kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: "Minh"

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định "Minh"

    ** Dài, và không chỉ nói về Minh.

    Minh là gì? Vô minh là gì?

    Xin trích một đoạn kinh như sau:

    53.I. VÔ MINH (S.iv,30)

    1) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
    3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
    – Do biết như thế nào, bạch Thế Tôn, do thấy như thế nào, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi?
    4) – Này Tỷ-kheo, do biết, do thấy mắt là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi. Do biết, do thấy các sắc là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi... nhãn thức... nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc ; do biết, do thấy cảm thọ ấy là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi.
    5-8) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...
    9) Do biết, do thấy ý là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi... Các pháp... Ý thức... Ý xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; do biết, do thấy cảm thọ ấy là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi.
    10) Do biết như vậy, này các Tỷ-kheo, do thấy như vậy, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi.


    (Kinh Tương Ưng IV, Chương 1: Tương Ưng Sáu Xứ (phần 2), Phẩm Vô minh – Link: http://vnbet.vn/kinh-tuong-ung-4-thi...ajala-307.html)

    **Những đoạn kinh giống nhau, được biên tập sẽ thay bằn dấu “…”

    Từ đoạn kinh trên, ta thấy Minh là sự biết ngũ uẩn là vô thường. Vậy ngược lại, Vô minh là không biết ngũ uẩn là vô thường.

    **Biết ở đây được hiểu là chứng đắc, thực chứng, không phải sự học tập, suy luận, hiểu biết của đầu óc. Vì đầu óc là thuộc ngũ uẩn, là vô thường.

    Minh thì được gì?

    Trong thập nhị nhân duyên, vô minh đứng đầu. Như vậy khi không còn vô minh nữa thì sẽ không còn bị ràng buộc bởi các nhân duyên, nguyên nhân dẫn đến Khổ được đoạn trừ. Thật vậy:

    1.I. VÔ MINH (S.v,1)

    1. Như vầy tôi nghe.
    Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), tại Thắng Lâm, trong vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc).
    2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. – “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.
    Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
    3) – Khi nào vô minh dẫn đầu, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thành tựu các pháp bất thiện, thời vô tàm, vô quý nối tiếp theo. Với kẻ bị vô minh chi phối, vô trí, này các Tỷ-kheo, tà kiến sanh. Đối với kẻ có tà kiến, tà tư duy sanh. Đối với kẻ có tà tư duy, tà ngữ sanh. Đối với kẻ có tà ngữ, tà nghiệp sanh. Đối với kẻ có tà nghiệp, tà mạng sanh. Đối với kẻ có tà mạng, tà tinh tấn sanh. Đối với kẻ có tà tinh tấn, tà niệm sanh. Đối với kẻ có tà niệm, tà định sanh.
    4) Khi nào minh dẫn đầu, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thành tựu các thiện pháp, thời tàm và quý nối tiếp theo. Với kẻ được minh chi phối, có trí, này các Tỷ-kheo, chánh kiến sanh. Đối với vị chánh kiến, chánh tư duy sanh. Đối với vị chánh tư duy, chánh ngữ sanh. Đối với vị chánh ngữ, chánh nghiệp sanh. Đối với vị chánh nghiệp, chánh mạng sanh. Đối với vị chánh mạng, chánh tinh tấn sanh. Đối với vị chánh tinh tấn, chánh niệm sanh. Đối với vị chánh niệm, chánh định sanh.


    (Tương Ưng V, Chương 1: Tương Ưng Đạo, Phẩm Vô Minh, Link: http://vnbet.vn/kinh-tuong-ung-5-dai...-tanh-393.html)

    Như đoạn kinh trên, Minh sẽ dẫn đến sự thành tựu các thiện pháp, thành tựu bát thánh đạo. Việc thành tựu bát thánh đạo sẽ dẫn đến nhiếp phục tham sân si, liễu tri đau khổ, đoạn tận tham sân si,cứu cánh phạm hạnh, con đường đưa đến sự bất tử,... Điều này được đề cập trong kinh điển như sau: (cũng trong Tương Ưng V, Chương 1: Tương Ưng Đạo, Phẩm Vô Minh)

    4.IV. BÀ-LA-MÔN (S.iv,4)

    Chánh tri kiến, này Ànanda, được tu tập, được làm cho viên mãn, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si. Chánh tư duy, này Ànanda, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si. Chánh ngữ... Chánh nghiệp... Chánh mạng... Chánh tinh tấn... Chánh niệm... Chánh định, này Ànanda, được tu tập, được làm cho viên mãn, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si.

