Nhiều người hay đem tiền đến chùa đưa cho tu sĩ để cúng dường mong tạo phước lành, nhưng họ không biết là tự mình phạm một tội lớn …phá hoại GIÁO PHÁP!

ĐỨC PHẬT KHÔNG CHO PHÉP CÁC TU SĨ NHẬN TIỀN BẠC

Trong Tương ưng bộ-Samyutta Nikaya, Salayatana Samyutta, Gamani Samyutta, Kinh số 10, Kinh Maniculaka :

“Khi ấy Đức Thế Tôn đang cư trú ở Rajagaha (thành Vương Xá) tại một nơi gọi là Veluvana (Trúc Lâm Tịnh Xá)… (Đức Thế Tôn): ‘Thật vậy, trưởng làng, bằng cách giải thích như thế ông diễn đạt những gì ta nói và không xuyên tạc ta. Ông đã trả lời phù hợp với Giáo Pháp này và người diễn đạt phù hợp với Giáo Pháp này sẽ không tìm ra lý do để chê trách ông.

‘Trưởng làng, bởi vàng, bạc, và tiền không được cho phép đối với những tu sĩ là trưởng tử của thái tử dòng Thích Ca. Những tu sĩ là trưởng tử của thái tử dòng Thích Ca không ưng thuận vàng, bạc, hay tiền. Những tu sĩ là trưởng tử của thái tử dòng Thích Ca không nhận vàng, bạc, hay tiền. Những tu sĩ là trưởng tử của thái tử dòng Thích Ca đã từ bỏ vàng ngọc và không có tiền của.

‘Trưởng làng, đối với bất kỳ ai mà vàng, bạc, hay tiền được cho phép thì đối với họ năm loại lạc thú giác quan được cho phép. Đối với bất kỳ ai mà năm loại lạc thú giác quan được cho phép thì ông có thể chắc chắn: “Ông ta không có tính chất của một tu sĩ, ông ta không có tính chất của một trưởng tử của thái tử dòng Thích Ca.”


Điều này cho thấy làm thế nào tiền bạc là một chướng ngại cho sự giác ngộ và một người thực sự giác ngộ không sử dụng tiền bạc ra sao. Những trích dẫn ở trên hoàn toàn minh chứng rằng việc các tu sĩ nhận tiền không phải là một lỗi lầm nhỏ bé, và hành động đó có thể khiến cho một tu sĩ không thể đạt được Niếp-bàn.

PHẠM TỘI KHI NHẬN TIỀN TRONG TẠNG LUẬT-VINAYA

Đối với các tu sĩ (Tỳ khưu) thì có bốn điều học chính liên quan tới tiền bạc được tìm thấy trong vinaya (Tạng Luật):

1. Rupiya sikkhapada (Nissaggiya Pacittiya số 18)
2. Mendaka sikkhapada (Vinaya Mahavagga, Bhesajja Khandhaka)
3. Raja sikkhapada (Nissaggiya Pacittiya số 10)
4. Rupiya samvohara sikkhapada (Nissaggiya Pacittiya số 19.)

Các bản dịch số 2 và 3 đã được đưa ra ở trên và những bản dịch số 1 và 4 như sau:

1. Rupiya Sikkhapada Bất kỳ Tỳ khưu nào tự mình nhận tiền hay là nguyên nhân khiến người khác nhận tiền cho mình, hoặc ưng thuận ( tiền, vàng) đã được mang đến, Tỳ khưu đó đã vi phạm Nissaggiya Pacittiya.

4. Rupiya samvohara sikkhapada Bất kỳ Tỳ khưu nào tham gia vào việc trao đổi bất kỳ thứ gì trong những hình thức khác nhau của vàng, bạc, hay tiền, Tỳ khưu đó đã vi phạm Nissaggiya Pacittiya. Một tu sĩ bị cấm làm ba điều:

1. sayam ganhati –Tỳ kheo đích thân nhận tiền.
2. annam gahapeti – ông ta làm cho người khác nhận tiền cho ông.
3. idam ayassa hotu ti upanikkhittam sadiyati – Họ nói: ‘Thưa Sư, món tiền này/kia là dành cho Sư,’ và ông ta ưng thuận số tiền họ mang đến.

Tóm lại liên quan đến việc thọ dụng tiền vàng thì một tu sĩ, đặc biệt là Tỳ khưu phạm nhiều tội khác nhau. Trong Tập yếu của Tạng Luật liệt kê :

- Vị trong khi nhận lãnh vàng bạc vi phạm hai tội: Vị cầm lấy, lúc tiến hành phạm tội dukkaṭa; khi đã cầm lấy, phạm tội nissaggiya pācittiya.
- Vị trong khi thực hiện việc trao đổi vàng bạc dưới nhiều hình thức vi phạm hai tội: Vị thực hiện, lúc tiến hành phạm tội dukkaṭa; khi đã thực hiện, phạm tội nissaggiya pācittiya.
-Vị trong khi thực hiện việc mua bán dưới nhiều hình thức vi phạm hai tội: Vị thực hiện, lúc tiến hành phạm tội dukkaṭa; khi đã thực hiện, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Như vậy, theo 3 hình thức cơ bản liên quan đến tiền bạc vị Tỳ Khưu phạm 2 loại tội hay nói cụ thể là 6 tội khác nhau.

PHÁ HOẠI LUẬT LÀ PHÁ HOẠI GIÁO PHÁP.

Đối với vị Tỳ khưu hay Sa di thì mỗi mỗi điều học đều có tầm quan trọng như nhau. Như 10 điều học căn bản của vị Sa-di, nếu vị ấy phạm vào bất kì một điều học nào thì đường nhân, thiên hay Níp-bàn đều đóng lại đối với vị ấy. Ví như một người vào chùa và rủ vị Sadi kia đi nhậu, hay trộm cắp, sát sinh…thì cũng tương đồng một người cho vị Sadi kia tiền để xài. Tương đồng ở đây tức là đều làm cho vị Sa-di ô uế giới hạnh.

Làm vị đó mất giới thứ 10 là 1 trong những điều học mà đức Phật quy định. Như vậy người phật tử kia tình cờ đã phạm tội huỷ hoại giáo pháp. Dĩ nhiên là Nghiệp sẽ trổ đến vị đó trong ngày vị lai. Tuy Phước thí tiền cho riêng cá nhân vẫn có, nhưng nó không lớn mạnh bằng nghiệp phá hoại.

Giáo pháp đức Phật tồn tại trong 5000 năm, tạng cuối cùng bị mất là tạng LUẬT-Vinaya. Vì Giới Luật hoại thì giáo pháp của đức Phật mất. Phật giáo được phát triển hay suy đồi chính là do bên trong các hàng Phật tử; còn bên ngoài, người ngoài chắc chắn không thể làm cho Phật giáo được phát triển hoặc suy đồi.

Vậy, muốn cho pháp học Phật giáo được phát triển, mỗi người Phật tử cần phải học hỏi nghiên cứu, hiểu rõ đúng đắn theo Tam tạng – Chú giải trong Luật bằng ngôn ngữ Pāḷi , lời giáo huấn của Ðức Phật và động viên khuyến khích người khác cũng học như vậy.

CÁCH DÂNG TỨ VẬT DỤNG BẰNG CÁCH ĐỂ LẠI TIỀN BẠC NƠI NGƯỜI HỘ ĐỘ.


Một vị Tỳ Khưu hay Sa di chỉ sở hữu 3 y và một bát. Sống nuôi mạng nhờ việc khất thực hoặc thí chủ trai tăng. Được sở hữu tứ vật dụng cho nhu cầu cá nhân. Chúng ta chỉ cúng dường trực tiếp đến chư tăng như y, vé đi lại , khám chữa bệnh, sách vở… Còn liên quan đến tiền bạc thì phải thông qua một người cư sĩ hộ tăng gọi là Kappiya .

Một ngân quỹ dành để mua những vật dụng cần thiết có thể được để lại cho một kappiya (người phục vụ cho Tỳ khưu) và ông ta nên được chỉ dẫn để mua và cúng dường những vật dụng cần thiết cho một Tỳ khưu, một nhóm Tỳ khưu, hay Tăng đoàn. Đừng hỏi Tỳ khưu: ‘Nên trao số tiền này cho ai?’ Nếu quý vị hỏi theo cách này thì một Tỳ khưu không được phép chỉ rõ một kappiya.

Chỉ nên nói: ‘Thưa Sư, con muốn cúng dường những vật dụng cần thiết cho Sư. Ai là kappiya của Sư?’ Khi đã cho kappiya biết, quý vị thông báo cho Tỳ khưu bằng cách nói: ‘Con đã để lại một món tiền trị giá ‘xxx’ cho kappiya của Sư. Khi Sư cần những vật dụng cần thiết Sư cứ hỏi họ và họ sẽ dâng cho Sư những vật dụng đó.’

Quy định này Đức Phật cho phép trong phần được gọi là ‘thừa nhận mendaka’. Trong Bhesajja Khandhaka của Mahavagga (Đại Phẩm) , Vinaya Pitaka (Tạng Luật): Các Tỳ khưu, có những người có niềm tin và lòng tôn kính và nếu họ giao phó tiền cho một kappiya và chỉ dẫn cho người này: ’Với số tiền này xin cúng dường những vật dụng cần thiết được cho phép cho vị Sư này,’ thì các Tỳ khưu, ta cho phép các ông nhận mọi vật dụng cần thiết được phép nhận và được mua ( được thực hiện bởi người hộ độ sau khi vị Tỳ khưu nói lên nhu cầu bằng lời nói hợp luật “Ta cần….”.) bằng số tiền này, nhưng các Tỳ khưu, ta chẳng thể nào cho phép nhận hay tìm kiếm tiền bạc.

CƯ SĨ PHẢI HỌC LUẬT TRƯỚC KHI LÀM PHƯỚC HAY HỘ ĐỘ CHƯ TĂNG


Ở các nước phật giáo Nguyên Thuỷ Theravada, cư sĩ được đào tạo về giáo lý căn bản của Phật giáo, trong đó có tạng Luật và cách thức hộ độ cho chư Tăng tu tập. Giống như Thiên chúa có các lớp học giáo lý 6 tháng cho tín đồ vậy. Đối với người Việt chúng ta, do phật giáo Nguyên Thuỷ còn quá mới mẻ so với dòng lịch sử. Nên hầu hết Phật tử đến chùa và làm theo phong tục tập quán mà thôi. Tình cờ với tâm thành kính sai lầm đã làm suy đồi đạo Phật thật sự. Và lại tạo thêm cho mình một Ác Nghiệp cực kỳ lớn – PHÁ HOẠI GIÁO PHÁP !

Phật giáo có thể phát triển nơi này, lại có thể suy đồi nơi khác. Phật giáo có thể phát triển nơi dân tộc này, lại có thể suy đồi nơi dân tộc khác. Phật giáo có thể phát triển nơi người Phật tử này, lại có thể suy đồi nơi người Phật tử khác. Cho đến khi Phật giáo không còn tồn tại nơi nào cả, nơi dân tộc nào cả, và không còn một ai trên thế gian nhớ và hiểu được một câu kệ Phật ngôn để thực hành Giới-Định-Tuệ, khi ấy mới gọi là Phật giáo hoàn toàn tiêu hoại trên thế gian.
Chính sự thiếu hiểu biết và đức tin mù quáng của những người phật tử LÀ GÓP PHẦN LÀM CHO SỰ TIÊU HOẠI MẠNG MẠCH CỦA PHẬT PHÁP đúng như câu nói SƯ TỬ TRÙNG THỰC SƯ TỬ NHỤC.

Tài liệu tham khảo:
- Tạng Luật Vinaya – Nikaya (Nissaggiya Pacittiya )
- Tìm hiểu phước bố thí - Tk Hộ Pháp.
-Một đời sống không sử dụng tiền bạc - Tỳ khưu Dhamminda - Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên
- Chú Giải tạng Luật – Khmer ( Cambodia) _ Minh Thế