Ngay sau ngày Hà Nội sáp nhập để trở thành Thủ đô (mở rộng), Thư Thăng Long - Hà Nội nhận được bài viết của một kiến trúc sư lâu năm, có tên tuổi. Những ý tưởng và kiến giải của bài là suy nghĩ của một nhà chuyên môn, rất đáng để chúng ta suy ngẫm, trao đổi và biết đâu, có thể trở thành hiện thực không xa?

Mùa thu năm 1010, ba tháng sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã ban Thiên Đô chiếu và Ngài đã hỏi quần thần: “Ý các khanh ra sao?”. Sự kiện đó diễn ra vào thời kỳ đất nước Đại Việt còn rất lạc hậu nghèo nàn, 1000 năm trước. Quan quân trong triều lúc đó, chắc không mấy ai đã hiểu hết ý nghĩa của 214 chữ do nhà vua ban ra, nhưng họ có niềm tin tưởng tuyệt đối vào đấng minh quân, nên quần thần đã nhất tề hưởng ứng, thông qua và làm theo.


Vào lúc đó, dưới sự dìu dắt của Thiền sư Vạn Hạnh, dày công tự tìm tòi, nghiền ngẫm và nghiên cứu cấu trúc NÚI CHẦU SÔNG TỤ, sự linh thiêng và thế bay lên của phong thủy Thăng Long dường như đã ngấm sâu vào tâm thức của nhà vua trẻ Lý Công Uẩn nên vừa lên ngôi, Ngài đã cấp tập ra lệnh khởi hành ngay công việc hệ trọng bậc nhất liên quan đến vận mệnh đất nước.


Lịch sử ngót 1000 năm qua đã chứng minh Đức vua Lý Thái Tổ đã có tầm nhìn xa, có hành động vô cùng thông minh và chuẩn xác!

http://images.vietnamnet.vn/dataimag...thanglong1.jpg
Ảnh: Trần Thanh Vân


Trung tâm Thăng Long xưa là Hồ Tây và sông Hồng.

Chiếu dời đô ngắn gọn nhưng chứa đựng trí tuệ, hoài bão của bậc minh quân, lại mang hơi thở của một thời đại mới, đã miêu tả địa thế Thăng Long “… Ở giữa khu vực Trời Đất, được thế Rồng cuộn Hổ ngồi, chính giữa nam - bắc, đông - tây, tiện nghi núi sông, sau trước…”


Ngày đó, cả nước Đại Việt chỉ có sáu triệu dân. Hoàng thành Thăng Long chỉ rộng chưa đến 10km2, ở phía nam hồ Dâm Đàm là nơi giành cho nhà vua và triều đình cư ngụ, nhưng ở phía bắc hồ là nơi quân lính đồn trú để bảo vệ kinh thành. Như vậy, cung điện nhà vua và trại lính đồn trú là hai thành phần quan trọng nhất của kinh đô xưa đều ôm trọn Hồ Tây.


Trong suốt thời Lý sang thời Trần, phường Nhật Chiêu bên bờ sông Hồng luôn luôn là nơi tụ hội quân lính, nơi xuất quân ra đi đánh giặc, nơi dân chúng gánh lương thực đi tiếp tế và đón đoàn quân chiến thắng trở về để mở tiệc khao quân. Đình Nhật Tân, đình Yên Phụ và đình Thủ Lệ ngày nay vẫn thờ Đức Linh Lang bảo vệ hồ Tây, vị Thánh được gọi là Uy Đô Vương, con Vua Hồng Bàng. Tương truyền mỗi khi có giặc giã là Ngài nhập thế, dẫn đầu đoàn quân xông ra đánh giặc, giặc tan, Ngài lại bay về trời.


Lễ hội và tiệc khao quân - Ảnh: Trần Thanh Vân


Trung tâm Thăng Long nay vẫn là Hồ Tây và sông Hồng

Ngày nay chúng ta phát triển Thủ đô sang hướng tây và chọn Hồ Tây là trung tâm. Núi vẫn vậy. Sông vẫn vậy. Và bầu trời vẫn vậy, thiên thanh tựa ngàn xưa. Nhưng ngày nay dân số nước ta đã hơn 80 triệu (gấp 13 lần khi xưa), riêng Thủ đô có hơn sáu triệu dân. Thủ đô phải to rộng hơn nhưng vẫn phải bám sát trục phong thủy NÚI CHẦU SÔNG TỤ.

Thủ đô Hà Nội nay như một ngôi nhà lớn, tựa lưng vào vòng cung từ núi Tản Ba Vì đến Xuân Mai Hòa Bình, nhìn ra Hồ Tây mênh mông, là một đại minh đường hình bán nguyệt, trước nữa có sông Hồng chảy theo hướng Thìn, hướng của chòm sao Cang Kim Long là một đại long mạch.


Hà Nội cũ đáng trân trọng và cần bảo tồn.

