kết quả từ 1 tới 10 trên 10

Ðề tài: Putin kêu gọi ủng hộ Trung Quốc chống Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông

  1. #1

    Mặc định Putin kêu gọi ủng hộ Trung Quốc chống Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông

    Putin kêu gọi ủng hộ Trung Quốc chống Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông

    HỒNG THỦY
    07:07 06/09/16 THẢO LUẬN (39)

    (GDVN) - Phát biểu của Putin không làm thay đổi giá trị và hiệu lực của phán quyết trọng tài, mà nó chỉ làm thay đối cái nhìn và đánh giá của nhiều người về ông và...

    Sputnik News ngày 5/9 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow hỗ trợ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, chống lại Phán quyết Trọng tài hôm 12/7 và phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của một bên thứ ba vào Biển Đông.
    Ông Vladimir Putin được Sputnik News dẫn lời cho biết:


    "Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi đã phát triển sự tin cậy lẫn nhau, quan hệ rất thân thiện. Nhưng ông không bao giờ, tôi muốn nhấn mạnh điều này, không bao giờ tiếp cận tôi với yêu cầu bằng cách nào đó hãy bình luận, bằng cách nào đó hãy can thiệp vào vấn đề này.
    Chúng tôi tất nhiên có ý kiến của riêng mình về vấn đề này. Đó là, trước hết chúng tôi không can thiệp vào, và chúng tôi tin rằng bất kỳ sự can thiệp của một sức mạnh không phải từ khu vực chỉ gây thiệt hại cho việc giải quyết những vấn đề này.
    Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi họp báo tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Sputnik News.


    Sự can thiệp của bên thứ ba không nằm trong khu vực, theo ý kiến của tôi, là có hại và phản tác dụng. Chúng ta hãy đoàn kết và hỗ trợ lập trường của Trung Quốc về vấn đề này - không công nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài.

    Đây không phải là một vấn đề chính trị, mà là thuần túy pháp lý. Nó có liên quan đến một thực tế rằng bất kỳ một thủ tục tố tụng trọng tài nào đều phải được khởi xướng bởi các bên tranh chấp, trong khi Tòa Trọng tài cần nghe những lập luận và quan điểm của các bên tranh chấp.


    Như bạn đã biết, Trung Quốc đã không chấp nhận giải quyết qua cơ chế trọng tài ở Lahay và không ai nghe thấy lập trường của họ ở đó. Làm thế nào bạn có thể nhận thấy những phán quyết này là công bằng?
    Chúng tôi ủng hộ lập trường của Trung Quốc về những vấn đề này", Putin nói với các phóng viên trong một buổi họp báo bên lề G-20 tại Hàng Châu, Trung Quốc. [1]


    Như vậy giờ này các nhà ngoại giao Nga không phải tốn công giải thích hay "nói thêm cho rõ" về lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông.
    Những người Việt yêu mến dân tộc Nga và Liên Xô trước đây cũng khỏi tốn công suy nghĩ cách bảo vệ thần tượng Putin trong vấn đề Biển Đông. Mọi thứ đã quá rõ ràng.
    Putin ủng hộ ai, ủng hộ nước nào là quyền của ông ấy. Tuy nhiên về mặt logic, người viết cho rằng, phát biểu của Putin tự phủ định nhau.


    Ông nói rằng sự can thiệp của bên thứ ba nằm ngoài khu vực vào Biển Đông là có hại và phản tác dụng. Nhưng chính phát biểu của ông là ví dụ không thể rõ ràng hơn về sự can thiệp "có hại và phản tác dụng" ấy.


    Bởi lẽ đích thị Nga là một bên thứ 3 nằm ngoài khu vực, bởi lẽ Nga đang can thiệp trực tiếp vào vấn đề Biển Đông bằng cách chống lại một phán quyết trọng tài có hiệu lực pháp lý quốc tế của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982.
    Tuy nhiên phát biểu của Putin không làm thay đổi giá trị và hiệu lực của phán quyết trọng tài, mà nó chỉ làm thay đối cái nhìn và đánh giá của nhiều người về ông và vị thế của nước Nga ngày nay.
    Có thể nhiều nhà phân tích tin rằng, sau G-20 một liên minh Trung - Nga chống lại trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Thế giới II mà Bắc Kinh và Moscow tin là do Washington dẫn đầu, sẽ hình thành hoặc đã hình thành.

    Thậm chí có người tin sự cải thiện quan hệ Trung - Nga dưới thời Putin - Tập Cận Bình chống Mỹ và phương Tây không khác gì việc Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Trung Quốc năm 1972 để hình thành một "liên minh" chống Liên Xô.

    Tuy nhiên người viết đồng ý với nhận định của nhà nghiên cứu Nga Alexander Gabuev từ Chương trình Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Canegie ở Mowscow trên South China Morning Post ngày 15/8 rằng, Trung - Nga không có khả năng trở thành đồng minh.

    Nga cần thị trường, nguồn vốn của Trung Quốc, cần bán vũ khí cho Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng có thể cung cấp một số linh kiện thiết bị quân sự cho Nga. Còn theo người viết, Bắc Kinh cần tiếng nói của Moscow để vớt vát lại thể diện sau Phán quyết Trọng tài 12/7.

    Trong khi hình ảnh của Putin không mấy tốt đẹp ở phương Tây, ông có nhiều người hâm mộ tại Trung Quốc. Tuy nhiên theo South China Morning Post, không có nhiều người Trung Quốc tin rằng ông là một người bạn thực sự của nước họ. [2]

    Mặt khác, quan hệ Trung - Nga dường như chỉ xây dựng trên sự đổi chác lợi ích một cách thực dụng, thiếu sự bền vững lâu dài dựa trên luật chơi chung - luật pháp quốc tế. Khi xảy ra mâu thuẫn lợi ích, đồng minh cũng có thể quay ra cắn xé nhau.

    Năm 1950 Mao Trạch Đông đi Moscow ký Hiệp ước Hữu nghị, liên minh và tương trợ lẫn nhau với Liên Xô. Chỉ 10 năm sau, năm 1960 Mao Trạch Đông và Khrushchev cãi nhau, xúc phạm nhau ngay tại Đại hội Đảng Cộng sản Rumani.

    10 năm tiếp theo, năm 1970 Mao Trạch Đông tìm cách quay sang bắt tay với Mỹ chống Liên Xô. Năm 1979 Trung Quốc liên minh với Pakistan và Mỹ chống lại Liên Xô trong cuộc chiến tại Afghanistan.

    Việt Nam cũng từng là nạn nhân của cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược giữa các siêu cường, nên hơn ai hết cần đề cao cảnh giác, dùng luật pháp quốc tế làm căn cứ để xem xét, ứng xử với các vấn đề quốc tế và khu vực.

    Những hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông và những phát biểu chống lưng của Tổng thống Putin cho thấy, khái niệm luật pháp quốc tế ở Biển Đông theo cách hiểu của các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải, Điện Kremlin khác rất nhiều với phần còn lại của thế giới, đi ngược lại lợi ích hợp pháp của Việt Nam và khu vực.

    Vì vậy thấy rõ tình hình để có quyết sách phù hợp là điều quan trọng, cần thiết.

    Những ai yêu mến Putin xin cứ tiếp tục giữ tình yêu ấy. Có điều trước những phân tích phê phán quan điểm của Putin về Biển Đông và tác động, ảnh hưởng của nó thì xin đừng vội vàng hấp tấp chụp mũ cho đồng bào mình là "xuyên tạc quan điểm của Nga về Biển Đông" hay "chống phá quan hệ hữu nghị Việt - Nga".

    Tài liệu tham khảo:

    [1]http://sputniknews.com/world/2016090...ina-putin.html
    [2]http://www.scmp.com/news/china/diplo...nas-guest-list

    Hồng Thủ
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Chuyên gia: Ông Putin 'bênh Trung Quốc' vì có nỗi niềm riêng

    Phát biểu phản bác PCA của ông Putin không đồng nghĩa với việc Nga ủng hộ lập trường Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này có liên quan đến vấn đề kiện tụng của bán đảo Crimea sau này.



    Hãng tin Nga Sputnik hôm 5/9 dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc cho biết: Moscow ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực, phản đối bên thứ ba can thiệp vào Biển Đông.
    Phát biểu bất ngờ của người đứng đầu nước Nga đã dấy lên những tranh cãi cho rằng cuối cùng Moscow đã công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, đi ngược lại quan điểm của nhiều nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.


    Phát biểu về PCA của ông Putin không đồng nghĩa với việc Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông.

    Nói với các phóng viên ông Putin cho biết: "Chúng tôi đoàn kết và ủng hộ cho lập trường của Trung Quốc trong việc không công nhận phán quyết của tòa án", tuy nhiên ông đã nhấn mạnh rõ đây "không phải là lập trường chính trị, mà chỉ đơn thuần là ủng hộ về "tính chất pháp lý".






