kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: Võ việt và Sự tích hai vị Sư Sài Gòn đã hổ cứu người

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Võ việt và Sự tích hai vị Sư Sài Gòn đã hổ cứu người

    TTO - Đó là hai nhà sư trẻ Sài Gòn, đánh cọp ngay trên đất Sài Gòn và một vị giờ vẫn được thờ ngay nơi mình đánh cọp - giữa mặt tiền một con đường trung tâm TP.HCM hiện nay.

    Đình Tân Kiểng xưa, nơi diễn ra trận đánh cọp của hai vị sư Sài Gòn mùa xuân 1770

    Từ chuyện người Sài Gòn đánh cọp...

    Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) viết: "Mùa xuân năm Canh Dần 1770 đời vua Duệ Tông có con cọp dữ vào nhà người ở phía nam chợ Tân Kiểng, hai nhà sư Hồng Ân và Trí Năng đã diệt được cọp".



    Dân gian truyền nhau cụ thể hơn nhiều. Người ta kể rằng vào ngày 25 tháng Giêng năm Canh Dần (1770), đời Duệ Tông (tức chúa Nguyễn Phúc Thuần), có con cọp dữ vào nhà dân ở phía nam chợ Tân Kiểng.

    Con cọp gầm rống rất dữ, hại ba mạng người khiến dân quanh vùng đều hoảng sợ, báo quan quân để vây bắt ác thú.

    Tuy nhiên, sau khi phải triệt hạ nhiều nhà cửa, làm nhiều lớp hàng rào bao quanh, quan quân địa phương vẫn chưa hạ được cọp dữ.

    Qua ngày thứ ba, có nhà sư là trẻ Hồng Ân cùng đồ đệ là Trí Năng tu ở ngôi chùa ở bìa làng đã xin vào đánh cọp. Hồng Ân cùng cọp quần thảo một hồi. Cọp bị côn đánh rát quá, nhảy núp vào lùm tre.

    Hồng Ân đuổi nà theo, cọp bị dồn ngặt nên cự trở lại với Hồng Ân. Hồng Ân lui chân té xuống mương nhỏ, bị cọp tát thọ thương.

    Trí Năng tiếp tay đánh trúng đầu, cọp chết dưới làn côn, nhưng Hồng Ân bị thương nặng nên cũng mất liền khi ấy.

    Người ở chợ Tân Kiểng cảm nghĩa đem xác Hồng Ân chôn tại chỗ đấy rồi xây tháp.

    Tháp của nhà sư nay đã không còn, chỉ còn lại bài vị "Cậu Ân" (tức Hồng Ân) được thờ trong đình Tân Kiểng (hiện ở số 718 Trần Hưng Đạo, Q. 5, TP.HCM).


    Cổng đình Tân Kiểng hiện nay (718 Trần Hưng Đạo, Q. 5, TP.HCM) thờ sư Hồng Ân đánh cọp mùa xuân 1770 - Ảnh tư liệu

    Người dân vùng Tân Kiểng còn cho biết thêm rằng, theo lời kể của sư Trí Năng thì võ thuật của hai nhà sư đánh cọp là võ Việt.

    Người Sài Gòn đã từng kế thừa võ Việt xuất sắc.

    Võ Việt khác võ Trung Hoa

    Võ Việt do người Việt Nam sáng tạo và bổ sung để ngày càng hoàn chỉnh hơn. Thời nhà Trần đã mở Giảng Võ Đường để luyện tập võ kinh sẵn sàng bảo vệ đất nước mà nay là khu Giảng Võ ở Hà Nội.

    Tranh vẽ quan võ triều Nguyễn - Ảnh tư liệu


    Võ quan triều Nguyễn - Ảnh tư liệu

    Các triều Lê, Nguyễn đều có tổ chức định kỳ các cuộc thi võ để tuyển lựa nhân tài võ lâm và võ gia truyền trong thiên hạ ra giúp nước mà chính sử đều đề cập.

    Cho đến năm 1934, trong một quyển sách võ xuất bản ở Sài Gòn, một trí thức yêu thích võ thuật là bác sĩ Nguyễn Anh Tài (môn đệ của võ sư Vũ Bá Oai, Hàn Bái đường) đã ghi nhận võ Việt phân chia làm ba loại: võ kinh, võ lâm và võ gia truyền.


    Biểu diễn võ kinh ở Huế - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG


    Người nước ngoài học võ kinh, chi phái của võ Việt - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN

    Trong quá trình tiếp xúc với người Trung Hoa trong lịch sử, võ Việt có tiếp biến võ thuật Trung Hoa để làm phong phú thêm, nhưng võ Việt và võ thuật Trung Hoa là hai thực thể hoàn toàn độc lập, với nhiều đặc điểm khác nhau.