Năm 1831, Vua Minh Mạng lập ra tỉnh Hà Nội gồm bốn phủ: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân. Riêng phủ Hoài Đức đã được người Pháp xây nên thành phố Hà Nội, thủ phủ của liên bang Đông Dương, ba phủ còn lại vẫn thuộc Hà Đông và Hà Nam.


Hà Nội là một thành phố đẹp, nhưng chỉ là một đô thị hành chính của chính quyền bảo hộ, lấy hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm. Khu vực đồn trú của quân lính đóng ngay trong khu Hoàng thành cũ, còn hồ Tây và phường Nhật Chiêu xưa thuộc huyện Từ Liêm, mãi đến năm 1995 mới được lập thành quận Tây Hồ.


Từ năm 1955 đến nay, dân số Hà Nội gia tăng từ 30 vạn lên đến hơn ba triệu người, nhà cửa, công trình… bị xen cấy, chen lấn, cơi nới, lại thêm cách quản lý yếu kém, cục bộ, thiếu tầm và thiếu cả tâm… khiến bộ mặt Hà Nội cũ bị biến dạng, trở nên chật chội, nham nhở, kỳ dị và xấu xí đi rất nhiều.


Ngày 29/5/2008, Quốc hội nước ta đã thông qua nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, vẫn theo đúng trục phong thủy Thăng Long. Theo tôi, đó là cơ hội cho chúng ta xây dựng một Thủ đô văn minh hiện đại nhưng đắm mình trong thiên nhiên. Đó cũng là cơ hội để chúng ta bảo tồn Hà Nội cũ với trung tâm Hồ Gươm trở về đúng với sắc thái khi xưa.


Khu Mỹ Đình - Ảnh: vietbao.vn





Với diện tích là thủ đô lớn thứ 16-17 trên thế giới, bao gồm ba thành phố là Hà Nội (cũ), Hà Đông và Sơn Tây, ba thành phố này phải bảo toàn sao cho vẫn giữ được những sắc thái riêng biệt, trong đó Hà Nội cũ là đô thị hạt nhân. Chính vì Thủ đô mở rộng không còn là “thành phố trong sông” nữa, nên Thủ đô ở thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập quốc tế này, nên mang tên Thăng Long, và sẽ là nơi nắm giữ điểm huyệt của nền kinh tế mũi nhọn.

Thủ đô mở rộng sẽ là nơi tập trung các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu khoa học, nơi có thành công bước đầu về xây dựng khu công nghệ cao Hòa Lạc, để xây dựng một đô thị xanh hoàn hảo với môi trường trong lành, phát huy tối đa tài năng trí tuệ của giới khoa học trẻ tuổi, để có doanh thu nhiều tỷ USD hàng năm và phát triển kinh tế du lịch sinh thái và dịch vụ.


Ngày nay, trái đất đang ngày càng nóng lên và cả thế giới đang bị uy hiếp bởi thiên tai, động đất và ô nhiễm môi trường… Bởi vậy xu thế đô thị hóa trên thế giới đã bước sang giai đoạn thứ ba là xây dựng những đô thị xanh để đưa con người về với thiên nhiên, từ bỏ việc xây dựng tập trung nhà bê tông cao tầng và tấm kính lớn.


Địa giới hành chính Thủ đô mở rộng tới 3.344km2, trong đó có 2.500km2 và ba triệu người là nông dân vẫn ở trên khu đất xanh, cài răng lược với khu đô thị và đan xen giữa các trục giao thông là các hồ chứa nước và các kênh dẫn nước. Giải pháp phong thủy này tạo ra các hành lang dẫn gió đưa luồng sinh khí đến vùng trung tâm Hồ Tây. Giải pháp đó đưa mầu xanh thiên nhiên tiếp cận mọi người dân đô thị, đồng thời đóng góp vào việc xóa bớt ranh giới giữa người giàu và người nghèo.


Làng đô thị vườn có thể tiến thẳng lên thành một đô thị xanh, không phải qua giai đoạn là một đô thị xám, khi đã có nguồn nước từ sông Đà về, có hồ chứa nước để điều hòa khí hậu, có giải pháp thu năng lượng mặt trời và năng lượng lòng đất để sưởi ấm mùa đông và làm mát mùa hè, có mọi giải pháp thu gom, xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường.


Nhưng đây phải là một sự nỗ lực rất lớn không phải chỉ riêng chính quyền và nhân dân Thủ đô, mà còn đòi hỏi sự chung vai, chung sức, chia sẻ lớn của cả nước. Trong vị thế một thủ đô mới, với chức năng, nhiệm vụ mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội, Thủ đô mở rộng của chúng ta nên lấy lại tên Thăng Long, cái tên thể hiện thế đất, thế lực, và thế phát triển mới - Rồng bay. Còn Hà Nội, khu đô thị bảo tồn nên giữ lại tên cũ, là một phần quan trọng của Thăng Long.


KTS Trần Thanh Vân