Mở đầu với hai đoạn Kinh.

Kinh chuyển pháp luân có viết như sau:
(http://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbkin015.htm)

Khổ Đế:
Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, tử là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, tóm lại chính thân ngủ uẩn là khổ (9).
Tập Khổ Đế:
Chính Ái Dục là nguyên nhân của sự tái sanh (ponobhavika). Ái hợp với tâm thiết tha khao khát, bám víu cái nầy hay cái kia (đời sống). Chính là Ái, đeo níu theo nhục dục ngũ trần (kamatanha), ái, đeo níu theo sự sinh tồn (bhavatanha, sanh ái, luyến ái trong ý tưởng cho rằng vạn vật là trường tồn vĩnh cửu), và ái, đeo níu theo ý tưởng không sinh tồn (vibhavatanha, vô sanh ái, luyến ái trong ý tưởng cho rằng sau cái chết là hư vô).
Diệt Khổ Đế:
Đó là sự xa lánh trọn vẹn và sự tận diệt chính cái ái ấy. Ðó là sự rời bỏ, sự từ khước, sự thoát ly, và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục.
Đạo Đế:
Ðó là Bát Chánh Ðạo: Chánh Kiến , Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn , Chánh Niệm, và Chánh Ðịnh.


Kinh Tương Ưng IV, Chương 1: Tương Ưng Sáu Xứ, Phẩm Vô minh có đoạn như sau:
(Link: http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu4-35b.htm)

4) -- Này Tỷ-kheo, do biết, do thấy mắt là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi. Do biết, do thấy các sắc là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi... nhãn thức... nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc ; do biết, do thấy cảm thọ ấy là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi.

5-8) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...

9) Do biết, do thấy ý là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi... Các pháp... Ý thức... Ý xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc ; do biết, do thấy cảm thọ ấy là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi.

10) Do biết như vậy, này các Tỷ-kheo, do thấy như vậy, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi.


Ở đây, Đức Phật tuy không dùng từ Khổ Đế, Tập Khổ Đế, Diệt Khổ Đế, Đạo Đế nhưng đoạn kinh này lại bao hàm những ý nghĩa như vậy. Vì:
1. Mắt, sắc, nhãn thức, nhãn xúc, tai, mũi, lưỡi, thân, ý,... là vô thường, mà vô thường tức là khổ, đồng nghĩa với "ngũ uẩn là khổ" của Khổ Đế.
2. Biết và thấy các món này là vô thường, tức là biết được nguyên nhân của Khổ, do đó đây là Tập Khổ Đế.
3. Sau khi biết và thấy, rồi xa lánh, dẫn đến "vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi", tức là Diệt Khổ Đế.
4. Minh là Đạo Đế.

Bạn thắc mắc rằng Đạo Đế phải có Bát chánh đạo, vậy nó đâu rồi, sao Phật không nói? Đoạn Kinh sau sẽ giải đáp.

Tương Ưng V, Chương 1: Tương Ưng Đạo, Phẩm Vô Minh có đoạn như sau
(Link: http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-45a.htm)

4) Khi nào minh dẫn đầu, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thành tựu các thiện pháp, thời tàm và quý nối tiếp theo. Với kẻ được minh chi phối, có trí, này các Tỷ-kheo, chánh kiến sanh. Đối với vị chánh kiến, chánh tư duy sanh. Đối với vị chánh tư duy, chánh ngữ sanh. Đối với vị chánh ngữ, chánh nghiệp sanh. Đối với vị chánh nghiệp, chánh mạng sanh. Đối với vị chánh mạng, chánh tinh tấn sanh. Đối với vị chánh tinh tấn, chánh niệm sanh. Đối với vị chánh niệm, chánh định sanh.

Có nghĩa là Minh sẽ đưa đến sự thành tựu các Thiện Pháp bao gồm cả Bát Chánh Đạo. Như vậy, ở đoạn kinh trên, dù Đức Phật không nói về Tứ Đế, Bát Chánh Đạo nhưng nó lại bao hàm Tứ Đế, Bát Chánh Đạo. Tuy cùng một giáo lý nhưng khác nhau về từ ngữ, Đức Phật đã khéo léo tùy duyên, tùy thời, tùy căn cơ chúng sanh mà nói Pháp nhiệm màu.

Đối với Kinh Điển Đại Thừa, điều tương tự cũng xảy ra.

Kinh Kim Cang có đoạn:
http://thuvienhoasen.org/a758/kinh-k...-nha-ba-la-mat

Đức Phật bảo ngài Tu-Bồ-Đề: "Các vị đại Bồ-tát phải hàng-phục tâm mình như thế này: bao nhiêu những loài chúng-sanh, hoặc là loài noãn-sanh, hoặc loài thai-sanh, hoặc loài thấp-sanh, hoặc loài hóa-sanh, hoặc loài có hình-sắc, hoặc loài không-hình-sắc, hoặc loài có-tư-tưởng, hoặc loài không-tư-tưởng, hoặc loài chẳng-phải-có-tư-tưởng, mà cũng chẳng-phải-không-tư-tưởng, thời Ta đều làm cho được diệt-độ, và đưa tất cả vào nơi vô-dư niết-bàn. Diệt-độ vô-lượng, vô-số, vô-biên chúng-sanh như thế, mà thiệt không có chúng-sanh nào là kẻ được diệt-độ cả. Tại sao vậy? Này, Tu-Bồ-Đề! Nếu vị Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, thời chẳng phải là Bồ-tát.

Tu-Bồ-Đề! Lại nữa, vị Bồ-tát, đúng nơi pháp, phải nên không- có-chỗ trụ-trước mà làm việc bố-thí. Nghĩa là không trụ-trước nơi hình sắc mà bố-thí, không trụ-trước nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà bố-thí.

Này, Tu-Bồ-Đề! Vị Bồ-tát phải nên bố-thí như thế, chẳng trụ-trước nơi tướng. Tại vì sao? Vì nếu vị Bồ-tát, không trụ-trước nơi tướng mà bố-thí, thời phước-đức nhiều không thể suy lường... "


1. Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh,... hay hình sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, hết thảy đều thuộc về ngũ uẩn. Như vậy, đây là Khổ Đế.
2. "Nếu vị Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, thời chẳng phải là Bồ-tát". Biết được nguyên nhân dẫn đến Khổ là Tập Khổ Đế.
3. "phải nên không- có-chỗ trụ-trước mà làm việc bố-thí". Tức là không trụ (chấp) vào các món ở trên. Tránh xa, xa lìa nguyên nhân đưa đến sự Khổ là Diệt Khổ Đế.
4. "không trụ-trước nơi tướng mà bố-thí, thời phước-đức nhiều không thể suy lường..." Như vậy, đây là Đạo Đế. Phước đức nhiều vô lượng, hay "đưa đến sự thành tựu các thiện pháp" vốn là một, tức là cũng bao hàm Bát Chánh Đạo.


Không phải ai cũng vượt qua được sự trở ngại của ngôn từ. Như các đệ tử của Bồ Đề Đạt Ma cũng có chổ chứng ngộ khác nhau.

Sau gần chín năm ở Trung Hoa, thấy cơ duyên đã đến, Tổ Bồ Đề Đạt Ma gọi đồ chúng đến:
-Giờ ta trở về sắp đến. Các ngươi mỗi người nên nói chỗ sở đắc của mình.
Đạo-Phó ra thưa:
-Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự, đây là dụng của đạo.
Ngài bảo:
-Ngươi được phần da của ta.
Bà ni Tổng-Trì ra thưa:
-Nay chỗ hiểu của con, như Tổ A-Nan thấy nước Phật A-Súc, chỉ thấy một lần, không còn thấy lại.
Ngài bảo:
-Ngươi được phần thịt của ta.
Đạo-Dục ra thưa:
-Bốn đại vốn không, năm ấm chẳng có, chỗ thấy của con không một pháp có thể được.
Ngài bảo:
-Ngươi được phần xương của ta.
Đến Huệ-Khả bước ra đảnh lễ Ngài, rồi lui lại đứng yên lặng.
Ngài bảo:
-Ngươi được phần tủy của ta.
http://thuongchieu.net/index.php/chu...89-tobodedatma


Mong các đạo hữu hiểu rằng chân lý giải thoát thậm thâm vi diệu, ngôn từ hạn hẹp của thế gian khó mà diễn đạt hết. Do đó thường dẫn đến các hiểu lầm không đáng có. Dầu từ ngữ có sai biệt, như các đạo hữu nên nhớ chân lý chỉ có một.