    5.V. VỚI MỤC ĐÍCH GÌ ? (S.v,6)

    Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ? Đây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến liễu tri sự đau khổ này.

    6.VI. MỘT TỶ-KHEO KHÁC (1) (S.iv,7)

    – Này Tỷ-kheo, con đường Thánh đạo Tám ngành này là Phạm hạnh, tức là chánh tri kiến... chánh định. Này Tỷ-kheo, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây là cứu cánh Phạm hạnh.


    7.VII. MỘT TỶ-KHEO KHÁC (2) (S.iv,8)

    – Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này Tỷ-kheo, được gọi là bất tử. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến bất tử, tức là chánh tri kiến... chánh định.

    Vô Thường và Vô Ngã

    Tìm hiểu về mối liên hệ giữa khái niệm vô thường và vô ngã. Tương Ưng có đoạn viết như sau:

    62.X. ĐƯỢC CHẤM DỨT (2) (S.iv,34)

    1)...
    2) – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về pháp đưa đến chấm dứt tất cả chấp thủ.
    3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp đưa đến chấm dứt tất cả chấp thủ?
    4) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, mắt là thường hay vô thường?
    – Là vô thường, bạch Thế Tôn.
    – Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
    – Là khổ, bạch Thế Tôn.
    – Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là : “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Sắc... Nhãn thức... Nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì...
    5-8) Tai... Mũi... Lưỡi... Thân...
    9) Ý... Các pháp... Ý thức... Ý xúc... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là thường hay vô thường...
    – Là vô thường, bạch Thế Tôn.
    10) – Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy...
    Đối với tai... Đối với mũi... Đối với lưỡi... Đối với thân...
    Vị ấy nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với các pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
    11) Đây, này các Tỷ-kheo, là pháp đưa đến chấm dứt tất cả chấp thủ.


    (Kinh Tương Ưng IV, Chương 1: Tương Ưng Sáu Xứ (phần 2), Phẩm Vô minh – Link: http://vnbet.vn/kinh-tuong-ung-4-thi...ajala-307.html)

    Vậy ngũ uẩn là vô thường, là khổ, là chịu sự biến hoại. Do vậy, nếu coi “những thứ này là của ta, là ta, là tự ngã của ta” là không đúng. Như vậy, vô ngã có nghĩa là những gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại không phải là ta.
    Lại nữa, bằng việc thực chứng những điều này sẽ đưa đến đoạn diệt các chấp thủ, như vậy Minh đưa đến sự đoạn diệt chấp thủ.


    Trung Bộ Kinh, Kinh Ví Dụ Con Rắn (http://vnbet.vn/kinh-trung-bo-1/22-k...on-ran-64.html) cũng có đoạn như sau:

