kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: CỔ VẬT KỲ SỰ

  1. #1

    Mặc định CỔ VẬT KỲ SỰ

    Cổ vật kỳ sự: Bốn đời tìm cổ vật trả nhà chùa

    05:51 AM - 30/05/2016 Thanh Niên
    Hoàng Sơn



    

    Ròng rã 4 thế hệ trong một gia đình tại TP.Đà Nẵng âm thầm tìm kiếm cổ vật trên mảnh đất hương hỏa để trả lại cho một ngôi chùa nhưng vẫn không thấy. Cho đến một ngày, con đường mới mở cắt ngang qua ngôi nhà...



    Tượng Quan âm Tống Tử được tìm thấy trong vườn nhà ông TựẢNH: S.X

    Đổ xô săn lùng “tượng cổ đồng đen”

    Ông Huỳnh Phước Tự (64 tuổi, trú P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho biết, thực hiện lời hứa với ông nội, với cha mình, ông cùng các con đã cất công tìm kiếm số cổ vật gồm: chuông đồng, tượng Quan âm Tống Tử, tượng Phật đứng trên đài sen cùng nhiều đồ thờ tự khác… thế nhưng, càng tìm càng bặt vô âm tín. “Thời tôi còn nhỏ, ông nội kể rằng, những cổ vật này được ông cùng những người bạn chiến đấu cất giấu giúp chùa Thái Bình (Đà Nẵng) vì chiến tranh loạn lạc. Trước khi ông nội mất, cụ vẫn trăn trở làm sao tìm được để trả lại nhà chùa”, ông Tự kể.


    Theo lời ông Tự, vào những năm kháng chiến chống Pháp, khi đang trên đường trở về sau một trận đánh, ông nội ông đã ghé chùa Thái Bình nghỉ ngơi. Thấy ngôi chùa không một bóng người, cổ vật không ai trông, sợ bị mất nên ông cùng đồng đội đem cổ vật về chôn giấu trong vườn nhà. “Ông nội dặn cha tôi các tượng cổ được chôn dưới rãnh nước sát bụi tre sau vườn”, ông Tự nói. Đến năm 1966, ông nội ông Tự qua đời, một năm sau chùa Thái Bình do bom đạn chiến tranh cũng sụp đổ hoàn toàn. Nhiệm vụ tìm lại số cổ vật đặt lên vai cha con ông Tự.


    Ngôi chùa cổ nhất nhì Đà Nẵng
    Theo nhiều tài liệu, chùa Thái Bình được xây dựng dưới thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497). Chùa đã sụp đổ nhiều lần trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Trong loạn lạc, phật tử cũng nhiều lần cung thỉnh các tượng đến một số chùa lân cận trên địa bàn Q.Ngũ Hành Sơn để “lánh nạn”, nhờ vậy mà các bức tượng vẫn nguyên vẹn. Năm 2009, do mở rộng đường nên ngôi chùa được di dời về tổ 18, khu phố chợ P.Hòa Hải, cách vị trí cũ khoảng 300 m.
    Tuy nhiên, theo lời đồn thổi thì các tượng cổ không đơn thuần chỉ bằng đồng thông thường mà đó là đồng đen có giá trị kinh tế rất lớn. Những đồng đội năm xưa của ông nội ông Tự cũng truyền lại câu chuyện này cho con cháu của họ. Từ đó, mảnh vườn của ông Tự trở thành địa chỉ “dòm ngó” của không riêng gì “hậu duệ” những người từng tham gia chôn giấu mà cả những tay săn lùng cổ vật máu mặt.


    Sau năm 1975, cha con ông Tự nhận không biết bao lời đề nghị khai quật mảnh vườn để tìm đồng đen đem bán. Giữ lời hứa với người quá cố, cha con ông quyết tâm bảo vệ, không cho ai lại gần mảnh vườn. “Nhưng nghĩ không thể tìm lại cổ vật nếu không có sự giúp sức của nhiều người nên cha tôi đã cùng khoảng 30 người khác đào xới, lật tung khu vườn, dùng cả máy rà kim loại hì hục suốt nhiều tháng liền mà vẫn không tìm thấy cổ vật”, ông Tự kể.


    Cổ vật… có chân
    Năm 1996, cha ông Tự qua đời. Ông Tự cùng các con trai vẫn canh cánh câu chuyện truy tìm số cổ vật. Vườn nhà đã được đào tìm không sót chỗ nào, còn mỗi nền nhà là chưa bị lật tung. Thế rồi cổ vật bất ngờ xuất hiện.