    Tổng thống Nga cho rằng "bất cứ thủ tục tố tụng nào đều phải được khởi xướng bởi tất cả các bên, và "Tòa Trọng tài phải lắng nghe lập luận, lập trường của các bên tranh chấp".


    "Trong khi đó Trung Quốc đã không tham gia trong suốt quá trình tòa xét xử cũng như không ai ở đó nghe lập trường của họ, bởi vậy phán quyết đưa ra là không công bằng. Chúng tôi ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở khía cạnh này", ông Putin nhấn mạnh.
    Tuy nhiên khi phân tích kỹ phát biểu của ông Putin, một số học giả đã nhận định quan điểm của Tổng thống Nga thực tế không hoàn toàn như vậy.


    Theo một số chuyên gia, phát ngôn của ông Putin trong việc ủng hộ lập trường không công nhận PCA của Trung Quốc khác hoàn toàn với việc Nga ủng hộ hoàn toàn lập trường và hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông.
    Lý giải trên Sputnik, chuyên viên phân tích chính trị Dmitry Mosyakov cho rằng tuyên bố này của Nga thực tế chỉ không công nhận quyết định của PCA về mặt hình thức chứ không hề phủ nhận về mặt nội dung.


    Điều này có nghĩa, ông Putin không hề bác bỏ nội dung phán quyết trong đó phủ nhận "đường chín đoạn" của Trung Quốc hay các vấn đề tranh chấp khác với Philippines.
    "Tổng thống đã nói rằng Nga không công nhận phán quyết của Tòa án vì trong một phiên tòa cần có sự tham gia của cả hai bên, thế nhưng đã chỉ có một bên hiện diện. Trung Quốc không tham gia vào phiên tòa này và đã không thể bảo vệ lập trường của nước mình theo đúng thể thức".


    Theo chuyên viên Nga - tuyệt nhiên không có nghĩa là Nga công nhận toàn bộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Quan điểm của ông Putin về PCA và quan điểm về tranh chấp của các nước trên Biển Đông là hoàn toàn tách bạch hẳn nhau. Đây là điểm rất quan trọng.
    Theo đó, "Tổng thống Putin không hề phản bác Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga đưa ra hôm 13/7 nêu chính xác lập trường của Matxcơva, và là bản Tuyên bố được đón nhận với phản ứng hoàn toàn giống nhau từ phía Việt Nam và các nước ASEAN khác", chuyên viên Mosyakov lưu ý.


    Nga phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, ủng hộ việc ký kết Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, tán thành giải quyết tình hình xung đột trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, và trên cơ sở thỏa thuận và đàm phán giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
    Theo ông Dmitry Mosyakov, như vậy, Nga từ chối thừa nhận quyết định của Tòa án Hague là thuần túy theo nguyên tắc hình thức. Và điều đó tuyệt nhiên không tác động gì đến tầm nhìn của Nga đối với việc giải quyết vấn đề Biển Đông.
    Tuyên bố của Bộ Ngoại giao trình bày chính xác rõ ràng lập trường của Nga là văn kiện không cách nào phủ nhận hay phản bác. Nga không công nhận phán quyết của Tòa án Hague, nhưng đồng thời công nhận cách giải quyết xung đột trong khuôn khổ pháp lý quốc tế.


    Hai ý này hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau. Về hình thức, Nga không công nhận quyết định của Tòa Hague, nhưng tầm nhìn của Moscow trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông là trùng hợp với lập trường của các nước ASEAN.


    Ông Putin muốn cảnh giác trước phương Tây



    Theo bình luận viên Dmitry Babich trên tờ Russia Today, tuyên bố này của ông Putin là một cách nhìn nhận "khách quan" về những tranh chấp trên Biển Đông hay giúp Moscow tránh "há miệng mắc quai".


    Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho biết nước này có thể sẽ kiện Nga ra tòa về các vùng biển quanh bán đảo Crimea.

    Bên cạnh đó, nó cũng phản ánh lập trường của Nga là không tán thành đối với những hành động can thiệp tương tự của các chính phủ phương Tây hay các tòa án quốc tế trong giải quyết các vấn đề tranh chấp mà bản thân Nga từng tham gia.
    Hồi năm 2014, phán quyết của tòa án tại Hague đã ra quyết định Nga phải trả 50 tỷ USD bồi thường thiệt hại cho các chủ sở hữu trước đây của công ty YUKOS. Doanh nghiệp này đã bị phá sản ở Nga một thập kỷ trước đó vì nợ tiền thuế rất lớn. Bộ Tài chính Nga sau đó đã tuyên bố phán quyết chỉ “một phía” và “thiên vị về chính trị”.


    Mặc dù đến tháng 6 năm nay Nga đã lật ngược lại tình thế và giành chiến thắng trong vụ kiện, tuy nhiên quá trình tố tụng kéo dài gần 2 năm cũng đã khiến ông Putin không khỏi đau đầu.
    Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga ở Moscow, Vasily Kashin chia sẻ trên BBC rằng, phát biểu của ông Putin có thể nói là thành tựu to lớn của phía Trung Quốc. Tuy nhiên nó không hẳn là ngả theo lập trường của Bắc Kinh.


    Có một giải thích rất đơn giản cho câu hỏi tại sao Nga lại đột ngột thay đổi lập trường, đó là bởi Nga có thể sắp lâm vào tình trạng phân xử tương tự với Ukraine.
    Hồi cuối tháng Tám, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho hay Ukraine đang cân nhắc kiện Nga lên Tòa Trọng tài PCA theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Crimea. Khiếu nại có thể bao gồm các vùng biển Azov, Biển Đen và Eo biển Kerch cùng tài nguyên tại các vùng biển đó.


    Đứng trước bối cảnh phải chịu sức ép rất lớn từ Mỹ và các quốc gia phương Tây trong vấn đề Crimea, việc đồng tình với lập trường không công nhận PCA của Trung Quốc sẽ là điều có lợi cho Nga, một khi phải đối mặt với một vụ kiện trên tòa án quốc tế sau này.
    Trong một quan điểm khác, tiến sĩ Ian Storey, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute) lại cho rằng ông Putin có thể đã không tìm hiểu nhiều về quá trình phân định trước khi đưa ra phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện ở Biển Đông


    "Tổng thống Nga nói rằng Trung Quốc không có điều kiện trình bày quan điểm của mình nhưng thực ra không phải vậy. Trung Quốc đã có nhiều cơ hội, nhưng họ từ chối không làm", Ian Storey nói với BBC.
    Theo giới quan sát nhận định, nếu như ông Putin nắm bắt đầy đủ hơn về các chi tiết của vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines cũng như các quy tắc trong quá trình tố tụng, có thể người đứng đầu nước Nga sẽ phát biểu theo cách khác.


    Minh Vũ
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Có cần thiết giải thích thêm lập trường của Tổng thống Putin về Biển Đông?

    HỒNG THỦY
    15:00 07/09/16 THẢO LUẬN (20)

    (GDVN) - Việt - Nga có rất nhiều điểm chung có thể mang lại lợi ích thiết thực cho hai dân tộc, không nên để những khác biệt nho nhỏ trở thành rào cản.

    Ngày 5/9 tờ Sputnik News bản tiếng Anh và tiếng Trung Quốc của Nga đưa tin, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc chống lại Phán quyết Trọng tài ngày 12/7 về vụ kiện Biển Đông khiến dư luận đặc biệt quan tâm, chú ý.

    Ngày 6/9, phiên bản tiếng Việt của Sputnik News đăng bài viết dẫn lời Giáo sư Dmitry Mosyakov nhận định: "Nga không công nhận quyết định của Tòa án Hague không phải về nội dung mà về hình thức".
    Nhà phân tích chính trị Dmitry Mosyakov được Sputnik News dẫn lời bình luận:

    "Trước hết, từ tuyên bố này cần hiểu rằng Nga không công nhận quyết định của Tòa, không phải là về bản chất, mà là về hình thức.
    Tức là không phải bởi trong phán quyết nói rằng đường chín đoạn không đúng, hoặc rằng kết luận không đúng của Tòa án về hòn đảo hoặc các ngư dân Philippines — hoàn toàn không phải vậy.
    Tổng thống Nga không nói như thế. Ông đã nhấn mạnh rằng đây không phải là lập trường chính trị mà thuần túy là dưới nhãn quan pháp lý.

    Tổng thống đã nói rằng Nga không công nhận phán quyết của Tòa án vì trong một phiên tòa cần có sự tham gia của cả hai bên, thế nhưng đã chỉ có một bên hiện diện.
    Giáo sư Dmitry Mosyakov, ảnh: Sputnik News.


    Trung Quốc không tham gia vào phiên tòa này và đã không thể bảo vệ lập trường của nước mình theo đúng thể thức".

    Nhưng những lời nhận xét đó, — theo chuyên viên Nga — tuyệt nhiên không có nghĩa là Nga công nhận toàn bộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Đây là điểm rất quan trọng. [1]

    Bản tiếng Trung Quốc và tiếng Anh của Sputnik News không có nội dung "giải thích thêm cho rõ" phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin. [2]
    Điều này khiến người viết tin rằng, Sputnik News tiếng Việt muốn xoa dịu những phản ứng có phần thất vọng của một bộ phận bạn đọc Việt Nam có tình yêu mến nước Nga ngày nay, Liên Xô ngày trước và với cá nhân ngài Putin.

    Điều này cho thấy Sputnik News tiếng Việt rất coi trọng tình cảm của bạn đọc Việt Nam đối với nước Nga cũng như Tổng thống Putin.
    Tuy nhiên người viết tự nghĩ, liệu có cần thiết phải nói thêm cho rõ về một tuyên bố rõ ràng, giấy trắng mực đen? Giải thích thêm như vậy có làm thay đổi suy nghĩ của bạn đọc về phát biểu của Tổng thống Putin hay không?


    Càng giải thích càng rối

    Người viết xin nhắc lại điều đã khẳng định trong bài trước, rằng Tổng thống Putin ủng hộ ai hay quốc gia nào là quyền của ông ấy, dựa trên các tính toán về lợi ích của Nga.
    Là người đứng đầu nước Nga, quyết định của ngài Tổng thống phải đặt lợi ích của nước Nga lên trước và trên hết.
    Tuy nhiên, vì Tổng thống khẳng định điều ngài nói chỉ là vấn đề thuần túy pháp lý, không phải vấn đề chính trị, nên người viết có vài lời bình luận về góc độ pháp lý của vấn đề, cùng tác động ảnh hưởng của nó.


    Nay Giáo sư Dmitry Mosyakov giải thích thêm dường như lại càng làm vấn đề thêm rối, bởi nó mâu thuẫn và bộc lộ những sơ hở về mặt nhận thức pháp lý, có thể dẫn đến những ảnh hưởng lợi bất cập hại.
    Tổng thống Putin đã nói:

    "Đây không phải là một vấn đề chính trị, mà là thuần túy pháp lý.
    Nó có liên quan đến một thực tế rằng bất kỳ một thủ tục tố tụng trọng tài nào đều phải được khởi xướng bởi các bên tranh chấp, trong khi Tòa Trọng tài cần nghe những lập luận và quan điểm của các bên tranh chấp.
    Như bạn đã biết, Trung Quốc đã không chấp nhận giải quyết qua cơ chế trọng tài ở Lahay và không ai nghe thấy lập trường của họ ở đó. Làm thế nào bạn có thể nhận thấy những phán quyết này là công bằng?" [3]

    Không ai có thể nắm hết mọi thông tin về một vụ việc cụ thể phức tạp như vụ kiện quốc tế này, đặc biệt là đối với nguyên thủ một cường quốc như Nga với trăm công, ngàn việc mỗi ngày.
    Do đó có thể nói, bộ phận tham mưu của Putin đã không hoàn thành nhiệm vụ khi cung cấp thông tin thiếu kiểm chứng một cách độc lập, khách quan và thượng tôn pháp luật cho Tổng thống.

    Lập luận trong câu nói này của ông Putin về mặt pháp lý không ổn.
    Thứ nhất, cả Trung Quốc và Philippines, tức bên bị và bên nguyên của vụ kiện áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 ở Biển Đông đều là 2 quốc gia thành viên Công ước, có nghĩa vụ tuân thủ mọi nội dung quy định trong Công ước, bao gồm Phụ lục VII.
    Phụ lục VII, UNCLOS 1982 quy định rất rõ về tiến trình tố tụng của các nước thành viên Công ước đối với việc áp dụng, giải thích UNCLOS 1982 từ một nước thành viên khác của Công ước.

    Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII có đầy đủ thẩm quyền xem xét, thụ lý vụ kiện bất luận bên bị là Trung Quốc có tham gia hay không. Phán quyết của Tòa có giá trị chung thẩm.
    Hội đồng Trọng tài đã được thành lập đúng trình tự, thủ tục quy định tại Phụ lục VII, UNCLOS 1982 và mỗi bước đều được Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) là cơ quan thư ký thông báo cho các bên liên quan, bao gồm Trung Quốc, với đầy đủ thủ tục lẫn thời hạn.
    Tuy nhiên Bắc Kinh đã liên tục khước từ các quyền hợp pháp của mình.

    Thứ hai, Tổng thống Putin nói: "không ai nghe thấy lập trường của họ ở đó. Làm thế nào bạn có thể nhận thấy những phán quyết này là công bằng?" Điều này cũng không đúng.
    Mặc dù Trung Quốc từ chối tham dự phiên tòa, nhưng vẫn thể hiện rõ lập trường và lập luận của họ bằng Công hàm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 29/7/2013.

    Ngày 14/11/2013 Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng Trọng tài. Tòa đã gửi một lá thư nhắc nhở các bên kiềm chế, không liên hệ riêng với cá nhân các Trọng tài viên của Hội đồng Trọng tài. [3]
    Ngày 7/12/2014 Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố tuyên bố về lập trường của chính phủ nước này xung quanh vụ kiện do Philippines khởi xướng.

    Ngày 8/12/2014 Đại sứ quán Trung Quốc gửi đến PCA một công hàm đề nghị Tòa cung cấp bản tuyên bố ngày 7/12/2014 bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh cho 5 thành viên Hội đồng Trọng tài. [3]
    Như vậy ai tham mưu cho Tổng thống Putin rằng, lập trường của Trung Quốc không được lắng nghe tại phiên tòa là không đúng sự thật.

    Trung Quốc có vận động hành lang đối với Nga hay không?

    Vasily Kashin, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga ở Moscow ngày 6/9 được đài BBC tiếng Việt dẫn lời cho biết:
    Nhà nghiên cứu Vasily Kashin, ảnh: Defense News.


    "Phần đầu trong tuyên bố của Putin chỉ là lặp lại lập trường lâu nay của Nga, rằng chúng tôi không có ý kiến gì về tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và các nước láng giềng, nhưng chúng tôi cực lực phản đối các thế lực ngoài khu vực (ám chỉ Hoa Kỳ) can thiệp vào vấn đề này.

    Phần thứ hai thì quan trọng hơn. Đây là lần đầu tiên ông Putin tuyên bố Nga không thừa nhận phán quyết của tòa trọng tài PCA.
    Phát biểu của Putin có thể nói là thành tựu to lớn của phía Trung Quốc.


    Bắc Kinh đã rất nỗ lực để kêu gọi ủng hộ của quốc tế nhưng cho tới nay mới chỉ có một số quốc gia, đa phần không có biển, lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
    Bắc Kinh cũng vận động Moscow một thời gian rất dài nhưng không có kết quả.
    Có một giải thích rất đơn giản cho câu hỏi tại sao Nga lại đột ngột thay đổi lập trường: Nga có thể sắp lâm vào tình trạng phân xử tương tự với Ukraine.


    Hồi cuối tháng Tám, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho hay Ukraine đang cân nhắc kiện Nga lên Tòa Trọng tài PCA theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Crimea." [4]
    Nhận xét của chuyên gia Vasily Kashin rằng, phát biểu của Putin có thể nói là thành tựu to lớn của phía Trung Quốc sau nhiều nỗ lực vận động Moscow nhưng bất thành, lại ngược lại với chính những gì Tổng thống Nga đã nói.


    "Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi đã phát triển sự tin cậy lẫn nhau, quan hệ rất thân thiện.
    Nhưng ông không bao giờ, tôi muốn nhấn mạnh điều này, không bao giờ tiếp cận tôi với yêu cầu bằng cách nào đó hãy bình luận, bằng cách nào đó hãy can thiệp vào vấn đề này.
    Chúng tôi tất nhiên có ý kiến của riêng mình về vấn đề này." Tổng thống Putin khẳng định. [2]


    Có thể đúng là ông Tập Cận Bình chưa bao giờ trực tiếp vận động ông Putin ủng hộ Trung Quốc chống lại Phán quyết Trọng tài, nhưng không có nghĩa là điều đó loại trừ khả năng thuộc cấp của hai nhà lãnh đạo làm việc này.
    Điều này khiến người viết đặt câu hỏi, phải chăng thông tin mà Tổng thống Putin có được hoàn toàn do phía Trung Quốc cung cấp?
    Nếu các trợ lý của ông chủ Điện Kremlin làm việc khách quan và có trách nhiệm, thì sẽ không bao giờ để thủ trưởng của mình sử dụng những thông tin sai lệch về tiến trình pháp lý của một vụ kiện trọng tài quốc tế như vậy.


    Dư luận bạn đọc Việt Nam có nhiều người buồn, thậm chí thất vọng về những phát biểu của Tổng thống Putin với Biển Đông. Nhưng người viết thiết nghĩ, tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
    Trong khi Trung Quốc đã tuyên truyền như vũ bão, thậm chí tìm cách chủ động tiếp cận và cung cấp thông tin sai lệch theo ý đồ chính trị của họ, không loại trừ cả hoạt động vận động hành lang với lãnh đạo các nước, bao gồm cả Tổng thống Nga thì chúng ta đã làm những gì, ngoài việc mình nói ta nghe?


    Hơn nữa, những diễn biến mới này cho thấy đã đến lúc chúng ta nên dùng lý trí thay vì tình cảm để đánh giá, nhận xét một vấn đề.
    Theo cá nhân người viết, chúng ta nên học cách nhìn thẳng sự thật, ứng xử dựa trên luật pháp và thông lệ quốc tế như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thể hiện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G-20.
    Trả lời câu hỏi về những căng thẳng xung quanh nhận thức khác nhau giữa Singapore và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, ông Lý Hiển Long nói rằng, hai nước khác nhau thì tự nhiên sẽ có quan điểm khác nhau trong một số vấn đề.


    Đó là điều bình thường. Khi có quan điểm khác biệt, hai bên cần quản lý chúng, chấp nhận chúng và không để chúng ảnh hưởng đến quan hệ tổng thể. [5]
    Đó là một thái độ hết sức thẳng thắn, chân thành, thiện chí và văn minh.
    Người viết thiết nghĩ, điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp những phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin về Biển Đông. Hãy xem nó là điều bình thường, bởi suy cho cùng những tuyên bố chính trị không làm ảnh hưởng đến hiệu lực và giá trị của Phán quyết Trọng tài.


    Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Nga có rất nhiều điểm chung có thể mang lại lợi ích thiết thực cho hai dân tộc, không nên để những khác biệt nho nhỏ trở thành rào cản hợp tác song phương.
    Như vậy trên cơ sở lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc là tối thượng, kết hợp với bảo vệ các giá trị chuẩn mực luật pháp và thông lệ quốc tế hiện tại sẽ giúp chúng ta đánh giá nhìn nhận vấn đề chính xác, cái gì đúng nói đúng, cái gì sai nói sai.


    Đồng thời không để một vài sự khác biệt ảnh hưởng đến tổng thể mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước khác. Bát đũa còn có khi xô, huống hồ quan hệ cấp quốc gia, quốc tế với nhiều mâu thuẫn và lợi ích đan xen phức tạp.
    Người viết hy vọng rằng những cảm xúc nhất thời sẽ nhanh chóng được thay thế bởi cái nhìn toàn diện và tích cực. Bởi lẽ người viết cho rằng, nhìn nhận vấn đề bằng cảm xúc, và thể hiện quan điểm chỉ để thỏa mãn cảm xúc có thể đẩy chính chúng ta vào thế kẹt.


    Tài liệu tham khảo:

    [1]http://vn.sputniknews.com/politics/2...rung-quoc.html
    [2]http://sputniknews.cn/politics/20160905/1020677536.html
    [3]https://www.pcacases.com/web/sendAttach/1506
    [4]http://www.bbc.com/vietnamese/world/...n_scs_opinions
    [5]http://www.straitstimes.com/asia/bil...-fronts-pm-lee

    Hồng Thủy
    Last edited by Bin571; 08-09-2016 at 10:52 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  4. #4

    Mặc định

    Trên thế giới này, không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn.
    Winston Churchill - thủ tướng Anh 2 nhiệm kỳ: 10 tháng 5 năm 1940 – 27 tháng 7 năm 1945 & 26 tháng 10 năm 1951 - 7 tháng 4 năm 1955.


  5. #5
    Đai Đen
    Gia nhập
    Feb 2014
    Nơi cư ngụ
    Thanh Xuân, Hà Nội
    Bài gởi
    690

    Mặc định

    Câu nói đó đúng. Vì 1 thể chế đại diện cho toàn dân thì phải vì quyền lợi của ng dân. Đi ngược lại thì sẽ làm suy yếu từ bên trong và rồi cái kết là làm thuộc địa cho nước khác mà thôi.
    Theo thông tin vỉa hè mà TD biết thì hiện giờ cảng... đã được mình ký cho M sử dụng trong nhiều năm. Sau 2 năm nữa, N kết thúc hợp đồng thì họ sẽ đến. Chắc N biết được điều này nên ông P mới có động thái xích lại gần với T.
    Sám hối, tạ ơn trước khi ngủ và sau khi thức dậy !
    Lạy Phật giúp tăng trưởng Phước !
    Thương yêu cả với kẻ thù !
    Thực dưỡng Ohsawa !

  6. #6

    Mặc định

    VN cứ quanh quẩn với Nga và Trung , riết không ngóc đầu nổi với TG ... DCS ngu mà lì

  7. #7
    Đai Đen
    Gia nhập
    Feb 2014
    Nơi cư ngụ
    Thanh Xuân, Hà Nội
    Bài gởi
    690

    Mặc định

    TQ thì vừa bẩn tính, vừa có dã tâm thôn tính lãnh thổ. Nga thì yếu quá, nền kinh tế chủ yếu dựa vào dầu mỏ và bán vũ khí. Toàn những thứ khai thác tài nguyên (dầu mỏ) và 1/4 là tài nguyên (vũ khí). cách đây 15 năm, thế giới đã biết đến kiếm tiền bằng chất xám. 2 ông kia vẫn dựa vào cách thức kiếm tiền từ gần 100 năm thì sao vững mạnh được. Giá dầu thì đang xuống, thế giới thì dùng đòn kinh tế để đánh nhau (cách đánh nhau rất văn minh của nhân loại) , rất ít dùng quân sự. VN ko chơi với các nước thân Mỹ và Mỹ thì muôn đời ko ngóc đầu dậy được.
    Sám hối, tạ ơn trước khi ngủ và sau khi thức dậy !
    Lạy Phật giúp tăng trưởng Phước !
    Thương yêu cả với kẻ thù !
    Thực dưỡng Ohsawa !

  8. #8

    Mặc định

    THỜI BUỔI ĐA PHƯƠNG HÓA, ĐA DẠNG HÓA TRONG TẤT CẢ CÁC LÃNH VỰC, THÌ A NÀO KHÔN THÌ ĐƯỢC HƯỞNG LỢI. BẤT CỨ A NÀO KHÔNG BIẾT SỬ DỤNG LỢI ÍCH CỦA QUỐC GIA,DÂN TỘC HAY SỬ DỤNG NÓ KHÔNG ĐÚNG MỤC ĐÍCH, THÌ A ĐÓ SẼ THẤT BẠI NGAY TRÊN SÂN NHÀ, KHÔNG CẦN PHẢI CÓ CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI XẢY RA MỚI CÓ SỰ THẤT BẠI. CHIẾN TRANH NỘI TẠI NGUY HIỂM GẤP NHIỀU LẦN SO VỚI BIÊN GIỚI.

  9. #9

    Mặc định

    TQ khôn khéo giúp Nga ở U thì giờ Nga nó giúp TQ là chuyện thường thôi. Mình yếu kém mà không chịu tự thân cường hóa, tự lập thì phải chịu thiệt thôi. Con lớn rồi thì phải tự lập chứ ăn bám mãi bố mẹ mãi sao được, hàng xóm nó nuôi chắc?
    Tri âm bên rừng trúc
    Tri kỷ giữa trời không

  10. #10
    Đai Đen
    Gia nhập
    Feb 2014
    Nơi cư ngụ
    Thanh Xuân, Hà Nội
    Bài gởi
    690

    Mặc định

    Quốc gia cũng giống với con người thật. Sức mạnh nội tại là từng người dân phải mạnh lại ko chăm lo, vun trồng. Cứ đi xu nịnh các nước lớn. Kiểu gì chẳng có ngày nó trở mặt khi ko còn lợi ích cho nó.
    Dân mạnh ở các yếu tố như hạnh phúc, được bình đẳng, công bằng và được lựa chọn những người xứng đáng cho dân tộc
    Sám hối, tạ ơn trước khi ngủ và sau khi thức dậy !
    Lạy Phật giúp tăng trưởng Phước !
    Thương yêu cả với kẻ thù !
    Thực dưỡng Ohsawa !

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trung Châu Phái Huyền Không Hình Học - Trung Châu Tam Quyết
    By PTS in forum Nơi Rao vặt, Trao đổi, Hiến tặng ...
    Trả lời: 11
    Bài mới gởi: 07-06-2013, 02:33 PM
  2. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 14-06-2011, 01:14 PM
  3. Trung Quốc quyết tâm tìm người khổng lồ bí ẩn
    By hungdac in forum Sưu Tập Khác...
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 20-10-2010, 08:29 PM
  4. Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 29-03-2010, 12:38 PM
  5. Ngô Quyền-“Vị tổ Trung Hưng thứ nhất của dân tộc”
    By Bin571 in forum Truyền thuyết - Giai thoại - Lịch sử VIỆT NAM
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 05-04-2008, 05:45 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •