Vấn Đề Phôi Bào, Ngừa Thai, Phá Thai

Và Quan Điểm Về Tái Sanh, Luân Hồi Trong Đạo Phật.


Tâm Hà Lê Công Đa
http://www.phathocvienpghh.net/bt106lcdphoibao.htm


Các lý thuyết tôn giáo cũng như các nhà khoa học đã cố gắng đưa ra những lý giải khác nhau về nguồn gốc xuất hiện của con người trên trái đất này. Phải chăng con người là sản phẩm do Thượng Đế tạo dựng hay chỉ là một giống vượn người trải qua một chuổi quá trình tiến hoá lâu dài rồi biến thành người theo thuyết tiến hoá của Darwin? Trước vấn đề này, Phật giáo vốn tin tưởng vào thuyết tái sanh, luân hồi, cho rằng tất cả các loài chúng sanh luôn quanh quẩn trong vòng luân hồi sinh tử (samsâra), và được tái sinh qua bốn cách thế khác nhau: noãn sinh – andaja, tức là sự sanh ra từ trứng; thai sinh- jatâbuja, tức là sanh ra từ bào thai của người mẹ; thấp sinh - samsedja, tức là sanh ra từ sự ẩm thấp hay từ rịn rỉ của các thành tố, đất, nước v.v... ; và hóa sinh – oppâtika, tức là do hóa hiện mà sanh ra, không phải trải qua các giai đoạn phôi thai; những con người đầu tiên là những chúng sanh thuộc loại hoá sinh này.

Cho dù khoa học ngày càng tiến bộ, đặc biệt là trên lãnh vực Sinh học với sự khám phá DNA, đã giải mả một số bí mật trong lãnh vực Di truyền học, cùng với những nghiên cứu sâu rộng về tế bào mầm và kỹ thuật nhân giống (cloning), câu hỏi về nguồn gốc con người cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Tuy nhiên một điều mà chắc hẵn mọi người đều đồng ý với nhau là, con người được sinh ra đời do kết quả của sự thụ tinh, từ đó phôi bào được hình thành, nuôi dưỡng và nảy nở trong tử cung của người mẹ trong một khoảng thời gian nào đó trước khi chào đời. Chúng ta tạm thời bắt đầu từ khởi điểm này, bởi vì từ điểm cốt lỏi này, nhân loại hôm nay đang đối diện với một vấn đề bao trùm trên khắp các mặt lương tâm, đạo đức, luân lý, và xã hội, một vấn đề hiện vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi và đôi khi dẫn đến đổ máu: Phôi bào có thể xem như là một con người? Nếu quan niệm phôi bào là một con người tại sao luật pháp của các xã hội lại chấp nhận chuyện phá thai, không xem đó là một tội ác sát nhân?

Trước khi đi sâu vào nhận thức, quan điểm của Phật giáo vấn đề này, xin mời bạn đọc điểm qua một số huyền thoại, truyền thuyết dân gian của Phật giáo liên quan đến cái chết của những hài nhi, đặc biệt là huyền thoại về một vị Bồ Tát chuyên bảo vệ trẻ con -thủy tử, của truyền thống Phật giáo Nhật Bản.



1. Từ Huyền Thoại Về Một Vị Bồ Tát Bảo Vệ Trẻ Con.


Theo truyền thống Phật giáo Nhật Bản, để tưởng niệm những trẻ thơ chết khi còn ở trong bụng mẹ (sẩy thai, phá thai,...) hoặc chỉ trải qua một vài năm ngắn ngủi của đời người, Phật giáo Nhật Bản có nghi lễ tôn thờ Ðịa Tạng Mizuko (Thủy Tử) -mà hình tượng là một nhà sư bồng một đứa trẻ ở trên tay và một hoặc hai đứa trẻ đang quấn quít dưới chân Ngài- vốn rất phổ thông trong đại chúng. Cũng theo niềm tin tưởng từ lâu đời, người Nhật cho rằng mọi sinh vật đều được sinh ra từ lòng biển cả, kể cả đảo quốc và cư dân của đất Phù Tang, Thủy Tử (Mizuko) vì thế được dùng để diễn tả phôi bào của những sinh vật đang trôi nổi bình bồng trong một thế giới đầy nước, chờ đợi được sinh ra đời. Trước thế kỷ thứ 20, tỉ lệ tử suất của trẻ con ở Nhật Bản ở một mức độ rất cao, có không đến 50% trẻ em sống sót đến 5 - 7 tuổi. Tuy nhiên đây không phải là lý do chính để người Nhật tạo ra biểu tượng Ðịa Tạng Mizuko mà truyền thống nghi lễ này chỉ mới hình thành trong khoảng thập niên 1960, khi dân Nhật trãi qua một thời kỳ khó khăn về kinh tế, hậu quả của Ðệ Nhị Thế Chiến. Trong điều kiện này, chính phủ Nhật Bản khuyến khích mỗi gia đình lý tưởng chỉ nên có hai con và phá thai vì thế là một trong những biện pháp được sử dụng hợp pháp để đạt đến chỉ tiêu này.

Theo niềm tin tưởng rất lâu đời của Phật tử Nhật Bản kể từ thời Trung cổ thì Bồ Tát Ðịa Tạng rất thương yêu trẻ con và vì thế Ngài là vị Bồ Tát có một sứ mệnh rất đặc biệt là bảo vệ trẻ con. Chính vì vậy mà đa phần những hình tượng Bồ Tát Ðịa Tạng tại Nhật Bản đều mang một khuôn mặt trẻ thơ rất đáng yêu. Trong các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Ðại thừa như Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam, v.v.. chỉ có Nhật Bản là có truyền thống độc đáo này. Người ta không biết rõ niềm tin này được phát xuất từ đâu, có thể là bắt nguồn từ cuốn Kinh Ðịa Tạng Bổn Nguyện. Theo một phẩm ở trong cuốn Kinh này thì vị quỉ thần trách nhiệm về sinh mệnh và tuổi thọ của con người, Chủ Mạng Quỉ Vương, cũng là một vị Bồ Tát do lòng từ hóa hiện, trong khi cùng với các vua Diêm La câu hội về cung trời Ðao Lợi để nghe Phật thuyết pháp, đã bạch Phật:

“Người trong cõi Diêm Phù Ðề lúc mới sanh, không luận là con trai hay con gái, khi sắp sanh ra chỉ nên làm việc phước lành thêm sự lợi ích cho nhà cửa, thời Thổ Ðịa vui mừng khôn xiết, ủng hộ cả mẹ lẫn con đều đặng nhiều sự an vui, hàng thân quyến cũng được phước lợi. Hoặc khi đã hạ sanh rồi, nên cẩn thận chớ có giết hại sanh vật để lấy những vị tươi ngon cung cấp cho người sản mẫu ăn, cùng nhóm họp cả cả hàng quyến thuộc lại để uống rượu ăn thịt, ca xang đờn sáo, nếu làm những việc trên đó có thể làm cho người mẹ đứa con chẳng đặng an vui.” (1)

Trong một đoạn kinh khác, khi tán thán về công năng và oai lực của Bồ Tát Ðịa Tạng, Phật đã tuyên thuyết cùng Bồ tát Phổ Quảng:

“Lại vầy nữa, nầy Phổ Quảng! Về trong thuở về sau này , nơi cõi Diêm Phù Ðề, trong hàng Sát Ðế Lợi, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ, tất cả các hạng người, và những dân tộc giòng họ khác, như có người nào mới sanh đẻ hoặc con trai hoặc con gái, nội trong bảy ngày, sớm vì đứa trẻ mới sanh đó mà tụng kinh điển không thể nghĩ bàn này, lại vì đứa trẻ mà niệm danh hiệu của Ngài Ðịa Tạng Bồ Tát đủ một muôn biến. Ðược vậy thời đứa trẻ hoặc trai hay là gái mới sanh ra đó, nếu đời trước nó có gây ra tội vạ chi cũng đặng thóat khỏi cả, nó sẽ an ổn vui vẻ dễ nuôi, lại thêm được sống lâu. Còn như nó là đứa nương nơi phước lực mà thọ sanh, thời đời nó càng được an vui hơn cùng sống lâu hơn.” (2)

Chăm lo cho hạnh phúc trẻ thơ chưa đủ, Bồ Tát Ðịa Tạng còn chăm lo đến số phận của những trẻ thơ bất hạnh đã lìa đời ngay lúc còn thơ ấu, hoặc vì lý do nào đó đã chết khi đang còn là một bào thai ở trong bụng mẹ. Chết yểu, theo quan niệm của người Á Ðông là một điều bất hạnh. Càng bất hạnh hơn nữa theo quan điểm Phật giáo là vì trẻ thơ chưa có ý niệm về sự sống, chết; thế nên trong giai đoạn thân trung ấm, thần thức của chúng vẫn còn lảng vảng chung quanh những người thân yêu như cha mẹ anh chị em, không chịu rời bỏ căn phòng và ngôi nhà mà chúng đã từng sinh sống. Hàng ngày chúng tiếp xúc với họ, nói chuyện với họ và cảm thấy rất đau khổ vì những người thân yêu này hầu như không ai nghe lời chúng, không có vẻ gì quan tâm đến chúng cả. Chúng thật là cô đơn, buồn tủi và rất đáng tội nghiệp. Chúng ta đừng vội nghĩ một cách đơn giản rằng vì trẻ con ngây thơ trong trắng, trong đời chúng chưa hề gây ra một ác nghiệp nào nên khi chết là có thể được sanh về những cảnh giới tốt đẹp. Sự thật không phải như vậy. Ðiều này đã được Ðức Phật giải thích một cách khá rõ ràng khi phản bác lập luận của một người ngoại đạo cho rằng, nếu một người nào đó, thân không làm những điều xấu ác, miệng không thốt những lời cay độc, không có những tác ý xấu xa, không kiếm sống bằng những nghề bất lương, người đó như thế đã hoàn tất những nỗ lực tu tập tinh thần cần thiết và trở thành một bậc thánh, một bậc giác ngộ trong kiếp sống này. Ðức Phật đã phản bác rằng:

“Một hài nhi còn nằm ngữa chưa hề có ý niệm thế nào là “thân” làm sao chúng có thể có những hành động xấu ác khi thân chỉ biết bò và lật? Một hài nhi còn nằm ngữa ngay cả còn chưa biết “nói chuyện” thì làm sao có thể thốt ra được những lời cay độc khi miệng chỉ biết khóc nhè?... [Chúng] không hề có ý niệm thế nào là “tác ý” thì làm sao có thể có những tác ý xấu xa? [Chúng] không hề có ý niệm thế nào là “nghề nghiệp sinh sống” thì làm sao chúng có thể hành nghề bất lương để kiếm sống ngoại trừ rúc vào vú mẹ? Nếu [tất cả những gì mà ông nói] như thế, thì một đứa hài nhi còn nằm ngữa là một bậc thánh, và là [một bậc giác ngộ]. (3)

Như thế những linh hồn trẻ thơ này sẽ đi về đâu trong và sau giai đoạn thân trung ấm và Bồ Tát Ðịa Tạng làm thế nào để cứu giúp chúng?



Bên bờ sông Nại Hà

Theo sự tin tưởng của người Phật tử Nhật Bản, lứa tuổi trẻ con vì trí óc còn non nớt chưa phát triển nên không thể phân biệt được phải trái cũng như không thể thấu hiểu được những giáo lý của đạo Phật. Dĩ nhiên vì không thông hiểu giáo lý, chúng không thể tu tập để đạt đến giác ngộ -như đoạn kinh Phật đã giải thích ở trên- vì thế nên tuy ngây thơ vô tội, sau khi từ giả cõi đời chúng không thể sanh vào cảnh giới Phật, kể cả cảnh giới Tịnh Ðộ. Ngược lại chúng bị rơi vào cõi u minh mờ mịt. Huyền thoại Á Ðông thường đề cập đến một giòng sông mà người chết trong giai đoạn thân trung ấm cần phải vượt qua, đó là sông Nại hà.

Theo truyền thuyết của Nhật Bản, những trẻ con yểu tử sau khi chết đều tụ tập ở bên bờ sông này. Do lòng thương nhớ khôn nguôi đến những người thân yêu, tại đây chúng nhặt những hòn đá cuội sắp xếp thành những ngôi nhà để tưởng nhớ đến cha mẹ, anh chị em. Khi hoàn tất xong một cái, chúng bảo rằng: “Cái nhà này là của mẹ, người bảo bọc tôi. Cái nhà này là của cha, người nắm tay tôi dẫn dắt tôi trên đường đời. Cái này là của anh, chị, em tôi...”

Một số huyền thoại cho rằng chính trong lúc này Bồ Tát Ðịa Tạng đã hiện ra để chơi với chúng, khuyến khích, tiếp tay xây dựng những ngôi nhà trẻ con này hầu giúp chúng tích lũy công đức để nhờ đó có thể vượt qua giòng sông Nại hà, trong khi chờ đợi chúng lớn khôn với đầy đủ trí phán đoán để có thể đi đầu thai sang kiếp khác. Tuy nhiên trong số những truyền thuyết này, cũng có chuyện đã kể lại một cách thương tâm và ghê rợn hơn. Truyện mô tả là không khí bên bờ sông Nại hà rất là đìu hiu và thê lương, trẻ con thì không ngớt khóc than vì không còn cha mẹ để nương tựa, bám víu. Trong lúc này một mụ phù thuỷ độc ác tên là Datsuba với một con mắt cháy đỏ hung dữ hiện ra, lột hết áo quần của tất cả bọn chúng treo lên cành cây. Mụ không ngớt nguyền rủa chúng là do chết yểu nên chúng đã không hoàn tất bổn phận của người con là phải săn sóc, giúp đỡ cha mẹ lúc cha mẹ già yếu. Ðể bù lại, mỗi ngày mụ bắt chúng phải ở trần truồng xây những căn nhà bằng đá cuội như là một sự trừng phạt. Nhưng rồi cứ mỗi buổi chiều tối, khi những căn nhà đã sắp hoàn thành xong thì một bầy quỉ hung ác khác, đầu sừng răng nanh hiện ra, dùng gậy sắt đập phá hết tất cả những công trình xây dựng của bọn trẻ, miệng không ngừng la lối nạt nộ: “Khốn nạn cho tụi bây chết trước cha mẹ! Tụi bây đâu đã biết cầu nguyện là gì!!”

Chính lúc này thì Bồ Tát Ðịa Tạng hiện ra và bọn trẻ trong lúc đang kinh hoàng vội vàng chạy đến chui vào tăng bào của Ngài để tìm chỗ ẩn trốn. Những đứa nhỏ hơn vì chạy không kịp đến trễ thì vội đeo vào cánh tay hay thiền trượng của Ngài. Bồ Tát Ðịa Tạng liền an ủi vỗ về chúng: “Không có gì các con phải sợ hãi cả. Từ đây ta là Mẹ là Cha của các con.” Bọn quỉ đã xúm lại đòi Bồ Tát Ðịa Tạng phải trao đám trẻ con lại cho chúng, nhưng Ngài đã dùng uy lực của mình phóng ra những vầng hào quang rực rỡ khiến bọn chúng đều khiếp sợ bỏ đi. Huyền thoại này của người Nhật đã mô tả lại những nỗi khổ đau mà ngay cả một đứa trẻ nhỏ bé ngây thơ vô tội cũng phải gánh chịu ở thế giới bên kia và chỉ có Bồ Tát Ðịa Tạng là người duy nhất đã cứu vớt những linh hồn bé nhỏ đó.



Người ta không biết nguồn gốc của huyền thoại về giòng sông Nại hà được phát xuất từ đâu. Có thể là bắt nguồn từ truyện Thập Ðiện Diêm Vương trong các cuốn kinh Ngọc Lịch Minh Kinh của người Trung Hoa, xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ Tám, nói rõ chi tiết cuộc hành trình về bên kia cỏi chết mà mỗi người phải trải qua. Theo niềm tin của người Trung Hoa thì trong tuần lễ thứ hai của giai đoạn thân trung ấm, mỗi linh hồn đều phải vượt qua giòng sông Nại hà này. Có ba cách để đi qua sông. Người nhiều công đức thì thong dong đi qua cầu. Kẻ ít công đức hơn thì được phép lội qua ở chỗ cạn. Kẻ không có chút công đức nào lại mang nhiều tội ác thì phải lội qua con sông với giòng cuồng lưu chảy xiết đầy sóng to gió lớn. Ða số đều bị chết đuối. Những người vượt thoát qua được giòng sông Nại hà đều lần lượt tùy theo tội ác nặng nhẹ sẽ được Thập Ðiện Diêm vương phân xử, kết án và tống vào các cửa ngục. Ðến cửa ngục thứ mười tức là cửa ngục cuối cùng, cũng là nơi mà tội nhân phải gánh chịu những hình phạt nặng nề nhất, Bồ Tát Ðịa Tạng xuất hiện xin với Diêm Vương cho tội nhân được giảm khinh. Bởi vì các vua Diêm Vương đều kính nễ Bồ Tát Ðịa Tạng, thế nên nếu chỉ cần tìm ra một điểm tốt nhỏ nhất của tội nhân, vua Diêm Vương cũng nễ lời Bồ Tát Ðịa Tạng sẵn sàng cho họ được hưởng án giảm khinh.

Chính vì tin tưởng vào giòng sông Nại hà này cũng như vào Bồ Tát Ðịa Tạng mà người Nhật Bản trong hàng thế kỷ qua đã xây dựng lên rất nhiều đền đài, lăng tẩm để thờ phượng Ngài dọc theo các bờ sông hay các ghềnh đá bên cạnh bờ biển, mà một địa điểm nổi tiếng là “Sai (Nại hà) no kawara of Numa no Uchi” được xây dựng từ thời Edo (Uế Thổ). Tại đây những người cha mẹ đau khổ vì mất con đã đến sắp xếp những mộ tháp bằng đá cuội, hoặc đặt vào đó những viên đá nhằm tưởng niệm những đứa con đã qua đời trước bức tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng. Có nơi người ta sắp xếp hàng trăm bức tượng nhỏ khuôn mặt của Bồ Tát Ðịa Tạng cùng với đồ chơi trẻ con xen kẻ bên cạnh những hòn đá tưởng niệm. Lâu ngày, những mộ tháp càng lớn dần lên do những người tin tưởng đến viếng thăm bỏ thêm vào những viên đá, không phải chỉ để tưởng nhớ đến những đứa con thân yêu của mình mà cho cả những linh hồn của những trẻ thơ bất hạnh đã đi qua cõi đời này kể cả những trẻ vì lý do nào đó đã chết khi đang còn là một bào thai ở trong bụng mẹ.

Gần đây, vấn đề quan hệ tình dục nam nữ ngày càng trở nên dễ dãi, thêm vào đó để ngăn ngừa tình trạng nhân mãn, trên thế giới -đặc biệt là tại các quốc gia đang mở mang- việc phá thai đã được nhà nước khuyến khích mà hậu quả là hàng năm đã có đến hàng triệu sinh mạng bị bóp chết ngay từ khi còn là một phôi bào. Chỉ riêng tại Việt Nam, theo thống kê chính thức của chính quyền, (cập nhật ngày 19-08-2004): International Data for Evaluation of Abortion Services (IDEAS), thì số phá thai hàng năm lên đến 1,566.046 vụ, chiếm tỉ lệ 8.3% (trong giới phụ nữ thuộc lớp tuổi 15-44). Việt Nam hiện đang đứng đầu thế giới về lãnh vực này, tiếp theo là Cuba với 209,900 vụ chiếm tỷ lệ 7.77%. (4) Như vậy, đạo đức Phật giáo quan niệm như thế nào về vấn đề ngừa thai, phá thai và đặc biệt là sinh mệnh của phôi bào?