Tại khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương (Tam Kỳ) có ngôi mộ cổ mà người dân thường gọi là mộ Giày hay mộ thầy Lánh. Qua những câu chuyện nửa thực nửa hư trong trí nhớ của các vị cao niên cùng với cơ duyên khi gặp hậu duệ của chủ nhân ngôi mộ, những điều bí ẩn về mộ Giày dần hé mở.


Ngôi mộ cổ




Mộ Giày thầy Lánh ở làng Hương Trà.

Theo chân ông Trần Quang, trên 80 tuổi, chúng tôi được “mục sở thị” ngôi mộ cổ sau khu vườn đồi rộng trên 1ha của vị cao niên này. Ngôi mộ có diện tích khoảng 10m2, xây theo lối kiến trúc xưa. Hoa văn đơn giản với một vài nét chạm trổ trên tường gạch cũ. Vài dòng Hán tự khắc trên bia đá.
Theo những câu chuyện mà ông Quang nghe kể lại thì ngôi mộ này có xuất xứ từ một ông thầy tên Lánh, khi cưỡi rồng để vượt khỏi sự truy bắt của triều đình (vì giúp dân làng chống lại sự áp bức của triều đình), ông đã đánh rơi một chiếc giày xuống giữa làng Hương Trà. Để tưởng nhớ người anh hùng giúp mình, dân làng đã xây mộ cho… chiếc giày của ông. Từ đó, ngôi mộ có tên là mộ Giày hay mộ thầy Lánh. “Ngôi mộ này linh thiêng lắm nên dân làng ở đây ai cũng kính thầy. Có năm, bọn đào trộm mộ xới tung cả lên để tìm vàng, vì chúng nghi dân làng cho chôn một chiếc giày bằng vàng để thờ thầy. Nhưng vàng không thấy đâu, chỉ nghe tin bọn trộm kẻ thì chết, người thì tai nạn tàn tật suốt đời” - ông Quang kể.
Cũng qua lời kể của ông Quang, mặc dù truyền thuyết về thầy Lánh như một vị thần tiên nhưng hằng năm, cứ đến ngày 13 tháng 8 âm lịch có rất nhiều con cháu của thầy về đây tảo mộ. Lần theo thông tin này, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Khuê ở thôn Nam Định, xã Tam Anh Nam (huyện Núi Thành), cháu đời thứ 18 của thầy Lánh. Tại đây, nguồn gốc của chủ nhân ngôi mộ Giày đã dần sáng tỏ. Quyển gia phả của tộc Nguyễn Văn, làng Diêm Điền xưa, nay thuộc ba xã Tam Tiến, Tam Anh, Tam Hòa (huyện Núi Thành) được ông Khuê cất giữ ghi lại hầu như đầy đủ thông tin về vị đạo sĩ giàu lòng nhân ái. Thầy tên thật là Nguyễn Đức Lánh, sinh năm 1800, tại thôn Bản Long, làng Diêm Điền, tổng An Hòa, phủ Tam Kỳ xưa, con cháu kính gọi là Hậu Tổ Đức Thầy. Thầy sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, làm nông nhưng từ nhỏ đã bộc lộ tư chất thông minh, ham học. Lớn lên, thầy học nghề làm thuốc để chữa bệnh cho người dân. Thấy dân làng chịu nhiều khổ cực, thầy đã dùng tài năng và những phép thuật của mình để giúp đỡ dân lành. Từ đó, thầy nổi tiếng và được nhân dân gần xa ngưỡng mộ. Tự hào vị Hậu Tổ trong gia tộc mình, ông Khuê đã lặn lội khắp nơi để chắp nhặt những câu chuyện về thầy Lánh cũng như tìm gặp và tập hợp con cháu gần xa trong quyển gia phả.

Cũng từ thông tin trong gia phả của tộc Nguyễn Văn, chúng tôi tìm đến làng Diêm Điền, nay thuộc thôn Bản Long, xã Tam Tiến (huyện Núi Thành). Con cháu nơi đây đã được 17, 18 đời. Trong dòng họ, không ai là không biết đến công đức vị Hậu Tổ của gia tộc mình. Khu thờ tự khang trang được dựng lên để hằng năm cứ đến ngày 13.8 âm lịch là con cháu khắp nơi tụ họp về, dâng lên tổ tiên những lễ vật để tỏ lòng thành kính, ghi ân công lao to lớn của vị Hậu Tổ tài đức. Ông Nguyễn Văn Phúc - thôn Bản Long, xã Tam Tiến (huyện Núi Thành), cháu đời thứ 17 của thầy Lánh cho biết: “Tôi luôn cảm thấy tự hào về vị Hậu Tổ của mình và thường xuyên kể những câu chuyện về thầy cho con cháu nghe. Vì ở thầy có rất nhiều điều để học tập”.


Ông Nguyễn Văn Khuê (người mặc áo trắng) cùng anh em trong dòng tộc bên quyển tộc phả dòng họ Nguyễn (huyện Núi Thành).

Và những truyền thuyết


Ngoài những chuyện có trong quyển gia phả dòng họ Nguyễn Văn (huyện Núi Thành), trong dân gian còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện ân đức của thầy Lánh. Ví như chuyện thầy và người vợ của mình ngày đêm giúp đỡ người dân làm ăn, vượt qua khó khăn, tạo dựng cuộc sống ấm no. Ở thôn Diêm Trà, xã Tam Tiến ngày nay, người dân lưu truyền câu chuyện xúc động về thầy. Đó là vào những năm làng Diêm Trà khổ cực, cả làng không có tiền của xây dựng một ngôi đình để thờ cúng và tổ chức hội hè hằng năm. Dân làng luôn mơ ước có một ngôi đình khang trang như đình làng bên. Và lạ thay, đêm ấy cuồng phong dữ dội, sấm chớp đầy trời như báo điềm lạ. Khi mọi người tỉnh giấc, một ngôi đình nguy nga thay thế vào nơi có ngôi đình dột nát trước đây. Đình có nhiều cột gỗ và đặt tên là đình Trà Luông, nên có câu ca: “Rộng thình thình như cái đình Trà Luông”. Dân làng chưa kịp vui mừng thì rộ ra tin đồn cho rằng thầy Lánh làm phép biến hóa cướp đình Trà Luông ở một ngôi làng khác về. Thầy và người vợ bị nhà vua ban tội chết bằng hình thức treo cổ. Trước giờ hành hình, thầy xin một tấm lụa đào và múa một bài để tạ tội cùng dân làng. Lạ thay, thầy càng múa, tấm lụa biến hóa thành hình con rồng và từ từ đưa Thầy và người vợ bay về phương Nam. Từ đó, người dân làng Diêm Trà truyền nhau câu chuyện này cho con cháu đời sau nghe để tưởng nhớ công ơn thầy. Mặc dù ngôi đình đã sập đổ do chiến tranh và được thay thế bằng ngôi đình khác nhưng cứ đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch, dân làng lại về đây để thờ cúng và tưởng nhớ công ơn thầy.

Cũng theo truyền thuyết trong dân gian và những thông tin trong quyển gia phả tộc Nguyễn Văn, sau khi cưỡi lụa rồng bay về phương Nam, thầy Lánh cùng người vợ của mình đến tại làng Tam Tân, xã Tân Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận để ẩn cư. Rồi cũng tại đây, bằng những phép thuật và sức mạnh của mình, thầy giúp đỡ người dân vượt qua cực khổ và áp bức của triều đình phong kiến. Khi thầy và người vợ mất, dân làng đã xây mộ và lập đình thờ tự Thầy Thím tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Sau đó, vua Duy Tân và Khải Định đã ban sắc phong cho thầy là “Tôn Sư - Thần Vị - Chí Đức - Tôn Thần”, Thím là “Chí Đức - Nương Nương - Tôn Nữ Thần”. Từ đó, những câu chuyện công đức của thầy Lánh và người vợ của mình được kể từ đời này qua đời khác để con cháu lưu truyền, học tập. Và hằng năm, từ ngày 14 đến 16 tháng 9 âm lịch, người dân xã Tân Tiến lại tổ chức giỗ Thầy Thím. Còn tại quê hương Quảng Nam, hằng năm, trong các ngày kỵ hay dịp lễ, tết, con cháu lại đến mộ Giày tại phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) để cùng nhau ôn lại những câu chuyện ân đức của thầy Lánh, học tập những bài học về nhân tình thế thái của cha ông, để cùng suy ngẫm về cái ác, điều thiện trong đời.

TƯỜNG QUÂN - QUANG SƠN