Ở cố ấp Đường Lâm, quê nhà chúng tôi có một cái giếng gọi là Giếng Sữa hay Giếng Sữa Chuông Sa. Từ lúc còn bé, tôi đã bị ám ảnh bởi cái giếng đó.

Đó là một giếng nước rất nhỏ, xung quanh được xây bằng đá ong - một "đặc sản" của xứ Đoài "đất đá ong khô nhiều ngấn lệ". Khẩu giếng nhỏ bé ấy không bao giờ cạn nước, nước luôn trong vắt và có vị ngọt mát lành. Lòng giếng có những sợi rễ cây đâm ngang rũ xuống trắng phau như những sợi vải. Giếng nằm bên cạnh một sườn đồi và bên cạnh một tòa cổ miếu. Không biết từ bao đời nay rồi, mà đến tận hôm nay, đây vẫn cứ là nơi đến của các thiếu phụ đang nuôi con bú.

Các cô đang có con nhỏ trong giai đoạn còn bú mẹ, nếu chẳng may bị tắc sữa hay ít sữa, thậm chí không có sữa, thì đều tìm về đây. Các cô thành kính dâng vào miếu một mâm lễ vật nhỏ gồm hoa quả, bánh trái và một ít tiền lẻ, rồi chắp tay xưng rõ họ tên quê quán, tên mẹ tên con cùng lời cầu nguyện được thần ban cho dòng sữa ngọt lành. Khấn xong, mọi lễ vật phải để lại chứ không được mang về. Sau khi xin âm dương, được phép thì thiếu phụ sẽ đến bên giếng này múc nước bằng cái gáo dừa uống mấy ngụm. Rồi các cô sẽ lấy một thùng (chum, can) nước mang về dùng để nấu cơm hoặc đun lên làm nước uống. Lời cầu nguyện của thiếu phụ đã được linh ứng. Sữa đã về hoặc về thêm nhiều trên bầu vú căng tròn.

Sau khi các cô đi khỏi, lũ trẻ chăn trâu gần đó sẽ mò đến miếu và đem lễ vật chia nhau, đùa nghịch vui vẻ lắm. Các cụ già bảo, chỉ sau khi lũ trẻ chia nhau thì lời xin sữa của các cô mới hiệu nghiệm.

Giếng sữa trong lành ấy đã làm tuôn chảy không biết bao nhiêu dòng sữa mát, làm căng tròn bao nhiêu bầu vú thiếu phụ và từ đó làm căng trong bao nhiêu đôi má trẻ thơ no sữa mẹ. Tôi sống ở Hà Nội, nhân lúc trà dư tửu hậu cũng thường kể câu chuyện đó với các bà các chị. Cũng đã nhiều lần tôi phải đưa các chị các bà vượt đường xa về thăm tòa miếu cổ và dâng lễ vật cùng lời cầu nguyện bên tòa miếu cổ.

Nếu thăm Cổ ấp Đường Lâm, các bạn chớ quên thăm giếng Sữa mát lành quê tôi.