Viện thiết kế Trung Quốc quy hoạch sông Hồng: Rất khó hiểu

(Tin tức thời sự) - Tại sao không tổ chức thi tuyển để lựa chọn ý tưởng cũng như đơn vị thực hiện mà lại chọn nhà thiết kế Trung Quốc?

Trước những thông tin Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) là đơn vị được mời làm tư vấn lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, KTS Ngô Doãn Đức đặt câu hỏi: Tại sao lại chọn Viện Thiết kế và Quy hoạch của Trung Quốc?

Đã từng có đơn vị thiết kế của Hàn Quốc muốn được hỗ trợ Hà Nội 2 triệu USD để cùng thực hiện dự án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.


Theo ông Đức, việc lựa chọn nhà thiết kế là Trung Quốc, Hàn Quốc hay nước nào thì đơn vị đó cũng phải có được sự am hiểu nhất định về văn hóa, khí hậu, thổ nhưỡng của Hà Nội.
Ông khẳng định việc thiết kế hai bên bờ sông Hồng là rất cần thiết. Hiện nay không có một nước nào lại quay lưng lại với sông như Hà Nội quay lưng vào sông Hồng. Cụ thể ở Hải Phòng thì quay mặt ra sông Cấm, Đà Nẵng thì ôm trọn dòng sông Hàn vào lòng... Nhất là khi sông Hồng đã đi vào lòng thành phố, việc chăm sóc và bảo vệ hai bên bờ sông chỉ là việc sớm hay muộn.

Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng việc thiết kế đó cần được thực hiện thông qua một cuộc thi tuyển ý tưởng rồi mới quyết định lựa chọn đơn vị thực hiện."Tôi không đánh giá thấp đơn vị thiết kế của Trung Quốc, Trung Quốc cũng có rất nhiều những thiết kế cảnh quan tạo dấu ấn tốt như sông Hoàng Phố, sông Thiên Tân - Trung Quốc… Họ cũng có đủ kinh nghiệm.


Tuy nhiên, chúng ta cũng có rất nhiều các viện nghiên cứu, viện thiết kế, kiến trúc cũng đang mong muốn được đóng góp cho Hà Nội. Vậy tại sao không tổ chức thi tuyển để lựa chọn ý tưởng để lựa chọn đơn vị thực hiện? Không thể chọn ngay nhà thiết kế Trung Quốc?", KTS Ngô Doãn Đức nói thẳng.
Ngoài ra, vị KTS còn lo ngại, Hà Nội là Thủ đô của cả đất nước.

Do đó, khi để các nhà thiết kế nước ngoài tham gia cũng phải thật sự cân nhắc kỹ lưỡng việc cung cấp cụ thể các thông tin về thổ nhưỡng, thủy văn, quan trắc, mặt cắt ngang đê...
Một vấn đề nữa cũng khiến vị KTS lo ngại là những dự án mà có yếu tố Trung Quốc tham gia thì đều xảy ra trục trặc.

Cụ thể với các dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự án sân Vận động Mỹ Đình, đường ông nước Sông Đà đã bao lần xảy ra sự cố mà vẫn tiếp tục mời nhà thầu Trung Quốc tham gia...
"Hầu hết đều gặp một lỗi là chậm tiến độ, đội vốn, kỹ thuật không đảm bảo. Tôi thấy ở đây có một sự khó hiểu, khó hiểu ở chỗ sau bao nhiêu vấn đề như vậy tại sao vẫn đề nhà thầu Trung Quốc tham gia....", ông Đức nói.


Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu là ai?


Tìm hiểu thêm về Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu, trên trang web của đơn vị này cho biết Viện là cơ quan trực thuộc của Cục Quy hoạch đô thị Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Đây là một cơ quan chính phủ chuyên trách về quy hoạch đô thị. Trên trang web của mình, Cục Quy hoạch đô thị Hàng Châu liệt kê những vai trò chính gồm:


1. Xây dựng các chính sách và quy định cấp tỉnh cũng như cấp quốc gia liên quan đến quy hoạch đô thị; Xây dựng các dự thảo về quy định, quy tắc và chính sách của địa phương trong việc quản lý quy hoạch đô thị; Tổ chức thực hiện khi được phê duyệt; Nghiên cứu các chính sách đô thị hóa và chiến lược phát triển đô thị theo sự ủy nhiệm của chính quyền thành phố; Chịu trách nhiệm xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi quy hoạch chung và báo cáo các sở, ban, ngành liên quan để được phê duyệt.


2. Chịu trách nhiệm nghiên cứu, soạn thảo kế hoạch quy hoạch cấp quận, huyện, báo cáo kế hoạch quy hoạch cấp quận, huyện chi tiết cho các sở ban ngành có liên quan để phê duyệt và xử lý việc xét duyệt, phê duyệt cho các kế hoạch chi tiết khác.

3. Chịu trách nhiệm lựa chọn các địa điểm cho các dự án xây dựng, xác minh và đề xuất lựa chọn địa điểm, giấy phép quy hoạch sử dụng đất xây dựng.

4. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch bao gồm các dự án xây dựng mới, các dự án mở rộng, các công trình sửa đổi, đường xá và các đường ống; Xác minh và cấp giấy phép quy hoạch tạm thời cho các dự án xây dựng; Chịu trách nhiệm kiểm tra tất cả các công trình xây dựng và khâu kiểm tra cuối cùng sau khi dự án hoàn thành.

5. Soạn dự thảo và sửa đổi quy chế quản lý quy hoạch đô thị cũng như các tiêu chuẩn công nghệ;
Giải quyết các vấn đề liên quan đến việc tranh chấp về quản lý đô thị.

6. Tổ chức thực hiện lập bản đồ đô thị và quản lý về lĩnh vực lập bản đồ và quy hoạch đô thị; Cung cấp hướng dẫn chuyên môn về quy hoạch thành phố, quận, huyện cũng như thẩm định kỹ thuật trong các kế hoạch quy hoạch tổng thể của các thị xã và thành phố…

Liên quan tới thông tin trên, mới đây Văn phòng UBND TP.Hà Nội đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch thành phố về việc cung cấp hồ sơ, số liệu nghiên cứu lập đồ án quy hoạch hai bên sông Hồng theo đề nghị của nhà đầu tư (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco).Trong văn bản gửi thành phố, Geleximco cho biết đơn vị này đã chủ động mời đối tác Trung Quốc tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch cho đô thị hai bên sông Hồng.Ngày 4/2, Geleximco cùng Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu đã khảo sát thực địa dọc hai bên bờ sông Hồng, làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và đã được Sở bàn giao tài liệu lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000.

Lam Lam