    Ngày 22.4.2014, khi đơn vị thi công đường vành đai phía nam san ủi mặt bằng đoạn qua nhà ông Tự (nhà ông thuộc diện giải tỏa trắng) thì chạm phải một vật cứng, phát ra tiếng rít kim loại nghe nhức tai. Các công nhân vô cùng ngạc nhiên khi thấy dưới hố sâu công trình phát lộ một vật tròn màu xanh đồng. Nhận được tin báo, ông Tự cùng người nhà đến hiện trường. “Biết cổ vật nằm đâu đó trong vườn nên tôi có dặn công nhân đào sâu xuống và cố gắng để ý. Và quả thật, số cổ vật đã lộ diện”, ông Tự cho biết.


    Theo ông Tự, cổ vật do xe thi công đụng phải là chiếc chuông bằng đồng có đường kính khoảng 50 cm còn rõ chữ viết, qua đó cho thấy chuông được đúc vào năm Tự Đức thứ 4 (năm 1851). Chiếc chuông này úp lên bức tượng Quan âm Tống Tử cao 55 cm, rộng bề ngang 20 cm. Ngay sau khi được tìm thấy, số cổ vật được đơn vị thi công tạm cất giữ. Hay tin, hàng chục người dân địa phương và cánh săn tìm cổ vật đổ xô về căn nhà cũ của ông Tự để tìm kiếm.

    Một công nhân đã phát hiện thêm bức tượng Phật bằng đồng đứng trên đài sen cao 40 cm, đế cao 21 cm. Cả hai bức tượng được ngành chức năng địa phương xác định mang phong cách Trung Quốc, nhiều khả năng du nhập vào VN từ thế kỷ 15 theo con đường giao thương bằng đường thủy từ phố cổ Hội An. Trong khi đó, nhiều người dân khác sau khi tìm thấy cổ vật gồm: chiêng đồng đường kính 50 cm, các loại khánh đường kính 22 cm, hai con nghê, lư hương đồng... đã nhanh chóng tẩu tán. Phần đai của chiếc chuông bị xe thi công làm vỡ cũng bị bán vào tận TX.Điện Bàn (Quảng Nam). Lực lượng chức năng cùng các bên liên quan phải bỏ ra một số tiền lớn để chuộc lại số cổ vật này.


    “Ông nội tôi khẳng định cổ vật được chôn ngoài vườn, thế mà không hiểu sao chúng lại nằm chính ngay trong nhà dưới độ sâu 3 - 4 m đất. Tôi vẫn không thể tài nào giải thích được. Cổ vật cứ như… có chân, nhờ thế mà tránh được sự săn lùng của nhiều người”, ông Tự tỏ ra khó hiểu: “Tôi tin là cổ vật chùa Thái Bình cực kỳ linh thiêng”.
    Ngay sau khi hoàn thành các thủ tục, xác minh, chính quyền địa phương và Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng đã trao trả số cổ vật cho trụ trì chùa Thái Bình quản lý, hiện được nhà chùa cất giữ cẩn thận.
    Hoàng Sơn
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Cổ vật kỳ sự: Tượng Quan Âm tống tử cực quý hiếm

    08:45 AM - 28/05/2016 Thanh Niên
    Hoàng Sơn



    Bức tượng mô phỏng đức Bồ Tát ngồi trên tòa sen hai tay nâng em bé, đầu đội mũ Quan Âm, trên ngực và hai gối chạm bông sen nổi.
    Với chất liệu bạch ngọc nguyên khối, bức tượng Quan Âm tống tử - đang được Bảo tàng Văn hóa Phật giáo (chùa Quán Thế Âm, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) cất giữ và trưng bày - được các nhà nghiên cứu đánh giá là xứng đáng liệt vào hàng quốc bảo. Đây là cổ vật được cho là có giá trị lớn nhất của Bảo tàng Văn hóa Phật giáo.



    Ảnh: Hoàng Sơn

    Nguồn gốc từ chốn hoàng cung?

    Theo Hội đồng Giám định khoa học Bảo tàng Đà Nẵng, tượng Quan Âm tống tử cao 29 cm, rộng 16,5 cm, được tạc từ khối bạch ngọc nặng khoảng 5 kg. Bức tượng mô phỏng đức Bồ Tát ngồi trên tòa sen hai tay nâng em bé, đầu đội mũ Quan Âm, trên ngực và hai gối chạm bông sen nổi. Y pháp Quan Âm có nhiều nếp gấp, diềm y có trang trí hoa, cổ đeo dây An Lạc.
    Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, khi nhắc đến bức tượng này đã thốt lên: “Quá quý hiếm”. Bởi theo ông Thiện, tượng không chỉ có giá trị lớn về mặt chất liệu mà còn cho thấy nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao, nhất là điêu khắc trên bạch ngọc.

