Đời sau và Địa ngục



Nhân tạp chí Giác Ngộ số 216 (th.3 năm 2014) có dịch đăng một bài về Thiên đường-Địa ngục trong mấy tôn giáo, tôi viết bài này để giúp anh em Phật tử hiểu đúng về Địa ngục trong niềm tin Công giáo, đồng thời giúp anh em Ky tô hữu hiểu sâu hơn về Đời sau của chúng ta.


Nói đến Đời sau cũng là đặt vấn đề : Cái gì nơi con người vẫn tồn tại sau khi thể xác chết đi. Nói đến Thiên đường-Địa ngục, cũng truy tra xem từ đâu có ý tưởng về hai nơi, chứ không phải một, của cái Đời sau ấy. Theo tôi, đây là Cảm thức thiện-ác nó đi kèm với Cảm thức tục-thiêng.

Vấn đề Đời sau và bản tính con người

Con người Neanderthal, sống trước chúng ta gần 200 ngàn năm, đã chôn theo người chết những vật dụng thường ngày. Cổ Ai cập, trong các Kim tự tháp, cũng táng theo các pharaon những đồ vật quý giá. Vâng, từ rất xa xưa, người ta không coi chết là hết : người chết vẫn có một nơi để đến, để sống tiếp một cách nào. Với Trung quốc, nơi ấy được gọi là Cửu tuyền, Hoàng tuyền. Với Do Thái, thì đây là Sheol, ở đó con người gần như không còn ý thức.

Nếu xác chết, mà con người không chết, thì phải chăng nơi nó còn một cái gì khác với thân thể này?
Người xưa bèn tưởng tượng ra một thứ vật thể tinh vi, nhẹ nhàng và phiêu hốt, như một chiếc bóng mờ vẫn tồn tại sau khi thân xác thối rữa đi. Tâm sinh lý học Sâmkhya của Ấn Độ, mà nước Ấn xưa đều tin theo, đã chia thân xác thành hai thứ : thô thân (xác thịt với các mô, các cơ quan) và vi thân (các năng lực cảm giác và nhận thức dựa vào cơ quan, tức lục căn); thô thân rồi sẽ tan vào đất, còn vi thân vẫn tồn tại. Riêng Trung quốc chia con người thành xác (Thể) và hồn, nhưng hồn lại có hai : sinh hồn là Phách (Vía), linh hồn là Thần, hay Tinh anh : “Thác là Thể Phách, còn là Tinh anh”. Thêm vào đấy, cái nhìn nhất nguyên: “Thiên địa vạn vật nhất thể”, cùng với học thuyết Âm-dương của Kinh Dịch, lại khiến họ nghĩ rằng, khi chết thì Thể Phách trở về với khí Âm, còn Tinh anh trở về với khí Dương. Hy lạp cổ đại cũng không coi hồn cá nhân có hiện hữu riêng, mà tất cả thuộc Hồn chung của vũ trụ.

Quả thật, lòng ham sống đã khiến ngay từ xa xưa, người ta tin vào một cuộc sống hậu thế, với một cái gì đó của con người vẫn tồn tại. Có điều Đời sau ấy lại phân thành hai nơi chốn : Địa ngục và Thiên đường, và đây là sáng tạo của Cảm thức thiện-ác kết hợp với Cảm thức tục-thiêng.

Từ hai cảm thức ấy, phát sinh niềm tin vào Thiên đường và Địa ngục

Không thể kẻ ác cứ mãi nhởn nhơ, và người lành khổ mãi đến chết mà không được đền bù. Ý thức công bình không chấp nhận như thế được. Vâng, thế nào rồi cũng phãi có thưởng phạt, bù đắp, nếu không ở đời này, hẳn phải ở kiếp sau. Do đó, ngay từ rất sớm, người ta đã nghĩ ra hai nơi đến của vong linh : hỏa ngục và thiên đường. Với tôn giáo chủ trương luân hồi, hỏa ngục và thiên đường chỉ là tạm bợ, để sau khi thụ hưởng hết nghiệp quả (do công hay tội), người ta sẽ đầu thai vào một kiếp sống dương thế mới. Với tôn giáo chủ trương sống chỉ có một kiếp, thì thiên đường địa ngục ấy là vĩnh viễn.

Có điều tại đâu thiên đường và địa ngục lại có dáng sắc siêu (tự) nhiên như thế? Quả thực chúng luôn đi đôi với những cư dân khác lạ của chúng là thần, là quỷ, cùng với Ngọc hoàng thiên bên trên và Diêm vương dưới âm phủ. Quỷ, thần và ma, đó là sáng tạo của cảm thức tục-thiêng.

Cảm thức tục-thiêng là gì?

Nhà xã hội học vô thần nổi tiếng là Durkheim nhìn nhận tính khác lạ và đối kháng hoàn toàn giữa cái Tục và cái Thiêng. Cũng do sự hướng thiêng qua cảm thức ấy mà người thái cổ đã sớm biến các sức mạnh tự nhiên như sấm sét thành Thần sấm, Thần sét,v.v…

Cái Cảm thức tục-thiêng kỳ đị nói trên đã được giáo sư Rudolph Otto nghiên cứu và diễn giải trong một tập sách nổi tiếng, được dịch sang Pháp văn là Le sens du Sacré, sang Anh văn là The idea of Holy.

Đây là thứ cảm giác hoàn toàn khác lạ, làm sởn da gà, thường gặp nhất trong cảm giác sợ ma. Cái Thiêng không chỉ có bộ mặt đáng khiếp, mà còn hấp dẫn đến mê hoặc nữa, khiến cho về đêm, giữa nơi thanh vắng, người ta châu đầu nghe chuyện ma : sợ nên ngồi sát nhau; và càng sợ càng khoái, nên dỏng tai nghe không bỏ sót một chi tiết. Ngoài ra, cái Thiêng cũng là cái có mãnh lực ghê gớm nhất, khiến người sùng đạo có thể chết vì đạo, hay trở nên cuồng tín dám ôm bom tự sát.

Nhờ Cảm thưc tục-thiêng đi đôi với Cảm thức thiện-ác, các tôn giáo đều nghĩ đến Thiên đường và Địa ngục, nhưng hai chốn này lại có những sắc diện khác nhau từ đạo này đến đạo kia.

Những quan điểm khác nhau về Địa ngục và Thiên đường

Thiên đường là nơi chỉ có hạnh phúc, địa ngục là chốn toàn những khốn khổ. Tuy nhiên, lắm người coi hạnh phúc nói trên giống như ở trần gian. Và đây là Hồi giáo hứa hẹn có những cô gái mắt đen hầu hạ; đây là Ấn Độ giáo với các thần luôn có đôi ở thiên cung, kể cả thượng thần là Vishnu (mà vợ là Durgâ) và Shiva (mà vợ là Kâli).

Ấn Độ giáo cũng coi âm phủ và thiên giới chỉ là nơi quả báo tạm thời. Đền bù đủ rồi, người ta sẽ đầu thai để đi vào một kiếp sống dương thế khác.

Trái lại, Hỏa ngực và Thiên đường của đạo Hồi và Công giáo có tính vĩnh cửu. Thế nhưng Vĩnh cửu là gì, thì đây lại là điều khó hiểu. Phải chăng là một Hiện tại kéo dài mãi? Nhưng nếu Kéo dài, và Kéo dài từ thời điểm trước đến thời điểm sau, thì xem đây lại thuộc định nghĩa của thời gian mất rồi.

Để có một nhận định đúng về Thời gian, nhờ đó hiểu sâu hơn về Vĩnh cửu. ta nên tìm đến phát hiện của Einstein trong Tương đối thuyết : thời gian thay dổi theo vận tốc di chuyển v của mỗi vật thể, trong tương quan với vận tốc c của ánh sáng, theo công thức sau đây:

t=t0

với t là thời gian của vật thể đang di chuyển với vận tốc v, với t0 là thời gian cũng của vật thể ấy nhưng nếu di chuyển với vận tốc (chậm) bình thường.

Xem như thế, nếu anh phóng đi rất nhanh (vào không gian) với vận tốc gần như ngang bằng vận tốc ánh sáng là c, thì khi trở về, anh chưa đọc xong một hàng chữ, ở trái đất nhiều thế hệ đã qua đi mất. Vâng, sự Kéo dài hay thời gian của anh không còn nữa. Nói cách khác, không có thời gian tuyệt đối, nghĩa là nó đứng riêng như một cái thước để đo chung cho vạn vật. Nói cách khác, hễ không còn kéo dài và thay đổi, thì cũng không có thời gian. Phải chăng đây là Vĩnh cửu?

Theo tôi, Vĩnh cửu không liên quan gì đến thời gian cả : Vĩnh cửu chỉ là một Tình trạng, do đó nếu nói “địa ngục vĩnh cửu”, thì phải hiểu địa ngục ấy là tình trạng khốn khổ đã định hẳn như thế rồi, không thể đổi thay!

Và cũng không có nơi chốn cho địa ngục, thiên đường luôn. Nơi chốn, tức vị trí tương đối của các vật thể, cùng với trương độ (étendue) của những vật thể này, đều là những ý niệm thuộc khái niệm Không gian. Vậy nếu nói thiên đường, địa ngục ở đâu, thì lại phải đặt chúng vào một chỗ nào đó trong không gian, cũng là trong vũ trụ, hay Tổng vũ trụ1. Vì vũ trụ là vật chất, nên nó có bắt đầu và rồi sẽ kết thúc. Do đó không có hằng cửu cho địa ngục và thiên đường nếu chúng thuộc hoàn vũ.

Cho nên, thiên đường chẳng tít tắp trên trời, cũng như địa ngục không nằm sâu dưới đất. Tạm hình dung chúng thuộc nơi này, chỗ nọ, cũng như hình dung về sự kéo dài vô tận của chúng, cốt chỉ để người trần mắt thịt là chúng ta có thể hiểu về chúng phần nào, thế thôi. Bằng chứng là, sau phục sinh mà chưa thăng vinh, Chúa Giêsu chỉ còn thuộc không gian-thời gian cách nửa vời, khiến gần như chúng không chi phối được Ngài nữa. Này nhé, dù cửa đóng then cài, Chúa vẫn (vô) đứng sững giữa nhà được (Gioan 20.19, 26), dù đang ở với hai đồ đệ Yên mâu suốt nửa ngày, Ngài vẫn có thể hiện ra với Phêrô ở Giêrusalem (Luca 24.15-31; 24.33-34).

Địa ngục trong Công giáo

Địa ngục chỉ là một trạng thái hiện hữu, nhưng vì quen hiểu nó kéo dài “đời đời kiếp kiếp” (in saecula saeculorum), nên từ xưa đến nay hay có tranh luận giữa hai phe : bên nhấn vào sự công minh của Chúa, trong đó có thánh Augustin) thì nghĩ ở đấy rất đông; bên nhấn vào lòng thương xót của Chúa thì lại khó chấp nhận tính vĩnh hằng của nó.

Phe sau thường dựa vào tiếng Apokatastasis pantôn (Phục hồi hết thảy) ở câu nói của thánh Phêrô trong Công vụ tông đồ 3.21 mà cho rằng, rồi cuối cùng tình thương Thiên Chúa cũng toàn thắng để dù ác nhân cũng biết nghĩ lại để được cứu. Trong số các giáo phụ, có Origène và Grégoire de Nysse cũng tưởng như thế, nhưng công đồng Constantinople đã lên án thuyết này vào năm 543. Gần đây có hai thần học gia lớn là Karl Rahner và Hans Urs von Balthasar suy nghĩ lại về vấn đề. Họ cho rằng phải nhìn nhận cùng lúc cả lòng thương xót và sự công minh của Thiên Chúa, do đó có thể coi sự “Phục hồi hết thảy” như đối tượng của trông mong (spes) thôi, và theo Balthasar, hỏa ngục vẫn là một hiện hữu khả dĩ.

Balthasar vin vào 1Phêrô 3.19 : về việc Chúa Giêsu xuống lâm bô giảng cho người chết, cho rằng người chết, khi thấy Con Thiên Chúa vì mình đã giáng trần chịu nạn, hẳn không thể không xúc động để mở lòng đón nhận Tình yêu. Cũng theo Balthasar, “Thiên Chúa không dồn ai vào sự đọa lạc cả, chỉ có con người tự đầy đọa mình khi dứt khoát từ chối Tình yêu”.2

*

Thật ra, niềm tin vào sự “cứu độ tất cả” có thể dựa vào những đoạn Tân Ước sau đây:

-Gioan 6.39 :”Ý Đấng sai Ta, là hết thảy những ai Ngài ban cho Ta, Ta không để mất người nào, mà sẽ cho họ sống lại trong ngày cuối hết.”

-1Tim.2.3-4 :”…Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu…”

Thế nhưng trong Phúc âm, cũng không thiếu gì lời Chúa khẳng định về thực tại hỏa ngục, thực tại của những kẻ không thể được tha (Mt.12.31), thực tại của ít kẻ được chọn (Mt.22.14), thực tại của lửa đời đời (Mt.25.41). Thêm vào đấy, Phúc âm nói rất nhiều đến quỷ, quỷ ám, nhiều loại quỷ, mà quỷ lại là cư dân thường trú của hỏa ngục.

Vì thế, không thể không tin vào hiện hữu của Hỏa ngục, vào hiện hữu của cư dân hỏa ngục, trong đó có quỷ và khá nhiều vong linh. Dẫu sao, dựa vào tình thương của Chúa, ta vẫn có thể hi vọng rằng những vong linh ấy không đông lắm, nhất là không thể chắc ai là những kẻ xấu số này, dù đây là Giuđa kè bán Thầy.

Theo nhiều thần học gia lớn gần đây, vì Chúa muốn cứu hết thảy, và Ngài yêu đến tận cùng, nên chỉ ai cố ý chống lại tình yêu ấy, nghĩa là phạm đến Thánh Thần, Chúa mới đành để họ tự gieo mình vào hỏa ngục thôi. Vâng, chính sự khép kín trước mời gọi của Tình yêu cho đến giây phút lìa đời đã đóng kín họ lại trong tình trạng khủng khiếp ấy, tình trạng của Thù ghét có tên là Hỏa ngục.

Cũng nên nhớ rằng, tội trong Kytô giáo không chỉ là một vết nhơ của hồn, mà ghê gớm hơn, là sự Phản bội đối với Cha và Chúa. Có điều vì Thiên Chúa cũng là Tình yêu do bản chất, nên Ngài không mong gì hơn là thứ tha. Vâng, chỉ cần đứa đãng tử biết nghĩ lại và quay về, thì Cha nó sẽ mở rộng vòng tay để ôm nó vào lòng ngay (Luca 15.20-24).

*

Dẫu sao, Công giáo cũng tin vào một thứ âm ty tạm thời, gọi là Luyện ngục.

Theo Chúa, thì kẻ có nợ sẽ bị tống ngục ”cho đến khi trả hết đồng xu cuối “ (Mt.5.26). Và đây là ý nghĩa hình phạt đền tội (peines satisfactoires, satisfaction) cho tội lỗi thường, không phải tội chết mà chưa được tha. Về hình phạt đền tội ấy, theo Huấn quyền thì Hội thánh có thể giảm bớt cho cá nhân nhờ Kho tàng thiêng liêng sẵn có của mình, kho tàng do công cứu chuộc của Đầu là Chúa Kytô, cùng với công đức của thành viên là các thánh. Hội thánh đỡ đần bằng cách nguyện cầu thay (per modum suffragii), qua phụng vụ và lời cầu của Kytô hữu. Cũng nằm trong ý nghĩa nảy có ơn đại xá và toàn xá (indulgences).

Theo tôi, Luyện ngục không chỉ có chức năng đền phạt, mà cón chức năng thanh luyện nữa : chỉ khi linh hồn được rửa sạch hoàn toàn, nó mới xứng mặt đồi mặt, nghĩa là kết hiệp, với Đấng ba lần thánh! Sự thanh luyện đó là của mỗi linh hồn, do chính linh hồn ấy. Theo thánh Tiên sa Avila, thanh luyện ở đây là bởi đức Ái Chúa Ky tô.

Một khi đã thành tinh tấn như vậy, hồn sẽ đi ngay vào vinh phúc theo Giáo hội Rôma, hay đợi sau Chung thẩm theo Giáo hội Đông phương. Dầu sao chăng nữa, sự vinh phúc sung mãn phải chờ sau sự sống lại của các thân xác.

Tổng kết

Hầu hết chúng ta rất sợ Hỏa ngục, nhất là do tính “đời đời kiếp kiếp” của nó.

Thế nhưng xem ra Địa ngục đã bắt đầu ngay từ trong cuộc sống dương thế này rồi. Những hình ảnh như Lửa chỉ đe dọa thân xác thôi, chứ thứ Lửa của tâm hồn là thù hận, ghen tức mới là đáng sợ nhất. Nó cưa xé và gặm nhấm tâm can, nó gây cảm nhận cô độc, lạnh lẽo và mất yên ổn dù giữa cả rừng người.

Đối lại, nếu ngay ở đời này đã có Yêu thương, một yêu thương thật sự và thiêng liêng trong Chúa, thì Thiên đường đã manh nha, khởi sự. Với tình yêu thương chân thành ấy, người ta có cảm nhận ấm áp bên nhau, dễ tin cậy vào Chúa, tin tưởng vào anh em mình, để rồi hợp nhất với nhau mà xây đắp thế giới thành những cộng đồng hòa thuận, xây đắp trái đất thành Đất lành với bầu khí trong sạch cho người người và cháu con được hưởng. Một loài người biết quan tâm đến nhau và đùm bọc lẫn nhau như vậy cũng làm nên một xã hội lành thánh, và giữa bầu khí của thuần phong mỹ tục như thế, người ta cùng tạo nên hạnh phúc chung cho nhau và cùng nhau tiến về một Thiên đường thực thụ, để Thiên đường của Đời sau chỉ là sự hoàn thành mỹ mãn và siêu mãn của thứ thiên đường đã manh nha trong cuộc sống bây giờ. Những gì khác, như sự vắng bóng lão bệnh tử, niềm vui của chiêm hưởng Thiên Chúa,v.v. chỉ có thể được xây trên nền tảng của thứ Yêu thương và Hiệp nhất ấy thôi!

Một Cộng đồng tốt đến vậy, ngay ở đời này, liệu đây có phải chỉ là điều vọng tưởng hay không?

Không vọng tưởng đâu, vì nó từng đã có mặt rồi. Cứ mở Công vụ tông đồ ch.4 sẽ thấy ngay. Giáo hội thời ấy rất “ý hợp tâm đầu” (homothumadon, câu 32) đến nỗi ai có của đều coi đó là của chung (c.32), nên bán hết đem nộp cho thánh Phêrô để ngài chia cho kẻ không có, tùy nhu cầu của họ (c.34-35). Và đây là “cộng sản” thực thụ, và cái nguyên tắc “làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu” quá hay, nên xem như không thi hành nổi, nguyên tắc ấy lại thành hiện thực được, một cách rất tự nhiên ở Giêrusalem vào thời ấy. Chính vì yêu Chúa và yêu nhau như trong một gia đình êm ấm và thuận hòa như vậy, nên mọi người đều cảm thấy quá đỗi sung sướng (agalliasis, 2..46).

1 Theo khoa vật lỳ mới, có thể có nhiều vũ trụ song song.
2 Von BAlthasaarr, L’enfer, une question, DDB, 1988, tr.11.

(Hoành Sơn, S.J., dongten.net 10.11.2014
nguồn ; http://conggiao.info/doi-sau-va-dia-nguc-d-25501