Ông bảo, vùng Hải Dương là một... nghĩa địa mộ cổ khổng lồ (?!). Chuyện này thật lạ! Tôi chưa từng nghe nhà khoa học nào nói như vậy. Nhưng phải "lật lại" 30 năm vùi đầu vào mộ cổ của kỳ nhân này, mới thấy điều đó hoàn toàn chính xác. Và có vô số những chuyện “không tin nổi” hé lộ theo những ngôi mộ huyền bí được khai quật này.

Kỳ I: Suýt đi tù vì tự ý đào mộ cổ


Ông Tăng Bá Hoành (nguyên GĐ Bảo tàng Hải Dương) sinh năm 1941. Nhà nghèo, cậu bé Hoành phải bỏ học sớm để đi làm. Thế nhưng, không đến lớp, không có thầy cô, Hoành vẫn dự thi và tốt nghiệp cấp 3.
Sau một quá trình học như thể "ngày mai không còn được học nữa", đầu năm 1968, Hoành được nhận về làm cán bộ ở kho Hiện vật của Bảo tàng tỉnh.

Vừa làm vừa học, anh đã tốt nghiệp xuất sắc ĐH Tổng hợp khoa Sử. Niềm đam mê mộ cổ bắt đầu hình thành rõ nét.

Vụ tham gia đào mộ đầu tiên của ông Hoành, cũng là cuộc khai quật mộ tháp Huyền Quang và mộ tháp Pháp Loa, diễn ra vào tháng 4-1979. Lúc bấy giờ vụ việc này cũng khá nổi đình nổi đám trong giới khảo cổ.

Ngay sau cuộc khai quật hai mộ tháp, ông tiếp tục tham gia và chủ trì khai quật hàng loạt mộ cổ của những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh, bà Nguyễn Thị Ngọc Chén (vợ ba chúa Trịnh Tùng), mộ bà chúa Sao Sa, tức Nguyễn Thị Duệ (nữ tiến sĩ duy nhất của nước ta, người từng giả trai đi học), Thượng tướng, Quận công Nguyễn Văn Linh…
Ông Tăng Bá Hoành.


Mỗi cuộc khai quật mộ cổ thời kỳ này, có sự chỉ đạo và tham gia của ông, đều là tâm điểm chú ý của cả nước. Nhân dân khắp nơi kéo về xem, quây kín khu vực khai quật cứ như đi... biểu tình.

Lần để lại nhiều kỷ niệm nhất là lần khai quật mộ cụ Nguyễn Bá Khanh. Suốt 40 ngày ông cùng các đồng sự làm việc miệt mài, không có một đồng công lao nào. Cũng may mà suốt 40 ngày đó, ông được nhà chùa nấu cơm cho ăn miễn phí.

Lúc chuẩn bị khai quật, ông định làm báo cáo gửi Bộ. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh phán miệng rằng không cần, cứ làm trước, báo sau. Vụ ấy, ông suýt bị bỏ tù vì phát hiện ngôi mộ cổ cực quý, tài sản quốc gia, mà tự tiện khai quật, không báo cáo trung ương.

Chỉ đạo và tham gia khai quật hàng chục ngôi mộ cổ của những nhân vật nổi tiếng, song tên tuổi của nhà khảo cổ tỉnh lẻ này chỉ thực sự được biết đến khi những ngôi mộ thuyền, mộ cũi, mộ Hán, có tuổi trên dưới 2.000 năm, được quật lên khỏi lòng đất.

Những chiếc mộ thuyền bị bỏ quên trong Bảo tàng Hải Dương.


Cách đây hàng ngàn năm, vùng đất này, nhiều nơi còn là đầm lầy lụt lội, sông ngòi chằng chịt. Cư dân Đông Sơn sinh sống, đi lại chủ yếu bằng thuyền, bè. “Sống ngâm da, chết ngâm xương”, “sống trên thuyền thì chết cũng ở trên thuyền”. Chính cuộc sống sông nước đã tạo ta tín ngưỡng mộ thuyền đặc sắc.

Cư dân ở xứ sở thờ thần mặt trời luôn tin rằng linh hồn người chết sẽ được chở đến thế giới bên kia, xứ sở của hồn.

Phương tiện đi lại thời đó chủ yếu là thuyền, nên linh hồn cũng cần một con thuyền. Để chuẩn bị cho chuyến đi của hồn, ngoài chiếc thuyền ra, còn phải có vũ khí, đồ dùng, thức ăn.

Điều may mắn là cư dân thời đó đã đào huyệt thật sâu trong lòng đất, tận lớp đất sú vẹt có nhiều khí mê tan. Chính lớp khí này làm cho các loại vi khuẩn ăn gỗ, ăn xương không sống được, để đến nay, hơn 2.000 năm sau, con cháu cư dân Đông Sơn vẫn được chiêm ngưỡng gần như nguyên vẹn thế giới của tổ tiên hiện diện qua các ngôi mộ cổ.

Điều kỳ diệu là một "nhà khảo cổ tỉnh lẻ" như ông lại có rất nhiều cơ hội chạm tay vào những ngôi mộ thuyền đặc biệt đến nỗi làm ngạc nhiên cả giới khảo cổ thế giới...

(còn nữa)

Phạm Ngọc Dương