"Cuộc chiến" bên bờ Như Nguyệt
Thứ Sáu, 10/10/2008 --- cập nhật 09:18 GMT+7


Hơn 930 năm trước, Phụ quốc Thái uý Lý Thường Kiệt đã cho xây dựng phòng tuyến Như Nguyệt nằm trên sông Cầu, thuộc địa phận huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đánh tan quân xâm lược Tống.


Kỳ 1: Hai làng giành nhau

Và đến hôm nay, trên bờ Như Nguyệt lại nổi lên một "cuộc chiến" mới, "cuộc chiến" giành dự án trùng tu di tích…
Sự việc bắt đầu kể từ khi tỉnh Bắc Ninh có văn bản trình Bộ VH - TT&DL về "Dự án trùng tu một số di tích thuộc phòng tuyến Như Nguyệt hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội". Khi dự án bắt đầu được triển khai, cũng là lúc các bô lão của hai làng Thọ Đức và Phấn Động (cùng thuộc xã Tam Đa, huyện Yên Phong) đứng ra "giành" nhau về địa điểm xây dựng di tích này.

Ngược dòng lịch sử


Đền Phấn Động - nơi xảy ra tranh chấp giữa 2 làng.



Năm Đinh Tỵ (1077), hai tướng nhà Tống là Quách Quỳ và Triệu Tiết đem 30 vạn quân sang xâm lược nước ta. Lúc đó, đúng vào thời vua Lý Nhân Tông trị vì (1072-1127), Phụ quốc Thái uý Lý Thường Kiệt được giao trọng trách thống lĩnh ba quân dẹp giặc. Để chặn đánh quân địch, Lý Thường Kiệt cho xây dựng phòng tuyến Như Nguyệt nằm trên sông Cầu, thuộc địa phận huyện Yên Phong (Bắc Ninh) và giành được chiến thắng oanh liệt. Từ đó, người dân nơi đây đã lập nhiều đền, đình, miếu mạo để tưởng nhớ về trận chiến lịch sử này và cũng để thờ Lý Thường Kiệt, trong đó có nhiều địa điểm nổi tiếng như đền Xà - Ngã ba Xà, bến sông Như Nguyệt - chùa Bồ Vang, đền Vọng Nguyệt (xã Tam Giang), đền Phấn Động, đền Can Vang (xã Tam Đa)…
Khi các bô lão lên tiếng Một trong những địa điểm được dự án chọn để trùng tu là đền Phấn Động (thuộc làng Phấn Động, nằm ở ngoài bờ đê Như Nguyệt). Đền được xây dựng khi cuộc chiến Lý - Tống chấm dứt. Người được thờ ở đây là ông Cả Đông Mai, một vị chỉ huy dân binh địa phương phối hợp với quan quân nhà Lý đánh tan giặc Tống xâm lược năm 1077, sau được nhân dân địa phương tôn thờ làm Thành Hoàng. Ông Hoàng Đắc Đàm - Trưởng ban Mặt trận thôn Phấn Động cho biết: "Vào thời điểm chống Tống, đầu làng có bãi cát, gọi là ghềnh. Mùa cạn, dân làng có thể đuổi trâu qua. Khi quân của Quách Quỳ chiếm được núi Tiêu Lát đã đóng thuyền mảng và chọn bãi cát để qua sông. Quân của Lý Thường Kiệt và dân làng đã lập thành hàng rào để chặn đánh quân nhà Tống". Theo ông Đàm, sau khi thua, tướng Quách Quỳ nhà Tống khiếp sợ đã ra lệnh: "Ai bàn đánh sẽ chém!".

Ngay sau khi biết được dự án đầu tư tu bổ tôn tạo đền Phấn Động, Chi hội Người cao tuổi thôn Thọ Đức đã phản ứng khá quyết liệt. "Chúng tôi nghĩ đầu tư trùng tu đền Phấn Động là không đúng điểm, bởi di tích này chỉ thờ ông Cả Đông Mai của làng chài" - ông Ngô Văn Tuyển - Phó Chủ tịch Chi hội Người cao tuổi, thôn Đức Thọ - nói. Ông Tuyển dẫn chứng trong cuốn sách Non nước Việt Nam (sách hướng dẫn du lịch của Tổng cục Du lịch VN năm 2005), trang 309, có viết: "Ngày xưa tại Thọ Đức, Lý Thường Kiệt đã cho xây dựng nhiều trại quân lớn hiện vẫn còn dấu tích trong lòng đất như Trại Chĩnh, Trại Chùa, Trại Quyền, Trại Mái ấm. Trên khu vực bãi Miếu, Lý Thường Kiệt cho xây dựng một phòng tuyến chặn giặc ở cửa sông Thọ Đức. Xung quanh là các khu hậu cần: kho dốc Gạo, kho Cung ở Gò Cung, kho Gươm ở Gò Gươm. Trong kháng chiến chống Tống, khu vực Thọ Đức được xây dựng thành phòng tuyến kiên cố trong hệ thống phòng tuyến sông Như Nguyệt.

Cánh quân đóng ở đây có nhiệm vụ chặn mũi tiến quân của Quách Quỳ từ phía Tiêu Lát tràn sang trên sông và làm nhiệm vụ ứng cứu cho hai cánh quân ở khu vực Như Nguyệt và Thị Cầu”. Cuốn Dư địa chí VN cũng có ghi "Đền Can Vang nằm trên ải Đình, thuộc khu vực bãi Miếu, nơi quân Tống vượt bến Can Vang đổ bộ lên và đã bị quân dân nhà Lý đánh cho tan tác". Tại tiền đường của đền Can Vang hiện vẫn còn treo một bài thơ bằng chứ Hán, tạm dịch là: "Đồn binh sen với làng quê/ Bên dòng Như Nguyệt thuyền kề sớm mai/ Thần thông biến hoá các loài/ Áo bào phảng phất, mây trời xa xa".

Đúng đúng, sai sai, cả hai đều… đúng!


Bảng chỉ dẫn vào đền Can Vang.



Trước tầm quan trọng của lịch sử, năm 1988 Bộ VH-TT đã xếp hạng đền, chùa Phấn Động, xã Tâm Đa là một trong những địa điểm ở phòng tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc khánh chiến chống xâm lược thời Tống năm 1077. Hiện nay, đền Phấn Động tọa lạc trên một gò đất cao thuộc phía Đông Nam của làng Phấn Động. Đánh giá sơ bộ về giá trị di tích đền Phấn Động, Sở VH-TT tỉnh Bắc Ninh cho rằng: "Tương truyền, đây là nơi đóng giữ của kỵ binh nhà Lý chống Tống và là nơi xảy ra nhiều trận đụng độ quyết liệt giữa quân Tống và quân, dân binh nhà Lý".
Theo lý giải của người dân ở Phấn Động, thì đây mới là địa điểm trọng yếu trong việc đập tan cánh quân của Quách Quỳ. Trước khi đền Phấn Động được công nhận di tích lịch sử quốc gia, ngày 22-3-1990, Bộ trưởng Bộ VH-TT cũng đã quyết định bổ sung địa điểm đền Can Vang, chùa Tháp Linh, đình Thọ Đức vào những địa điểm ở phòng tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm 1077. Trong hồ sơ công nhận di tích lịch sử này, có ghi: "Đền Can Vang là một di tích nằm trên ải Đình, nơi Lý Thường Kiệt, phía Bắc ải chặn quân Tống và đền nằm trong cụm di tích hoàn chỉnh gồm đình, đền, chùa thôn Thọ Đức.

Đây là một địa điểm quan trọng trên phòng tuyết sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống Tống, là nơi thờ hai vị thần Trương Hống, Trương Hát và Lý Thường Kiệt". Ngoài ra, đền Can Vang hiện còn thờ bốn vị Thánh khác. Còn theo ông Ngô Đăng Tiến- Ban chấp hành chi hội Người cao tuổi thôn Thọ Đức, trước đền Can Vang hiện có một bãi khá rộng lớn, nằm đối diện với dãy núi Tiêu Lát. Bến Can Vang này hẹp và ở giữa dòng có một tảng đá nổi lên khá cao vào mùa cạn. Tương truyền tướng Quách Quỳ đã tận dụng tảng đá này để bắc cầu đưa quân sang giao chiến với quân dân nhà Lý.

Rất tiếc là hai năm trước đây, tảng đá này đã bị đánh mìn do cản trở việc đi lại của tàu thuyền. Vì thế, đây là mới địa điểm cần được trùng tu, tôn tạo, chứ không phải đền Phấn Động.

Theo Nông Thôn Ngày Nay