Hướng dẫn cúng giao thừa dành cho Phật tử



I.Nguồn gốc dân gian:
Cúng giao thừa là tín ngưỡng dân gian truyền thống từ bao đời nay. Giao thừa chính là chuyển giao cái cũ, đón cái mới. Một năm trôi qua, chắc hẳn mỗi người đều có biết bao điều xảy ra, việc tống tiễn những điều không may và mong mỏi những điều tốt đẹp là điều tất yếu. Với dân tộc mình, giao thừa chính là thời khắc thiêng liêng nhất và được truyền nối đến tận bây giờ.
Chúng ta là những Phật tử, việc gìn giữ nét đẹp này lại càng phải phát huy. Phật pháp vốn không lìa thế gian và đó cũng là lý do tại sao dòng chảy của Phật pháp len lỏi khắp mọi nơi. Nhưng trách nhiệm làm sao vừa gìn giữ vừa không bị đồng hóa bởi các mê tín thì đó là vấn đề mà chúng ta phải quan tâm.
Thật vậy, khi tìm hiểu qua hình tướng, tập tục này thường dễ bắt gặp việc cầu xin thần thánh để mong được lợi lạc, các vị thần chủ trì cho sự ban phước và giáng họa. Ý nghĩa cốt lõi đã mất dần và thay vào đó là sự đổi chát với thần thánh nhưng lại được quy đổi bằng vật chất thế gian. Điều này thật vô lý nhưng ít ai chịu nhìn nhận sự thật.
Về xuất xứ, thật khó biết chính xác tục này bắt nguồn từ đâu nhưng những gì được truyền đến nay vẫn thấy, chính là tín ngưỡng dân gian thờ nhân thần địa phương kết hợp việc cúng Hành Binh, Hành Khiến, Phán Quan và Quỷ Vương (gọi tắt là cúng Hành Binh, Hành Khiến) trong hệ thống chư thần của Lão giáo.
Với nhân thần địa phương, chủ quản tại vùng đất đó gồm thần Thành Hoàng, Bổn Cảnh khi sống là những vị vua, quan bằng xương bằng thịt, sống liêm chính vì dân vì nước, khi chết được dân tôn làm thần. Với hệ thống nhiên thần của Lão giáo, bốn vị này là đại diện cho nhóm thần cai quản cỏi nhân gian. Và mỗi năm đến dịp giao thừa chính là việc bàn giao công việc lại cho nhau giữa các ngài.
Theo quan niệm dân gian, cỏi dương thế nào thì cỏi âm như vậy. Nếu cỏi dương có hệ thống vua chúa cai quản thì cỏi âm cũng thế. Việc đón chào người mới trước là sự kính trọng của người dân, sau là gửi gắm mong mỏi đến họ, phải trị vì thanh liêm hầu mang lại cuộc sống ấm no. Như vậy, việc cúng thấm đậm tình người và cũng mang sự kỳ vọng chính đáng của hàng bá tánh thường dân.
II.Nghi thức trong Phật giáo:
Phần vật phẩm:
Hoa, quả, hương, nước, trầu, cau bày trí lên bàn và đặt giữa sân.
Thời khắc cúng: 12 giờ khuya giao thời giữa năm cũ và mới



Phần nghi thức:
1.Cung thỉnh chư Thiên
Thiên chơn địa thánh thỉ triết giai hiền
Tứ phủ la liệt biến xung vinh
Hộ pháp chúng chư Thiên
Đồng phó pháp diên phước thọ quảng vô biên
Con tên………..pháp danh………Thỉnh quý ngài giáng hạ đàn tràng chứng minh cho con trong năm vừa qua (kể những lỗi lầm của mình).
Nay con xin phát nguyện sám hối và giữ gìn thân tâm trong sạch!
Nam Mô Vân Lai Tập Bồ Tát (3L)
2.Cung thỉnh Kiên Lao Địa Thần Bồ Tát
Diêm Phù Đề nội
Thổ Địa Kiên Lao
Khâm thừa Phật sắc cọng giá miêu
Thảo mộc đắc phì nhiêu
Vũ thuận phong điều
Trưởng dưỡng thiện căn cao
Nam mô Kiên Lao Địa Thần Bồ Tát
Nam mô tam mản đa một đà nẩm
ÁN ĐỘ RÔ, ĐỘ RÔ, ĐỊA VĨ, TA BÀ HA (3L)
3.Đồng thỉnh các vị thần khác
Đồng cung thỉnh: thổ thần, thổ trạch, thổ công, thổ chủ, thổ táo, thổ kỳ, thổ địa, thành hoàng, bổn cảnh.
Nam Mô Đương niên [Đinh Dậu Tào Vương Hành Khiến, Ngũ Nhạc Hành Binh, Cự Tào Phán Quan, Bá Chiến Quỷ Vương]* giáng hạ đàn tràng chứng minh.
*Theo âm lịch, dẫn đầu là năm Tý xoay vần 12 con giáp thì tương ứng là nhiệm kỳ của các vị như sau:

Châu Vương Hành Khiến
Thiên Ôn Hành Binh
Lý Tào Phán Quan
Thiên Tặc Quỷ Vương
Sửu
Triệu Vương Hành Khiến
Tam Thập Lục Thương Hành Binh
Thần Tào Phán Quan
Thiên Tặc Quỷ Vương
Dần
Ngụy Vương Hành Khiến
Mộc Tinh Nam Tào Hành Binh
Tỉnh Tào Phán Quan
Đồng Lô Quỷ Vương
Mẹo
Ban Vương Hành Khiến
Thạch Tinh Hành Binh
Liễu Tào Phán Quan
Ngao Tiên Quỷ Vương
Thìn
Sở Vương Hành Khiến
Hỏa Tinh Hành Binh
Biểu Tào Phán Quan
Đinh Kỳ Quỷ Vương
Tỵ
Ngộ Vương Hành Khiến
Địa Hao Hành Binh
Hứa Tào Phán Quan
Trương Lương Quỷ Vương
Ngọ
Tần Vương Hành Khiến
Thiên Hao Hành binh
Vương Tào Phán Quan
Bạt Kích Quỷ Vương
Mùi
Tống Vương Hành Khiến
Ngủ Đạo Hành Binh
Lâm Tào Phán Quan
Mông Lung Quỷ Vương
Thân
Tề Vương Hành Khiến
Ngũ Miếu Hành Binh
Thần Tào Phán Quan
Ác Độc Quỷ Vương
Dậu
Tào Vương Hành Khiến
Ngũ Nhạc Hành Binh
Cự Tào Phán Quan
Bá Chiến Quỷ Vương
Tuất
Việt Vương Hành Khiến
Thiên Cẩu Hành Binh
Thành Tào Phán Quan
Ác Lang Quỷ Vương
Hợi
Cưu Vương Hành Khiến
Ngũ Ôn Hành Binh
Nguyễn Tào Phán Quan
Thiên Sát Quỷ Vương
III.Ý nghĩa nghi thức:
Về mặt ý nghĩa của nghi thức này, trước là sự quán chiếu lại những gì mình đã làm trong năm qua và sám hối, sau là niệm ân đối với tự nhiên đã cho ta hưởng thụ và niệm ân với các bậc chủ quản, bảo vệ cho ta sự bình an.
Một năm trôi qua cũng là dịp để ta soi rọi lại những gì mình đã làm, lợi mình hại người hay lợi cả hai. Những việc không may mắn đến với mình phải chăng do chính mình gây ra. Sự sám hối là điều cần thiết để xua đi những ác nghiệp đồng thời cũng ngăn ngừa cho những hành động tiếp theo. Và nó cũng chính là những ma chướng do tâm mình sinh ra nên phải xua tan đi.
Đối với niệm ân, cũng là sự thể hiện nét đẹp văn hóa của dân ta trong việc “Uống nước nhớ nguồn”. Thật vậy, chúng ta không thể sống độc lập một mình khi thiếu những người, vật, thiên nhiên xung quanh.
Với thiên nhiên, trong tâm linh đại diện là những nhiên thần. Điều này, được nhắc đến trong Kinh Địa Tạng phẩm thứ nhất (Thần thông trên cung trời Đao Lợi): “Lại có những vị Thần ở cõi Ta-bà cùng cõi nước phương khác, như: Thần biển, Thần sông, Thần rạch, Thần cây, Thần núi, Thần đất, Thần sông chằm, Thần lúa mạ, Thần chủ ngày, Thần chủ đêm, Thần hư không, Thần trên Trời, Thần chủ ăn uống, Thần cây cỏ ... Các vị Thần như thế đều đến hội họp” hay như Phẩm mười một nói về Kiên Lao Địa Thần Bồ Tát:
Ðức Phật bảo Kiên Lao Ðịa Thần rằng: "Thần lực rộng lớn của ông, các thần khác ít ai có bằng. Vì cớ sao? Vì đất đai trong cõi Diêm Phù Ðề đều nhờ ông hộ trợ, cho đến cỏ cây, cát đá, lúa mè, tre lau, gạo thóc, của báu, tất cả những thứ từ đất mà có ra đều nhờ nơi sức thần của ông cả”. Như vậy, trong hệ thống nhiên thần, Kiên Lao Địa Thần Bồ Tát là vị Bồ Tát có thần lực và trọng trách hơn cả, trong đó giám sát luôn cả Hành Binh, Hành Khiến trong cỏi Nam Diêm Phù Đề này. Và hằng theo từng bước chân của chúng sanh nơi cư ngụ.
Giải thích:
1.Thổ thần: vị nhiên thần cai quản vùng đất địa phương, phạm vi hẹp tương đương 1 xã.
2.Thổ trạch: vị nhiên thần cai quản việc nhà cửa của dân chúng.
3.Thổ công: vị nhiên thần ghi chép lại tội, phước dân gian.
4.Thổ chủ: vị nhiên thần chủ quản hoa màu, vật thạnh.
5.Thổ táo: vị nhiên thàn chủ quản vấn đề thức ăn, thực phẩm, bếp núc dân gian.
6.Thổ kỳ: vị nhiên thần sắp xếp ngày giờ tốt xấu.
7.Thổ địa: vị nhiên thần nói chung chủ quản đất đai bên trên và cả ở trong lòng đất.

(Ban Hoằng Pháp chùa Long Phước)

http://thientinhmat.com/index.php/en...anh-cho-ph-t-t