    – Bạch Thế Tôn, có thể có cái gì không thực có ở trong, không gây ra lo âu, phiền muộn?
    Thế Tôn đáp:
    – Có thể có, này Tỷ-kheo. Ở đây, này Tỷ-kheo, có người không có (tà) kiến như sau: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết, tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi.” Người này nghe Như Lai hay đệ tử Như Lai thuyết pháp để bạt trừ tất cả kiến xứ, cố chấp, thiên chấp, thiên kiến, tùy miên, sự tịnh chỉ mọi hành động, sự từ bỏ mọi sanh y, sự diệt trừ khát ái để đưa đến ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Vị ấy không nghĩ như sau: “Chắc chắn ta sẽ bị đoạn diệt, chắc chắn ta sẽ bị hoại diệt, chắc chắn ta sẽ không tồn tại.” Vị ấy không sầu muộn, than vãn, khóc lóc; vị ấy không đấm ngực, không đi đến bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, như vậy là có cái không thực có ở trong, không gây ra lo âu, phiền muộn.
    Này các Tỷ-kheo, các ông có thể nắm giữ một vật sở hữu nào mà vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chuyển biến, có thể trú như thế này mãi mãi không? Chư Tỷ-kheo, các ông có thể thấy một vật sở hữu nào được nắm giữ mà vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chuyển biến, có thể trú như thế này mãi mãi không?
    – Bạch Thế Tôn, không.
    – Lành thay, này các Tỷ-kheo! Này các Tỷ-kheo, Ta cũng không thấy một vật sở hữu được nắm giữ nào, mà vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không chuyển biến, có thể trú như thế này mãi mãi. Này các Tỷ-kheo, các ông có thể chấp thủ Ngã luận thủ nào mà Ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không? Này các Tỷ-kheo, các ông có thấy Ngã luận thủ nào mà Ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
    – Bạch Thế Tôn, không.
    – Lành thay, này các Tỷ-kheo! Này các Tỷ-kheo, Ta cũng không thấy Ngã luận thủ nào mà Ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Này các Tỷ-kheo, các ông có y chỉ kiến y nào, mà kiến y ấy được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không? Này các Tỷ-kheo, các ông có thấy kiến y nào, mà kiến y ấy được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không?
    – Bạch Thế Tôn, không.
    – Lành thay, này các Tỷ-kheo! Này các Tỷ-kheo, Ta cũng không thấy một kiến y nào, mà kiến y ấy được y chỉ như vậy, lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Chư Tỷ-kheo, nếu có ngã, thời có ngã sở thuộc của tôi không?
    – Bạch Thế Tôn, có.
    – Chư Tỷ-kheo, nếu có ngã sở thuộc, thời có ngã của tôi không?[1]
    – Bạch Thế Tôn, có.
    – Chư Tỷ-kheo, nếu ngã và ngã sở thuộc không thể được chấp nhận là thường còn, thường hằng, thì kiến xứ này: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thành thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi.” Này các Tỷ-kheo, kiến xứ ấy là hoàn toàn, triệt để chẳng ngu si không?
    – Bạch Thế Tôn, làm sao có thể hoàn toàn, triệt để chẳng ngu si được!
    "Hỡi các Tỳ kheo, các ông có thể bám lấy một ngã luận nếu điều ấy không phát sinh sầu, bi khổ, ưu, não. Nhưng này các Tỳ kheo, các ông có thấy một ngã luận nào như thế hay không, một ngã luận mà khi chấp nhận nó, sẽ không phát sinh sầu, bi, khổ, ưu, não?
    - Bạch đức Thế Tôn, nhất định là không.
    - Chính thế, hỏi các Tỳ kheo, Như Lai cũng vậy. Này các Tỳ kheo, Như Lai không thấy một ngã luận nào mà nếu chấp nhận, sẽ không phát sinh sầu, bi, khổ, ưu, não."


    Như vậy, việc chấp thủ rằng “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết, tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi.” sẽ đưa đến đau khổ, và bất kể chấp thủ nào về Ngã (ta) đều đưa đến đau khổ.
    Như đã nói ở trên, minh diệt trừ chấp thủ, do đó đoạn trừ được đau khổ.


    Ta (Ngã) trong kinh điển tiểu thừa.

    Trở lại với những gì đã nói về vô ngã ở trên. Vô ngã có nghĩa là những gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại không phải là ta. Vậy, nếu phủ định lại, ta (ngã) là thường, là lạc, là không biến hoại.
    Vậy, nếu nói ngã như vậy là có sai, khi Đức Phật có nói rằng bất cứ chấp thủ luận về ngã nào cũng đều đưa đến đau khổ?
    Tạm gác qua một bên, hãy tìm hiểu về Như Lai, Kinh Tương Ưng có đoạn đề cập như sau:


    § II. ANURÀDHA. (S.iv380)

    13) Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán sắc là Như Lai không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Ông có quán thọ là Như Lai không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Ông có quán tưởng là Như Lai không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Ông có quán các hành là Như Lai không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Ông có quán thức là Như Lai không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    14-18) – Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán Như Lai ở trong sắc không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Ông có quán Như Lai ở ngoài sắc không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Ông có quán Như Lai ở trong thọ không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Ông có quán Như Lai ở ngoài thọ không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Ông có quán Như Lai ở trong tưởng không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Ông có quán Như Lai ở ngoài tưởng không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Ông có quán Như Lai ở trong các hành không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Ông có quán Như Lai ở ngoài các hành không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Ông có quán Như Lai ở trong thức không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Ông có quán Như Lai ở ngoài thức không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    19-20) – Ông nghĩ như thế nào, này Anuràdha, Ông có quán Như Lai là sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.
    – Ông có quán Như Lai là không có sắc, không có thọ, không có tưởng, không có các hành, không có thức hay không?
    – Thưa không, bạch Thế Tôn.


