Cổ thuật - nỗi ám ảnh muôn đời của các Hoàng đế Trung Hoa

Trần Quỳnh | 11/09/2016 23:57


Trong xã hội Trung Quốc xưa, "vu thuật" (đồng cốt, bùa chú) đặc biệt thịnh hành. Đặc biệt, có 1 loại được gọi là "cổ thuật" đã trở thành nỗi ám ảnh của các đời Hoàng đế Trung Hoa.


Ly kỳ thứ tà thuật hại người bằng... động vật

"Cổ thuật" dựa vào nhiều loại sinh vật như rắn, ếch, chim, mèo…dùng để sai khiến, hạ độc, thậm chí hại chết người khác.

Cuốn "Chu lễ" từng đề cập tới cách giải trừ cổ thuật. Từ đó có thể thấy, loại thuật này từ sớm đã rất thịnh hành trong các triều đại phong kiến Trung Quốc. "Chu dịch" cũng có một quẻ mang tên "cổ quẻ". Như vậy, "cổ thuật" đã bắt đầu từ thời khai sinh của văn minh Hoa Hạ.

Cổ thuật chủ yếu hại người bằng cách sử dụng động vật, đa số là những sinh vật có độc. (Tranh minh họa).
Trong đó, hai cách hạ "cổ" được biết tới nhiều hơn cả là sử dụng "cổ trùng". Loại trùng này thường mang trên mình độc dược cực mạnh, được nuôi dưỡng bởi các vu sư.
Theo "Thông chí lục thư lược" của tác giả Trịnh Triều đời nhà Tống, người xưa tạo "cổ trùng" bằng cách đem tất cả những loại côn trùng có độc, bỏ vào một cái vò, để cho chúng cắn xé lẫn nhau. Sau cùng sẽ chỉ còn lại một con sống sót thì lấy con côn trùng ấy làm "cổ".

Tương truyền rằng, phàm là những người bị trúng "cổ trùng", khi phát tác sẽ cảm thấy cơ thể bị nghìn vạn con côn trùng cắn xé. (Ảnh minh họa).

Phía Bắc Trung Hoa xưa còn lưu hành một hình thức "cổ thuật" khác, được gọi là "dưỡng ngao".Về bản chất, "dưỡng ngao" cũng giống như nuôi "cổ trùng", chỉ khác ở chỗ phương pháp "cổ thuật" này dùng đến loài chó chứ không phải côn trùng.
Theo đó, nếu chó mẹ sinh được 9 chó con, cả 9 con chó này sẽ bị nhốt vào một phòng kín. Để sống sót và sinh tồn, những con chó này sẽ cắn xé lẫn nhau. Con chó sống sót sau cùng sẽ được gọi là "ngao".


Nguyên nhân của những thảm án chấn động Trung Hoa
Kinh qua nhiều triều đại trong lịch sử Trung Hoa, những thảm án liên quan tới cổ thuật không phải là con số ít. Đối với việc sử dụng cổ thuật, nuôi dưỡng cổ trùng, cổ sức, các triều đại phong kiến Trung Quốc đều coi đó là "trọng tội" và phải nhận hình phạt rất nặng nề.


Mục "Tặc đạo luật" trong "Đường luật sơ nghị" có ghi: "kẻ tạo súc cổ độc (nuôi bất kể con gì dùng làm cổ thuật hại người) đều bị xử giảo (treo cổ)."
Cuốn "Đại Thanh luật lệ" trong phần "Hình luật" cũng ghi rõ: "chế tạo, giấu vật độc, trùng độc, kẻ dùng hay kẻ giấu đều bị xử trảm."
Cũng bởi vậy mà số kẻ thực sự có khả năng dùng "cổ" thì ít, nhưng người bị vu vạ thì nhiều vô số kể.

Người bị tình nghi có dùng "cổ" sẽ khó thoát khỏi án tử. (Tranh minh họa).

Những vụ án liên quan tới cổ trùng, cổ thuật được ghi nhận nhiều nhất vào thời nhà Hán. Trong số đó, nổi tiếng nhất là hai vụ án vu cổ liên quan tới Hoàng tộc dưới thời Hán Vũ Đế.
Năm xưa, Vũ Đế thành hôn với Hoàng hậu Trần A Kiều khi còn chưa tới tuổi trưởng thành. Sau này, Trần Hoàng hậu không có con, quan hệ của hai người cũng ngày một phai nhạt.


Năm 139 TCN, Hán Vũ Đế đem lòng say mê Vệ Tử Phu. Điều này khiến cho Trần A Kiều và gia tộc họ Trần vô cùng tức giận, ra sức tìm cách ám hại mỹ nhân họ Vệ.
Cũng từ đây, Trần Hoàng hậu bắt đầu bước vào con đường tà thuật. Bà liên tục uống nhiều phương thuốc bí truyền để mong đậu long thai, đồng thời còn nhờ người đồng cốt Sở Phục giúp mình mang thai và nguyền rủa Vệ Tử Phu.
Năm 130 TCN, có người tố cáo Trần Hoàng hậu dùng thuật vu cổ, chuyện bùa yểm từ đó bị phát giác. Vụ án kết thúc bằng việc Trần A Kiều mất ngôi Hoàng hậu, bị giam vào lãnh cung, Sở Phục bị xử tử, kéo theo đó là tính mạng của 300 người có liên quan.

Hoàng hậu Vệ Tử Phu từng là nạn nhân của hai vụ án cổ thuật dưới thời Hán Vũ Đế. (Ảnh: nguồn internet).

Tám năm sau, Hán Vũ Đế lại gặp phải một vụ việc nghiêm trọng có liên quan tới cổ thuật. "Vu cổ chi họa" xảy ra trong những năm Chính Hòa được xem là vụ án về cổ thuật nổi tiếng nhất trong lịch sử Hán triều.
Theo đó, vào năm 92 TCN, vì tin vào điềm báo trong mộng, Hán Vũ Đế liên tục điều tra về những vụ án có liên quan tới cổ thuật. Khi đó, vợ chồng Thừa tướng đương triều là Công Tôn Hạ bị phát giác sử dụng vu cổ.


Vụ án này khiến cho dòng họ Công Tôn phải chịu họa diệt môn, đồng thời còn liên lụy tới những thành viên trong thân tộc họ Lưu, trong đó có 2 người con gái của Vệ Hoàng hậu là Dương Thạch Công Chúa và Chư Ấp công chúa.
Hán Vũ Đế sau đó tiếp tục mở rộng cuộc điều tra, giao trọng trách này cho sủng thần Giang Sung phụ trách.
Trước đó, Giang Sung từng có lần đắc tội với Thái tử Lưu Cứ. Thấy Hán Vũ Đế tuổi đã cao, họ Giang này sợ Lưu Cứ lên ngôi thì bản thân sẽ khó toàn mạng, liền tìm cách ám hại Thái tử.


Nhân lúc nỗi sợ hãi về cổ thuật đang ám ảnh Hán Vũ Đế, Giang Sung liền bí mật tố cáo rằng có người mong Hoàng thượng chết sớm, dùng thuật vu cổ để yểm hại nhà vua.
Tháng 7 năm 91 TCN, Giang Sung tìm đến cửa cung của Vệ Hoàng hậu và Thái tử, rêu rao rằng nơi này có bùa yểm.
Lưu Cứ sợ Giang Sung hại mẹ con mình, nghe theo lời của Thái phó Thạch Đức, liền giả bắt Sung và mang quân chiếm cứ các vị trí trọng yếu trong kinh thành Trường An.


Hán Vũ Đế đang dưỡng bệnh, nghe tin Thái tử làm loạn thì vô cùng tức giận, hạ lệnh vây bắt con trai mình. Sau cùng, Lưu Cứ bị thua, phải tự sát trong uất ức Vệ Hoàng hậu cũng buộc phải tự vẫn, 3 hoàng tử và 1 công chúa khác đều bị xử tử.