    Trước hết, về mặt hinh thức, bài quyền hay bài binh khí của võ Việt luôn có các bài thiệu gọi tên đòn thế trong bài vốn là những bài thơ (theo một trong các thể thơ: lục bát, song thất lục bát, tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn), như:

    Bài thiệu võ Việt : Lão Mai Quyền

    "Lão mai độc thụ nhất chi vinh. Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành. Đản nhất cấp tạ hồi lão khởi. Phi nhất phát tiền thối thanh đình. Thanh long chuyển dực toàn vân hổ. Phù điệp song phi lão ấn sanh. Hoạt quật song câu lôi thiết tỏa. Vương tôn tam tảo hổ xà thành".

    Võ Việt xếp chung với võ Thiếu Lâm có nên không?


    Rõ ràng người Việt Nam tự hào có môn võ Việt vừa hào hùng về truyền thống sử dụng, vừa phong phú về mặt kỹ thuật.

    Thế nhưng từ sau năm 1975 đến nay, những người gìn giữ võ Việt Nam đã đứng chung với các võ sư Thiếu Lâm để mọi người gọi chung là võ Cổ Truyền, khiến nhiều người trẻ phải e ngại vì hai chữ “cổ truyền” có gì đó không rõ ràng giữa võ Việt và võ Trung Hoa.

    Trong khi đó, các bài thiệu của võ thuật Trung Hoa không hợp thành một bài thơ, mà chỉ tập hợp những câu gọi tên đòn thế rời rạc nên khó nhớ, đôi lúc đọc nghe trúc trắc, chẳng hạn như:

    Bài thiệu võ thuật Trung Hoa: Mai Hoa Quyền

    “Tướng quân bái tổ. Song cung bảo nguyệt. Lưỡng thủ tàng quyền. Tiên cô giải tỏa. Nhị long nhập động. Song chỉ cầm long. Lưỡng hổ tấn sơn. Thần cung xạ Hứa Điền. Mãnh hổ ly sơn. Tấn kỳ lân bộ. Đồng tử bổng ngân bình. Hầu mai tiến sư. Thần sơn trảm mộc. Lão tiều quá sơn. Ma vương trá tẩu. Linh ngư vượt thủy. Đồng tử bái Quan Âm. Giao long ngộ vũ. Quy y ngã Phật. Thiết chùy song lạc. Hoành bộ như bình. Lưỡng túc tấn song mi. Âm dương tương khắc. Tả hữu phụ tử đồng triều. Bình sa lạc nhạn. Sư tử giao đầu. Hồi mã song chùy. Lão mai độc thọ. Kim kê độc lập. Tam xích kiếm trảm thanh xà. Thối thủ tấn công. Cao thảm mã quyền. Nhị long thủ châu. Hổ giáng long thăng. Bạch câu quá kích. Thiềm thừ quá hải. Tả hữu tàng quyền. Thần đồng phá thiên môn. Song long xuất hải. Thiết bảng đả hồng hài. Bái tổ sư lập như tiền”.

    Về đặc điểm thể hiện, các bài quyền và bài binh khí của võ Việt , khi biểu diễn, chủ yếu triển khai chỉ trong hai hướng: trước mặt và sau lưng. Trong khi đó, các bài của võ Trung Hoa triển khai 3 hướng, 4 hướng, 8 hướng, trong đó 4 hướng chiếm phần lớn.

    Trên lĩnh vực kỹ thuật, các đòn thế võ Việt luôn được tung ra một cách liên hoàn để tạo hiệu quả mang tính tổng hợp. Còn võ thuật Trung Hoa, đòn thế nào bằng quyền cước hay bằng binh khí, khi tung ra đều được tung ra từng đòn một, dũng mãnh và có độ dừng nhất định, như vừa mang tính phô trương, vừa nhằm mục đích tạo hình, tạo nét mỹ thuật cho phù hợp với nội dung câu thiệu.

    Võ Việt có đủ kỹ thuật sử dụng đòn chân (cước) lẫn đòn tay (quyền) trang bị cho người tập luyện có đủ khả năng tự vệ chiến đấu bất kể đứng gần hay xa đối thủ.

    Điều này hoàn toàn khác với xu hướng của võ thuật Trung Hoa: các môn phái võ thuật ở phía bắc sông Hoàng Hà (Trung Quốc) chú trọng về kỹ thuật sử dụng đòn chân, còn các môn phái võ thuật ở phía nam sông Hoàng Hà lại có xu hướng chuyên về kỹ thuật sử dụng đòn tay, cho nên có câu “Nam quyền, Bắc cước”.

  2. #2

    Mặc định

    Một cô gái đánh cọp ngay lễ mở chợ Bến Thành 1914

    TTO - Hàng ngàn bà con Sài Gòn lẫn dân Nam kỳ lục tỉnh đã tận mắt coi trận đấu có lẽ chưa từng có trên thế giới ngay lễ khai thị chợ Bến Thành tháng 3-1914: một cô gái giỏi võ Việt vờn nhau với một con cọp đang gầm rú liên hồi.


    Chợ Bến Thành năm 1914 - Ảnh tư liệu

    ​Chợ Bến Thành là ngôi chợ lớn giữa Sài Gòn. Ngôi chợ này do một hãng thầu của Pháp mang tên Brossard et Maupin xây dựng, khánh thành vào tháng 3-1914.

    Chính quyền đương thời đã tổ chức lễ khánh thành chợ gọi là lễ khai thị chợ Bến Thành mới, mà báo chí thời đó gọi là “Tân Vương Hội”, gồm các hoạt động vui chơi kéo dài ba ngày đêm 28, 29 và 30-3-1914 với hơn 100.000 người ở Sài Gòn và các tỉnh đổ về.

    "Xem được lễ khai thị một lần chết cũng sướng"

    Trước đó, ban tổ chức lễ khai thị chợ Bến Thành mới đã thông báo khắp lục tỉnh Nam kỳ. Các thương gia người Hoa, người Ấn... nghe thông tin đã thi nhau đổ xô tới giành mua sạp ở chợ Bến Thành mới để bán thuốc lá, tơ lụa, thực phẩm...

    Ngày khai thị, người các tỉnh từ miền Đông Nam kỳ tới miền Tây Nam kỳ đã nô nức hẹn nhau mua sắm và thăm cảnh chợ Bến Thành mới. Dân lục tỉnh vui vẻ bảo nhau: "Xem được lễ khai thị một lần chết cũng sướng".

    Lễ hội tổ chức rầm rộ. Ngày khai trương, sáng hôm khai mạc có múa lân, thao diễn võ thuật, nhạc bát âm và có cả ban nhạc của nhà binh Pháp tới hòa nhạc giúp vui.

    Tối khai trương có pháo bông, xe bông, đèn xanh đỏ giăng xung quanh chợ sáng trưng, người đi lại đông hơn ngày tết. Lễ khai thị có cả hát bội không lấy tiền giàn, không bán ghế gọi là hát thưởng để cho công chúng coi chơi giải trí…


    Chợ Bến Thành năm 1921, bảy năm sau ngày khai thị - Ảnh tư liệu

    Tiết mục độc đáo nhất lễ khai thị: con gái đấu với cọp

    Quyển sách Những môn võ bí truyền trên thế giới nguyên tác tiếng Anh (John F. Gilbey, bản dịch tiếng Việt của hai tác giả Lạc Hà và Phạm Xuân Thảo, do nguyệt san Võ Thuật xuất bản tại Sài Gòn năm 1970) ghi câu chuyện một cô gái giỏi võ Việt đã đánh hạ một con cọp dữ tại lễ khai thị chợ Bến Thành năm 1914.


    Bìa sách Những môn võ bí truyền trên thế giới của John F. Gilbey

    Hàng ngàn người dự khai thị đã dự khán trận đấu có lẽ chưa từng có trên thế giới: đấu với cọp là một cô gái.

    Tác giả bài viết không ghi tên cô gái mà chỉ cho biết rằng đây là người con gái duy nhất của ông Ất, thường gọi là ông Hai Ất.

    Ông này cùng với người em trai là ông Ba Giá vốn là hai bậc giỏi võ của vùng đất Tân Khánh Bà Trà (nay là P.Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên và P.Bình Chuẩn, thị xã Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương).

    Ông Ất và ông Giá nổi tiếng với bao phen đánh cọp ở vùng rừng rậm Đông Nam kỳ vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, với danh hiệu “Cọp Bàu Lòng, Võ Tòng Tân Khánh”.

    Từ lúc đến Sài Gòn, nhiều người Pháp đã nghe nói nhiều về tài nghệ đánh cọp của ông Ất, ông Giá, nhưng bán tín bán nghi nên chính quyền Pháp ở Sài Gòn lúc ấy đã gởi thư mời ông Ất, ông Giá trổ tài đánh cọp trong dịp lễ khai thị chợ Bến Thành mới.

    Đây là con cọp vừa bẫy được trong cuộc khai hoang lập đồn điền trồng cao su ở miệt rừng rậm phía bắc tỉnh Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Phước).

    Ông Ất lúc bấy giờ đã bước vào tuổi lục tuần (tức 60 tuổi), vẫn còn rất tráng kiện.

    Nhưng ông đã quyết định không tham dự cuộc đấu tranh với con cọp dữ, mà nhường lại cho người con gái rượu của ông.

    Có người lo hỏi con gái của ông có đánh cọp được không, ông lắc đầu và mỉm cười bảo rằng ông biết bản lĩnh của con gái ông sẽ làm cho người Pháp phải kính nể người Việt.

    Để mọi người an tâm, ông đã nói thêm nếu có điều bất trắc thì ông sẽ nhảy vào liền, quyết không để cho con bị hại…


    Một thế đánh lao của môn phái Tân Khánh Bà Trà - ngọn lao tương tự ngọn lao cô gái đánh cọp ngày khai thị chợ Bến Thành - Ảnh: Hồ Tường

    Cuộc đấu kinh khủng từ sáng tới trưa

    Cuộc đấu giữa một cô gái với cọp khởi từ ban mai mãi đến giờ ngọ mới chấm dứt. Con gái của ông Ất nai nịt gọn ghẽ, đầu vấn tóc, đôi tay sử dụng một ngọn lao dài đầu bịt sắt bén nhọn mạnh mẽ bước vào khu vực thi đấu với ác thú.

    Con cọp trông thấy, gầm to dữ dằn rồi nhảy xổ tới, với hai chân trước chụp phủ xuống đầu đối thủ…

    Con gái ông Ất nhanh nhẹn nhảy sang một bên để tránh nanh vuốt của cọp. Cọp vồ hụt, gầm lên những tiếng rợn người, đập đuôi và tiếp tục nhảy tới tấn công bằng những đòn vuốt tát liên tiếp vào người cô gái.

    Người con gái giỏi võ Việt nhanh hơn thú dữ khi nhảy qua, nhảy lại, tấn tấn, thối thối biến hóa khôn lường, khiến con cọp vồ chụp, tát trái, tát phải đều hụt. Ác thú gầm thét liên hồi.

    Sức gái không thể hạ cọp trong giây lát mà phải đánh giằng dai để tiêu hao sức cọp. Cô gái đã xoay xở rất nhanh, khi thọc ngược ngọn lao để tránh cọp phủ, thoạt tả, thoạt hữu, thoạt trước, thoạt sau, luôn luôn nhanh nhẹn để tránh nanh vuốt cọp dữ.

    Qua mấy giờ đối đầu giữa người và ác thú, con cọp bị trúng những ngọn lao của cô gái đâm vào người ra máu nhiều kiệt sức, xoay trở chậm chạp.

    Đúng lúc này, người con gái của ông Ất đã sử dụng ngọn lao thật tài tình, nhắm ngay yết hầu cọp đâm suốt.

    Cuộc đấu kết thúc đúng ngọ - 12g trưa.

    Cô gái đánh cọp tên Võ Thị Vuông

    ... Các bậc tiền bối xứ võ Tân Khánh Bà Trà cho biết người con gái đánh cọp tại chợ Bến Thành năm 1914 có tên đầy đủ là Võ Thị Vuông, con thứ năm của thầy Hai Ất - Võ Văn Ất.

    Ngày nay, trên vùng đất bên cạnh làng võ Tân Khánh Bà Trà vẫn còn mang tên là “Truông Bà Năm Vuông”, bởi trước đây vùng này rừng rậm gọi là truông. Đây cũng là nơi bà Năm Vuông (con gái của ông Hai Ất) từng đánh tan một lũ cướp cạn chỉ với một cây đòn gánh trong tay.
    THEO TTO

  3. #3

    Mặc định -

    Đêm Chia Tay
    Tác giả: Mạc Phương Đình
    không gì buồn hơn đêm chia tay
    cốc rượu cùng chia chút đắng cay
    muốn nói những điều chưa kịp nói
    nhìn nhau gịọt lệ nào vơi đầy
    nhìn nhau cứ như là ly biệt
    khoé mắt ngọt ngào như rượu say
    người tiễn người đi, người ở lại
    trong lòng là góc biển chân mây
    ngỡ như một bước rồi xa cách
    gió lạnh theo về rung lá bay
    lạc nẻo đèn soi mềm gót nhỏ
    cô đơn đọng lại một phương nầy
    chong khuya kỷ niệm vàng đôi bóng
    lặng nét sầu tư trong mắt ai
    tay vẫn còn nhau trong giá rét
    ngẩn ngơ chùng xuống nỗi quan hoài.

    không gì buồn hơn đêm chia tay
    mời người cùng cạn một ly này
    mời người cạn nốt ly rượu cuối
    mắt lệ nhoè,.. tưởng đêm mưa bay.

    mạc phương đình
    trong Những dòng kỷ niệm

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •