Hãy Thật Tế Khi Đến Với Giáo Pháp Diệt Khổ Của Đức Thế Tôn - Nếu Bạn Không Đạt Được Trạng Thái Giải Thoát (Lậu Tận) Khi Có Thân Thời Khi Mất Thân Này Bạn Rõ Rằng Bạn Vẫn Trôi Lăn Lặn Ngụp Trong Vòng Sinh Tử

Ai dùng sắc thấy Ta
Dùng âm thanh cầu Ta
Người ấy hành đạo tà
Không thể thấy Như Lai

Mời các Bạn học tập lời dạy của Bậc Đại Hùng
"Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp. Ai thấy Pháp là thấy Ta"
Duyên khởi là gì? Này các Tỷ-kheo
- "Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có thọ sinh; do thọ, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh, có lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ Khổ uẩn sinh. Đây gọi là Duyên khởi". (Tương Ưng Bộ kinh II, tr.1-2).
- "Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn, hành diệt; do hành diệt nên thức diệt;..., sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt. Này các Tỳ kheo, như vậy là đoạn diệt" (Ibid, tr.1-2).

Khi 12 nhân duyên sinh khởi thì đồng nghĩa với khổ uẩn khởi.
Khi 12 nhân duyên đoạn diệt thì đồng nghĩa với khổ uẩn diệt.

Tất cả đó gọi là Duyên khởi.

- "Pháp Duyên khởi ấy, dù Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp quyết định ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt, Như Lai tuyên thuyết, tuyên bố, khai triển, khai thị, minh hiển, minh thị. Ngài dạy: "Duyên vô minh, này các Tỳ kheo, có các hành,... Như vậy, này các Tỳ kheo, ở đây là như tánh, bất hư vọng tánh, bất dị như tánh, y duyên tánh ấy. Này các Tỳ kheo, đây gọi là Duyên khởi", (Ibid, tr.31).

[Ghi chú: Do duyên nên các pháp khởi lên, tồn tại nên gọi là pháp trú tánh ấy (Dhammatthitatà). Các duyên ra lệnh hay an trú các pháp, do vậy được gọi là Pháp quyết định tánh ấy. Các duyên của sanh, già, bệnh, chết... là các duyên đặc biệt gọi là y duyên tánh ấy].

* Thế nào là pháp do duyên mà sinh (Duyên sinh pháp)?
"Gọi là duyên sinh pháp là các pháp được tác thành, hữu vi, biến hoại, tan rã, đoạn diệt, vô thường" (Ibid, tr.31).
* Trong kinh Phật Tự Thuyết (Udàna; Tiểu Bộ kinh), Duyên khởi được tóm tắt như sau:
- Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.
- Do cái này không có mặt, nên cái kia không có mặt.
- Do cái này sinh, nên cái kia sinh.
- Do cái này diệt, nên cái kia diệt.

VÔ VĂN PHÀM PHU

__Vô Văn

Khi gọi một người là vô văn Đức Phật muốn nói tới một người không học và không biết gì cả về lý thuyết (Tuệ Học) lẫn việc thực hành (Tuệ Hành) cũng không chứng đắc (Tuệ Thành) về Giáo Pháp Chân Lý Thánh Đế. Như vậy kẻ vô văn ở đây là người cần được dạy dỗ tu học về Tứ Thánh Đế.

Kẻ vô văn không học vì thế không biết được sự khác nhau giữa các uẩn (5 uẩn), giới (Dục giới, sắc giới và phi sắc giới) và xứ (6 nội xứ mắt tai mũi lưỡi thân ý; 6 ngoại xứ sắc thinh hương vị xúc pháp, 6 xúc xứ do duyên nội xứ và ngoại xứ), vốn là Thánh Đế Thứ Nhất là Khổ Thánh Đế.

Kẻ vô văn không học vì thế không biết về pháp Duyên Sanh (12 nhân duyên), vốn là Thánh Đế Thứ Hai, Tập Đế hay Nhân Sanh Khổ Thánh Đế.

