“Truyền nhân” có biệt tài chữa bệnh xương
Thứ Tư, 15/10/2008 --- cập nhật 05:18 GMT+7


Lương y Nguyễn Sỹ Nghị (Thường Nga, Nga Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) đã tiếp nối những bí quyết gia truyền của tổ tiên, có thể điều trị những bệnh liên quan đến xương chỉ với thảo dược mà không hề đụng đến dao kéo...

Lạ thay, phương pháp bí truyền này lại có hiệu quả bất ngờ.

Không phải đến bây giờ người ta mới biết đến ông, mà từ mấy chục năm trước, danh tiếng về ông đã vang xa khắp đất nước, ra cả nhiều nước lân cận như Lào, Thái Lan, Trung Quốc...


Ông Nghị chữa cho cháu Trương Quang Đức (12 tuổi), một bệnh nhân từ Đaklak xuống


Hàng nghìn bệnh nhân mắc các chứng bệnh về xương như gãy, rạn đã được ông chữa lành.

Và cũng chừng ấy con người nhớ đến ông như nhớ đến một vị lương y tài năng có tấm lòng quảng đại đối với người nghèo.

Bàn tay “thần kỳ”

Theo lời chỉ dẫn có phần ngắn gọn của một người bạn, chúng tôi vượt gần năm chục cây số từ thành phố Hà Tĩnh tìm đến nhà vị lương y này ở xã Nga Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).

Mới rẽ qua cánh cổng làng, trước mặt và sau lưng đã thấy có cả đoàn xe chở bệnh nhân đi cùng chiều. Người thì bó tay, người bó chân, có người cả bàn tay sưng vù, đỏ tấy vì nhiễm trùng cũng đến tìm ông. Mỗi ngày có đến hàng chục bệnh nhân đến tìm ông Nghị chữa bệnh, chỉ việc “đi theo” là tới.

Trên khoảng sân rộng rãi trước nhà ông, có hàng chục bệnh nhân khác cũng ngồi la liệt chờ đến lượt được khám, cộng với hàng chục loại thảo dược được bày ra phơi làm thuốc khiến cho căn nhà nhỏ nơi làng quê trở nên đông đúc và chật chội lạ thường.

Lẫn trong mấy người công nhân đang hì hục cắt lá thuốc, ông Nghị quệt mấy giọt mồ hôi nói nhỏ: “Chú thông cảm nhé! Tôi phải bốc xong đống thuốc này cho bệnh nhân kịp uống rồi mới tiếp chuyện được”. Nói chưa dứt, ông đã lại cắm cúi vào đống lá thuốc, cẩn thận phân ra từng loại riêng cho mấy người giúp việc đóng gói.

Bỗng có tiếng la to từ ngoài gian nhà chính. Ông Nghị hớt hải chạy ra. Hai mẹ con bồng bế nhau chạy vào. Đứa bé là Trương Quang Đức (12 tuổi), cánh tay trái sưng vù, bó bột trắng toát.

Chị Lê Thị Như, mẹ cháu Đức nói: “Cháu bị té xe gãy tay, đi bệnh viện bó bột rồi, nhưng càng bó càng thấy vết bó bị sưng to và nhức. Nghe người ta mách có ông Nghị ở ngoài này nên liều bắt xe ra nhờ chữa”.

Ông Nghị cẩn thận sờ cánh tay cháu bé, rồi nắn mạnh một lúc. Chỉ nghe thấy một tiếng kêu “á” và sau đó cháu Đức không còn thấy đau nhói như trước nữa. “Chị cho cháu nghỉ khoảng một tuần và sắc thuốc uống đều đặn là khỏi”- Ông nhỏ nhẹ.

Vừa xong, bên ngoài lại có thêm một bệnh nhân khác chạy ào vào. Một thanh niên cùng xã chừng hơn 20 tuổi ôm chân rên rỉ vì sơ ý bị trật khớp. Cũng bằng động tác tương tự, chỉ sau chưa đầy ba phút nắn bóp, ca bệnh này cũng được ông giải quyết xong, và chỉ cần uống thêm mấy thang thuốc gia truyền của ông nữa là khỏi.


Lương y nguyễn Sỹ Nghị đang chữa cho một bệnh nhân gãy xương bằng phương pháp nắn, bóp


Trong số hàng chục người bệnh nằm ngồi la liệt ở nhà ông, chúng tôi may mắn được chứng kiến một cuộc tái ngộ vô cùng cảm động. Đó là một bệnh nhân cũ của ông Nghị tên Lê Viết Toàn từ thành phố Vinh vào. Anh Toàn xúc động nhớ lại: “Hơn mười năm trước tôi bị gãy xương hàm, đi hết bệnh viện này bệnh viện khác bốn tháng trời vẫn không khỏi, tình cờ được một người bạn đưa vào Hà Tĩnh tìm ông Nghị...”.

Chị Nhàn, sống cạnh nhà ông cho biết, mỗi ngày ông đón ít nhất hơn 50 bệnh nhân từ khắp nơi. Thứ Bảy, Chủ nhật gấp ba, bốn lần con số ấy. Chị cũng không được biết về phương pháp chữa bệnh liên quan đến xương gia truyền của ông, chỉ biết hầu như chỉ trừ những ca quá đặc biệt, còn lại ông đều điều trị khỏi một cách nhanh chóng đến khó tin. Chỉ 5 phút nếu bị trật khớp, khoảng ba tuần nếu là gãy xương...

Lương y của bệnh nhân nghèo

Tranh thủ dừng tay trong khoảng thời gian ngắn ngủi, ông Nghị kể về cuộc đời làm thuốc gia truyền của mình.

Gia đình ông theo nghề thuốc gia truyền chuyên trị các bệnh liên quan đến xương từ 5 đời nay.

Chính vì gia truyền nên trong cách chữa trị có nhiều bí quyết đặc biệt mà không một ai ngoài những “truyền nhân” chính thức của gia đình ông có được.

Tuy nhiên, không phải vì chữ “gia truyền” này mà ông tận dụng triệt để nhằm thu lợi. Ông thường nói với các bệnh nhân: “Tôi làm thuốc cứu người không phải vì tiền, mà trước hết là vì lương tâm của một con người. Người có bệnh đã là người không may mắn rồi, nếu còn “bắt chẹt” họ nữa thì khác chi dồn họ vào chân tường. Huống chi nhiều người trong số họ còn là những người nghèo đáng thương”.


Chính hai chữ “người nghèo” này làm ông trăn trở nhiều đêm.

Đó là một câu chuyện cảm động liên quan đến một bệnh nhân của ông cách đây đã gần hai chục năm.

Lần ấy, có hai mẹ con lặn lội giữa mưa to gió lớn đến gõ cửa nhà ông.

Đứa con trai gần mười tuổi bàn chân gần như bị bẻ quặt. Đến khi được ông nắn lại xương xong xuôi, trong màn đêm, bà mẹ sau khi móc từ trong chiếc giỏ vải rách nát ra mấy chục ngàn tiền lẻ dúi vào tay ông lại nhét vào tay ông thêm tờ giấy chứng minh nhân dân nói ông cầm tạm làm tin sau này có tiền sẽ đến trả.

Tự nhiên ông thấy rưng rưng nơi khóe mắt. Từ đó đến nay, ông định ra cho mình một tôn chỉ làm việc, hễ bệnh nhân nào đến chữa bệnh mà hoàn cảnh thật sự nghèo túng là ông miễn luôn tiền công, chỉ lấy một thang thuốc giá 3.000 đồng gọi là công lên rừng hái thuốc.

Ngoài ra ông còn cho họ ăn ở luôn trong nhà. Các gia đình chính sách, những ca tai nạn do Hội Chữ thập đỏ giới thiệu đến đều được ông chữa miễn phí. Một số người tại các địa phương khác đề nghị ông được làm đại lý thuốc để kiếm lời nhưng ông kiên quyết từ chối.

Đã có một vài điểm lấy thuốc ông rồi pha chế, gói lại để bán, khiến người bệnh tiền mất tật mang... Bây giờ, trong mỗi thang thuốc của ông, ngoài hướng dẫn cách sắc, cách uống ông còn có thêm dòng chữ: “Thuốc chỉ bán tại nhà, không bán tại bất kỳ đại lý nào khác”.

Thấy ông Nghị có tấm lòng chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, càng ngày càng có nhiều người từ khắp mọi miền đất nước đến gõ cửa, thậm chí có cả những bệnh nhân từ Lào, Thái Lan, Trung Quốc cũng qua tìm ông. Nhà rộng mấy cũng... hết chỗ, ông liên hệ luôn ngoài trạm y tế xã cho bệnh nhân phương xa nằm nghỉ dưỡng và thuận tiện chữa trị.

Nhiều bệnh nhân cảm phục tài năng và đức độ của vị lương y cũng như muốn thể hiện tấm lòng tri ân với ân nhân đã chữa bệnh cho mình cũng xin được tặng ông những vật phẩm có giá trị lên đến hàng ngàn USD, ông một mực từ chối. “Xã hội còn vô số những người nghèo khó cần được giúp đỡ. Nếu các anh có tấm lòng hãy dành số tiền đó để san sẻ bớt cho họ. Phần tôi, xin ghi nhận tấm lòng của các anh là được rồi” - Ông nói chân thành.

Tuy được người khắp nơi biết đến với cái tên “thần y chữa bệnh xương”, nhưng không phải vì thế mà ông ôm đồm. Ông Nghị là hội viên của Hội Đông y Việt Nam. Với ông, chữa bệnh bằng Đông y cũng cần tuân theo khoa học.

Nên giữa ông và các bệnh viện có mối liên hệ rất mật thiết. Có những ca gãy xương ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh được giới thiệu về cho ông chữa, và ngược lại, có những ca gãy xương cần phẫu thuật, bó bột ông chỉ bó định vị giúp và giới thiệu đi bệnh viện ngay.

Điều ngạc nhiên là các bác sỹ bao giờ cũng đánh giá cao sự định vị chuẩn xác của ông. Nhiều trường hợp bệnh viện không cần cố định lại, chỉ bó bột là xong. “Điều quan trọng nhất là sức khỏe của bệnh nhân, miễn lành bệnh là mừng, chứ chữa ở đâu mà chẳng được”- Ông tâm sự.

Ông Nghị là niềm tự hào của quê tôi đó! Về khả năng chữa những bệnh liên quan đến xương, khớp thì khỏi phải bàn luôn. Ông ấy chỉ cần sờ, nắn, bóp một hồi là có thể sắp xếp lại vị trí chính xác của từng mảnh xương đã bị gãy, sau đó uống vài thang thuốc toàn cây rừng là lành..!

Ông Nguyễn Đình Trác, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hà Tĩnh

Theo Tiền Phong