Người Do Thái khiến Samsung điêu đứng, Argentina vỡ nợ và nhiều CEO khác trên thế giới kinh hãi

Là một luật sư, nhà đầu tư người Do Thái Paul Singer đã dùng luật pháp như một công cụ để thu hồi vốn và kiếm lời. Cực kỳ lì lợm, hung hãn và không ngán bất kỳ vụ kiện tụng nào, Paul Singer có lẽ là nhà đầu tư đáng sợ nhất trên thế giới – đặc biệt là với những quỹ đầu tư đối thủ, các công ty và thậm chí nhiều quốc gia.

Nói như vậy là bởi quỹ đầu tư Elliott Management Corp của Singer – đơn vị đang quản lý khối tài sản khoảng 34 tỷ USD từ trước tới nay vốn nổi tiếng là “quỹ kền kền” chuyên đi ăn xác sống của những doanh nghiệp thậm chí quốc gia lâm vào tình cảnh vỡ nợ.

Tỷ phú kền kền người Do Thái

Paul Singer là người Do Thái. Ông tốt nghiệp từ khoa tâm lý của Đại học Rochester và khoa luật tại Harvard. Năm 1974, Singer hành nghề luật sư tại Ngân hàng đầu tư Donaldson, Lufkin & Jenrette. Năm 1997, ông bắt đầu thành lập Quỹ đầu tư Elliott Associates LP từ 1,3 triệu USD tiền huy động được từ gia đình và bạn bè. Cho đến nay Elliott Management đang giám sát và quản lý khối tài sản khoảng gần 34 tỷ USD.

Cũng giống như chim kền kền chực chờ ăn xác chết, chiến lược đầu tư chính của Elliott là chuyên săn lùng những chủ nợ đang có trong tay những khoản nợ khó đòi của những con nợ không có khả năng thanh toán. Elliott mua lại những khoản nợ xấu đó với giá rẻ mạt, rồi lợi dụng những kẽ hở pháp lý để lấy lại vốn mà không quên nhân lên gấp bội số tiền đã chi ra ban đầu.

Là một luật sư, Paul Singer đã dùng luật pháp như một công cụ để thu hồi vốn và kiếm lời. NML Capital là một chi nhánh của quỹ Elliott Management Corporation, đăng ký kinh doanh tại thiên đường thuế quần đảo Cayman. Công ty này nằm trong đế chế của Paul Singer.

Nạn nhân nổi tiếng nhất của Singer chính là Argentina. Năm 2014, quốc gia này đứng trên bờ vực phá sản giống như năm 2011 và đứng sau vụ việc này không ai khác chính là Paul Singer.

Theo luật Mỹ, nếu như Argentina không thể hoàn trả số trái phiếu trị giá 1,3 tỷ USD cho một nhóm các nhà quản lý quỹ đầu cơ trước ngày 30/7, nước này sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ. Nếu Argentina vỡ nợ, vì nhà đầu tư sẽ mất hết niềm tin vào khả năng trả nợ của Argentina, lãi suất mà chính phủ nước này phải trả sẽ tăng lên. Argentina buộc phải in tiền để trả cho các chủ nợ và cuối cùng nền kinh tế lại có thể lâm vào khủng hoảng.

Số trái phiếu được nhắc đến ở trên là trái phiếu do chính phủ Argentina phát hành năm 2001, khi đất nước này đang trên bờ sụp đổ. Đối với ông trùm quỹ đầu cơ Paul Singer, đây chính là cơ hội để triển khai một chiến lược đã trở nên quá quen thuộc.

Đây là cách thức hoạt động của chiến lược này:

Nhà đầu tư mua “rác” – những chứng khoán gần như không còn giá trị. Họ đặt cược rằng cuối cùng thì bên phát hành nợ sẽ có thể đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo. Khi đó, giá trị của chứng khoán sẽ tăng lên và nhà đầu tư hưởng lợi.

Hơn nữa, bên phát hành nợ cũng sẽ tiến hành tái cơ cấu nợ, có nghĩa là đàm phán với các chủ nợ để giảm mức phải trả. Vì nhận được một chút tiền còn hơn là không nhận được gì, các chủ nợ thường sẵn sàng đàm phán.

Nhưng chiến thuật của Paul Singer phức tạp hơn.

Ông là người dẫn đầu một nhóm các quỹ đầu cơ (được biết đến tên gọi NML) cố gắng thu về 100 cent trên mỗi USD nợ của Argentina trong khi các nhà đầu tư khác chấp nhận mất 70%. Đối với Argentina, Paul Singer giống như “một chú kền kền”.

Trên thực tế, Singer có thể được coi là “ông vua” của chiến thuật này. Năm 1995, ông mua nợ của ngân hàng Peruvian với giá 20 triệu USD và sau đó theo kiện đến cùng, cho tới khi nhận được khoản bồi thường 58 triệu USD. Năm 2002 và 2003, Singer nhận được hơn 100 triệu USD tiền lãi sau khi mua 30 triệu USD nợ của Congo-Brazzaville.

Tuy nhiên, trường hợp Argentina không dễ dàng như vậy. Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner từng phát biểu rằng Argentina sẽ không chịu đầu hàng.

Thế nhưng, Argentina kháng cáo lên tòa án Mỹ và cuối cùng đã thua cuộc. Như vậy, Singer đã cho cả thế giới thấy ông có thể làm những gì. Thực tế là ông đã từng bắt giữ một chiếc tàu của hải quân Argentina năm 2012 ở Ghana.

Trước Argentina, Peru, Zambia hay Cộng hòa Dân chủ Congo đã từng là những “nạn nhân” của vị tỷ phú “kền kền” Singer. Năm 1999, Singer đã tung ra 11 triệu USD để mua các khoản nợ khó đòi của Peru và sau đó cương quyết không tham gia vào chương trình tái cơ cấu nợ của nước này. Kiên nhẫn một chút, nhờ một phán quyết của tòa án Mỹ, vài năm sau, ông trùm Singer đã thu về 58 triệu USD.

Những nạn nhân

Sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc tới Samsung trong câu chuyện của vị tỷ phú "kền kền" Paul Singer. Là nhà đầu tư tại Samsung Electronics Co., tháng 10/2016, Elliott đã công khai bức thư dài 10 trang và một bài thuyết trình gồm 31 slide thúc giục Samsung chia tách làm 2 công ty. Nhà đầu tư này cũng nói rằng công ty nên bổ sung thêm 3 nhà đầu tư độc lập nữa và bắt đầu trả cổ tức. Tới tháng 4 năm sau, Samsung từ chối tiến hành hầu hết các yêu cầu này, ngoại trừ việc trả cổ tức theo quý.

Ngoài ra, Elliott cũng trở thành cổ đông lớn tại Samsung C&T - chi nhánh xây dựng của tập đoàn này vào năm 2015. Khi Cheil Industries - cũng là một chi nhánh của tập đoàn Samsung ngỏ ý muốn thâu tóm C&T, Singer đã kịch liệt phản đối nhưng sau đó, đề nghị của Singer không được chấp thuận và thương vụ vẫn diễn ra.

Tuy nhiên, đến năm 2016, phía công tố viên bắt đầu điều tra một loạt bê bối liên quan tới cựu Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye và cáo buộc có gian lận trong thương vụ thâu tóm kể trên. Hiện tại bà Park đã bị phế truất còn Phó chủ tịch Samsung Jay Y. Lee đang phải ngồi tù để điều tra. Như vậy một phần nào đó, Paul Singer có liên quan tới những sóng gió cực kỳ lớn mà Samsung cũng như chính trường Hàn Quốc vừa phải trải qua.

Theo thống kê của Forbes, Paul Singer hiện nắm trong tay khối tài sản trị giá 2,6 tỷ USD. Hiện tại, mục tiêu của Singer đang nhắm tới là công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới. Ông cũng vừa chiến thắng Warren Buffett trong trận chiến giành nhà phân phối điện lớn nhất Texas.

Ai sẽ là nạn nhân tiếp theo của Paul Singer vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên với danh mục đầu tư hiện tại cùng những sự kiện đã diễn ra, người ta không thể không nể sợ người đàn ông người Do Thái này.

Samsung thắng hay thua trước giới đầu tư?

Chiến thắng của gia tộc họ Lee có thực chất là một bước đi vì sự tốt đẹp, phát triển chung cho Samsung, các cổ đông, nhân viên nói riêng hay kinh tế Hàn Quốc nói chung? Hay thực chất đó là bước lùi tiếp từ bên trong của nền kinh tế Hàn Quốc?

Bằng việc đạt được thỏa thuận sát nhập giữa SamsungCheil Industries và Samsung C&T, gia tộc họ Lee đã tiếp tục thành công trong việc duy trì và chuyển giao quyền lực trong tập đoàn Samsung. Tuy nhiên, chiến thắng của gia tộc họ Lee có thực chất là một bước đi vì sự tốt đẹp, phát triển chung cho Samsung, các cổ đông, nhân viên nói riêng hay kinh tế Hàn Quốc nói chung? Hay thực chất đó là bước lùi tiếp từ bên trong của nền kinh tế Hàn Quốc?

Từ rất lâu, truyền thông Hàn Quốc đã bắt đầu “dung túng” cho một xu hướng bài ngoại, bài người Do Thái vốn được các tập đoàn gia đình trị của Hàn Quốc (Chaebol) sử dụng như một công cụ bảo hộ lợi ích cho những nhóm này trước bất kỳ sự xâm nhập của đối thủ nước ngoài nào bước chân vào thị trường của họ.

Những hành động gần đây của Samsung nói chung và gia tộc họ Lee, những nhà sáng lập tập đoàn này trong vụ sáp nhập Samsung C&T của Samsung Cheil Industries, chính là một bằng chứng vững chắc nữa cho thấy sự xúc phạm nhằm vào giới đầu tư nước ngoài. Hành động này của gia tộc họ Lee được xem như một sự “lăng mạ” lớn nhắm vào giới đầu tư nước ngoài và nó đã ảnh hưởng cả tới các cổ đông và toàn thể đất nước Hàn Quốc.

Mức giá thấp hơn giá trị thị trường đến mức buồn cười (theo đánh giá của các chuyên gia) của vụ M&A này đã thể thể hiện một “sức mạnh, tầm ảnh hưởng to lớn đến trần trụi” của gia tộc họ Lee.

Các cổ đông của Samsung C&T đã chấp nhận hy sinh một phần lợi ích riêng để đồng ý tiến hành sát nhập với Cheil Industries. Nắm giữ, sở hữu chéo cổ phần tại các công ty con là cách thông minh mà gia tộc họ Lee đã sử dụng để chi phối toàn bộ tập đoàn.

Thông qua vụ sát nhập Samsung C&T với Samsung Cheil Industries, người thừa kế của tập đoàn là Lee Jae-Yong sẽ nâng cao quyền chi phối (với tỷ lệ nắm giữ 16,5%) trong công ty mới cũng như giúp cho Cheil Industries – nơi gia tộc họ Lee đang nắm hoàn toàn quyền kiểm soát có thêm 4% cổ phần tại công ty Samsung Electronic, công ty con quan trọng hàng đầu của tập đoàn Samsung.

Trong thương vụ M&A này Cheil Industries sẽ thực hiện sát nhập Samsung C&T với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 0,35 : 1 tức là 0,35 cổ phiếu của Cheil Industries đổi 1 cổ phiếu của Samsung C&T.

Vụ sát nhập này cũng đánh dấu một thất bại đối với Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun Hy, người đã lên nắm quyền từ cuối năm 2012 với cam kết kiềm chế sự ảnh hưởng của các Chaebol mà vốn đang cản trở công cuộc đổi mới của nền kinh tế Hàn Quốc.

Cuộc bỏ phiếu thông qua kế hoạch sáp nhập vào thứ 6 tuần trước được ví như là trận chiến Waterloo (cuộc chiến giữa Napoleon Ponabar và Liên minh thứ 7 đã chấm dứt hoàn toàn sự nghiệp của vị hoàng đế nước Pháp cũng triều đại 100 ngày tuổi của ông cũng như vị thế thống lĩnh châu Âu của nước Pháp) về mặt kinh tế của bà Park, thời khắc mà chính phủ của bà đã thua cuộc trước những thế lực, nhóm tài phiệt từ các Chaebol.

Đó cũng là sự thất bại đối với những nhà đầu tư lớn, luôn đặt mục tiêu giành được quyền kiểm soát của một công ty (activist investor) như Paul Elliott Singer. Tháng trước, nhà đầu tư Paul Elliot Singer đã bắt đầu công bố khoản nắm giữ 7,12% cổ phần của quỹ phòng hộ Elliot do ông quản lý tại Samsung C&T, trở thành cổ đông lớn thứ 3 tại Samsung C&T.

Mục đích của Paul Elliot Singer là vận động các cổ đông khác bãi bỏ đề xuất sáp nhập, cuối cùng là để giảm ảnh hưởng của gia tộc họ Lee lên các hoạt động kinh doanh của Samsung.

Các quỹ phòng hộ nước ngoài luôn gây ra tranh cãi tại Hàn Quốc, họ thường bị ví như loài diều hâu luôn xấu xé những phần “xác thối – công ty đang gặp khó khăn”. Nhiều quỹ phòng hộ sử dụng chiến lược mua lại quyền kiểm soát của một công ty đang lâm vào cảnh khó khăn, sau đó tái cơ cấu lại công ty và hoạt động kinh doanh trở nên tốt hơn cho đến khi có thể tạo ra lợi nhuận từ việc bán công ty đó đi sau khi đã tái cơ cấu.

Nhưng đối với Paul Elliot Singer – một người Do Thái - thì ông còn phải đối mặt với một cuộc tấn công còn đặc biệt khó chịu hơn thế từ những người ủng hộ Samsung, các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đã gọi ông như là “bộ mặt tàn nhẫn, vô tình của những người Do Thái trên phố Wall”.

Sự tấn công nhằm vào Paul Elliot Singer khiến người ta nhớ lại những năm 1997, khi thủ tướng Malaysia lúc đó là Mahathir Mohamad đổ lỗi cho nhóm nhà đầu tư người Do Thái dẫn đầu bởi George Soros đã khiến nền kinh tế nước này sụp đổ sau các đợt bán khống đồng Ringgit. Nhưng hiện nay trong quan hệ đối với những nhà đầu tư quốc tế, Malaysia vẫn đang cố gắng làm mờ đi, vượt qua những hành động chỉ trích không đẹp này trong quá khứ của mình.

Và trường hợp lần này của Hàn Quốc, nếu người thừa kế của tập đoàn Samsung, Lee Jae Yong và tổng thống Park không lên án những vụ tấn công nhằm vào nhà đầu tư Singer nói riêng và giới đầu tư nước ngoài nói chung thì các công ty Hàn Quốc sẽ không dễ dàng vượt qua vết ố bẩn này trong quan hệ với những nhà đầu tư quốc tế.

Chắc chắn rằng, Singer, cũng như mọi nhà quản lý quỹ phòng hộ đã tham gia vụ đầu tư vào Samsung C&T với động cơ chính là kiếm lợi nhuận chứ không phải vì bảo vệ quyền lợi của những cổ đông khác trong công ty, nhưng những chỉ trích của ông về vụ sát nhập của Cheil Industries – vụ sát nhập “không vì lợi ích của các cổ đông mà chỉ vì lợi ích riêng của gia tộc họ Lee” là hoàn toàn chính xác.

Bây giờ điều đó gần như đã qua, thương vụ sẽ càng khiến cho các tập đoàn công nghiệp độc quyền thuộc sở hữu gia đình khác của Hàn Quốc trở nên mạnh bạo hơn để trong việc bảo vệ lợi ích của riêng họ, những hành động còn mạnh hơn cả những gì họ đã làm trước đây. Và cái được gọi là “sự chiết khấu của Hàn Quốc so với các thị trường khác – Korean discount” chắc chắn sẽ còn kéo dài.

Các cổ phiếu của Hàn Quốc bị định giá thấp hơn nhiều so với các thị trường phát triển khác trong khu vực với nguyên nhân chính là do sự quản lý yếu kèm của những công ty, tập đoàn thuộc sở hữu gia đình đang hành động vì lợi ích riêng của họ. Quyền nắm giữ các công ty Hàn Quốc hoàn toàn bị chi phối bởi một nhóm nhỏ cổ đông do đó làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các Chaebol Hàn Quốc cần hiểu rằng những cổ đông hoài nghi, bảo thủ cũng là một phần của doanh nghiệp, chứ không phải là mối đe dọa hiện hữu với công ty của họ và không nhất thiết những nhà sáng lập phải thiết lập vòng bảo vệ xung quanh sự chi phối tối cao của họ tại đây. Thật không may, các công ty Hàn Quốc thường được tiếp tay bởi những phương tiện truyền thông nước này dung túng cho xu hướng bài ngoại.

Những vấn đề này góp thêm vào các vấn đề kinh tế khác của Hàn Quốc, bao gồm sự bất lực trong việc tạo ra những cải cách mới trong cấu trúc nền kinh tế. Trong vài tháng gần đây, nhiều bài báo đang nói về quả bom startup công nghệ - các công ty mới thành lập trong lĩnh vực công nghệ của Hàn Quốc đang lớn lên khi những nhà tư bản mạo hiểm từ thung lũng Silicon – Mỹ - những nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng công nghệ mới tại Hàn Quốc.

Nhưng họ sẽ gần như chắc chắn chạm trán với các Chaebol Hàn Quốc, với nguồn ngân sách khổng lồ và những kết nối chính trị sâu rộng, những công ty lớn của Hàn Quốc có thể dễ dàng hất cẳng bất cứ ai dám bước vào sân chơi của họ.

Những ý nghĩ muốn làm thay đổi sự thống trị của những Chaebol trong nền kinh tế Hàn Quốc thường “chết yểu” ngay từ bên trong, từ trên xuống dưới trong giới chính trị nước này, có thể kết luận rằng những nhóm chính trị sợ rủi ro đang nắm quyền chi phối nền kinh tế Hàn Quốc – khi mà nhiều lãnh đạo của các Chaebol được đề xuất trả tự do sau các vi phạm trốn thuế, vi phạm luật pháp…

Cụ thể như trường hợp của chủ tịch Hyundai lẫn chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đều mắc vào cáo buộc trốn thuế với đầy đủ bằng chứng nhưng đều được trả tự do sau khi nộp phạt. Giới chính trị Hàn Quốc lo sợ rủi ro về một sự sụp đổ kinh tế theo kiểu “too big – too fall”.

Quay trở lại câu chuyện của Samsung, càng có thể kết luận rằng gia tộc họ Lee thực hiệnvụ sát nhập Cheil Industries và Samsung C&T chỉ vì làm lợi cho chính họ chứ không phải cho các cổ đông của Samsung hay 500,000 nhân viên của tập đoàn này.

Và vấn đề của Hàn Quốc không phải nằm ở xu hướng bài ngoài, những người nước ngoài hay người Do Thái mà đó là một hệ thống kinh tế đang làm tổn thương sự phát triển chất xám, sự sáng tạo, đổi mới của chính người dân Hàn Quốc – Chaebol bóp nghẹt sự phát triển của những luồng gió mới từ những công ty mới, từ những con người mới, ở tầng lớp mới.

Thuật ngữ Chaebol được ghép bởi từ “chae” nghĩa là “sở hữu” và “mumbol” nghĩa là “gia đình quyền quý” trong tiếng Triều Tiên. Chaebol chỉ các công ty, tập đoàn thuộc sở hữu gia đình, những tập đoàn, công ty này thường mở rộng ra, thâu tóm các công ty có khả năng phụ trợ, cung ứng đầy đủ cho lĩnh vực sản xuất chính của họ để tạo ra một quá trình sản xuất từ gốc tới ngọn theo mô hình độc quyền ngành dọc như trong giai đoạn đầu phát triển của mô hình này.

Chaebol đã có công trong việc vực dậy, phát triển kinh tế Hàn Quốc kể từ những năm 1960, do mô hình này có điểm mạnh đó là tạo ra chuỗi cung ứng, sản xuất, hỗ trợ chuyên biệt, khép kín cho các công ty Hàn Quốc, bên cạnh những hỗ trợ mạnh tay của chính phủ đã giúp họ cạnh tranh tốt với bất kỳ đối thủ nào muốn xâm nhập vào thị trường.

Tuy nhiên ngày nay khi sự ảnh hưởng từ nhóm những công ty, tập đoàn này quá mạnh trên mọi lĩnh vực kinh tế thì một vấn đề nghiêm trọng khác nảy sinh đó là họ kìm chế, loại bỏ hoàn toàn các công ty nhỏ, mới ra khỏi nền kinh tế, loại bỏ sự đổi mới, cải cách trong sản xuất, cạnh tranh để tạo ra thế độc quyền, chi phối thị trường kinh doanh và điều này đang kìm chế kinh tế Hàn Quốc. Một mô hình tương tự đó là Keiretsu của Nhật Bản.

TheoTríThứcTrẻvàGenk