    TS Nguyễn Đình Chiến, Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật (Bộ VH-TT-DL), cho biết thêm khi trực tiếp quan sát bức tượng này, ông nhận thấy trên bức tượng có biểu hiện thếp vàng nhưng đã mờ nhạt dấu vết theo thời gian. “Tượng bằng bạch ngọc, lại được thếp vàng, rất quý. Bức tượng đã nêu có niên đại thuộc thế kỷ 19”, ông Chiến nói. Theo các nhà chuyên môn, tượng Quan Âm tống tử thường được làm bằng các chất liệu gỗ, đồng... để thể hiện sự bao dung, gần gũi của Đức Phật với người dân. Mặt khác, chất liệu bạch ngọc cực kỳ quý hiếm, nên có thể nhận định bức tượng không xuất phát từ dân gian mà phải có nguồn gốc từ chốn hoàng cung. Còn theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, qua tìm hiểu lịch sử, các nhà nghiên cứu cho biết, dưới thời nhà Nguyễn, người dân đã tìm thấy bạch ngọc ở vùng núi Hòa Điền (Quảng Nam). Sau đó, người dân dâng khối ngọc này để vua làm ngọc tỉ vào năm 1835. “Có thể một phần vua cho tạc ngọc tỉ, một phần vua sai làm tượng Phật để cầu an”, ông Thiện nhận định.


    Là một người tiếp xúc với nhiều cổ vật nhưng chưa bao giờ ông Thiện được sờ tận tay một cổ vật đặc biệt quý hiếm như bức tượng này. Ông Thiện cho biết, chỉ đến khi Bảo tàng Đà Nẵng trò chuyện với các sư thầy tại chùa Quán Thế Âm, ông mới ngỡ ngàng về giá trị của bức tượng. Có quan điểm cho rằng, bạch ngọc chỉ có ở Trung Quốc và du nhập vào VN. “Nhưng với sự xuất hiện của bức tượng cùng những cứ liệu lịch sử thực tế đã minh chứng VN có bạch ngọc”, ông Thiện nói thêm. TS Nguyễn Đình Chiến cho biết: “Khi so sánh với những bộ sưu tập đồ ngọc của hoàng cung triều Nguyễn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tôi thấy loại đá ngọc làm nên bức tượng cực kỳ tinh mỹ”.


    Từ đáy giếng hoàng thành đến cửa chùa

    Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, cho biết trong kinh Phổ Môn có nhắc đến việc thờ tượng Quan Âm tống tử để cầu con. Người nào mong con thì phát tâm cầu nguyện, lễ bái cúng dường Quan Thế Âm Bồ Tát. “Trong bộ kinh có câu cầu con trai là Thiện sanh phước đức trí huệ chi nam với ước mong có được đứa con trai phước đức, trí tuệ và sức lực. Còn Thiết dục cầu nữ thiện sanh đoan chánh, hữu tướng chi nữ, tức là cầu sinh được con gái với đầy đủ nữ tướng thùy mị, đoan trang, chánh trực”, thượng tọa nói. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho rằng, tượng bạch ngọc Quan Âm tống tử chính là do các phi tần hoàng cung triều Nguyễn thờ tự với mong muốn có được hoàng tử. “Bởi ở chốn cung đình, người có con trai với vua ắt hẳn vị trí của chính bản thân người đó cũng sẽ khác. Thời cuộc thay đổi, bức tượng lưu lạc rồi duyên may đến với nhà chùa”, ông Thiện nói.


