Thăm ngôi nhà bí mật Bác Hồ nghỉ đầu tiên khi về Hà Nội năm 1945



13:17 ngày 02 tháng 09 năm 2016

Sau khi Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thành công, ngày 23/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội. Bác nghỉ và làm việc tại một ngôi nhà bí mật ở thôn Phú Gia (xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm) trong hai ngày, trước khi vào nội thành Hà Nội soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập và chuẩn bị cho cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.





Ngôi nhà của gia đình cụ Công Ngọc Kha được xây từ năm 1931 ở ngoại thành Hà Nội, nay thuộc tổ 17 cụm 3 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Đây là nơi 71 năm trước được chuẩn bị làm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ và làm việc đầu tiên sau khi từ Tân Trào về Hà Nội.


Nhà xây bằng gạch 5 gian lợp ngói, trong đó có 2 gian buồng đầu và 3 gian nhà ngoài. Nằm ở vị trí thuận lợi, cách đê sông Hồng 100m, có đường đi từ bờ đê xuống đến cổng, đi qua sân cũng có lối sang nhà khác trong làng. Theo cuốn Lịch sử cảnh vệ công an nhân dân Việt Nam giai đoạn 1941-1954, khi về Hà Nội chiều 23/8/1945, Bác Hồ cùng các đồng chí trong đoàn Thường vụ Trung ương Đảng đã vượt sông Hồng bằng thuyền để tới ngôi nhà này nghỉ và làm việc.


Qua 71 năm, ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn trên diện tích khuôn viên 253 m2 do gia đình ông Công Ngọc Dũng (con trai cụ Công Ngọc Kha) trông coi. Ngôi nhà xưa nằm sát bến đò Gạ (tên địa danh cũ) nơi Bác Hồ cùng đoàn Thường vụ Trung ương Đảng vượt sồng Hồng về thôn Phú Gia.


Trước khi đón Bác về nghỉ và làm việc, gia đình cụ Công Ngọc Kha là cơ sở cách mạng tin cậy. Từ đầu năm 1945, ngôi nhà đã là nơi ăn nghỉ, hoạt động của các đồng chí cán bộ công tác đội của Trung ương như Hoàng Tùng, Trần Thị Sáu, Lê Thị Thanh. Ông Công Ngọc Kha sau Cách mạng tháng Tám cũng là cán bộ chính quyền lâm thời thôn Phú Gia.


Ngôi nhà với nhiều đồ vật còn nguyên vẹn, được giữ gìn cẩn thận và là một di tích tự hào của người dân Phú Thượng.


Theo lời ông Công Ngọc Dũng, ngôi nhà trước đây chỉ dành để tiếp khách chứ không để ở, sau đó được trưng dụng làm cơ sở cách mạng.


Chiếc máy chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội là hiện vật quý vẫn còn được lưu giữ.


Ngôi nhà là một địa điểm tuyệt đối bí mật, đáp ứng nhiều yêu cầu về an ninh, giao thông, sự thuận tiện. Sau khi nghỉ ngơi và làm việc tại đây, ngày 25/8/1945, Bác Hồ đã chuyển về ngôi nhà số 48 Hàng Ngang để viết bản Tuyên ngôn độc lập, chuẩn bị cho cuộc mít tinh ngày 2/9/1945.


Ông Công Ngọc Dũng đang làm công việc thường ngày của mình trong ngôi nhà cụ Nguyễn Thị An, bà nội ông Dũng. Ngôi nhà hiện tại đã trở thành một di tích cách mạng phục vụ nhân dân đến thăm quan, gia đình ông Dũng ở ngôi nhà khác và nhận trách nhiệm trông coi, đồng thời kiêm luôn việc giới thiệu lịch sử ngôi nhà.


Hai gian buồng đầu của ngôi nhà nay được bố trí làm nơi trưng bày những hình ảnh lịch sử.


Ông Công Ngọc Dũng bên ngôi nhà nay đã trở thành di tích và là niềm tự hào của gia đình.







Theo Dân Tr