Nguồn: http://www.diendanphatphaponline.com...990#post113990

Bài viết này, Vô Năng xin được phép trình bày về một trong những phương pháp ngộ nhập căn tánh.

Trước khi đi vào phần thực hành, chúng ta hãy tìm hiểu một chút về lý thuyết. (không cần nhớ, không cần học thuộc lòng, chỉ cần nắm nội dung chính là được)

Tam Pháp Ấn

Tam Pháp Ấn là gì?
– Tam Pháp Ấn được hiểu đơn giản là 3 dấu hiệu nhận diện chánh pháp: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Tam Pháp Ấn được Đức Phật trình bày trong Kinh Tương Ưng, Tập II, Chương VII – Tương Ưng Ràhula, Phẩm thứ hai [1].
Tại sao lại đặt ra Tam Pháp Ấn? – Vì pháp có vô lượng, có nhiều phương pháp không được đề cập trong kinh điển, hoặc những phương pháp do các Tổ, Thầy đề xướng… để biết những phương pháp này có phải chánh pháp hay không, có phù hợp với lời dạy của Đức Phật hay không, đòi hỏi phải có dấu hiệu để xác định, do đó mới sử dụng Tam Pháp Ấn.

Giải thích nghĩa của từng pháp ấn

Vô thường: Vô là không, thường là thường hằng, là không biến đổi. Như vậy, vô thường hàm ý sự biến đổi, không cố định.
Những gì là vô thường? – Ngũ uẩn là vô thường.

Khổ: Được hiểu là sự đau khổ dưới nhiều hình thức.
Những gì là khổ? – Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, tử là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, tóm lại chính thân ngủ uẩn là khổ [2].
Tại sao lại thấy khổ? Vì chấp thật có ngủ uẩn là Ta, của Ta, do Ta, vì Ta, đến khi ngủ uẩn này hoại diệt thì thấy thiếu thốn, mất mát, nên khổ, hay vì muốn duy trì sự tồn tại của những chấp thủ này (như kéo dài tuổi thọ) cũng dẫn đến khổ.

Vô Ngã: Ý nói hết thảy những thứ vô thường, khổ, ngủ uẩn đều không phải là Ta, của Ta, do Ta, vì Ta.
(Không quan trọng: Đối lập với vô thường là thường, đối lập với khổ là lạc, cho nên kinh điển Đại Thừa gọi là Phật Tánh, Chân Ngã, Bản Lai Diện Mục,… Đây không phải là sự mâu thuẩn giữa kinh điển Tiểu Thừa và Đại Thừa, mà là một cách dùng từ khác, một cách diễn giải khác, hay đúng hơn là Đức Phật khéo phương tiện.)

Đã xong phần Tam Pháp Ấn, kế đến Vô Năng xin nói sơ lược về Ngũ uẩn.

Ngũ uẩn

Ngũ uẩn là gì?
– Có thể hiểu đơn giản là 5 yếu tố che mờ bản tâm, ngăn ngại sự ngộ nhập căn tánh. Ngũ uẩn bao gồm Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn.
Hiểu khái quát: Ngũ uẩn là hết thảy những thứ mà ta có thể nhận thức được, tác động được, hiểu được, học được, biết được,… những yếu tố này có thể vận động chủ quan (theo ý muốn của ta) hoặc khách quan (ngoài ý muốn của ta).

Chuẩn bị

Hành giả nên trì giới tối thiểu 7 ngày để thanh tịnh tam nghiệp. Trong thời gian 7 ngày, hành giả nên niệm phật, tụng kinh, sám hối,… để tiêu trừ bớt nghiệp chướng trong quá khứ.
Trì giới là yếu tố bắt buộc và phải thực hành xuyên suốt đến đời đời kiếp kiếp, nên hành giả cần chuẩn bị tâm lý.
Nếu hành giả đã thực hành trì giới và những nội dung trên thì có thể bỏ qua bước này.

Giải đáp thắc mắc

Phương pháp này có chắc chắn được kết quả? – Hết thảy phải tùy duyên. Xưa A-Nan tôn giả hầu cạnh bên Phật, nhưng trong suốt thời gian Phật tại thế lại không thể thành tựu A-la-hán, đến khi nghe Trưởng Lão Ca Diếp không cho kết tập kinh điển thì mới vội vàng tu tập, thành tựu thánh quả. Hay vào thời Tổ Hoằng Nhẫn, có đệ tử tên Huệ Minh, dù kề bên Tổ học đạo nhưng vẫn không chứng ngộ được, đến khi rượt đuổi Huệ Năng, được khai thị liền ngộ (sau đổi tên thành Đạo Minh).
Hết thảy phải tùy duyên, hành giả chớ nên tạo áp lực cho mình.

Thực hành phương pháp này mà không trì giới thì sao? – Có thể sẽ không được ích lợi gì, thậm chí chuốc họa vào thân.

Phần thực hành


Trước hết, hành giả nên nương nơi Phật lực như sau: "Kính nhờ chư Phật mười phương gia trì, hướng dẫn cho đệ tử sớm thành Chánh giác" (hoặc điều chỉnh lại tùy theo mong muốn của từng người).

Chọn đề mục quán: Hành giả chọn cho mình một đề mục để quán, hành giả có thể tham khảo phần trình bày của 25 vị vô học A-La-Hán và Đại Bồ Tát, hoặc chứng ngộ của 33 vị Tổ. Riêng trong phần trình bày này, Vô Năng chọn đề mục là Lục Tự Di Đà, vì có nhiều người thực hành phương pháp này.

Tư thế: Nên chọn tư thế thoải mái, không nên quá gò bó thân thể. Thực ra thời xưa, các vị đệ tử cũng như các Tổ, không phải vị nào cũng ngồi nghiêm túc. Có vị đang đi thì ngộ nhập, có vị đang quét nhà thì ngộ nhập, có vị chặt đứt tay, thân chịu đau đớn nhưng vẫn ngộ nhập. Điều quan trọng là tư thế giúp hành giả thoải mái, tỉnh tâm và dễ tập trung (thoải mái quá có thể bị hôn trầm, ngủ gục). (Phần gợi ý của Vô Năng: Hành giả ngồi kiết già hoặc bán kiết già, thẳng lưng, tay thả lỏng tự nhiên, mắt nhắm. Xem hình bên dưới: tư thế ngồi thiền của Đức Phật và các vị đệ tử.)



Tư thế ngồi thiền

Quán đề mục: (trình bày theo phương pháp niệm phật, những đề mục khác thì tương tự)
– Trước tiên, hành giả tập trung kiên cố vào việc niệm Phật. Cố gắng duy trì sự tập trung càng lâu càng tốt. Bao lâu thì có thể tùy khả năng của hành giả, có thể vài phút, vài giờ. (Vẫn ở tư thế đã nêu ở trên)
– Tiếp theo, hành giả nhận thấy rằng: Việc kiên cố như vậy, nhất tâm như vậy là rất khó, có những lúc "tán loạn", "chạy lòng vòng", "miêng mang". Việc như thế này là do đâu? Trước hết, do pháp phương tiện là từ nơi ngũ uẩn mà tạo thành, mà ngũ uẩn thì vô thường, tức là thành – trụ – hoại – không, biến hoại không thôi. Hành giả quán sát được những thứ này là vô thường. Mà hễ là vô thường thì không phải là Ta, không phải là tự tánh (chân ngã), không phải chổ ngộ nhập. Biết được như vậy, hành giả rời bỏ "niệm" đó, rời bỏ những thứ "tán loạn" đó, rời bỏ những thứ "miêng mang" đó… Ngay chổ rời bỏ liền ngộ nhập.
Phần thực hành chỉ có vậy.

Giải đáp thắc mắc

Hỏi: Ngộ nhập xong rồi không thể niệm Phật nữa? – Vẫn niệm Phật được bình thường, nhưng khác ở chổ nhận thấy rằng không phải Ta niệm Phật.

Hỏi: Ngộ nhập xong rồi có thể vãng sanh cực lạc? – Vẫn vãng sanh cự lạc bình thường, thậm chí còn dễ hơn so với chưa ngộ nhập.

Hỏi: Ngộ nhập xong rồi thì còn gì phía sau? – Còn, cả một chặn đường dài phía sau. Ngộ nhập chẳng qua là vào được cửa, trong thập mục ngưu đồ thì là "thấy trâu", chưa phải bức tranh cuối cùng, chưa phải điểm dừng. Chặn đường dài phía sau, hành giả sẽ phải tự mình lĩnh hội. Vì theo truyền thống 33 vị Tổ, chỉ nói đến chổ ngộ nhập, không nói hơn chổ ngộ nhập.

Hỏi: Làm sao biết mình thật ngộ nhập? – Hành giả tự nhiên biết vì tự tánh sáng suốt, không dối gạt, không thể nhầm lẫn.

Hỏi: Nếu lạc vào "không" vô cùng tận thì sao? – "Không" mà có thể nhận biết được thì còn là nằm trong ngũ uẩn, chỉ cần buôn bỏ niệm không là được. Hành giả nên tránh việc định nghĩa Phật tánh là "không", nên tránh đề mục "không". Vì khi nói về Vô Ngã, Đức Phật chỉ nói "đây", "cái này" không phải là Ta, chứ không định nghĩa về "Ta". Thay vì định nghĩa trực tiếp "Ta là gì", Đức Phật dùng phương pháp loại trừ "Đây không phải là Ta", nên gọi là Vô Ngã (do đó kinh điển Tiểu Thừa không đề cập đến Ngã). Vì Chân Ngã là bất khả tư nghì. Cho nên, càng cố định nghĩa về "nó" thì lại càng lầm lạc, u mê. Trong kinh Kim Cang Phật nói rằng, gọi là như vậy nhưng cũng chỉ là "tạm gọi", tức là phương tiện vậy thôi, thực tế vẫn là bất khả tư nghì nhưng vì phương tiện nên tạm nói "Chân Ngã", "Phật Tánh".

Hỏi: Phương pháp này có hợp với lời Phật dạy? – Có thể lấy Tam Pháp Ấn để chứng minh:
+ Hành giả khi niệm Phật thấy các niệm biết hoại => Vô thường.
+ Kiên cố vào các niệm này và cảm thấy khó khăn => Khổ.
+ Từ chổ thấy vô thường, liền rời bỏ vì biết rằng không phải là Ta, của Ta, do Ta, vì Ta => Vô Ngã.

Hỏi: Vậy không thể kiên cố niệm Phật, nhất tâm bất loạn? Có thể. Nhưng nếu hành giả nhạy cảm thì sẽ nhận ra, càng niệm Phật bao nhiêu thì lực gia trì càng đưa hành giả xa rời chổ "tướng vô thường" và tiến nhập vào tâm tánh, dần đến chổ "tịch diệt". Giống như pháp phương tiện của Đại Thế Chí Bồ Tát, càng niệm tức càng nhớ nhung, càng nhớ nhung thì lại càng gần Phật, mà chổ của Phật là chổ "tịch diệt", cho nên càng niệm lại càng xa rời chổ "tướng vô thường", tiến đến chổ "tịch diệt".

Hỏi: Niệm phật bằng lời và tưởng niệm Phật tánh (theo lời Tổ dạy) có gì khác nhau? – Khác nhau ở chổ người ngộ nhập rồi có thể tưởng niệm Phật tánh dễ dàng, người chưa ngộ nhập khó lòng tưởng niệm Phật tánh, cho nên phương tiện dùng lời để niệm Phật, nương nhờ Phật lực để ngộ nhập căn tánh.

Hỏi: Tại sao Tổ nói ngộ nhập tánh rồi thì đâu đâu cũng là Cực Lạc, hiện tại cũng là Cực Lạc, không cần đến Tây Phương Cực Lạc? – Trước hết nên biết, Tây Phương Cực Lạc là nơi Đức Phật A Di Đà giáo hóa chúng sanh, nơi để chúng sanh tu hành, thành tựu quả vị Phật. Tây Phương Cực Lạc được Đức Phật A Di Đà thiết kế sao cho hỗ trợ cho chúng sanh mau chóng thành tựu quả vị Phật, cho nên cũng có thể gọi Tây Phương Cực Lạc là "một phương tiện lớn". Nếu ở cõi Ta Bà này, hành giả có thể ngộ nhập căn tánh, vậy thì cõi Ta Bà này cũng đã phương tiện cho hành giả trên con đường tu tập, như vậy so với Cực Lạc thì cũng không khác, cho nên mới nói "đâu đâu cũng là Cực Lạc" là vậy. Vì pháp phương tiện phải thích hợp với hành giả, nếu cõi Ta Bà thích hợp với hành giả thì cũng xem như là phương tiện tốt.

Hỏi: Nếu theo phương pháp này không thể ngộ nhập thì sao? Nếu không thể ngộ nhập, hành giả nên hằng ngày nguyện xin gia trì lực của chư Phật để hỗ trợ, tiếp tục thực hành phương pháp của mình (niệm Phật chẳng hạn). Trong quá trình thực hành (phương pháp niệm phật), hành giả có thể sử dụng phương pháp này để tư duy, quán chiếu. Đến đây thì không nhất thiết quá lệ thuộc vào tư thế, tuy nhiên hành giả cũng nên dành thời gian để ngồi tĩnh tâm, theo tư thế kiết già hoặc bán kiết già mà thực hành.

Hỏi: Nếu ngộ nhập rồi thì có cần theo phương pháp này tiếp tục thực hành? – Không cần, giống như bước vào cửa, vào rồi thì thôi.

1) Kinh Tương Ưng, Tập II, Chương VII – Tương Ưng Ràhula: http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu2-18.htm

2) Kinh Chuyển Pháp Luân: http://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbkin015.htm