MỘT SỐ LỜI DẠY TRONG TAM TẠNG KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO NÓI VỀ TÁC HẠI CỦA SỰ TÀ DÂM

1. Phần thứ nhất: Bồ Tát quở trách sự dâm dục.


Kinh Đại Bảo Tích dạy rằng: “Bồ Tát quán sát trong chốn thế gian, thấy những chúng sinh ngu si điên đảo, đối với sự dâm dục đem lòng tham luyến, si mê, đối với mẹ hay chị, em gái của mình còn dám xâm hại làm nhục, huống chi đối với những người phụ nữ khác. Quán sát thấy rõ thực trạng như thế, Bồ Tát liền khởi tâm suy nghĩ rằng: ‘Thế gian này thật là chốn khổ sở thay! Những chúng sinh ngu si kia vốn từng ở trong bào thai của mẹ, được nuôi dưỡng lớn dần lên trong đó, lại sinh ra qua cửa mình người mẹ, sao không biết hổ thẹn mà còn làm chuyện loạn luân như thế? Thật đáng thương xót thay, những kẻ ấy rồi sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, [chịu hành hình] không một lúc nào được tạm dừng. Như một người mù bị bầy chó hung dữ rượt đuổi, nhất định phải rơi xuống hầm sâu, những chúng sinh si mê kia cũng giống như vậy, [chắc chắn rồi sẽ phải rơi vào những cảnh giới đọa lạc]. Lại như con lợn nuôi trong chuồng trại nhớp nhúa, sống giữa đống phẩn dơ hôi hám, ăn uống trong đó mà không hề biết ghê tởm chán ghét, những chúng sinh si mê kia [sống giữa tội lỗi mà không ghê sợ,] cũng giống như vậy. Nay ta sẽ vì những chúng sinh si mê tội nghiệp ấy mà tuyên thuyết giảng bày Chánh pháp mầu nhiệm, khiến cho họ [nghe theo rồi] liền vĩnh viễn dứt trừ tham dục, không còn phiền não.”

Kinh Nguyệt thượng nữ dạy rằng: “[Trong vô số kiếp luân hồi,] hoặc các người đã từng sinh ra làm cha ta, hoặc ta đã từng sinh ra làm mẹ các người, chúng ta đều đã từng là cha mẹ, anh em của nhau, làm sao có thể khởi tâm muốn làm chuyện dâm dục với nhau? [Trong vô số kiếp luân hồi,] ta cũng từng giết hại các người, hoặc các người đã từng giết hại ta, chúng ta đều đã từng có mối oán cừu giết hại lẫn nhau, làm sao có thể khởi tâm muốn làm chuyện dâm dục với nhau?”

Luận Trí độ nói: “Bồ Tát quán xét thấy trong tất cả các mối nguy hại thì [sự nguy hại từ] nữ sắc là nghiêm trọng nhất. Những mối nguy như đao kiếm, lửa thiêu, sấm sét, kẻ thù, rắn độc, vẫn còn có thể tạm thời gần gũi [mà chưa bị hại ngay], nhưng người phụ nữ có những tính xấu như keo kiệt, đố kỵ, sân hận, siểm nịnh, yêu mị, ô uế, ưa tranh chấp, tham lam thì không thể gần gũi được.”

Kinh Tăng nhất A-hàm dạy rằng: “[Người xuất gia] đừng tới lui quan hệ thường xuyên với nữ nhân, cũng đừng cùng họ nói năng bàn luận. Ai có thể xa lìa được nữ sắc, ắt có thể lìa xa được tám hoàn cảnh khó tu tập.”

Kinh Trường A-hàm chép rằng: “Ngài A-nan thưa hỏi Phật: “Sau khi Phật diệt độ, nếu có người nữ đến thưa hỏi giáo pháp, nên làm thế nào?’ Phật dạy: ‘[Chỉ dạy cho họ nhưng] không nên gặp mặt.’ Ngài A-nan lại hỏi: ‘Nếu phải gặp mặt thì nên làm thế nào?’ Phật dạy: ‘Không nên cùng họ chuyện trò qua lại.’ Ngài A-nan lại hỏi: ‘Nếu phải trò chuyện thì nên thế nào?’ Phật dạy: “Phải luôn biết tự kiểm thúc tâm mình.’”

Kinh Mật nghiêm dạy rằng: “Nam nữ cùng đam mê ái dục, tinh huyết cùng hòa hợp sinh con. Như loài trùng sinh ra trong bùn nhơ, người sinh từ bào thai của mẹ cũng nhơ nhớp như vậy.”

Trên đây có sáu phần được trích dẫn từ kinh luận. Hai phần đầu tiên dạy khởi tâm bi mẫn đối với tất cả chúng sinh. Các phần thứ ba, thứ tư và thứ năm dạy người đoạn tuyệt cội gốc dâm dục. Phần cuối cùng kết lại bằng cách chỉ rõ sự bất tịnh của xác thân máu thịt giả tạm này.


2. Phần thứ hai: Quả báo của tội tà dâm.

Sách Pháp uyển châu lâm chép: “Đức Phật dạy rằng tà dâm có mười tội báo. Một là [gian dâm với người vợ] nên thường phải lo sợ bị người chồng giết hại. Hai là khiến cho vợ chồng nhà mình không hòa thuận. Ba là điều ác ngày càng tăng thêm, điều lành ngày càng giảm bớt. Bốn là [chết sớm khiến cho] vợ con phải cô độc không người chăm sóc. Năm là tài sản gia đình mỗi ngày một hao tổn. Sáu là mỗi khi có chuyện xấu ác xảy ra, thường bị người khác nghi ngờ cho mình. Bảy là bị bạn bè thân hữu khinh bỉ phỉ báng. Tám là rộng kết oán thù với nhiều người. Chín là sau khi chết phải đọa vào địa ngục. Mười là sau khi chịu tội ở địa ngục xong, nếu sinh làm thân nam thì gặp phải người vợ không trinh tiết, nếu sinh làm thân nữ thì gặp phải người chồng đa thê.”

Kinh Bát sư dạy rằng: “Kẻ tà dâm dan díu với vợ người khác, hoặc bị người chồng bắt được, lập tức phải gặp tai ương, gây họa lây đến cho cả người trong gia đình, thân tộc; hoặc bị pháp luật trừng trị, phải chịu hình phạt đau đớn khổ sở. Sau khi chết lại phải đọa vào những cảnh giới địa ngục, súc sinh, tùy theo mức độ mà chịu tội. Ví như sau đó còn chút may mắn được sinh trở lại làm người, ắt phải rơi vào cảnh nhục nhã xấu hổ vì vợ con dâm loạn. Nay ta thấy rõ [những sự báo ứng] như vậy nên không dám phạm vào tà dâm.”

Kinh Tát-già Ni-kiền tử dạy rằng: “Người nào không biết đủ với vợ nhà, tham muốn dâm dục với vợ người khác, đó là không biết hổ thẹn, sẽ phải thường chịu khổ não, không được an vui.”

Kinh Ưu-bà-tắc giới dạy rằng: “Nếu người nào có quan hệ tình dục vào thời gian không thích hợp, hoặc ở địa điểm không thích hợp, hoặc quan hệ với người đồng tính, hoặc với phụ nữ chưa chồng, đều gọi là tà dâm. Nếu quan hệ với vợ mình mà nghĩ tưởng đến vợ người khác, hoặc quan hệ với vợ người khác mà nghĩ tưởng xem như vợ mình, đó cũng là tà dâm. Những sự tà dâm như thế cũng có phân ra nặng nhẹ khác nhau. Do phiền não nặng nề, ắt phải chịu tội báo nặng nề. Do phiền não kém nặng nề hơn, ắt chịu tội báo kém nặng nề hơn.”

Kinh Niết-bàn dạy rằng: “[Nếu có] Bồ Tát nào, tuy không cùng nữ nhân làm chuyện dâm dục, nhưng khi nhìn thấy những cặp nam nữ mê đắm theo đuổi nhau liền khởi sinh tâm tham muốn vướng chấp, đó gọi là hủy phạm giới hạnh thanh tịnh.”

Kinh Tạo tượng công đức chép rằng: “Phật dạy Bồ Tát Di-lặc: ‘Có bốn nhân duyên khiến cho nam giới phải chịu thân bất lực, không có khả năng hành dâm. Một là hủy hoại tàn khốc thân thể người khác, hoặc thậm chí là các loài súc sinh. Hai là đối với các vị tỳ-kheo trì giới mà khởi tâm sân hận hoặc chê cười, hủy báng. Ba là buông thả tâm ý tham dâm quá độ, cố ý phạm giới. Bốn là gần gũi kết giao với người phạm giới, lại khuyến khích, xúi giục người khác phạm giới. Nếu có người đã lỡ phạm vào bốn điều ấy, nhưng sau đó khởi tâm thành tín tin sâu Tam bảo, tạo tác hình tượng Phật, [nhờ công đức ấy sẽ] không phải chịu quả báo như trên. Lại có bốn loại nghiệp có thể khiến cho nam giới phải chịu thân lưỡng căn, trong người mang cả hai căn nam nữ. Một là dâm loạn với các bậc tôn túc trưởng thượng của mình. Hai là quan hệ tình dục với người đồng tính. Ba là tự mình thủ dâm. Bốn là làm việc môi giới mua bán dâm. Nếu có người đã lỡ phạm vào bốn điều ấy, nhưng sau đó khởi tâm thành tín tin sâu Tam bảo, tạo tác hình tượng Phật, [nhờ công đức ấy sẽ] không phải chịu quả báo như trên.”

Trên đây có sáu phần được trích dẫn từ Kinh điển, ba phần đầu tiên nói về [những sai lầm tội lỗi] của người xấu ác, phần thứ tư nói về [sai lầm tội lỗi] của người phát tâm tu thiện, phần thứ năm nói về [sai lầm tội lỗi] của người xuất gia, phần cuối cùng khuyên sám hối nếu đã lỡ phạm vào tội lỗi.


3. Phần thứ ba: Công đức của việc giữ giới không tà dâm.

Kinh Thất Phật diệt tội nói rằng: “Người thọ trì giới không tà dâm có năm vị thiện thần đi theo bảo vệ. Các vị ấy có tên là Trinh Khiết, Vô Dục, Tịnh Khiết, Vô Nhiễm và Đãng Địch.”

Kinh Phật bát Nê-hoàn chép: “Phật dạy Nại nữ: Người không tà dâm có năm điều phước lành tăng trưởng. Một là được nhiều người khen ngợi, hai là không sợ quan quyền, ba là được sống yên ổn, bốn là sau khi chết được sinh lên cõi trời, năm là tu tập theo đạo thanh tịnh, chứng đắc Niết-bàn.”

Kinh Giới đức hương dạy rằng: “Người không tà dâm, không xâm phạm đến vợ người khác, dù sinh ra ở đâu cũng được hóa sinh từ hoa sen.”

Kinh Lăng nghiêm dạy rằng: “Nếu chúng sinh trong sáu đường luân hồi giữ tâm không tham dâm, ắt không bị lôi cuốn mãi trong tướng trạng sinh tử. [Tỳ-kheo] các ông tu tập pháp Tam-muội, vốn là để thoát ra khỏi chốn trần lao, nhưng nếu không trừ tâm dâm dục thì không thể thoát ra được. Ví như hiện tại có được nhiều trí tuệ thiền định, nhưng nếu không trừ dứt tâm dâm dục ắt sẽ bị lạc vào ma đạo. Nếu như cả thân và tâm đều dứt sạch động cơ hành dâm, cho đến dứt cả ý niệm về sự đoạn trừ, may ra mới có khả năng chứng đắc quả Phật Bồ-đề.”

Kinh Đề-vị dạy rằng: “Mỗi năm vào 3 tháng ăn chay, mỗi tháng vào 6 ngày ăn chay, hoặc dưới ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao, cùng với các ngày bát vương, đều phải giữ gìn kiêng kỵ [không được hành dâm].”

Kinh Thiền yếu ha dục dạy rằng: “Người tu tập cầu đạo giải thoát, trì giới tu định, phải trừ dứt sáu sự ham muốn. Một là ham muốn ngoại hình xinh đẹp, hai là ham muốn dung mạo xinh đẹp, ba là ham muốn dáng vẻ xinh đẹp, bốn là ham muốn âm thanh tiếng nói dịu ngọt, năm là ham muốn sự xúc chạm mềm mại êm ái, sáu là ham muốn cử chỉ hành vi dịu dàng. Nếu rơi vào những sự ham muốn như thế, nên quán tưởng sự bất tịnh, ô uế [của đối tượng].”

Trên đây có sáu phần được trích dẫn từ Kinh điển. Hai phần đầu tiên nêu những phước lành hội tụ [đến với người giữ giới không tà dâm]. Các phần thứ ba và thứ tư nói đến việc xuất ly sinh tử [nhờ giữ giới không dâm dục]. Hai phần cuối cùng nêu rõ thêm phương pháp giữ giới.


4. Phần thứ tư: Tỉnh giác răn ngừa trong đời sống thế tục.

Kinh Bồ Tát ha sắc dục pháp có nói: “Sắc đẹp nữ nhân là gông cùm của người thế gian, những kẻ phàm phu tham luyến vướng mắc rồi không thể tự thoát ra được. Sắc đẹp nữ nhân là khổ nạn nặng nề của người thế gian, những kẻ phàm phu bị vây khốn vào đó thì cho đến chết cũng không dứt được. Sắc đẹp nữ nhân là mối tai họa nguy hiểm của người thế gian, những kẻ phàm phu đã vướng phải rồi thì mọi thứ tai ách khổ nạn đều theo nhau kéo đến. Người tu tập một khi buông bỏ được [sự tham luyến sắc dục] rồi, nếu lại còn khởi lên tà niệm thì chẳng khác nào như vừa từ trong lao ngục được thoát ra đã quay trở vào, như người điên loạn vừa được tỉnh táo lại tái phát bệnh cuồng điên như cũ.”

Lại cũng nói rằng: “[Quán xét] tướng trạng của sắc dục, lời nói thì dịu dàng như mật ngọt, nhưng bên trong ẩn chứa sự nguy hiểm độc hại, khác nào như vực sâu nước trong vắt im lìm nhưng có loài thuồng luồng dữ tợn ẩn náu [chực chờ hại mạng], lại cũng như núi vàng hang báu nhưng có sư tử hung bạo nằm phục [sẵn sàng giết người]. Gia đình bất hòa, nguyên do thường phát sinh từ sự đam mê sắc dục. Gia tộc suy bại là tội lỗi của sắc dục. Sắc dục chính là kẻ giặc nghịch ngấm ngầm diệt mất sự sáng suốt trí tuệ của người. Ví như tấm lưới giăng cao ngang trời, bầy chim vướng phải thì không còn được tự do bay nhảy. Lại như tấm lưới bủa dày dưới sông, cá tôm đã mắc vào thì chắc chắn phải bỏ mạng vì dao thớt. Cho nên, người có trí tuệ nhận biết rõ ràng sự nguy hại như thế mà khéo tránh xa, không để cho sắc dục mê hoặc.”

Kinh Đại Bảo Tích dạy: “Nên biết rằng sự đam mê sắc dục là cội gốc của muôn điều khổ não, là căn bản của mọi chướng ngại, là gốc rễ của sự giết hại, của sự trói buộc, của sự oán thù đối địch, của sự mù quáng si mê. Nên biết rằng, sự đam mê sắc dục sẽ diệt mất con mắt trí tuệ của bậc thánh. Nên biết rằng, sự đam mê sắc dục là đốm lửa [văng ra khi đập] sắt nóng, nằm vung vãi trên mặt đất đợi chân người giẫm phải [gây bỏng].”

Lại cũng dạy rằng: “Vì sao gọi là mê đắm [sắc dục]? Nói mê đắm có nghĩa là khiến cho người ta như mang vác thêm vật nặng, phải chìm đắm [trong dòng đời], bơi lội tới lui đều phải vất vả mang theo.”

Lại cũng nói rằng: “Ta quán xét trong cùng khắp các cõi thế giới, mối oán cừu lớn lao nhất của tất cả chúng sinh không gì hơn sự đam mê tham muốn sắc dục. Vì đối với nữ sắc bị đam mê trói buộc nên hướng về các pháp lành nảy sinh rất nhiều chướng ngại.”

Kinh Tứ thập nhị chương nói: “[Đức Phật dạy rằng:] Con người bị vướng mắc trói buộc với vợ con, tài sản còn ghê gớm hơn cả tù ngục giam cầm. Tù ngục giam cầm còn có kỳ hạn được thả ra, trói buộc với vợ con thì [vĩnh viễn] chẳng lúc nào nghĩ đến sự xa lìa.”

Kinh Đạo hạnh Bát-nhã dạy rằng: “Người tại gia ngày ngày đối diện với nữ sắc, trong lòng không được vui vẻ an ổn, thường phải lo lắng sợ sệt. Cũng giống như người phải đi qua vùng hoang vu rộng lớn, trong lòng thường lo sợ bọn giặc cướp.”

Trên đây có sáu phần được trích dẫn từ Kinh điển. Ba phần đầu tiên luận tổng quát về những mối nguy hại của sự đam mê sắc dục. Các phần thứ tư và thứ năm nói đến việc chúng sinh bị sắc dục trói buộc. Phần cuối cùng khơi dậy sự tỉnh giác sợ sệt đối với sắc dục.

Trích từ quyển An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người Bỏ Sự Tham Dục