    (Cũng trong Kinh Tương Ưng IV, Chương 1: Tương Ưng Sáu Xứ (phần 2), Phẩm Vô minh – Link: http://vnbet.vn/kinh-tuong-ung-4-thi...ajala-307.html)

    Như vậy, Như Lai không là ngũ uẩn, không nằm trong ngũ uẩn, không nằm ngoài ngũ uẩn, cũng không có ngũ uẩn. Thật là bất khả tư nghì!

    Tiếp tục tìm hiểu về Như Lai, có 4 câu hỏi rất hay như sau: Như Lai có tồn tại sau khi chết? - Như Lai không có tồn tại sau khi chết? - Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết? - Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

    Khi ông Anàthapindika hỏi tỷ-kheo-ni Khemà những vấn đề như trên, tỷ-kheo-ni Khemà đã trả lời rằng:


    I. TRƯỞNG LÃO NI KHEMÀ (S.iv,374)

    12)– Vậy thưa Đại vương, ở đây, tôi sẽ hỏi Đại vương. Đại vương kham nhẫn như thế nào, hãy trả lời như vậy.
    13) Đại vương nghĩ thế nào, thưa Đại vương, Đại vương có người kế toán nào, chưởng ấn nào (muddiko), toán số nào có thể đếm được cát sông Hằng có số hột cát như vậy, có số trăm hột cát như vậy, có số ngàn hột cát như vậy, có số trăm ngàn hột cát như vậy?
    – Thưa không, thưa Nữ Tôn giả.
    14) – Đại vương có người kế toán nào, có người chưởng ấn nào, có người toán số nào có thể đong lường được nước của biển lớn có số đấu nước như vậy, có số trăm đấu nước như vậy, có số ngàn đấu nước như vậy, có số trăm ngàn đấu nước như vậy?
    – Thưa không, thưa Nữ Tôn giả.
    – Vì sao?
    – Thưa Nữ Tôn giả, vì rằng biển lớn thâm sâu, vô lường, khó dò đến đáy.
    15) – Cũng vậy, thưa Đại vương, nếu có người muốn định nghĩa Như Lai ngang qua sắc thân (rupèna), nhưng sắc thân ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của sắc thân. Thưa Đại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, không thể chấp nhận. Nói rằng: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”, cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”, cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, cũng không thể chấp nhận.
    16) Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai ngang qua cảm thọ, nhưng cảm thọ ấy, Thế Tôn đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của cảm thọ. Thưa Đại vương, Như lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, không thể chấp nhận... Nói rằng: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, cũng không thể chấp nhận.
    17-19) Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai qua các tưởng... qua các hành... qua các thức; nhưng thức ấy, Như Lai đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của thức. Thưa Đại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, không thể chấp nhận. Nói rằng: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”, cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: “Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết”, cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, cũng không thể chấp nhận.


    (Kinh Tương Ưng IV, Chương 10: Tương Ưng Không Thuyết, link: http://vnbet.vn/kinh-tuong-ung-4-thi...huyet-387.html)

    Đã nói ở trên, vì Như Lai không là ngũ uẩn, không nằm trong ngũ uẩn, không nằm ngoài ngũ uẩn, cũng không có ngũ uẩn. Nên không thể thông qua ngũ uẩn mà định nghĩa Như Lai.

    Cũng tiếp đoạn kinh trên:


    I. TRƯỞNG LÃO NI KHEMÀ (S.iv,374)

    22) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
    – Bạch Thế Tôn, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?
    – Thưa Đại vương, Ta không trả lời: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”.
    23) Thế là, thưa Thế Tôn, Như Lai không có tồn tại sau khi chết?
    – Thưa Đại vương, Ta cũng không trả lời: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”.
    24-25)... (Như trên)...
    26-34... (Như trên, từ số 11 đến số 19, với những thay đổi cần thiết)...
    35) – Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Vì rằng giữa Đạo sư với nữ đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.
    36) Một thời, bạch Thế Tôn, con đi đến Tỷ-kheo-ni Khemà và hỏi về ý nghĩa này. Nữ Tôn giả ấy đã trả lời cho con về ý nghĩa này với những câu này, với những lời này, giống như Thế Tôn. Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Vì rằng giữa Đạo sư với nữ đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú. Bạch Thế Tôn, nay con phải đi, con có nhiều công vụ, nhiều việc phải làm.
    – Thưa Đại vương, nay Đại vương hãy làm những gì Đại vương nghĩ là hợp thời.
    37) Rồi vua Pasenadi nước Kosala hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.


    Như vậy, Thế Tôn cũng không trả lời những câu hỏi về Như Lai.

    Chúng ta quay lại vấn đề Ngã trong kinh điển tiểu thừa.
    Rõ ràng, minh dẫn đến giải thoát, thấu triệt vô thường, vô ngã. Hay nói cách khác, minh dẫn đến thành tựu quả vị Như Lai. Cùng với đó, minh tức là biết ngủ uẩn là vô thường, là không phải ta (ngã), và minh cũng là con đường đạt đến quả vị Như Lai. Thay vì dùn từ ngã (đối lập với vô ngã) để trách sự hiểu lằm về Ngã trong ngũ uẩn, Đức Phật đã dùng từ Như Lai. Và vì Như Lai là bất khả tư nghì nên không thể nói rằng Như Lai là thường, là lạc, là không biến hoại. Vì nói như thế là chấp vào ngũ uẩn. Và khi được hỏi có Tự Ngã không, Đức Phật đã im lặng:


    X. ÀNANDA

    – Thưa Tôn giả Gotama, có tự ngã không?
    Khi được hỏi vậy, Thế Tôn im lặng.
    – Thưa Tôn giả Gotama, có tự ngã không?
    Lần thứ hai, Tôn giả Gotama giữ im lặng.


    (Kinh Tương Ưng IV, Chương 10: Tương Ưng Không Thuyết, link: http://vnbet.vn/kinh-tuong-ung-4-thi...huyet-387.html)

    Kết luận, trong kinh điển Tiểu Thừa, đối lập với Vô Ngã là Như Lai. Là khác với khái niệm như Chân Ngã, Tự Tánh, Phật Tánh trong đại thừa. Vì Chân Ngã trong Đại Thừa là đồng nghĩa với Như Lai, không hề liên quan đến ngã được định nghĩa trong kinh điển Tiểu Thừa. Như Vậy, chẳng qua Đức Phật đã thay đổi một chút xíu trong cách dùng từ, để tùy căn cơ chúng sanh mà độ hóa. Vì Đại Thừa với đặc trưng là lòng từ bi của Bồ Tát, tức là mục đích giải thoát chúng sanh là trên cả. Vậy, dùng từ ngữ khác đi thì chân lý có bị sai lệch hay không?

    Chân lý trong Tiểu Thừa và Đại Thừa không khác biệt

    Hãy tìm hiểu một đoạn trong Kinh Kim Cang, một bộ kinh quan trọng trong Phật giáo đại thừa.

    Kinh Kim Cang (http://thuvienhoasen.org/a758/kinh-k...-nha-ba-la-mat) có đoạn:


    "Nầy Tu-Bồ-Đề! Những vi-trần ấy, đức Như-Lai nói chẳng phải vi-trần, đó tạm gọi là vi-trần. Đức Như-Lai nói thế-giới cũng chẳng phải thế-giới, chỉ tạm gọi là thế-giới.
    Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Có thể do ba-mươi- hai tướng mà thấy Như-Lai chăng?"
    "Bạch đức Thế-Tôn! Không.- Chẳng có thể do ba-mươi-hai tướng mà thấy được Như-Lai.
    Bởi vì sao? Đức Như-Lai nói ba-mươi-hai tướng chính chẳng phải tướng, đó chỉ tạm gọi tên là ba-mươi-hai tướng."


    Như đã nói, Như Lai là bất khả tư nghì, không thể dùng ngủ uẩn để định nghĩa Như Lai. Như vậy. Nếu Đức Phật không trả lời, hoặc im lặng (như đã nói ở trên), vậy sẽ không dễ dàng rộng độ chúng sanh. Thay vào đó, Đức Phật nói, gọi tên, nhưng đồng thời cũng chỉ là “tạm nói, tạm gọi tên”. Sao lại tạm gọi tên, vì bất khả thư nghì nên tạm gọi tên. Do đó, chân lý trong Đại Thừa cũng không có gì sai chạy so với tiểu thừa. Chỉ khác ở cách diễn đạt. Cũng vậy, Chân Ngã cũng là tạm gọi, không phải là chấp thủ luận ngã đã được đề cập trong kinh điển Tiểu Thừa. Để rộng độ chúng sanh, Đức Phật đã phương tiện trong nhiều cách, ngôn từ diễn đạt chỉ là một trong số đó. Ví dụ như những đoạn kinh sau: (còn nhiều kinh điển khác như Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Viên Giác,... đều phương tiện mà tạm nói, nhằm rộng độ chúng sanh. Không thể trích hết được.)


    Kinh Duy Ma Cật có đoạn:

    Phật bảo A Nan :
    – Ông đi đến thăm bịnh ông Duy Ma Cật.

    A Nan bạch Phật :
    – Bạch Thế Tôn ? Con không kham lãnh đến thăm bịnh ông. Là vì sao ? - Nhớ lại lúc trước, Thế Tôn thân hơi có bịnh phải dùng sữa bò, con cầm bát đến đứng trước cửa nhà người đại Bà la môn. Lúc bấy giờ ông Duy Ma Cật đến bảo con : “Này A Nan ? Làm gì cầm bát đứng đây sớm thế ?”.

    Con đáp : “Cư sĩ, Thế Tôn thân hơi có bịnh phải dùng sữa bò, nên tôi đến đây xin sữa”.

    Ông Duy Ma Cật nói : “Thôi thôi ! Ngài A Nan chớ nói lời ấy ! Thân Như Lai là thể kim cang(51), các ác đã dứt, các lành khắp nhóm, còn có bịnh gi, còn có não gì ? - Im lặng bước đi, Ngài A Nan ! Chớ phỉ báng Như Lai, chớ cho người khác nghe lời nói thô ấy, chớ làm cho các trời oai đức lớn và các Bồ Tát từ Tịnh độ phương khác đến đây nghe được lời ấy ! Ngài A Nan ! Chuyển Luân Thánh Vương có ít phước báu còn không tật bịnh, huống chi Như Lai phước báu nhiều hơn tất cả đấy ư ? Hãy đi Ngài A Nan ? Chớ làm cho chúng tôi chịu sự nhục đó, hàng ngoại đạo Phạm Chí nếu nghe lời ấy, chắc sẽ nghĩ rằng : “Sao gọi là Thầy, bịnh của mình không cứu nổi mả cứu được bịnh ngươi khác ư ?” Nên lẽn đi mau, chớ để cho người nghe ! Ngài A nan ! Phải biết thân Như Lai, chính là Pháp Thân(52), không phải thân tư dục (53). Phật là bực Thế Tôn hơn hết ba cõi, thân Phật là vô lậu(54), các lậu đã hết, thân Phật là vô vi, không mắc vào các số lượng, thân như thế còn có bịnh gì ?”.

    Bạch Thế Tôn ! Lúc đó con thật quá hổ thẹn không lẽ con gần Phật mà nghe lầm ư ? Con liền nghe trên hư không có tiếng nói rằng : “A Nan ! Đúng như lời Cư sĩ đã nói, chỉ vì Phật ứng ra đời ác đủ năm món trược (55) nên hiện ra việc ấy, để độ thoát chúng sanh thôi. A Nan! Hãy đi lấy sữa chớ có thẹn”.


    (Kinh Duy Ma Cật, Phẩm Đệ Tử, link: http://thuvienhoasen.org/p16a2016/3-pham-de-tu)
    Như lời Ngài Duy Ma Cật, Như Lai làm sao có bịnh. Đức Phật bảo rằng, vì độ thoát chúng sanh, Như Lai thị hiện có bịnh.

    Cũng Kinh Duy Ma Cật, Phẩm Hạnh Bồ Tát có đoạn:

    Bây giờ các Bồ Tát ở nước Chúng Hương đến đó, chấp tay bạch Phật rằng :
    - Bạch Thế Tôn ! Chúng con khi mới thấy cõi này, tâm tưởng cho là hạ liệt, nay chúng con tự hối trách bỏ tâm ấy. Vì sao ? Phương tiện chư Phật không thể nghĩ bàn, vì độ thoát chúng sanh nên theo chỗ nhu cầu như thế nào mà hiện ra cõi Phật như thế ấy. Dạ, bạch Thế Tôn ! Xin Thế Tôn ban chút ít pháp cho chúng con để trở về cõi kia được nhớ nghĩ đến Như Lai.


    (Kinh Duy Ma Cật, Phẩm Hạnh Bồ, link: http://thuvienhoasen.org/p16a2017/4-pham-bo-tat)

    -----

    Nói thêm, khi được hỏi về Tự Ngã, Đức Phật đã im lặng. Cũng vậy, khi Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi Ngài Duy Ma Cật về Pháp Môn Không Hai, Ngài Duy Ma Cật cũng im lặng. Kinh Duy Ma Cật, Phẩm vào “Pháp Môn Không Hai” có đoạn như sau:

    Phẩm vào “Pháp Môn Không Hai”

    Khi đó Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi ông Duy Ma Cật rằng :
    - Chúng tôi ai ai cũng nói rồi, đến lượt Nhân giả nói thế nào là Bồ Tát vào pháp môn không hai ?
    Ông Duy Ma Cật im lặng không nói. Ngài Văn Thù Sư Lợi khen rằng: “Hay thay ! Hay thay ! Cho đến không có văn tự ngữ ngôn, đó mới thật là vào pháp môn không hai.


    (Kinh Duy Ma Cật, Phẩm vào “Pháp Môn Không Hai”, link: http://thuvienhoasen.org/p16a2022/9-...-mon-khong-hai)

    Lại nữa, Tổ Huệ Khả cũng đáp lại câu hỏi của Tổ Bồ Đề Đạt Ma bằng sự im lặng.

    Sau gần chín năm ở Trung Hoa, thấy cơ duyên đã đến, Tổ Bồ Đề Đạt Ma gọi đồ chúng đến:
    -Giờ ta trở về sắp đến. Các ngươi mỗi người nên nói chỗ sở đắc của mình.
    Đạo-Phó ra thưa:
    -Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự, đây là dụng của đạo.
    Ngài bảo:
    -Ngươi được phần da của ta.
    Bà ni Tổng-Trì ra thưa:
    -Nay chỗ hiểu của con, như Tổ A-Nan thấy nước Phật A-Súc, chỉ thấy một lần, không còn thấy lại.
    Ngài bảo:
    -Ngươi được phần thịt của ta.
    Đạo-Dục ra thưa:
    -Bốn đại vốn không, năm ấm chẳng có, chỗ thấy của con không một pháp có thể được.
    Ngài bảo:
    -Ngươi được phần xương của ta.
    Đến Huệ-Khả bước ra đảnh lễ Ngài, rồi lui lại đứng yên lặng.
    Ngài bảo:
    -Ngươi được phần tủy của ta.


    (http://thuongchieu.net/index.php/chu...89-tobodedatma)

    Điều này cho thấy, đến thời của các Vị Tổ thiền tông Trung Hoa, sự truyền thừa vẫn không sai chạy.

    ----

    Kết lại, từ Minh, cái được của minh, tôi dẫn các bạn sang Ngã, Như Lai để biết rằng chân lý mà Đức Phật nói không sai chạy giữa Tiểu và Đại Thừa. Phần nói thêm không quan trọng. Phần dẫn cũng hơi xa.


    ** Đây là hiểu biết cá nhân, có thể có sai, chỉ nên mang tính tham khảo. Thân ái.

    A Di Đà Phật.
    Last edited by Itdepx; 02-01-2017 at 10:22 PM.
    Cư trần lạc đạo

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Đi tìm Khổng Minh thật trong "Tam quốc diễn nghĩa"
    By Bin571 in forum Lịch sử, giai thoại, truyền thuyết của các nước khác
    Trả lời: 19
    Bài mới gởi: 11-12-2014, 09:54 PM
  2. "Quang Minh" trong Đạo có nghĩa là gì thế mấy bạn ???
    By truongquangminh in forum Quang Minh Tu Đức
    Trả lời: 8
    Bài mới gởi: 03-10-2013, 10:08 AM
  3. Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 07-04-2012, 03:48 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •