kết quả từ 1 tới 11 trên 11

Ðề tài: Chiến tranh Biên giới 1979 - Bài học của niềm tin

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Chiến tranh Biên giới 1979 - Bài học của niềm tin

    Chiến tranh Biên giới 1979 - Bài học của niềm tin

    XUÂN DƯƠNG
    08:40 13/02/17 THẢO LUẬN (7)

    (GDVN) -Chiến tranh xâm lược mà quân đội Trung Quốc tiến hành với chiêu bài “phản kích tự vệ” có thể đánh lừa người dân Trung Quốc nhưng không thể đánh lừa cả thế giới.

    Xuân DươngHè năm 1966, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, những sinh viên vừa nhập học khóa 11 Đại học Bách Khoa Hà Nội phải sơ tán lên Lạng Sơn.

    Tàu chạy từ Hà Nội lúc tối, qua Kép một đoạn phải tăng bo vì cầu hỏng, tất cả vào rừng sơ tán đợi đến tối mới lại có tàu đi tiếp.
    Đến Đồng Đăng lúc gần sáng, cả lớp lầm lũi đi, chẳng đứa nào buồn nói chuyện vì mệt và đói.
    Chặng đường đi bộ khoảng 30 cây số từ ga Đồng Đăng đến Lũng Vài (xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng) phải vượt qua một con dốc khá dài là dốc Bố Củng.

    Thấy những xe quân sự Trung Quốc chạy, mấy đứa xui bọn con gái giơ tay vẫy, một xe dừng lại cho chúng tôi lên.
    Việc đầu tiên là mấy người lính trẻ Trung Quốc phát cho chúng tôi mỗi người một quyển “Mao tuyển” bìa màu đỏ to hơn bàn tay, tiếp đó mỗi đứa nhận được một chiếc huy hiệu “lãnh tụ vĩ đại”.

    Tưởng chừng những kỷ niệm tốt đẹp ấy sẽ còn được nhân lên vì câu hát “Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông,…”.Vận dụng vốn tiếng Trung ít ỏi học ở phổ thông, mấy đứa “xia xia thủng chư mân”, mấy người lính Trung Quốc cười vui vẻ móc túi cho thêm mỗi đứa một phong lương khô.

    Không ngờ hơn chục năm sau, tháng 3 năm 1979, chúng tôi, những thày trò các trường Đại học trên địa bàn tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên, Bắc Kạn) lại phải lên Lạng Sơn, lần này là trên những chiếc Zil ba cầu của Liên Xô.
    Một trung đoàn tự vệ chiến đấu gồm đa số là giảng viên và sinh viên đại học được lệnh hành quân gấp lên mặt trận Khánh Khê, vũ khí trang bị cho các chiến sĩ chỉ có một khẩu tiểu liên K63, 200 viên đạn và mấy quả lựu đạn chày.

    Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. (Ảnh trên vtc.vn)

    Trên chốt tiền tiêu phía nam đầu cầu Khánh Khê các chiến sĩ phải ăn hạt bo bo luộc với cà pháo, tuy không có những trận đánh lớn nhưng tổn thất là không tránh khỏi.
    Thấm thoắt chỉ hai năm nữa là tròn 40 năm ngày quân đội Trung Quốc vượt biên tấn công toàn tuyến biên giới phía bắc Tổ quốc ta.

    Có nhìn tận mắt cảnh trâu chạy lạc vào bãi mìn quân Trung Quốc gài trên triền đồi đối diện bên kia sông bị nổ tung, có tận mắt chứng kiến nghĩa trang liệt sĩ xây vội bên đầu cầu Khánh Khê, mấy trăm ngôi mộ liệt sĩ, chỉ có mộ liệt sĩ Lê Đình Chinh là được xây vôi cát còn lại chỉ là những nấm đất mới hiểu thế nào là “hữu nghị”, thế nào là “hậu phương đáng tin cậy của nhân dân Việt Nam”.

    Cuộc chiến tranh xâm lược mà quân đội Trung Quốc tiến hành với chiêu bài “phản kích tự vệ” có thể đánh lừa người dân Trung Quốc nhưng không thể đánh lừa cả thế giới.

    Đó không chỉ là cuộc xâm lược quy mô lớn mà còn là cuộc chiến tranh phá hoại không khác gì chiến tranh hủy diệt bằng không quân mà Mỹ đã tiến hành trên miền Bắc Việt Nam từ tháng 8 năm 1964.

    Khẩu hiệu mà Mỹ rêu rao là “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, còn giới cầm quyền Bắc Kinh khi đó thì cao giọng với thế giới, rằng để “dạy cho Việt Nam một bài học”, thực chất phía sau tuyên bố ngông cuồng ấy là gì?


    Trong lời giới thiệu cuốn sách “China and the Vietnam Wars, 1950-1975 (The New Cold War History)” của tác giả Qiang Zhai (Trại Cường), nhà sách Amazon.com viết: Trả lời câu hỏi này, nếu lấy quan điểm của người Việt e là sẽ có người bảo không khách quan, vậy hãy xem người không mang dòng máu Việt nghĩ gì.

    Khi xem xét cách hành xử của Trung Quốc với Việt Nam, Zhai cung cấp những hiểu biết quan trọng về chính sách đối ngoại của Mao Trạch Đông và những động cơ tư tưởng và địa chính trị đằng sau nó.

    Trong suốt những năm 1950 và 1960, ông (Zhai) cho thấy, Mao coi Mỹ là mối đe dọa chính đối với an ninh của những người Cộng sản Trung Quốc và do đó (họ) thấy hỗ trợ cho Hồ Chí Minh như là một cách tốt để làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á từ cuối những năm 1960 và 1970.

    Tuy nhiên, khi Mao coi là mối đe dọa lớn hơn từ Liên Xô, ông bắt đầu để điều chỉnh chính sách của mình và khuyến khích Bắc Việt chấp nhận một thỏa thuận hòa bình với Hoa Kỳ”. [1]

    Trong sách tác giả Qiang Zhai viết: “Mặc dầu họ (Trung Quốc) tuyên bố chính họ là những môn đồ của chủ nghĩa quốc tế Mác-Lênin song họ lại kế thừa hoàn toàn cái di sản lịch sử của Trung Hoa: quan niệm Đại Hán theo đó Trung Quốc là cái nôi của thế giới.

    Các quốc gia nhỏ bé khác bên ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, là man di và phải là những chư hầu trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc”. [4]

    Bìa cuốn sách “China and the Vietnam Wars, 1950-1975” trên Amazon.com

    Chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ thống nhất đất nước không phải là điều mà “người bạn lớn” mong đợi.
    Điều mà họ muốn - như Trại Cường khẳng định - Việt Nam “phải là chư hầu trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc” và đó mới chính là điều thôi thúc họ tiến hành cuộc chiến xâm lược đẫm máu nhất chống lại một quốc gia có chủ quyền kể từ sau chiến tranh Triều Tiên.

    Thống kê chưa đầy đủ cho thấy: “quân Trung Quốc còn thực hiện chính sách cướp bóc và phá hoại triệt để ở các khu vực chiếm đóng được: ước tính 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ, 600.000 mét vuông nhà ở và 80.000 héc-ta hoa màu ở khu vực chiến sự bị tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp.

    Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân ở biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.
    Các thị xã lớn Lạng Sơn, Cao Bằng và Cam Đường gần như bị hủy diệt hoàn toàn, lính Trung Quốc dùng mìn đánh sập hầu hết các công trình, nhà ở, cầu, đường bộ và đường sắt...

    ngay cả những di tích lịch sử hoàn toàn không có ý nghĩa gì về mặt quân sự như hang Pắc Bó (Cao Bằng) – từng là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, động Tam Thanh, Nhị Thanh (Lạng Sơn)… cũng bị phá hoại…”.[2]

    Mấy đứa chúng tôi được anh Khuầy dẫn lên thăm hang, vòm hang lúc đó chỉ rộng hơn một mét vì đã bị lính Trung Quốc giật mìn đánh sập, dòng suối phía trước cửa hang có rất ít nước, trơ trọi những viên đá cuội, không còn “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”, chỉ còn lại cây ổi khẳng khiu phía ngoài hang.Nhiều năm trước, có dịp lên thăm anh Dương Chí Khuầy, bạn học cùng lớp, cùng tổ hồi đại học, anh là con trai đại tá Dương Đại Lâm, cần vụ của Bác Hồ. Nhà ông Dương Đại Lâm cách hang Pắc Bó chưa đến “một quăng dao”.

    Cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai từng nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Công ơn của Người đối với Tổ quốc chúng tôi cũng to lớn và vô cùng hiển hách…”. [3]

    Vậy mà một di tích lịch sử cách mạng vô cùng quý giá của nhân dân Việt Nam, gắn với quãng đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch từ năm 1941 vẫn bị quân Trung Quốc nổ mìn phá sập.

    Đối chiếu với lời cố Thủ tướng Chu Ân Lai, ai là kẻ vô ơn, bạc nghĩa, ai là kẻ sẵn sàng chà đạp lên tinh thần quốc tế cao cả nhằm thỏa mãn tham vọng bắt các nước nhỏ làm chư hầu như nhận định của Qiang Zhai?

    Năm 2005, một người gốc Hoa, Xiaoming Zhang, giảng viên trường Cao Đẳng Chiến tranh không quân (Air War College) thuộc Bộ Không Quân Mỹ đã xuất bản bài viết “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment” (Một cách đánh giá lại cuộc chiến 1979 của Trung Quốc với Việt Nam).

    Bài này được đăng trên tờ China Quarterly (tạm dịch: Tài liệu quý về Trung Quốc), một tạp chí quốc tế có uy tín xuất bản tại Anh Quốc.

    Tác giả viết: “Chủ thuyết chính trị của Mác, mặc dầu được cả hai nước suy tụng cũng không ngăn cản được việc Trung Quốc phát động một cuộc “chiến tranh tự vệ” chống lại quốc gia láng giềng nhỏ bé một khi quyền lợi dân tộc tối cao bị đe dọa…
    Bắc Kinh luôn nói rằng họ không bao giờ gây sức ép về chính trị và kinh tế thông qua viện trợ vật chất và quân sự khổng lồ cho Hà Nội, nhưng họ lại muốn Hà Nội phải thừa nhận vai trò lãnh đạo của Trung Quốc đối với phong trào giải phóng dân tộc trong khu vực và trên thế giới” (bản dịch của Thời đại mới). [4]

    Đó là sự kết thúc thời kỳ ngắn ngủi tồn tại hai hệ thống xã hội đối lập mà chúng ta quen gọi là “phe” - phe Xã hội chủ nghĩa và phe Tư bản chủ nghĩa. Cuộc chiến tranh xâm lược mà Trung Quốc phát động năm 1979 chống Việt Nam không đơn giản chỉ là cuộc chiến biên giới giữa hai quốc gia có chủ quyền, chung ý thức hệ mà còn cho thấy nó báo hiệu một thời kỳ mới của lịch sử nhân loại.

    Tiếng súng mà Trung Quốc phát động trên tuyến biên giới dài 900 km giữa hai nước chính là đòn giáng mạnh vào niềm tin về một thế giới đại đồng.

    Là sự khẳng định chân lý “không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”.
    Hơn chục năm sau, khi Liên Xô tan rã cũng là lúc phe Xã hội chủ nghĩa rơi vào khủng hoảng, thay vào đó hàng loạt nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu, trừ Nga, trở thành thành viên NATO hoặc Liên minh Châu Âu.

    Ảo mộng đưa Trung Quốc thành lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc trong khu vực và trên thế giới - như nhận định của Xiaoming Zhang - sụp đổ là hậu quả tất yếu khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh quay lại với chính mình.
    Đó là lý do vì sao chủ thuyết “phục hưng dân tộc Trung Hoa” ra đời.

    Mộng ước ấy nằm trong ngay cái tên “Trung Quốc” - quốc gia là trung tâm của thiên hạ.Thực ra, tìm trăm phương nghìn kế để trở thành lãnh tụ phong trào giải phóng dân tộc thế giới chỉ là chiêu bài che dấu những gì mà giới thống trị Trung Quốc đã làm hàng nghìn năm qua và sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian sắp tới.

    Chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ đã được Trung Quốc vận dụng sáng tạo và nâng thành nghệ thuật.
    Chỉ cần một chút viện trợ kinh tế, chỉ cần lôi kéo một quốc gia, Bắc Kinh có thể biến ASEAN thành một tổ chức lỏng lẻo không thể đồng thuận những vấn đề quốc tế liên quan đến Trung Quốc.

    Giới lãnh đạo Bắc Kinh say sưa với sự tăng trưởng ngoạn mục về kinh tế đang có ảo vọng sẽ thay thế Mỹ trở thành siêu cường thống trị thế giới cả về kinh tế, quân sự lẫn chính trị.

    Và một lần nữa, những cái đầu dân tộc chủ nghĩa lại tìm cách thực hiện mộng ước “thế giới đại đồng” không phải theo một học thuyết xa vời nào đó mà là những vành đai, những con đường tơ lụa mới, bằng những đạo quân trá hình - công nhân, nông dân, ngư dân hiện diện bất kỳ nơi nào có thể.

    Trong bối cảnh ấy, chịu ảnh hưởng nhiều nhất, rõ nhất không ai khác chính là nước Việt Nam chúng ta, bởi chúng ta có thể chọn bạn bè nhưng không thể chọn láng giềng.

    Tài liệu tham khảo:
    [1] https://www.amazon.com/China-Vietnam.../dp/0807848425
    [2] http://infonet.vn/chien-tranh-bien-g...ost158490.info
    [3]http://ditichhochiminhphuchutich.gov....sQh4Vrmv.dpbs
    [4]http://nghiencuuquocte.org/2015/11/0....THID9Do4.dpuf
    Last edited by Bin571; 14-02-2017 at 12:10 AM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

  3. #3

  4. #4

  5. #5

  6. #6

  7. #7

  8. #8

    Mặc định

    Chiến tranh Biên giới 1979 - Một góc nhìn hậu chiến

    XUÂN DƯƠNG
    07:24 15/02/17 THẢO LUẬN (6)

    (GDVN) - Nói về cuộc chiến, về lịch sử không phải để khoét thêm hận thù mà chỉ là để nhắc nhở những thế hệ tương lai về đất nước này, dân tộc này...

    Ngày 5/3/1979, khi Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng công bố lệnh tổng động viên, Trung Quốc tuyên bố rút quân.
    Sau khi rút quân, giới lãnh đạo và truyền thông Trung Quốc rêu rao đã hoàn thành mục tiêu của cuộc xâm lược là “dạy cho Việt Nam một bài học”.

    Tuyên bố của Bắc Kinh không phải là hoàn toàn sai sự thật bởi mục tiêu của họ là tàn phá đất nước Việt Nam, giết hại đồng bào và chiến sĩ chúng ta và họ đã đạt được điều đó trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
    Trường học, bệnh viện, cầu cống, trụ sở, làng mạc, thị xã và các công trình kinh tế, quân sự,… bị phá hủy gần như hoàn toàn.
    Hàng nghìn người dân vô tội bị tàn sát, man rợ nhất là hơn 400 người Việt Nam bị línhi có hòa bình"Trung Quốc giết hại tại pháo đài Đồng Đăng.

    Điều mà Bắc Kinh không thể và không bao giờ có thể làm là bẻ gãy ý chí độc lập tự cường, quyết tâm bảo vệ tổ quốc của người Việt. (Ảnh tư liệu của TTXVN)

    Điều mà Bắc Kinh không thể và không bao giờ có thể làm là bẻ gãy ý chí độc lập tự cường, quyết tâm bảo vệ tổ quốc của người Việt.

    Cuộc xâm lược đẫm máu nhất mà Trung Quốc thực hiện thời hiện đại đã củng cố “bài học” mà người Việt Nam vốn đã thuộc lòng, ấy là:

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Tạm dịch: Non sông Việt Nam là nơi Vua Nam ở, điều này đã được ghi nhận tại sách trời, vì sao những kẻ nghịch lỗ lại tới xâm phạm, chúng bay sẽ bị đánh tơi bời - Lý Thường Kiệt).

    Chính trị, ở đâu hay bao giờ cũng thế, dù được tô vẽ dưới mọi màu sắc vẫn thường bị nghi hoặc về bản chất,...
    Nói đến nước Mỹ, không ít người xem đó là hình mẫu của tự do, dân chủ song cũng không ít người - kể cả người Mỹ - cho rằng chính trường Mỹ là “vũ đài của sự dối trá,… là nơi khốc liệt và đầy thủ đoạn”. [5]


    Nhà xã hội học nổi tiếng, giáo sư Zygmunt Bauman trả lời phỏng vấn do phóng viên tạp chí Polityka - Jacek Żakowski - thực hiện cho rằng:

    Cuộc chiến với dối trá là bất khả chiến thắng. Dối trá tự bản chất là vĩnh cửu và có ở khắp nơi.
    Georges Duhamel đã rất thông thái khi nói rằng: “Giả dối là nguyên tắc, sự thật là ngoại lệ” ”. [6]

    Cuộc chiến mà Trung Quốc tiến hành chống Việt Nam năm 1979 không phải là ngoại lệ của giả dối chính trị bởi nó được khoác chiêu bài “phản kích tự vệ” khi mà người Việt không hề xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc.

    Không khuyến khích thói giả dối song cần phải làm thế nào để người dân biết nhận diện giả dối, biết cảnh giác đề phòng những kẻ vốn có truyền thống lịch sử giả dối và cũng cần phải biết cách lấy giả dối đối phó với giả dối.
    Có quan điểm rằng chính khách, để đạt đến đẳng cấp lừa dối cả thế giới, trước tiên phải lừa dối chính những người bên cạnh mình.

    Giới chóp bu Bắc Kinh khi tiến hành cuộc xâm lược Việt Nam đã lừa dối người dân Trung Quốc về sự cần thiết phải “dạy cho Việt Nam một bài học”.

    Rất nhiều người Trung Quốc ở vùng núi giáp Việt Nam, có người còn chưa đọc thông viết thạo đã trở thành dân binh tải lương thực, vũ khí phục vụ cuộc chiến bởi dưới cái loa tuyên truyền của Bắc Kinh, họ xem phục vụ cuộc chiến là “nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc”?
    Sẽ là ngây thơ nếu ai đó chủ tâm gieo vào quần chúng niềm tin về một chỗ dựa tinh thần nào đó trong khi mình bị lợi dụng như một quân cờ trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu.

    Trong màu sắc duy tâm, điểm đến cuối cùng trên con đường danh vọng của các chính khách hoặc là thiên đường, hoặc là địa ngục. Sẽ là nguy hiểm nếu truyền cảm hứng cho dân chúng bằng sự mất cảnh giác của chính mình bởi “giả dối là nguyên tắc, sự thật chỉ là ngoại lệ”.

    Dù là trên thiên đường, sẽ có lúc họ phải nhìn xuống hạ giới để nói lời xin lỗi những người ngã xuống trong chiến tranh ở tuổi đôi mươi, kẻ ở địa ngục vẫn có lúc phải đội mồ đứng dậy để cầu xin tha thứ.
    Sự tàn bạo của cuộc chiến 1979 mà Trung Quốc tiến hành đâu chỉ tàn phá đất nước Việt Nam, giết hại bộ đội và dân thường Việt Nam?

    Đó còn là vết thương cho đến hôm nay vẫn rỉ máu trong tâm trí không ít cựu binh lính và những gia đình Trung Quốc có người thân mất mạng trong cuộc chiến.
    Còn người Việt, làm sao có thể quên đi nỗi đau mỗi khi nhắc, nhớ đến đồng đội và người thân đã ngã xuống hoặc bị sát hại trong cuộc chiến.

    Nếu cha ông ta không ghi lại lịch sử hào hùng của người Việt thời Lý Thường Kiệt trên sông Như Nguyệt, thời Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo trên sông Bạch Đằng, Lê Lợi ở Chi Lăng, Nguyễn Huệ ở Đống Đa … thì người Việt có được như hôm nay?
    Vậy tại sao chúng ta dường như vẫn ngại ngùng khi dạy cho con cháu về cuộc chiến đẫm máu chống xâm lược trên biên giới phía Bắc và phía Tây Nam những năm 70 thế kỷ trước?

    Không phải những người viết sách giáo khoa không có tư liệu, càng không phải đánh giá công bằng lịch sử sẽ làm mất đi tình hữu nghị giữa các dân tộc hay ảnh hưởng đến ý thức hệ.
    Hiện tại còn nhiều tài liệu chưa được giải mật về cuộc chiến, song nên chăng đã đến lúc nhìn lại, đánh giá lại một cách nghiêm túc để làm sao tránh được chiến tranh? Bối cảnh chính trị quốc tế, khu vực thời điểm đó như thế nào? Có lẽ vì thiếu đánh giá một cách khoa học về cuộc chiến nên người ta sợ nhắc đến nó?

    Liên quan đến cuộc chiến chống xâm lược trên biên giới phía Bắc là cuộc chiến biên giới Tây Nam chống diệt chủng Polpot. Người Mỹ dựng lại phim về trận chiến đẫm máu Trân Châu Cảng hay số phận tù binh Mỹ bị Nhật bắt trong thế chiến 2 (bộ phim Unbroken - Không khuất phục) nhưng không vì thế mà hai nước Nhật - Mỹ trở nên thù nghịch.

    Như các nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá, một trong những lý do khiến Trung Quốc tấn công Việt Nam ở phía Bắc là để tìm cách kéo lực lượng tinh nhuệ của quân đội Việt Nam khỏi Campuchia lúc đó đang làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, tiêu diệt diệt chủng Polpot.

    Không ai khác, chính xương máu của đồng bào và quân đội Việt Nam đã góp phần tiêu diệt một chế độ tàn bạo hiếm có trong lịch sử nhân loại.

    Một chế độ mà những tên tội phạm đầu sỏ (Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieng Sary và Ieng Thirith) đã bị Tòa án quốc tế truy tố về các tội ác chống lại loài người, diệt chủng và vi phạm nghiêm trọng các Công ước Geneva năm 1949.
    Điều đáng sợ, đáng nói là những sự thật lịch sử bị bóp méo từ một phía sẽ dần chiếm lĩnh tâm trí nhân loại nếu chúng ta không làm gì hôm nay.

    Nếu chúng ta im lặng hôm nay, sẽ khiến ngày càng có nhiều người ngộ nhận, rằng Việt Nam xâm chiếm biên giới, biển đảo của Trung Quốc, xâm lược Campuchia,… như giọng lưỡi bộ máy tuyên truyền bên kia biên giới vẫn ra rả từ 1979 đến nay.
    Súng ống, bom đạn quân đội Trung Quốc bố trí ở Hoàng Sa, Trường Sa không thể nhằm đến Mỹ, Úc hay Nhật Bản nhưng khả năng bao phủ vùng trời, vùng biển của Việt Nam là một sự thật không thể phủ nhận.

    Dạy cho con cháu những trang sử hào hùng đẫm máu và nước mắt cha ông chính là cách để tạo động lực xây dựng một nước Việt Nam tự cường, đủ sức mạnh đương đầu với bất kỳ thế lực ngoại xâm nào.

    Một nước Việt Nam yếu về kinh tế và quân sự, nhân tâm phân tán lại chính là điều mà kẻ thù của dân tộc này hằng mong mỏi.
    Niềm tin không tự nhiên sinh ra, không từ trên trời rơi xuống, niềm tin của dân tộc này không thể bị đánh đổi bởi niềm tin của dân tộc khác, và trên tất cả lịch sử một dân tộc không thể bị che phủ bởi ý thức hệ hay ý muốn chủ quan của riêng bất cứ ai.
    Yêu chuộng hòa bình không có nghĩa là phủ nhận chiến tranh bởi chuẩn bị cho chiến tranh chính là cách để gìn giữ hòa bình.
    Nói về cuộc chiến, về lịch sử không phải để khoét thêm hận thù mà chỉ là để nhắc nhở những thế hệ tương lai, rằng đất nước này, dân tộc này “dẫu có phải đốt cả dãy Trường Sơn, cũng phải giữ cho được tự do, độc lập”.

    Tài liệu tham khảo:
    [1] https://www.amazon.com/China-Vietnam.../dp/0807848425
    [2] http://infonet.vn/chien-tranh-bien-g...ost158490.info
    [3]http://ditichhochiminhphuchutich.gov....sQh4Vrmv.dpbs
    [4]http://nghiencuuquocte.org/2015/11/0....THID9Do4.dpuf
    [5] https://www.facebook.com/notes/hội-n...-giả-dối
    [6] http://liliapl.blogspot.com/2016/04/...ta-bi-lua.html

    Xuân Dương
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  9. #9

    Mặc định

    Biên giới phía Bắc đầu tháng 2/1979, những ngày trước khi súng nổ

    ĐẠI TÁ ĐẶNG VIỆT THỦY
    07:47 16/02/17 THẢO LUẬN (2)


    (GDVN) - Hàng vạn người Hoa từ các nơi dắt díu, gồng gánh lên biên giới để trở về Trung Quốc. Khi người Hoa kéo lên đông thì phía bên kia đóng cửa biên giới.

    Đại tá Đặng Việt ThủyLTS: Đại tá Đặng Việt Thủy cung cấp thông tin về một số sự kiện về phòng thủ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta trước cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979.

    Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


    Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ đất nước thống nhất, tiến lên xây dưng chủ nghĩa xã hội.

    Nhiệm vụ cấp bách của cả nước lúc này là tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, nhanh chóng khắc phục hậu quả nặng nề do chiến tranh tàn phá.

    Đối với các đơn vị quân đội có nhiệm vụ vừa tham gia xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, chủ yếu tập trung vào vùng biên giới, nơi xung yếu, làm giao thông, kết hợp trồng rừng... vừa huấn luyện, công tác và sẵn sàng chiến đấu.

    Ngày 29/5/1976, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh 45/SL sáp nhập Quân khu Tây Bắc và Quân khu Việt Bắc thành Quân khu 1.

    Lúc này Quân khu 1 gồm 7 tỉnh: Bắc Thái, Cao Lạng, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Vĩnh Phú, Lai Châu và Sơn La.

    Quân khu có diện tích 93.981 ki lô mét vuông (chiếm 28% diện tích toàn quốc), dân số 5.278.600 người, có đường biên giới Việt - Trung dài 1.412km và biên giới Việt - Lào dài 552km.

    Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. (Ảnh trên vtc.vn)

    Trên địa bàn Quân khu có 40 dân tộc anh em. Nhiệm vụ của Quân khu sau khi được sáp nhập:

    Một là, phải duy trì chế độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ vững chắc biên giới và an ninh chính trị, trật tự xã hội trong nội địa.

    Hai là, chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng lực lượng vũ trang cả ba thứ quân vững mạnh, rộng khắp, được rèn luyện thường xuyên, cơ bản để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

    Ba là, tích cực tham gia xây dựng kinh tế, gắn kinh tế với quốc phòng, an ninh. Bốn là, sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ quốc tế với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

    Việc sáp nhập hai Quân khu Việt Bắc và Quân khu Tây Bắc thành Quân khu 1 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ngay sau khi chuyển giai đoạn cách mạng nhằm rút gọn đầu mối, chỉ huy thống nhất các lực lượng trong thế phòng thủ chung bảo vệ Tổ quốc.

    7/6/1976, Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định hợp nhất 2 Đảng bộ Quân khu Việt Bắc và Quân khu Tây Bắc thành một Đảng bộ lấy tên là Đảng bộ Quân khu 1, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương.


    Bộ Chính trị chỉ định đồng chí Thiếu tướng Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu làm Bí thư Quân khu ủy lâm thời.
    Ngày 8/6/1976, Quân ủy Trung ương chỉ định 6 đồng chí vào Ban chấp hành Đảng bộ Quân khu.
    Ngày 19/11/1976, tại khu vực gần bến phà Đoan Hùng, Trung đoàn công binh 89 được thành lập, trên cơ sở Tiểu đoàn cầu phà và Tiểu đoàn công trình thuộc Bộ Tư lệnh Công binh.
    Trong thời gian này, những đơn vị làm kinh tế kết hợp với quốc phòng được thành lập và kiện toàn.

    Ở Lào Cai, Yên Bái có Đoàn 344, Đoàn 345. Ở huyện Trùng Khánh, Cao Bằng có Trung đoàn 567. Ở Ngân Sơn - Bắc Thái có Trung đoàn 677. Ở Thác Bà - Yên Bái có Trung đoàn 254. Ở Lai Châu có Trung đoàn 471 và trung đoàn 82. Ở Sơn La có Trung đoàn 184.

    Ngoài ra ở mỗi huyện biên giới còn thành lập một đội có từ 300 đến 500 người làm nhiệm vụ mở đường, trồng rừng, làm thủy lợi, thủy điện nhỏ kết hợp bảo vệ biên giới Tổ quốc.

    Từ năm 1977, tiếp theo những diễn biến căng thẳng ở biên giới Tây Nam, tình hình biên giới phía Bắc của Tổ quốc bắt đầu xuất hiện phức tạp.

    Ở một số địa phương giáp biên giới thuộc địa bàn Quân khu 1 đã xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư, có biểu hiện phía Trung Quốc tạo cớ gây xung đột nhỏ.

    Ngày 30/4/1977, tập đoàn phản động Pôn pốt - Iêng Xa ri gây chiến tranh trên biên giới Tây Nam nước ta. Lúc này, tình hình biên giới phía Bắc đột xuất trở nên căng thẳng, mất ổn định và có thể dẫn tới xung đột.
    Sau đó, trên tuyến biên giới phía Bắc tình hình ngày càng diễn biến phức tạp.

    Tháng 6/1977, Quân khu tiếp nhận Sư đoàn 316 (thuộc Quân đoàn 3) từ phía Nam chuyển ra.

    Đồng thời Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định thành lập các trung đoàn, binh chủng 231, 124 và 976.

    Như vậy, từ chỗ giải thể, giảm quân số vào cuối năm 1975 và năm 1976, đến đầu năm 1977, lực lượng vũ trang Quân khu 1 bắt đầu được mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ biên giới.

    Thực hiện Sắc lệnh của Hội đồng Chính phủ về điều chỉnh lực lượng, khu vực phòng thủ, ngày 29/6/1977 tại Sở chỉ huy Quân khu 3, Thiếu tướng Nguyễn Quyết - Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 3 đại diện bên giao; Thiếu tướng Đàm Quang Trung - Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 1 đại diện bên nhận, cùng các cơ quan chức năng của 2 Quân khu tiến hành bàn giao nhiệm vụ phòng thủ chiến lược chủ yếu phía Đông Bắc cho Quân khu 1 gồm 2 tỉnh Quảng Ninh, Hà Bắc.

    Đồng thời tiếp nhận các đơn vị: Sư đoàn bộ binh 3, Sư đoàn 325B, Sư đoàn bộ binh 431 dự bị, Lữ đoàn 242, Trung đoàn 272, Tiểu đoàn công binh công trình, Tiểu đoàn tàu thuyền, đại đội trinh sát, 2 đại đội thông tin cùng toàn bộ vật chất trang bị của bộ đội thường trực và dân quân tự vệ.

    Cuối năm 1977 và đầu năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

    Phía Trung Quốc tăng cường xâm lấn đất đai, khiêu khích vũ trang dọc tuyến biên giới, tung tin, xuyên tạc, vu cáo, kích động nhân dân dọc biên giới, dồn ép người Hoa, dựng nên sự kiện "Nạn kiều".

    Hàng vạn người Hoa từ các nơi dắt díu, gồng gánh lên biên giới để trở về Trung Quốc. Khi người Hoa kéo lên đông thì phía bên kia đóng cửa biên giới.

    Hàng ngàn gia đình phải chịu cảnh màn trời, chiếu đất nằm lại ở các cửa khẩu làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các cửa khẩu biên giới rất phức tạp...

    Thời gian này, Trung Quốc điều động quân và binh khí kỹ thuật áp sát biên giới, ngày đêm nổ mìn làm đường, thiết bị công sự, trận địa, diễn tập quân sự, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

    Về kinh tế, họ tuyên bố cắt viện trợ quân sự và ngừng thi công các công trình, yêu cầu Việt Nam nhanh chóng thu xếp hoàn trả số hàng quân sự cho vay theo quy chế "viện trợ hoàn lại" thanh toán sau chiến tranh, được quy đổi thành "ngoại tệ mạnh"...

    Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã xây dựng kế hoạch tác chiến phòng thủ và bảo vệ biên giới, phòng chống bạo loạn.
    Tổ chức điều chỉnh, bố trí lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên các khu vực xung yếu từ Lai Châu đến tuyến đảo Quảng Ninh. Các binh chủng, các trung đoàn, sư đoàn làm kinh tế gấp rút chấn chỉnh tổ chức, trang bị để sẵn sàng cơ động lên phía trước làm nhiệm vụ.

    Đầu tháng 3/1978, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, trực tiếp là Cục Tác chiến, Quân khu 1 đã tổ chức điều chỉnh, bố trí lực lượng chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ trên các khu vực.

    Trung đoàn 82 được điều lên Điện Biên. Sư đoàn 316 từ Nghĩa Lộ lên Bình Lư, Lai Châu. Đoàn 346 đang làm đường ở Hà Tuyên, chuyển sang Cao Bằng.

    Sư đoàn 325B triển khai ở Đình Lập, Tiên Yên, Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh. Đề nghị Bộ tăng thêm lực lượng cho Lữ đoàn 242...

    Ngày 2/5/1978, Tư lệnh Quân khu 1 ra quyết định Sư đoàn 345 vừa xây dựng kinh tế lâm trường, mỏ A-pa-tít Lào Cai vừa sẵn sàng chiến đấu.

    Tổ chức Sư đoàn 345 gồm cơ quan sư đoàn, 1 trung đoàn bộ binh, 1 khung trung đoàn bộ binh dự nhiệm, 1 trung đoàn chuyên làm đường, 1 tiểu đoàn pháo binh hỗn hợp và các phân đội trực thuộc.

    Trung đoàn 124 Quân khu chuyển thuộc Sư đoàn 345 để xây dựng thành sư đoàn bộ binh chiến đấu. Khôi phục Trung đoàn 121 để chuyển làm kinh tế, huấn luyện theo trung đoàn bộ binh chiến đấu.

    Ngày 22/4/1978, Sư đoàn bộ binh 346 chính thức được thành lập theo quyết định của Tổng Tham mưu trưởng, chuyển sang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

    Trên cơ sở Đoàn 346 chuyên làm kinh tế, tổ chức Sư đoàn được kiện toàn gồm cơ quan sư đoàn, các phân đội trực thuộc, Trung đoàn bộ binh 246, Trung đoàn pháo binh 188, 1 khung trung đoàn bộ binh huấn luyện tân binh, 1 khung trung đoàn bộ binh dự nhiệm.

    Các đơn vị được điều về trực thuộc Sư đoàn 346 gồm: Trung đoàn 851 Quân khu để xây dựng 8 tiểu đoàn huấn luyện tân binh, Trung đoàn 677 Bắc Thái để xây dựng Trung đoàn pháo binh hỗn hợp; Tiểu đoàn đặc công Quân khu lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 11...
    Ngày 26/5/1978, Hội đồng Chính phủ ra Sắc lệnh tách các tỉnh thuộc Quân khu Tây Bắc cũ và 3 tỉnh Vĩnh Phú, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên ra khỏi Quân khu 1 để thành lập Quân khu 2.

    Sáp nhập tỉnh Quảng Ninh và Hà Bắc thuộc Quân khu 3 vào Quân khu 1. Lúc này Quân khu 1 có 4 tỉnh Bắc Thái, Quảng Ninh, Hà Bắc và Cao Lạng. Đồng chí Vũ Lập là Tư lệnh Quân khu 2. Đồng chí Đàm Quang Trung là Tư lệnh Quân khu 1.

    Ngày 27/7/1978, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) họp ra nghị quyết. Trung ương Đảng chỉ rõ nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân là đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn phản động Pôn-pốt - Iêng Xa-ri trên biên giới Tây Nam, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ và trình độ sẵn sàng chiến đấu trên hướng biên giới phía Bắc và Tây Bắc, sẵn sàng đánh bại cuộc chiến tranh lấn chiếm của đối phương, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên cương Tổ quốc.

    Ngày 4/9/1978, Bộ Quốc phòng có mệnh lệnh tác chiến chính thức bằng văn bản cho Quân khu 1. So với chỉ thị trước đó, có tăng thêm Sư đoàn 338 lên phòng thủ trên hướng Đình Lập, thay Sư đoàn 325B về hướng Quảng Ninh.

    Ngày 30/10/1978, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị về thống nhất chỉ đạo xây dựng tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc.

    Trên cơ sở đó, các ngành ở Trung ương có liên quan và các địa phương căn cứ vào chức năng của mình, tích cực tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới theo theo kế hoạch chung của Bộ Quốc phòng.

    Ngày 3/12/1978, Quân khu 1 và Quân khu 2 nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao cho tất cả các lực lượng vũ trang Quân khu.

    Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ thị cho các địa phương, đơn vị nhanh chóng triển khai lực lượng sẵn sàng chiến đấu.

    Các sư đoàn, trung đoàn đóng quân trên dọc tuyến biên giới được bố trí thành 2 lực lượng: tiền phương và hậu cứ. Các chiến sĩ bộ binh ăn ngủ ngay trên các điểm tựa, chiến hào.

    Dân quân tự vệ duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ trong ngày để phối hợp với bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

    Ngày 29/12/1978, Quốc hội quyết định tái lập hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn; Cao Bằng sáp nhập hai huyện Chợ Rã và Ngân Sơn của tỉnh Bắc Thái; Lạng Sơn thêm huyện Đình Lập của Quảng Ninh.

    Ngày 7/1/1979, đáp lời kêu gọi của nhân dân và Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, bộ đội quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân nước bạn đã giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, lật đổ chế độ diệt chủng Pôn-pốt - Iêng Xa-ri.
    Dự đoán sau sự kiện này, đối phương có thể phản ứng mạnh ở biên giới phía Bắc, ngày 8/1/1979, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị sẵn sàng chiến đấu cao cho toàn quân.

    Chỉ thị nêu rõ: "Tất cả các quân khu, quân chủng, binh chủng, đặc biệt là Quân khu 1, Quân khu 2 và các tỉnh biên giới phía Bắc; các Quân chủng Phòng không, Không quân, Hải quân phải ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao nhất.

    Các sư đoàn, các đơn vị trực thuộc của quân khu và quân - binh chủng, các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội bộ đội địa phương tỉnh và huyện phải bảo đảm từ một phần ba đến hai phần ba quân số luôn luôn tại trận địa, chiến hào.

    Các trận địa pháo mặt đất, pháo phòng không phải bố trí sẵn ở trận địa, nếu có địch là nổ súng được ngay
    ".

    Ngày 17/2/1979, Trung Quốc huy động trên 60 vạn quân với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép và hàng nghìn khẩu pháo, mở cuộc tiến công ồ ạt vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, từ Quảng Ninh đến Lai Châu.

    "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, toàn dân tộc ta bước vào cuộc chiến đấu mới" chống quân xâm lược.

    Qua 30 ngày đêm (từ 17/2 đến 18/3) chiến đấu anh dũng, quân và dân ta đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng ba trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí...

    Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân và dân ta, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới kịch liệt lên án, ngày 6/3/1979, phía Trung Quốc bắt đầu vừa đánh vừa rút quân và kết thúc rút quân về nước vào ngày 18/3/1979.

    * Tài liệu tham khảo chính:

    - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, "Quân đội nhân dân Việt Nam (Biên niên sự kiện)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2002.
    - Bộ Tư lệnh Quân khu 1, "Lịch sử lực lượng vũ trang Quân khu 1 (1975-2010)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  10. #10

    Mặc định Chiến tranh biên giới 1979: Quân Trung Quốc bị tiêu diệt vẫn ôm bao khoai lang

    Chiến tranh biên giới 1979: Quân Trung Quốc bị tiêu diệt vẫn ôm bao khoai lang



    Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. Ảnh tư liệu của báo Quân đội nhân dân.

    "Đội quân đó vào nhà dân vơ vét tất cả những gì có thể dùng được và trong lịch sử, tôi chưa thấy một quân đội của nước lớn nào phát động chiến tranh lại như thế", tướng Lương nói.


    Đội quân ô hợp, hôi của

    38 năm đã trôi qua nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, người từng lăn lộn, chiến đấu tại những nơi ác liệt nhất ở biên giới phía Bắc 8 năm (1979 - 1987) vẫn không giấu được cảm xúc.

    Theo tướng Lương, đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc mà quân dân ta đã chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược.

    "Chúng ta cần tự hào về điều này cũng như phải có hành động tương xứng với giá trị của những sự hy sinh đó", tướng Lương chia sẻ.

    Kể lại diễn tiến của cuộc chiến, theo ông, từ mờ sáng 17/2 đến 5/3/1979, Trung Quốc huy động 600.000 quân, mở cuộc tấn công quy mô lớn gồm nhiều quân đoàn, tập đoàn quân trên dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng đến Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu).

    Quân Trung Quốc đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng của các tỉnh biên giới; giết hại nhiều dân thường vô tội như các vụ thảm sát kinh hoàng ở Kim Quang (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) hay giết hại 43 người dân (phần lớn là phụ nữ, trẻ em) rồi vứt xác xuống giếng ở thôn Tổng Chúp (Cao Bằng).

    Trên thực tế, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài đến năm 1988. Như vậy, chúng ta mất 10 năm chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.



    Chiến sĩ Việt Nam bắt giữ tù binh ngày 28.2 tại Cao Bằng - Ảnh: Corbis.

    Cũng theo ông, mặc dù, quân Trung Quốc đông đảo như vậy nhưng những từ "run sợ" hay "lo sợ" chưa bao giờ có trong tư duy quân sự cũng như trong suy nghĩ của người Việt Nam.

    "Người Việt Nam luôn có một tấm lòng bao dung, tinh thần hòa hiếu, khát vọng hòa bình và không bao giờ run sợ. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979 là một minh chứng rõ ràng cho điều đó", ông chia sẻ.

    Tướng Lương cũng nhắc lại một điều mà ông thấy lạ ở đội quân xâm lược Việt Nam tháng 2/1979 là quân giải phóng nhân dân Trung Quốc nhưng lại được trang bị rất kém, ô hợp và hôi của.

    "Khi lực lượng chiến đấu của Trung Quốc đi trước hoặc chiếm được các vị trí, đường phố thì phía sau là đội quân binh rất đông nhưng lại là đội quân ô hợp chuyên hôi của.

    Đội quân đó vào nhà dân vơ vét tất cả những gì có thể dùng được. Trong lịch sử, tôi chưa từng thấy một quân đội của một nước lớn nào phát động chiến tranh lại đưa dân binh đi để vơ vét của cải như thế.

    Thậm chí họ còn bắt gà, bắt lợn và xuống ao để bắt cá, rồi có thể đặt mìn để phá tất cả, cầu, cống và cả những cây to ở ven đường.

    Hành động của quân Trung Quốc khiến tôi liên tưởng đến năm 1945 khi quân Tàu – Tưởng sang Việt Nam đi giải giáp quân đội Nhật.

    Không thể tưởng tượng được quân đội của một nước mạnh như Trung Quốc lại vô kỷ luật như vậy và hành động của họ không tương xứng với tên của
    họ", tướng Lương kể.



    Tướng Lê Mã Lương.

    Thêm vào đó, việc huy động 60 vạn quân đánh vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta với một không gian chiến trường rộng và chiều dài biên giới nhiều km đã khiến họ tổn thất hết sức nặng nề.

    "Chưa có trận đánh nào quân Trung Quốc làm tê liệt nổi một đại đội của Việt Nam. Trong khi đó bộ đội ta tổ chức những trận đánh tiêu diệt gọn một đại đội của quân Trung Quốc", ông kể thêm.

    Tướng Lê Mã Lương cũng nêu rõ, trong kế hoạch của quân đội Trung Quốc, nếu như có thể tiến sâu về Hà Nội thì cố gắng tiến sâu nhưng đã không một đơn vị nào của Trung Quốc nào vượt qua được các tỉnh biên giới. khi không còn chịu nổi thì quân Trung Quốc đã buộc phải rút về nước.

    Khi Trung Quốc rút, quân ta có lệnh không ngăn chặn việc Trung Quốc rút quân, không đánh úp. Việc làm này thể hiện tinh thần hòa hiếu của dân tộc ta.

    Nếu không có lệnh đó thì nhiều đơn vị của ta sẽ chặn đường rút lui của quân Trung Quốc. Việc này sẽ làm cho quân Trung Quốc hoảng loạn và tình hình sau đó như thế nào sẽ rất khó đoán được.

    Tướng Lương nhận xét: "Nếu bị chặn đánh, khả năng sẽ không những giống quân Thanh rút chạy khi bị quân của Quang Trung đánh mà còn có thể loạn hơn. Khi đó họ sẽ phải vứt xe, vứt pháo mà băng rừng lội suối rút về nước".

    Bị tiêu diệt vẫn ôm bao khoai lang

    Cũng trong câu chuyện với chúng tôi, khi nhận xét về lính Trung Quốc lúc đó, cựu binh Nguyễn Mạnh Hùng, tác giả của bài thơ "Bình độ 400" nổi tiếng đã nêu rõ, đó là đội quân ô hợp nhất mà ông từng thấy.

    "Sau quá trình chiến đấu, chúng tôi phát hiện ra là lính Trung Quốc không phải tất cả được trang bị vũ khí, nhiều tên chỉ đi tay không. Mà những loại đấy chúng tôi cho chỉ là bọn đi đánh hôi. Có nhiều tên khi bị quân ta tiêu diệt tay vẫn còn ôm một bao khoai lang", ông kể lại.

    Thiếu tá Phạm Văn Quế, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, hiện đang sinh sống tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, được đồng đội gọi là "thần chiến tranh" trong giai cuộc chiến tranh biên giới cũng nhận xét, quân Trung Quốc lúc đó rất nhát.

    "Cái nhát gan đó không chỉ nằm trong việc không có pháo là không tiến công mà còn thể hiện ở việc họ không dám đánh ban đêm. Cứ ban đêm là họ co cụm lại.

    Những khẩu súng trường hay CKC, tiểu liên mà quân Trung Quốc được trang bị nếu nói ra thì chỉ dùng cho bộ đội địa phương, dân quân tự vệ.

    Thậm chí, nhiều lính của chúng còn không có súng mà chỉ chạy theo để cướp hôi với sự chỉ điểm của lũ gián điệp người Trung Quốc.

    Chúng cậy đông xông lên ào ào theo hiệu lệnh của kèn Tây nhưng gặp hỏa lực mạnh của ta thì lại chạy rất nhanh, co cụm lại và họ không dám tiến công trực diện, chủ yếu là đánh vòng", ông Quế chia sẻ thêm.

    Cũng trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cũng khẳng định cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 là cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới. Chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược. Đây cũng là điều mà chúng ta cần tự hào.

  11. #11

    Mặc định

    Bài hát: Chiến đấu vì độc lập tự do. Tác giả: Nhạc sĩ Phạm Tuyên.


Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 36
    Bài mới gởi: 28-02-2016, 01:38 PM
  2. Chiến tranh 1979: Tướng Lương vạch trần sự bịa đặt trắng trợn
    By Bin571 in forum Lịch sử VN từ năm 1945 đến nay
    Trả lời: 8
    Bài mới gởi: 17-03-2015, 08:44 AM
  3. TẬP HỢP NHỮNG THÔNG TIN, BÀI VIẾT VỀ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI 1979
    By Yeu Viet Bai Trung in forum Chuyện thời sự, xã hội
    Trả lời: 9
    Bài mới gởi: 16-05-2014, 04:39 AM
  4. Chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979 dưới góc nhìn quốc tế
    By Bin571 in forum Lịch sử VN từ năm 1945 đến nay
    Trả lời: 9
    Bài mới gởi: 23-08-2011, 02:33 PM
  5. Hồi kí, Hồi ức về chiến tranh biên giới 1979 - 1984
    By Bin571 in forum Lịch sử VN từ năm 1945 đến nay
    Trả lời: 46
    Bài mới gởi: 17-07-2011, 09:41 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •