[20] Theo truyền thuyết, thời Chiến Quốc, nàng Tây Thi là mỹ nhân đất Việt, là tuyệt thế giai nhân. Dẫu khi nàng đau bụng, nhăn mày, người khác vẫn thấy xinh đẹp bội phần. Hàng xóm có nàng Đông Thi ô dề, thô kệch, cũng bắt chước õng ẹo nhăn mày, khiến cho hàng xóm sợ quá đóng chặt cửa, chồng phải núp kín, chẳng dám ló mặt ra ngoài.

[21] “Ngũ hình” là năm hình phạt, tức xi, trượng, đồ, lưu, đại tịch (đánh bằng roi, đập bằng gậy, bắt làm lao dịch, lưu đày và tử hình).

[22] Bào: bọt nước, huyễn: Hình tượng hư giả.

[23] Ý nói: Có những gia đình cha lẫn con đều cùng có máu trăng hoa, tằng tịu với cùng một đứa tớ gái mà không biết.

[24] Nguyên văn “ngã ký dẫn thủy nhập tường, bỉ tất thừa phong phóng hỏa”, ý nói: Ta lo dâm loạn, ắt sẽ lơi lỏng gia quy, quản chế gia tộc lỏng lẻo, khác nào xoi tường vây quanh, cho nước tràn vào nhà. Kẻ khác sẽ thừa dịp thuận tiện đánh phá, như người thấy gió đúng hướng bèn phóng hỏa.

[25] Tôn chân nhân ở đây không phải là Tôn Bất Nhị (tức Thanh Tịnh Tản Nhân, một trong bảy đại đệ tử của Vương Trùng Dương, sáng tổ Toàn Chân Giáo), mà là mỹ hiệu của Tôn Tư Mạo (541-682). Tôn Tư Mạo là một đạo sĩ, đồng thời là một y sư kiêm dược sĩ trứ danh, sống vào đời Đường. Ông từng được tôn xưng là Dược Vương, thanh danh sánh ngang Hoa Đà và Biển Thước. Ông nổi tiếng học rộng, thông minh từ bé, thông thạo kinh điển Đạo gia và kinh Phật. Ông từng làm ngự y cho các vua Đường Thái Tông, Châu Tuyên Tông, Châu Tĩnh Đế, Tùy Văn Đế. Bộ sách y học nổi tiếng nhất của ông là Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương. Sau khi mất, ông được lập miếu thờ tại quê nhà ở núi Dược Vương, huyện Diệu, tỉnh Thiểm Tây. Tống Huy Tông sắc phong đạo hiệu Diệu Ứng Chân Nhân, nên người ta thường gọi ông là Tôn Chân Nhân. Đạo giáo tôn xưng ông với thánh hiệu Dược Vương Quảng Viện Diệu Tế Chân Quân.

[26] Tủy Hải (髓海) là tên gọi khác của não. Não được gọi là Tủy Hải vì thiên Linh Khu trong Hoàng Đế Nội Kinh có câu: “Não vi tủy chi hải” (Não là biển của tủy).

[27] Vĩ Lư (尾閭) có nghĩa gốc là “nơi nước quy tụ lại”. Về sau, từ ngữ này được dùng để chỉ huyệt Vĩ Lư ở chót cùng của xương cụt (phần kết thúc của xương sống, giáp với xương mông).

[28] Thiên Nhất vốn là một khái niệm trong Hà Đồ Lạc Thư. Trong đó có quan niệm những số chỉ trời, thuộc về Dương, tượng trưng bằng chấm trắng, lần lượt gọi là thiên nhất, thiên tam v.v… Sách Lạc Thư Tinh Nghĩa nói: “Một âm, một dương giao hội lẫn nhau, cửu trù sanh ra từ đó, cửu cung được phối ứng từ đó. Từ thiên nhất sanh ra nước, nên phương Bắc thuộc về thiên nhất, là vận mở đầu cho thượng nguyên”. Ở đây, do sánh ví tinh tủy nằm dọc theo cột sống từ cuối não xuống đến tận xương cùng, giống như nước từ trên trời đổ xuống, cho nên tinh tủy được gọi là “thiên nhất chi thủy”. Do chẳng phóng túng dâm đãng, tinh tủy đầy đủ; vì thế, nói ví von là “nước Thiên Nhất chẳng cạn”.

[29] Tiên triết (先哲): Các bậc thánh nhân, hiền nhân thuở trước.

[30] Ý nói vẫn phải cặm cụi học hành, chẳng đỗ đạt gì hết.

[31] Thạch (石, đúng ra phải đọc là Đạn khi chỉ đơn vị đo lường, nhưng ta vẫn quen đọc là Thạch), là đơn vị đo lường thời cổ. Một thạch bằng hai hộc, một hộc bằng năm đấu, tức một thạch là 120 cân (khoảng 60kg).

[32] Ở đây, “dưỡng sanh” được dùng theo nghĩa rộng, hàm ý: Làm thế nào để vun bồi thân thể cho nó tăng trưởng tốt đẹp.

[33] Nguyên văn “nhân tư, môn phong bại hoại, luân kỷ táng vong trung cấu, tân đài, di xú nội ngoại”. Trung Cấu (中冓) là cái buồng kín trong nhà, Tân Đài là cái đài do Vệ Tuyên Công xây cho nàng Tuyên Khương ở. Tuyên Khương vốn là công chúa nước Tề, đã đính hôn với thái tử Cấp. Vệ Tuyên Công thấy con dâu tương lai đẹp quá, bèn chiếm làm của riêng, xây Tân Đài cho ở. Như vậy, “trung cấu” và “tân đài” đều hàm nghĩa đam mê sắc dục.

[34] Mạng Môn (命門) là một bộ phận quan trọng trong thân thể theo Trung Y. Nó được coi như là căn bản duy trì mạng sống. Vị trí xác định của bộ phận này có nhiều thuyết, nhưng phổ biến nhất, Mạng Môn được coi là huyệt Mạng Môn thuộc mạch Đốc, có công năng chủ trì các dịch thủy thuộc Thận Tạng trong cơ thể. Huyệt Mạng Môn là cửa ngõ để các dịch thủy chuyển vào mạc Đốc. Nó nằm ngay trên phần thịt ở ngay xương sống nơi lưng, nằm dưới da, thuộc phần giữa của đốt sống thứ hai và thứ ba tính từ xương cùng.

[35] Tam Đài (còn gọi là Tam Giai, Tam Xung, Tam Kỳ), tức là gọi tắt của Tam Đài Tinh Quân, hoặc Tam Đài Hoa Cái Tinh Quân. Nói cụ thể, sẽ bao gồm Thượng Đài Hư Tinh Khai Đức Tinh Quân, Trung Đài Lục Thuần Tư Không Tinh Quân và Hạ Đài Khúc Sanh Tư Lộc Tinh Quân. Theo sách Vân Cấp Thất Thiên của Đạo Gia, Tam Đài chính là sáu ngôi sao nằm phía Nam tòa sao Bắc Đẩu, chia thành ba cặp, giống như bậc tam cấp trước tòa Bắc Đẩu, nên có tên gọi như thế. Theo tín ngưỡng Đạo giáo và Tử Vi, chòm sao này chủ trì quan lộc, tức công danh, tài sản sự nghiệp của mỗi người.

[36] Theo Động Thần Quyết của Đạo giáo, trong thân có ba loại trùng là thượng trùng Bành Cứ, trung trùng Bành Chất, và hạ trùng Bành Kiêu. Khi con người chết đi, các loài trùng ký sinh trong thân đều chết, riêng ba loài trùng này sẽ thoát ra, sẽ biến thành thi quỷ. Ba loại trùng này được tăng trưởng bởi thói xấu của con người, như Bành Cứ tương ứng với thói tham ăn tục uống, Bành Chất tương ứng với thói tham lam tài sản, Bành Kiêu tương ứng với tham dục, đắm sắc.

[37] Tổ sư Chung Ly chính là Chung Ly Quyền. Ông này vốn là một trong bát tiên, được tôn là Chánh Dương Tổ Sư, hoặc Vân Phòng Tiên Sinh. Ông từng ra mười đề thi cho Lữ Động Tân, độ Lữ Động Tân thành tiên. Do ông thường tự xưng là Thiên Hạ Đô Tản Hán Chung Ly Quyền (天下都散漢鍾離權) với ý nghĩa tự trào phúng “Chung Ly Quyền là gã nhàn tản nhất trong thiên hạ”, người đời sau vô ý, ngắt danh hiệu này thành hai, lại tưởng lầm chữ Hán (được dùng với ý nghĩa “hán tử”) là triều đại Hán, nên mới có thuyết nói ông sống vào đời Hán. Thậm chí, có kẻ nghĩ ông có họ là Hán, nên thường gọi ông là Hán Chung Ly. Ông thường được miêu tả với hình ảnh một ông già râu dài, đầu hói, bụng phệ, mặc áo phạch ngực, hở bụng, tay cầm quạt. Do Vương Trùng Dương (Vương Triết, sáng tổ Toàn Chân Giáo) học đạo từ Lữ Động Tân, nên đạo sĩ Toàn Chân Giáo đã tôn Chung Ly Quyền thành đệ nhất tổ, Lữ Động Tân là đệ nhị tổ.

[38] Nguyên văn “cái hằng tánh giáng tự Duy Hoàng”, Duy Hoàng (維皇) là danh xưng xuất phát từ sách Thượng Thư để gọi Thượng Đế, với ý nghĩa: Thượng Đế là vị vua duy nhất tối thượng của muôn vật. “Hằng tánh” (恒性) là tánh không thay đổi, tức chân tánh. Câu cách ngôn này được viết theo quan điểm Đạo Giáo, nên coi chân tánh của mỗi cá nhân đều bắt nguồn từ Thượng Đế.

[39] Bạch Khuê: Một loại ngọc đẹp trong trắng, sạch bóng.


HẾT PHẦN 1