.
Có nhiều vị Phật Tử tinh thông kinh điển, lễ chùa đều đặn không thiếu thời khóa nào tuy nhiên cuộc sống của họ không có nhiều chuyển hóa tích cực. Họ vẫn bị phiền não, tham sân si quấn lấy không buông dù cho có tinh tấn tu hành nhiều năm đi nữa.
.
Điều này không hiếm mà ngược lại chiếm đa số vì cơ bản giữa học và hành là một khoảng cách khá xa. Phật Giáo cũng giống như một môn học vậy, cũng có kiến thức và thực hành tuy nhiên thực hành mới là điều khiến cho đạo Phật không phải là một trường phái triết học sách vở đơn thuần.
Học Phật phải gắn liền với thực hành những gì Đức Phật đã dạy thì mới có thể làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, lợi lạc hơn. Nếu chỉ tìm hiểu kinh điển đơn thuần thì đạo Phật không mang lại nhiều giá trị gì ngoài việc thỏa mãn sự tò mò của bộ não con người như bất kì một trường phái Triết học nào từng tồn tại. Điều làm cho đạo Phật không phải Triết học đó chính là hệ thống kinh điển của Phật giáo tạo thành một hệ thống các bài luyện tập nhằm chuyển hóa tâm thức con người. Học đến đâu là có thể ứng dụng liền đến đó theo các tầng bậc từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp tùy trình độ của người tu học.
.
Người tu Tịnh Độ nếu chỉ biết tụng kinh và chờ vãng sanh thì chắc chắn cuộc đời họ cũng không có quá nhiều lợi lạc gì, các bế tắc vẫn còn nguyên đó trong khi tâm lí ngày càng chán chường thực tại, chán chường cõi sống này. Thiền tông thì lại phù hợp cho giới tri thức vì hệ thống kinh Bát Nhã, Kim Cang mở ra cho người đọc một thế giới của tâm thức quá mới mẻ, kì lạ so với những tư duy đơn thuần của con người. Điều này khiến nhiều người chỉ khoái tìm hiểu Thiền trên sách vở văn tự khiến họ thêm chất chồng cái bám chấp vào kiến thức, không được lợi lạc gì từ chính những kiến thức đó, trí tuệ không sinh mà ngã chấp ngày càng nặng. Mật Tông thì cuốn hút người ta bằng sự kì bí và huyền ảo của các mật chú, thần chú, các nghi lễ đậm chất tâm linh. Người ta say mê Mật Tông vì sự thần bí, nó thỏa mãn sự tò mò của họ nên họ theo và cuối cùng sự thỏa mãn về tâm thức này cũng chỉ như một thứ dục lạc đơn thuần. Không có giải thoát, không giác ngộ, chúng sinh vẫn quanh quẩn trong những khổ đau triền miên dù cho họ có bỏ công sức ra tu tập theo Phật Giáo nhiều như thế nào đi nữa.
.
Một người chỉ tìm hiểu vài ba bài kinh cơ bản về cách có sự an lạc, sau đó áp dụng ngay và nhận ra mình cũng an lạc hạnh phúc, đó mới chính là Đạo Phật. Không cần biết bạn tìm hiểu nhiều như thế nào, tinh thông bao nhiêu kinh điển, nếu bạn không chuyển hóa được là bạn đã thất bại. Đức Phật dạy rất nhiều về cách làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc và an lạc. Đạo Phật là đạo đi tìm hạnh phúc ngay tại đây, ngay tại thời điểm này chứ không đi tìm cầu từ bất kì một cảnh giới nào sau khi chết hay chờ đợi sự ban phước của bất kì một ai. Người tu học Phật cần ghi nhớ điều này và lấy đó làm tôn chỉ tu tập: học đến đâu hành đến đó. Tuyệt đối không biến kinh điển thành lí thuyết sách vở mà phải đem ứng dụng liên tục, khi ứng dụng ngoài giúp ta có được lợi lạc thì còn giúp ta quay trở ngược lại hiểu kinh điển nhiều hơn.
.
Đạo Phật là một tôn giáo rất thực tế đối với đời sống thường ngày. Người ta có thể tìm hiểu và ứng dụng ngay lập tức để có sự an lạc hạnh phúc mà không cần phải đợi chờ bất kì điều gì hết. Nếu chỉ tìm hiểu đạo Phật trên kinh điển sau đó không ứng dụng được gì, đó chưa phải là đạo Phật...
.
Theo Phạm Nghiêm Trai