Kẻ vô văn không học vì thế không biết về bốn nền tảng thiết lập niệm hay tứ niệm xứ, vốn là Thánh Đế Thứ Tư (Trong Bát Thánh Đạo), Thánh Đế Về Việc Thực Hành Đưa Đến Sự Chứng Ngộ Niết Bàn (Sự giải phóng tâm thoát khỏi những kiết sử trói buộc, sự giải thoát khỏi đau khổ, sự thoát khỏi bị chi phối tái sanh luân hồi lâu dài trong sanh già bệnh chết).

Kẻ vô văn không học vì thế không biết thực hành một cách hệ thống những Pháp ấy, do đó không đắc được Đạo (bốn thánh đạo) và Quả (bốn thánh quả) vốn lấy Niết Bàn, Thánh Đế Thứ Ba hay Thánh Đế về Sự Khổ Diệt là đối tượng hướng đến.

__Phàm Phu

Khi gọi một người là phàm phu Đức Phật muốn nói đến một người thuộc một trong số sau đây: người không có giới (Giới Hạnh, Giới Đức), người không thích hay chống đối Chánh Pháp và người sống theo pháp hạ liệt Chẳng hạn như những thành phần phàm phu sau đây:

! Phàm phu phát ra nhiều phiền não, như tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, vô tàm (không biết hổ thẹn ghê sợ lỗi lầm).
! Phàm phu có nhiều thân kiến: Xem sắc thọ tưởng hành thức như là tự ngã, hay trong tự ngã như là có sắc thọ tưởng hành thức...
! Phàm phu tôn sùng và thân cận nương tựa những vị đạo sư giáo chủ các giáo phái mà những lời dạy của những vị đó có tính chất siêu hình và trái ngược với Diệu Pháp (Tứ Diệu Đế).
! Phàm phu tạo nhiều hành nghiệp hàng ngày qua thân khẩu ý một cách phóng túng không kiểm soát.
! Phàm phu dính mắc vào lạc thú thông qua ngũ dục từ các hình sắc qua con mắt, các âm thanh qua tai, các mùi qua mũi, các vị qua lưỡi, các xúc chạm qua thân.
! Phàm phu bị nhiều chướng ngại (triền cái) che đậy như tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, hoài nghi.
! Phàm phu có thể bị tái sanh trong nhiều sanh thú hoàn cảnh như địa ngục giới (bị áp bức hành hạ), ngạ quỷ giới(đói khổ khắc nghiệt), súc sanh giới(ngu si thiểu trí), nhân giới hoặc thiên giới.

Như vậy, kẻ vô văn phàm phu cũng có thể được xem như tách biệt và khác biệt với các Bậc Đa Văn Thánh Đệ Tử của Phật, người có những giới hạnh, giới đức, đa văn, … Đó là những gì Đức Phật muốn nói tới khi Ngài nói về kẻ vô văn phàm phu. Kẻ vô văn phàm phu, là người không thấy các bậc Thánh, người không thiện xảo trong Thánh Pháp, người không tu tập trong Thánh Pháp. Bậc Thánh ở đây có thể là một vị Phật hay một vị Thanh Văn Đệ Tử Phật đã đạt đến một trạng thái siêu thế (xuất thế) nào đó.

Việc không thấy các Bậc Thánh của kẻ vô văn phàm phu có hai loại: một là không thấy với mắt, và hai là không thấy với trí. Vì ngay cả một người có thể thấy các Bậc Thánh với mắt thịt của mình, họ cũng chỉ thấy cái vẻ bề ngoài chứ không thấy được trạng thái Thánh của các vị đó.

Một lần có một vị Sa Môn Tỷ-kheo bị bệnh gần chết. Khi Đức Phật hỏi xem vị ấy có điều gì còn hối tiếc (trước khi chết) không, vị ấy nói rằng chỉ tiếc mỗi điều là không được thấy Đức Phật trong một thời gian lâu quá, nghĩa là vị ấy đã không được nhìn thấy dáng vẻ bề ngoài của Đức Phật với mắt thịt của mình. Đức Phật nói với vị ấy:

Này vakkali!
Sao ông lại muốn thấy,
tấm thân ô trược này
Người nào thấy được pháp,
người ấy thấy Như Lai;
Người nào thấy Như Lai,
là người ấy thấy pháp.
Vì nhờ thấy được Pháp,
họ thấy được Như Lai,
Và thấy được Như Lai,
là họ thấy được Pháp.

(Pháp ở đây là Pháp Thánh Đế)

Điều này có nghĩa rằng chỉ thấy các Bậc Thánh với mắt thịt của mình là không đủ. Ta cũng cần phải thấy trạng thái Thánh của các Bậc Thánh, và những pháp liên quan đến trạng thái Thánh của các vị đó nữa; là ta cần phải biết và thấy tính chất vô thường, khổ và vô ngã của năm uẩn, thấy chơn lý thánh đế qua việc thực hành Bốn Niệm Xứ trên nền móng Giới Định Tuệ , và ta cần phải đắc Pháp mà các Bậc Thánh đã đắc. Bao lâu còn chưa thấy những điều này, chừng đó ta vẫn còn là một người không thấy các Bậc Thánh.

Đức Phật cũng nói rằng kẻ vô văn phàm phu là người không thiện xảo trong Pháp của các Bậc Thánh, và không tu tập trong Pháp của các Bậc Thánh. Không thiện xảo trong Pháp của các Bậc Thánh là không thiện xảo trong tứ niệm xứ, trong giới hạnh định tâm và trí tuệ, không thiện xảo trong sư tu tu tập trong Thánh Pháp là: không Tu tập Chế Ngự tham sân si và không Tu tập đoạn trừ tham sân si.

__Chó Bị Cột

– Vô thủy, này các tỳ-khưu, là cõi ta-bà này, khởi điểm không thể nêu rõ đối với lưu chuyển luân hồi của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.
Có thể có một thời, này các tỳ-khưu, biển lớn đi đến khô cạn, hoàn toàn đi đến khô kiệt, không có hiện hữu.
Nhưng Ta không có tuyên bố rằng có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sinh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.
Có thể có một thời, này các tỳ-khưu, Sineru (Tu-di), vua các núi, đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng Ta không có tuyên bố rằng có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sinh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.
Có thể có một thời, này các tỳ-khưu, đại địa đi đến băng hoại, hoại diệt, không có hiện hữu. Nhưng Ta không có tuyên bố rằng có sự chấm dứt khổ đau đối với chúng sinh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển luân hồi.
Ví như, này các tỳ-khưu, có con chó bị dây thừng trói chặt vào một cây cột hay cột trụ vững chắc, chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh cây cột hay cột trụ ấy. Cũng vậy, này các tỳ-khưu, kẻ vô văn phàm phu không tu tập pháp của các bậc chân nhân, quán sắc như là tự ngã... quán thọ như là tự ngã... quán tưởng như là tự ngã... quán các hành như là tự ngã... quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... chạy vòng theo, chạy tròn chung quanh thức.
Vì rằng người ấy chạy vòng theo, chạy tròn chung quanh sắc... thọ... tưởng... các hành... người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh thức, người ấy không giải thoát khỏi sắc, không giải thoát khỏi thọ, không giải thoát khỏi tưởng, không giải thoát khỏi các hành, không giải thoát khỏi thức, không giải thoát khỏi sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta tuyên bố rằng: “Vị ấy không giải thoát khỏi khổ đau”.

(SN 22:99)

Kính tưởng Đức Thế Tôn Gotama - vị Phật có thật trong lịch sử nhân loại