục mất nước”. Bác cười: “Vậy thì kiên trì và nhẫn nại nhé!”.

Mùa thu năm 1945, sau khi giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, chính phủ lâm thời mới thành lập gặp nhiều khó khăn về tài chính. Trước tình thế đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sáng kiến thành lập Quỹ Độc lập và “Tuần lễ vàng” nhằm quyên góp tài chính và hiện vật cho Chính phủ. “Tuần lễ vàng” được phát động, gia đình ông Trịnh Văn Bô - bà Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ.

Ngay sau khi kết thúc “Tuần lễ vàng”, bà Minh Hồ còn bỏ tiền mua đấu giá bức ảnh Bác Hồ với giá 10 vạn đồng. Sau này, bà đã tặng lại bức ảnh này cho UBND TP Hà Nội. Tổng số tiền trong buổi đấu giá là 1,58 triệu đồng Đông Dương. Đây là số tiền rất lớn trong điều kiện ngân khố nước ta chỉ có 1,2 triệu tiền Đông Dương.

Khơi gợi trách nhiệm doanh nhân

Nhìn lại đóng góp của bà Hoàng Thị Minh Hồ và ông Trịnh Văn Bô cũng như tầng lớp công thương ở thời điểm chính quyền ta còn non trẻ, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: Điều này cho thấy đường lối của cách mạng lúc đó mà trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh là luôn luôn tin vào người dân.

“Là người làm sử, chúng tôi luôn đặt câu hỏi vì sao cách mạng thành công? Và tại sao Bác Hồ trở về với Hà Nội lại chọn căn nhà của một trong những người giàu nhất của con phố giàu nhất mà làm nơi ở, nơi làm việc của mình? Điều đó cho thấy lòng tin của Bác Hồ đối với tinh thần yêu nước của người Việt Nam vượt qua những quan điểm xơ cứng của đấu tranh giai cấp” - ông Quốc nói.

Cũng theo ông Dương Trung Quốc, Bác Hồ là một nhà hoạt động cách mạng lão luyện; mặc dù là nhà chính trị của Quốc tế cộng sản nhưng quan điểm của Bác là luôn tìm thấy ở bất cứ người dân nào cũng có lòng yêu nước, không chỉ những người lao khổ mà kể cả những người giàu có. “Đó là nền tảng của niềm tin. Niềm tin thì không phải một chiều, không phải người dân hướng về cách mạng mà cách mạng cũng biết tập hợp người dân” - ông Quốc bày tỏ.

Bên cạnh đánh giá con người lịch sử của bà Minh Hồ với tư cách là một nhà tư sản có công với đất nước, ông Quốc cũng cho hay bà Minh Hồ còn là một phụ nữ mẫu mực của lớp người xưa với lối sống và nề nếp chăm sóc gia đình.

Bà Minh Hồ đã rời cõi tạm nhưng câu chuyện về tấm lòng của doanh nhân đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc vẫn còn ở lại. Đó cũng là điều giới doanh nhân hôm nay đã và đang hướng tới bằng những hành động đóng góp thiết thực của mình.

Tấm gương bà Minh Hồ

Bà Hoàng Thị Minh Hồ đã qua đời. Tiếc thương bà, chúng ta lại nhắc nhở nhau về trách nhiệm của doanh nhân đối với quốc gia, xã hội.

Tôi nhớ vào thời kỳ trước đây, thế hệ công thương Việt Nam đã đưa ra một nguyên tắc không thành văn, đó là: Khi làm ăn được 10 thì bảy phần cho mình, còn ba phần cho xã hội. Mà làm từ thiện, đóng góp cho xã hội của người xưa rất khiêm nhường, kín đáo, không phô trương nhưng lại rất sang. Sang ở đây là sang trọng và sự tôn trọng của xã hội đối với tầng lớp ấy. Tôi nghĩ đó cũng là bài học cho nhiều doanh nhân Việt Nam hiện nay.

Nhà sử học - đại biểu Quốc hội DƯƠNG TRUNG QUỐC

Sẽ có tên đường nhà tư sản Trịnh Văn Bô

Ngày 7-11, UBND TP Hà Nội cho hay đã trình HĐND TP phương án đặt, đổi tên đường phố. Theo đó, tại kỳ họp cuối năm, cơ quan dân cử của thủ đô sẽ xem xét, thông qua nghị quyết đặt tên cho 20 đường phố mới và điều chỉnh độ dài của năm tuyến phố. Con phố dự kiến mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô dài 1,2 km, rộng 7,5 m, từ đoạn ngã tư giao cắt phố Nguyễn Đình Hoàn tại cầu T11 đến ngã ba giao cắt đường Phùng Chí Kiên tại cổng sau Học viện Quốc phòng.

VIẾT THỊNH