Đạo Phật là gì?

Hàng tỷ người trên trái đất này không có được duyên lành biết được Đức Phật là ai, Pháp và Luật do Ngài truyền dạy là gì, và họ không thể có câu trả lời xác đáng. Còn đa số những người hữu duyên biết đến Phật giáo thì trả lời một cách tự tin rằng "Đạo Phật là Đạo Giải thoát".

Chỉ đúng một nửa. Câu trả lời này còn thiếu một phần cực kỳ quan trọng, phần cốt tủy của Đạo Phật: Đó là Giải thoát cái gì và như thế nào!
Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật.

Sự thật Đạo Phật là: "Đạo Giải thoát mọi khổ đau phiền não hoàn toàn và vĩnh viễn".

Hoàn toàn và vĩnh viễn bằng cách chấm dứt sinh tử luân hồi. Giải thoát mọi khổ đau phiền não hoàn toàn chứ không phải chỉ một phần hoặc một số loại khổ đau phiền não.

Giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau phiền não một cách vĩnh viễn, chứ không phải chỉ trong chốc lát, hoặc chỉ trong kiếp sống này. Đó là chấm dứt sinh tử luân hồi: không còn tái sinh thì không còn khổ đau phiền não một cách hoàn toàn và vĩnh viễn.

Chính điều này là đóng góp có một không hai, duy nhất chỉ có trong Đạo Phật, đối với chư thiên và nhân loại trong việc tầm cầu hạnh phúc thật sự tự do thật sự.
Chính điều này là điều hoàn toàn khác biệt với những tôn giáo khác, khác biệt với những lĩnh vực khác của văn minh nhân loại như khoa học, kỹ thuật, công nghệ, y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, kiến trúc ... Những tôn giáo và các lĩnh vực này tìm các cách khác nhau để cải thiện điều kiện, hoàn cảnh sống nhằm giảm thiểu thiếu thốn, giải tỏa nhất thời một số loại khổ đau phiền não, góp phần nâng cao thỏa mãn các cảm giác tinh thần và vật chất mang lại hạnh phúc chốc lát trong những giây phút ngắn nguỉ, chứ không thể hoàn toàn và vĩnh viễn. Vì hãy còn tái sinh thì lại tiếp tục sầu, ưu, khổ, não, bệnh tật, già lão, hoại tử, tức khổ đau phiền não vẫn còn nguyên vẹn.


Đã là chúng sinh, không ai không từng nếm mùi khổ đau phiền não, nước mắt do khổ đau phiền não trong các kiếp sinh tử luân hồi của mỗi người chúng ta đã làm tràn ngập cả bốn biển rộng sâu như Đức Phật đã từng chỉ rõ, và ai ai cũng ước mong thoát khỏi chúng. Nhưng rất ít, rất ít người (trừ Đức Phật và các bậc thánh tăng, các bậc thánh nhân trong Pháp và Luật do Đức Phật truyền dạy) nhận chân ra được Khổ (Dukkha) là bản chất, Khổ là thực tướng của tất cả các pháp hữu vi trong mọi thiên hà vũ trụ. Họ không hề biết đây là một chân lý: chân lý về Khổ cần được nhận thức.

Và họ lại càng không hề biết đến ba chân lý đi liền cùng là Chân lý về Nguyên nhân của Khổ (Tham ái và Vô minh) phải được tận diệt,
Chân lý về Sự chấm dứt Khổ (Niết bàn) phải được chứng ngộ,
Chân lý về Con đường Trung đạo phải được tu tập để dẫn đến chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn Khổ (Bát Thánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định).

Bốn chân lý này chính là Tứ Thánh Đế do Đức Phật đã thực chứng, tự giác ngộ và truyền dạy lại cho chúng ta.

Con đường thánh thiện, rốt ráo đã được chỉ ra, có người biết tới có người không biết tới, có người bước theo có người không bước theo, có người tới được đích có người không tới được đích.

Nhưng sự thật đã được hiển bày.

Thông qua thực hành tu tập Bát Thánh Đạo (Giới, Định, Tuệ) hành giả sẽ thành tựu Đạo, Quả. Trí tuệ này, Tâm Đạo, Tâm Quả này sẽ cắt đứt, nhổ tận gốc rễ mọi khổ đau phiền não một cách hoàn toàn và vĩnh viễn.

Đây chính là con đường dành cho những ai đã thấy quá đủ khổ đau phiền não trong vô lượng kiếp sinh tử luân hồi, muốn tìm cách giác ngộ giải thoát một cách hoàn toàn và vĩnh viễn, đạt tới hạnh phúc thật sự tự do thật sự.

Chúng sinh là chủ nhân của nghiệp do mình tạo ra.
Như Lai chỉ là người chỉ đường.

Chân lý luôn tồn tại và vận hành dù cho có biết hay không biết, thừa nhận hay không thừa nhận.

Sự thật về Đạo Phật là như vậy.

Nguyện cho sự thật này ngày càng được nhiều người biết tới và được thực hành theo, mang lại ích lợi chấm dứt mọi khổ đau phiền não hoàn toàn và vĩnh viễn cho muôn vàn chúng sinh.

Xin hãy đừng phí phạm, dù chỉ mỗi một giây!

Trong tâm từ,
Tỳ Khưu Viên Phúc.
''''''''''''''''
- Tham khảo thêm:
Tương Ưng Bộ, V-420
Kinh Chuyển Pháp Luân
Dhammcakkappavattana sutta
http://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbkin015.htm

- Bài viết có thể chia sẻ không cần xin phép.