    Cho đến ngày được tìm thấy, bức tượng Quan Âm tống tử đã trải qua một thời gian dài nằm dưới đáy giếng sâu ở Hoàng thành Huế. Câu chuyện này được nhiều đời trụ trì chùa Quán Thế Âm lưu giữ và truyền lại cho các sư sãi tu hành tại chùa. Thượng tọa Thích Huệ Vinh được sư thầy trụ trì tiền nhiệm kể lại rằng, sau khi đất nước giải phóng, một số người dân khi vét giếng trong khu Đại nội Huế đã tình cờ phát hiện bức tượng nằm dưới lớp bùn đất. Sau đó, bức tượng đến tay một người phụ nữ. “Trước khi người này ra nước ngoài định cư, bà đã tìm đến chùa chúng tôi để hiến tặng bức tượng này. Kể từ đó, các sư thầy cất giữ cẩn thận trong kho cho đến ngày thành lập bảo tàng mới đem ra giới thiệu công chúng”, sư thầy cho biết. Về nguyên nhân khiến bức tượng lưu lạc, thượng tọa Thích Huệ Vinh cho rằng, khi chiến tranh xảy ra, trên đường chạy loạn, rất có thể bức tượng đã được người của hoàng cung đặt xuống giếng sâu để tránh sự tàn phá và truy cướp.


    Theo hòa thượng Thích Huệ Hưng, người tu hành lâu năm tại chùa Quán Thế Âm, mặc dù bức tượng có ý nghĩa cầu con nhưng nhà chùa trưng bày bức tượng trong bảo tàng để quảng bá văn hóa Phật giáo chứ không nhằm mục đích tâm linh. Còn theo thượng tọa Thích Huệ Vinh, với những giá trị độc đáo, các chuyên gia đã khuyến khích nhà chùa nên đăng ký bức tượng thành bảo vật quốc gia. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cũng cho rằng, tượng Quan Âm tống tử xứng đáng là một bảo vật quốc gia và cho biết, sẽ cùng nhà chùa và các chuyên gia thẩm định để lập hồ sơ đề nghị công nhận.
    Hoàng Sơn
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Cổ vật kỳ sự: Hàng chữ kỳ bí trên trống đồng Cổ Loa

    05:41 AM - 22/08/2016 Thanh Niên




    Trống đồng Cổ Loa tại Bảo tàng Hà NộiẢNH: NGỌC THẮNG


    Có một bảo vật quốc gia được Giáo sư sử học, khảo cổ học Hà Văn Tấn gọi là “trống đồng Cổ Loa yêu quý”. Được tìm thấy tình cờ, nó cho thấy sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn.


    Nhóm trống đồng cổ nhất
    PGS-TS Lại Văn Tới, người gắn bó với nghiên cứu Cổ Loa hàng chục năm nay, nhớ rõ trống đồng Cổ Loa đã được tìm thấy như thế nào. “Trống được tìm thấy ở Mả Tre, xóm Chợ, xã Cổ Loa, H.Đông Anh, Hà Nội. Có một gò đất cao, khi người ta hạ đất xuống để làm ruộng thì trống hiện ra. Trong trống còn có hơn 200 hiện vật văn hóa Đông Sơn nữa. Xung quanh không có tầng văn hóa, vì trống đồng thường là vật quý người ta chôn giấu của”, ông Tới cho biết. Lúc đó là năm 1982.


    Chiếc trống khi đó nằm ngửa, chứa trong lòng nó cả bộ sưu tập lưỡi cày đồng gồm 30 chiếc. Bộ sưu tập này có 3 kiểu chính là lưỡi cày hình tim, hình bầu dục và gần hình tròn. Những chiếc lưỡi cày màu xanh rỉ đồng có niên đại từ thời Đông Sơn...
    Các nghiên cứu khảo cổ cho biết trống rất đẹp. Chính giữa mặt trống là hình sao nổi 14 cánh, trang trí họa tiết lông công xen giữa các cánh. Vành thứ 6 chia thành hai nửa giống nhau. Có họa hình người hóa trang, mái nhà cong hình thuyền có chim đậu, có hình nhà sàn đối xứng nhau qua tâm trống, trong mỗi nhà sàn có 3 người. Mỗi ngôi nhà sàn có dàn trống nằm sát bên phải. Cũng có nhà cầu mùa nằm đối xứng trên mặt trống...
    GS Hà Văn Tấn đánh giá đây là một chiếc trống đồng có thể xếp vào nhóm trống xuất hiện sớm nhất hiện nay.


    Hàng chữ khó đọc
    Trống Cổ Loa có một hàng chữ được đúc nổi. Theo TS Nguyễn Việt, Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, những dòng minh văn này là điều các học giả rất quan tâm. Năm 1982, hội thảo khoa học lớn đã được tổ chức để đánh giá và tôn vinh hiện vật này cũng như giá trị của tòa thành Cổ Loa lịch sử. Mặc dù vậy, phải tới 10 năm sau mới có những kiến giải đầu tiên về hàng chữ này, mở đầu là giải thích của học giả Nguyễn Duy Hinh.

    “Tựu trung lại các ý kiến đều thống nhất ở nhận định rằng minh văn ghi chép về trọng lượng và sức chứa của trống”, ông Việt cho biết. Cũng theo ông Việt, GS Diệp Đình Hoa, PGS-TS Trịnh Sinh và ông khi ấy cho rằng chữ chính giữa trống là Tây Vu. Dòng chữ có nghĩa là chiếc trống thứ 48 của tộc Tây Vu.
    Ông Việt giải thích, Tây Vu là tên bộ tộc lớn sau trở thành tên một huyện lớn dưới thời Tây Hán. Tây Vu cũng là cách ghi biến âm của nhóm tộc người mà tương truyền Thục Phán làm thủ lĩnh. Tộc này đã liên kết với Lạc Việt - Văn Lang của các vua Hùng thành nhà nước Âu Lạc cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên. Việc phát hiện trống Tây Vu trong thành Cổ Loa của An Dương Vương Thục Phán chứa đầy vũ khí và đồ đồng Đông Sơn cũng rất logic.


    Tuy nhiên, ông Việt cho biết, năm 2011, có một cách đọc khác về dòng minh văn do nhà nghiên cứu người Nhật tên Ba Hyu đưa ra. Ông này đã đọc dòng minh văn thành “Chiếc trống đồng thứ 48 của Việt tộc, nặng hai trăm tám mươi mốt cân”. 281 cân hồi đó tương đương 72 kg ngày nay là trọng lượng thực của trống.


    Sức sống văn hóa Đông Sơn

    Song cho dù ý nghĩa của dòng chữ đó như thế nào, điều không thay đổi là việc tất cả những đồ đồng đó là một tổ hợp thuộc văn hóa Đông Sơn. “Không nghi ngờ gì nữa. Đây là dịp tốt để chúng ta tìm hiểu về sức sống của văn hóa Đông Sơn”, GS Tấn đánh giá. Theo ông Tấn, luyện kim bao giờ cũng có ý nghĩa động lực và cách mạng trong các văn minh. Việc phát hiện ra nhóm đồ đồng Cổ Loa cùng các phế phẩm đã chứng minh rằng đồ đồng được đúc tại chỗ. Hàng vạn mũi tên Cổ Loa tìm được trước đây cũng nói lên điều đó. Thực ra những người thợ đúc Đông Sơn ở Cổ Loa chỉ tiếp tục phát triển nghề đúc đồng đã có từ sớm ở khu vực này. Ở di chỉ Đình Tràng Cổ Loa, khảo cổ học đã tìm được một mảnh khuôn đúc bằng sa thạch thuộc giai đoạn Gò Mun. Như vậy, Cổ Loa từ rất sớm đã là một trung tâm đúc đồng.


    PGS-TS Lại Văn Tới cho biết: “Trong quốc gia cổ đầu tiên là Văn Lang Âu Lạc thì đã tìm thấy trống Hy Cương của Văn Lang là trống đồng to, đẹp. Với quốc gia Âu Lạc thì đã tìm được trống Cổ Loa. Trống liên quan đến vương quyền, thần quyền và những thủ lĩnh giàu có, những người có uy tín trong cộng đồng. Họ có thể vừa là thủ lĩnh quân sự vừa là thủ lĩnh luyện kim”.

    PGS-TS Trịnh Sinh đánh giá, bên cạnh chức năng chính là âm nhạc, biểu tượng quyền uy, đến giai đoạn đầu Công nguyên, một số trống mà Cổ Loa là ví dụ đã mang thêm chức năng phụ là đồ đựng, mặc dù là đồ đựng quý giá. Thực tế, trống đồng ngay thời điểm trước Công nguyên đã mang nhiều chức năng khác ban đầu như tài liệu khảo cổ học cho thấy: đựng ốc tiền (mộ Thạch Trại Sơn, Vân Nam), làm áo quan (mộ Tây Lâm, Quảng Tây), cưa ra làm án ba chân...

    Cũng theo ông Sinh, mặc dù niên đại chôn trống Cổ Loa muộn, ít ra sau khi nhà Hán xâm lược nước ta, nhưng đồ đồng chôn theo tuyệt đại đa số là đồ đồng Đông Sơn. “Điều đó chứng tỏ sức sống Đông Sơn ở thời điểm này vẫn còn mãnh liệt. Người Việt cổ không bị nhà Hán đồng hóa nhanh như nhiều người tưởng”, ông Sinh phân tích.
    Trinh Nguyễn
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •