Chuyên gia lý giải vì sao gà trống lại được chọn để thờ cúng tổ tiên

TRANG CHỦ
ĐỜI SỐNG
GIA ĐÌNH

26.01.2017 | 11:00 AM

Trong tín ngưỡng người Việt, hình tượng con gà không còn xa lạ. Con gà gắn với đời sống sinh hoạt, từ văn hóa ẩm thực cho tới các hoạt động tâm linh.


Nhưng có lẽ ít người Việt Nam hiểu rõ ý nghĩa của hình tượng con gà trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Ngày xuân, nhân Tết Đinh Dậu, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Mai, Trưởng phòng Nghiên cứu tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống, viện Nghiên cứu Tôn giáo, viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam để luận bàn về ý nghĩa con gà trong phong tục thờ cúng của người Việt.
TS.Nguyễn Ngọc Mai, Trưởng phòng Nghiên cứu tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống, viện Nghiên cứu Tôn giáo, viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Biểu tượng của mặt trời
Phong tục Việt Nam từ xa xưa trong mâm cỗ cúng giao thừa hay cúng các ngày lễ khác trong năm thường có một đĩa xôi và một con gà trống (có nơi gọi gà sống) choai miệng ngậm một bông hồng đỏ.
TS. Nguyễn Ngọc Mai cho biết: “Trong quan niệm của người Việt Nam, gà là con vật biểu tượng của mặt trời (thần mặt trời trong văn hóa nông nghiệp là vị thần quan trọng nhất). Vì vậy, tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới bắt đầu với bao ước mơ hi vọng tốt đẹp.
Theo tục lệ người Á Đông cúng đêm giao thừa (đêm Trừ tịch) là cúng 12 vị thần thời gian để kết thúc chu trình một năm và bắt đầu một năm mới nên người ta chọn gà để cúng, nhưng phải lựa chọn gà trống choai mới le te gáy, không khuyết tật, mào đỏ, mỏ vàng, chân vàng... Quan trọng nhất là chưa đạp mái (có ý nghĩa khỏe mạnh, tinh khiết)”.
Trong mâm cỗ cúng tổ tiên người Việt cần một con gà trống luộc thật khéo léo, miệng ngậm một bông hồng đỏ với ý nghĩa khoẻ mạnh và tinh khiết.
Sự cầu kỳ trong việc lựa chọn gà cúng lễ cũng thể hiện ước vọng của người Việt, mong cho một năm mới an khang, thịnh vượng hơn năm cũ.
Dù hầu hết các dân tộc Việt Nam đều lựa chọn gà trống trong cúng lễ tổ tiên, song mỗi nơi lại có những cách thức khác nhau. Đầu năm, những người dân tộc Tày thường đặt gà trống cúng trước bàn thờ, cắt tiết, thả ra xem lúc giãy chết đầu gà sẽ quay về hướng nào để đoán định công việc làm ăn trong năm.
Nếu lúc giãy chết đầu gà quay về nơi thờ hoặc buồng ngủ thì năm đó gia đình sẽ làm ăn phát đạt. Nếu đầu gà quay ra cửa thì năm đó làm ăn khó khăn, hao tiền tốn của. Họ sẽ bắt con gà khác cúng lại, nếu vẫn như thế thì phải mời thầy cúng về hóa giải.
TS. Ngọc Mai cũng cho biết thêm, người H’Mông trắng (ở Hà Giang) trong các lễ cúng chữa bệnh của thầy pháp dùng một con gà còn sống để cúng. Họ thường cầm con gà trống, một bó lá thơm và một cái chổi huơ vào những nơi cần làm sạch con bệnh như trong bếp, buồng ngủ với ý nghĩa xua đi các tà khí. Hoặc trong nghi lễ lên đồng chữa bệnh (dòng đồng phù thủy) cũng hay dùng gà đen để cúng thần hồ.
Hay trong phong tục thờ cúng tổ tiên của người La Hủ (vùng Tây Bắc), trong một năm họ cúng tổ tiên 4 lần, lễ vật cúng tổ tiên gồm có: Một con gà trống, hai bát gạo, hai chén rượu, một bát thịt và vài củ gừng. Sau khi luộc chín con gà, người ta dọn lễ vật ra một cái mâm đặt ở đầu giường ngủ của gia chủ.
Đặc biệt, tại những cột ma nhà (tên gọi địa phương), họ đặt những cành cây còn tươi tốt lá, ở thân cành cây, người ta khắc 9 rãnh sâu vừa phải với khoảng cách đều nhau, rồi gài lông cánh của con gà đã mổ để cúng tế tổ tiên vào đó. Theo quan niệm dân gian, đó chính là bậc cầu thang bằng lông gà cho tổ tiên về ăn lộc, phù hộ cho con cháu. Toàn bộ số lông đuôi gà và số lông cánh còn lại của con gà sẽ được buộc giắt lên cây cột thiêng.
Năm nay là năm Đinh Dậu, nhiều người quan niệm, năm Dậu không cúng gà. Theo nhận định của nhiều chuyên gia văn hóa, theo chu trình 12 con giáp, thì cứ năm nào thuộc tinh con gì thì năm đó con vật ấy có ý nghĩa linh vật. Khi con vật nào là linh vật thì cũng được cho rằng không nên giết linh vật vì sẽ mang lại điềm không may. Tuy nhiên, chưa ai trải nghiệm điều này mà chỉ là theo thói quen.
Gà trống hội tụ 5 đức tính của người quân tử
Trong văn hóa phương Đông, trong đó có văn hóa truyền thống của người Việt, gà trống mang rất nhiều ý nghĩa biểu tượng. Là người có nhiều công trình nghiên cứu về tín ngưỡng người Việt, TS. Ngọc Mai lý giải, những con gà trống nhiều màu sắc (ngũ sắc) được cho là gà quý vì nó gợi lên 7 sắc cầu vồng, báo hiệu khi trời mưa, báo hiệu mùa màng bội thu.
Mặt khác, gà trống choai còn được gọi là gà giò, tiếng gáy của nó chỉ rõ nhịp chuyển vần của mặt trời ngày đêm nối tiếp nhau. Có quan niệm cho rằng, hình ảnh gà giò là dấu hiệu của vũ trụ đang chuyển vận.
Gà có màu đỏ rực biểu tượng của mặt trời, tiếng gáy của nó gắn liền với tiếng hát của các thần linh khiến nữ thần mặt trời phải rời khỏi nơi ẩn náu đồng nghĩa với mặt trời mọc – sự phát lộ của ánh sáng. Vì thế mà trong các đền thờ lớn của đạo Shinto (Thần đạo) người ta nuôi nhiều gà trống.
Gà trống ngũ sắc là một trong những loại gà quý thường được tìm mua vào dịp Tết.
Không những vậy, ở phương Đông chữ Kê (ki) chỉ gà đồng nghĩa với điềm lành, thuận lợi. Vẻ đẹp ngũ sắc, dáng đi oai phong của con gà trống còn được ví như ngũ đức: Đức thần dân (mào), đức quân nhân (cựa), đức dũng cảm (tính chiến đầu), tốt bụng (luôn nhường thức ăn cho gà mái), đáng tin cậy (tiếng gáy luôn chính xác). Trong văn hóa Hy - La gà trống được cung hiến cho mặt trời và mặt trăng, là biểu tượng của ánh sáng đang sinh nở, gà trống còn được xem là vật hiệu của Apollon.
Cũng đưa ra những luận giải về ý nghĩa con gà trống, TS Nguyễn Thế Hùng, nguyên giảng viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp thêm: “Theo triết học phương Đông, gà trống là một loại linh vật, thờ phụng, con gà trống mang 5 đức tính tốt đẹp mà con người cần hướng đến nên chính vì vậy giờ phút thiêng liêng nhất của một năm, đêm trừ tịch, tất niên, cúng gà trống là để mong muốn một năm mới hanh thông khỏe mạnh”.
Trong con gà trống tập trung đầy đủ 5 đức tính tốt: Văn đức (Văn trong tiếng Hán có nghĩa là đẹp), con gà trống có dáng đẹp, phong thái, tư thế hiên ngang, mang trong mình một vẻ đẹp hoàn hảo; Nghĩa đức, con gà sống tình nghĩa, luôn nhường đồng loại, chúng gáy một tiếng to gọi đồng loại tới ăn, nhưng ăn rất ít, đủ sống sau đó nhường đồng loại; Võ đức, cựa gà là vũ khí biểu tượng cho võ; Dũng đức, của gà trống biểu tượng cho người nam nhi, đặc biệt con gà một khi giao tranh dù thua hay thắng nhưng không bao giờ bỏ chạy. Dáng đi của chú gà trống như võ sĩ, ngực ưỡn phía trước rất hiên ngang. Và cuối cùng là Tín đức (đức tin), ngày xưa khi chưa có đồng hồ với người phương Đông, thường lấy tiếng gà gáy làm chuẩn mực cho thời gian.
“Có lẽ bởi những ý nghĩa hình tượng như vậy, mà với nước Pháp, nền văn minh hàng đầu thế giới cũng lấy hình ảnh chú gà trống cũng là biểu tượng cho văn hóa Pháp”, TS.Thế Hùng nói thêm.
Xã hội ngày càng phát triển, người Việt Nam cũng xa dần với nghề nông, vậy nên câu chuyện gà gọi mặt trời không còn được nhiều gia đình biết đến. Cũng vì lẽ đó, ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên bằng gà trống cũng bị mờ dần và nhiều người không hiểu. Thay vì cúng gà, người ta cúng bằng một thỏi thịt hay một cái chân giò, những thứ đó chỉ có ý nghĩa vật cúng mà không mang ý nghĩa văn hoá.
Phương Anh