Kỳ 6: Bài thuốc nam vẫn là những bí ẩn



Rừng tự nhiên là nguồn thuốc nam quý.

Có thể nói, việc nghiên cứu, tìm hiểu một cách khoa học những bài thuốc Nam của người Mường từ trước đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Theo ông Lê Xuân Sản - Phó Chủ tịch Hội đông y tỉnh thì chỉ có bài thuốc của bà Đinh Thị Phiển chữa u bướu được nghiên cứu bài bản. Đến nay, cách dùng thuốc nam và cách chữa bệnh bằng mẹo của người Mường vẫn là một điều bí ẩn, nhiều lúc, khoa học chưa thể minh chứng được.

“Toọc moong” – đoán lá cây rừng

Theo sử sách ghi lại, người Mường sống ở gần rừng núi, nên mọi mặt trong cuộc sống đều có sự gắn bó với rừng. Trong rất nhiều phong tục, tập quán liên quan đến rừng, người Mường có tục ngày xuân đoán lá cây rừng. Cứ vào khoảng 27 tháng 12 âm lịch hàng năm là bà con người Mường coi đây là ngày “đóng cửa rừng”. Từ ngày đóng cửa rừng cho đến ngày mở cửa rừng (quãng từ mồng 7 đến 15 tháng Giêng), tuỳ theo thầy mo chọn được ngày tốt thì làm lễ mở cửa rừng, còn gọi là lễ “Toọc moong”. Trong ngày lễ mở cửa rừng, bà con trong mường tụ tập lại một khu đất trong rừng để làm lễ. Khi thầy mo làm lễ xong, trai tráng khỏe mạnh thúc chó vào rừng săn thú; đàn ông, đàn bà luống tuổi cùng các cô gái tỏa đi hái rau, hái nấm. Trong khi hái rau hái nấm, người già sẽ hái thêm nhiều loại lá cây bỏ vào giỏ mang về (chủ yếu là lá cây gỗ quý, lá thuốc và lá rau rừng).

Ban đêm khi tiệc đã tàn, bà con cùng vui múa hát, nghe kể sử thi “Mo Mường”, trong đó có cả trò đoán lá cây. Lá cây được ông trưởng họ, trưởng bản hoặc ông mo mường xếp kín trong chiếc giỏ to. Người đoán lá chỉ là trai gái chưa vợ chưa chồng, còn trọng tài là các vị trưởng lão. Mỗi lá cây được đưa ra đố, trai gái thi nhau trả lời. Ai đoán được nhiều loại lá nhất, có khi được mường thưởng cho cả một chiếc vòng tay bằng bạc.

Thú vị nhất là khi đoán đúng tên lá cây, các cụ thường hỏi: Cây này dùng để làm gì? Nếu trả lời: “Để làm cột nhà ạ!”, các cụ sẽ bảo cho cách chọn mùa đốn gỗ, cách ngâm và chỉ cho biết áng rừng nào nhiều loại gỗ này. Trong trường hợp đoán được lá cây thuốc thì các cụ lại hỏi: Thuốc chữa bệnh gì? Thanh niên trả lời đúng thì các cụ lại phân tích cho biết thêm cách phối hợp với các loại dược liệu khác để tạo nên nhiều bài thuốc hay. Nếu đoán những loại lá có tác dụng làm thức ăn, các cụ sẽ phân tích, hướng dẫn cách chế biến và cho biết trường hợp nào thì kiêng không được ăn hoặc kiêng nấu với thứ gì sẽ gây thành độc tố... Mỗi đêm như thế, có thể đoán tới hàng trăm loại lá khác nhau và mùa xuân, có thể tổ chức nhiều lần đoán lá. Có nhiều loại lá con trẻ không biết, các cụ già sẽ chỉ bảo tận tình để con cháu “biết nhận mặt lá”. Có lẽ, vì tục đoán lá này mà người Mường đời này qua đời khác rất giỏi về ẩm thực khi khai thác rau quả tự nhiên, giỏi về các bài thuốc Nam, giỏi tìm kiếm các loại gỗ quý.

Người giỏi thuốc Nam luôn được trọng nể trong cộng đồng người Mường. Thầy lang người Mường xưa chữa bệnh không lấy tiền. Khi ai đó nhờ chữa mà khỏi bệnh thì lễ vật trả thế nào tuỳ tâm. Người bệnh trọng mà chữa khỏi thường nhận thầy lang là cha mẹ nuôi hoặc anh em kết nghĩa “sống tết, chết giỗ”. Điều hạnh phúc nhất với họ chính là uy tín cá nhân trong việc làm phúc cho cộng đồng.


Bảo tồn như thế nào?

Khác với cách chữa bệnh bằng thuốc tây việc sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh sẽ ít có tác dụng phụ, tiết kiệm được rất nhiều chi phí bởi nguồn thuốc sẵn có trong thiên nhiên. Tuy nhiên, các thầy thuốc Nam ở Hoà Bình còn hoạt động tự phát. Nhiều khi không có sự quản lý của chính quyền và ngành y tế địa phương. Có khi họ chỉ là những nông dân thuần tuý khi có bệnh nhân đến nhờ chữa thì chữa. Phần lớn, họ không dùng nghề thuốc là nghề kiếm sống. Và cách học các bài thuốc này là cách “truyền tay”. Bố, mẹ truyền cho con, con truyền cho cháu. Do không xác định là nghề “kiếm cơm” nên nhiều người ngại học. Do vậy, các bài thuốc của người Mường đang có nguy cơ bị mất mát, thất truyền . Các cây thuốc quý ngày càng khan hiếm do bị khai thác rừng ngày càng mạnh mẽ.

Theo ông, Lê Xuân Sản - Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh thì hiện tại Hội Đông y có 2062 hội viên với 208 chi hội xã, phường. Hội cũng đã sưu tập trên 300 bài thuốc Nam. Nhiều bài thuốc là thuốc quý chữa được các bệnh nan y như gan, thận, dạ dày, khối u… Mỗi thầy thuốc đều có vườn thuốc tại gia đình mình. Để bảo tồn và lưu giữ các bài thuốc này hàng năm Hội thường xuyên tập huấn cho các hội viên, tổ chức hội thảo chuyên đề, in thành sách, tạp chí… Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên hội chỉ làm được ở mức độ nào đó. Các bài thuốc này chủ yếu là thuốc gia truyền từ đời này sang đời khác. Nhiều bài thuốc chưa được cơ sở khoa học thẩm định. Một bài thuốc muốn được thẩm định khoa học phải mất khoảng hơn 100 triệu đồng. Riêng việc đi thẩm định thuốc đó có độc hay không cũng mất tới trên 50 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, các bài thuốc này vẫn được các thầy lang sử dụng cứu người. Có khi cùng một bệnh mà mỗi người thầy thuốc có một cách chữa riêng. Nhiều bài thuốc công hiệu rất tốt đối với bệnh nhân.

Cũng theo ông Sản, cần khuyến khích các hoạt động bảo tồn các cây thuốc và bài thuốc quý từ cấp ở các Hội Đông y của huyện. Cần tổ chức nhiều các chương trình hội thảo, trao đổi học tập kinh nghiệm chữa bệnh của những thấy lang. Ngoài Hội Đông y tỉnh xuất bản cuốn sách những bài thuốc kinh nghiệm chữa bệnh của các lương y dân tộc tỉnh Hoà Bình thì hiện Bảo tàng tư nhân Không gian văn hoá Mường của anh Nguyễn Đức Hiếu ở thành phố Hoà Bình đã bắt đầu đi sâu bảo tồn, giới thiệu các loài cây thuốc Nam. Đầu năm 2008, Bảo tàng đã phối hợp với nhóm sinh viên tình nguyện trường Đại học Dược Hà Nội xây dựng một vườn thuốc nam theo đặc trưng văn hoá dân tộc Mường với diện tích 500 m2, gồm trên 600 cá thể của 200 loài thực vật mọc trên đất Hoà Bình. Xây dựng một vườn ươm giống cây thuốc hoàn thành bộ tiêu bản khô với đầy đủ thông tin về 10 cây thuốc đặc trưng; bộ tiêu bản ảnh giới thiệu về hệ thống sử dụng cây thuốc theo các nhóm bệnh khác nhau của người Mường.


Việt Lâm - Nguyễn Tuấn

Có thể ...còn nữa .:icon_rolleyes: