TÍNH PHẬT TRONG VÕ THUẬT VÀ TRONG VÕ PHÁI VĨNH XUÂN NỘI GIA

Võ Sư Nguyễn Ngọc Nội

(Đăng tại Tạp chí Thế Giới Mới, No-736, ngày 28/5/2007 dưới nhan đề “Tính Phật Trong Võ Thuật” )



Sự khởi nguồn của tính Phật trong võ thuật

Nói đến võ, từ trước đến nay mọi người đều hình dung về một hình ảnh người võ sĩ khỏe mạnh, đi quyền dũng mãnh, sức mạnh phi thường; những pha đánh võ đầy gay cấn. Không mấy người nghĩ đến có tính Phật trong võ thuật. Tính Phật vào trong võ thuật được khởi nguồn từ võ phái Thiếu Lâm, mà người đặt nền móng cho tính Phật trong võ chính là Sơ Tổ Phật giáo Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma. Người đã sáng chế ra các bài tập luyện (như Dịch cân kinh, Tẩy tủy kinh…) giúp cho các tăng ni tập luyện tăng cường thể lực cùng sự minh trí để vững vàng trong quá trình tu luyện. Song hành với việc tập luyện nâng cao thể lực, các kỹ năng tự vệ đã dần được hình thành để có thể giúp cho các tăng ni chống lại thú dữ, giặc cướp đến quấy phá và cản trở trên con đường hành đạo. Từ đó dần đã hình thành nền võ học Thiếu lâm. Ngay từ những ngày đầu của võ phái Thiếu Lâm, mọi người đều đã được biết đến tính Phật trong võ phái. Các môn đồ của võ phái Thiếu Lâm chỉ dùng các công phu võ học luyện tập để tăng cường sức khỏe giúp cho việc tu hành được tinh tiến. Họ chỉ sử dụng công phu võ học trong những tình thế bất khả kháng để bảo vệ mình, bảo vệ đồng môn, bảo vệ chùa, cứu người hoạn nạn. Không bao giờ dùng võ để bắt nạt người, đánh người vô cớ hay dùng vào những việc không có tính thiện lương. Đó chính là tính Phật (dưỡng sinh, tự vệ, cứu người) trong võ thuật.

Tính Phật trong võ thuật và trong võ phái Vĩnh Xuân Nội gia

Trong quá trình phát triển của mình, môn võ Thiếu Lâm cũng đã được truyền ra cả bên ngoài cửa Phật. Tinh hoa võ học Thiếu Lâm đã được một số võ phái và kể cả hệ thống quân đội của chính quyền tiếp thu và đặt tính chiến đấu lên hàng đầu. Tính Phật trong võ dần suy giảm. Song cũng không ít các môn phái võ vẫn giữ được bản sắc Phật gia trong hệ thống quyền thuật của mình khi hình thành. Như: Thái Cực Quyền, Vĩnh Xuân, Hiệp Khí Đạo… Hàng triệu triệu người trên thế giới đã và đang theo tập luyện các môn phái này, mà mục tiêu lớn nhất trong luyện tập là nâng cao và giữ gin sức khỏe, chữa bệnh và sau đó mới là kỹ năng tự vệ cho bản thân.

Từ trước đến nay, nhiều người cứ thấy nói đến đi học võ là lại nghĩ đến chuyện học võ dùng để đánh nhau, cho dù chỉ là để tự vệ. Thực ra bản chất sâu xa của việc rèn luyện võ thuật trước hết là để hoàn thiện chính con người mình về nhiều phương diện. Xây dựng cho con người mình khỏe cả về thể chất lẫn trí tuệ. Học võ để tiến tới điều khiển được các bộ phận trong cơ thể mình theo ý của mình, đồng thời để chiến thắng chính bản thân mình. Sau đó mới là để bảo vệ thân mình, bảo vệ người thân, chống lại đối thủ khi mà tính mạng bị đe dọa. Trong cuộc sống tự nhiên, CON NGƯỜI đã là một thực thể rất hoàn thiện về cấu tạo cơ thể cũng như về lĩnh vực hoạt động trí não cao cấp. Tuy vậy vẫn có rất nhiều tiềm năng tiềm ẩn trong con người mà con người chưa khai thác và phát huy hết được. Các phương pháp tập luyện do con người sáng tạo ra, trong đó có võ thuật đã góp phần tích cực vào việc phát huy tiềm năng của con người trên lĩnh vực bảo vệ sức khỏe, đẩy lùi và chiến thắng bệnh tật, điều khiển cơ thể để tạo nên những hình thái vận động có khả năng chống đỡ được các tác nhân bên ngoài tác động đến cơ thể (tính tự vệ, tính chiến đấu). Trên thực tế hiện nay, tính chiến đấu cao trong võ thuật không còn là mục đích rốt ráo trong tập luyện. Các phương tiện kỹ thuật, vũ khí hiện đại đã làm giảm đi rất nhiều tính chiến đấu của võ thuật. Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thường, trong những hoàn cảnh cụ thể, tính tự vệ, tính chiến đấu trong võ thuật vẫn còn có những tác dụng không nhỏ. Với nhiều quan niệm mang tính thiện, tính nhân bản, ngay từ những ngày đầu hình thành nên nền tảng võ thuật, Phật Gia đã đưa tính Phật đã trở thành các chuẩn mực đạo đức trong võ thuật mà những người học võ đều phải hiểu biết và thực hiện nghiêm chỉnh một cách tuyệt đối. Trong thực tế hiện nay, qua nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học khi nghiên cứu về võ thuật, chúng ta đã nhìn nhận võ thuật quay trở lại đúng như người xưa đã quan niệm: tập võ trước hết là dưỡng sinh, chữa bệnh, sau đó mới là khả năng tự vệ cho bản thân. Đây chính là tính Phật trong võ thuật.

Vĩnh Xuân Nội gia, một môn phái võ bắt nguồn từ nhà Phật, với tên gọi từ xa xưa là Vĩnh Xuân Phật Gia. Đây là môn võ lấy luyện tập bên trong con người làm cơ bản, và làm cơ sở cho quá trình thực thi quyền thuật, cho nên được liệt vào dòng võ nội gia (môn võ lấy luyện khí làm trọng). Do đó môn Vĩnh Xuân Phật Gia còn được gọi là môn Vĩnh Xuân Nội gia. Môn Vĩnh Xuân Nội gia trên thực tế, trước hết giúp ích rất lớn cho người tập trong phương diện tăng cường sức khỏe, nâng cao khả năng đề kháng của cơ thể, giúp đẩy lùi và (có thể) chiến thắng bệnh tật. Đã có rất nhiều thực tế minh chứng cho khả năng dưỡng sinh, chữa bệnh của môn Vĩnh Xuân Nội gia. Đồng thời môn Vĩnh Xuân Nội gia còn giúp cho người tập một kỹ năng tự vệ hữu hiệu. Hệ thống công pháp và kỹ thuật của Vĩnh Xuân Nội gia được tinh giản tối đa, không cầu kỳ, hoa mỹ, lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu trên cơ sở tạo ra bản năng vận động (tính chiến đấu) rất tự nhiên. Trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia bao giờ cũng là đỡ đòn trước hết rồi mới phản đòn, không bao giờ ra đòn đánh trước. Và trên thực tế môn Vĩnh Xuân Nội gia không có đòn đánh trước. Đó chính là tính tự vệ (tính Phật) của Vĩnh Xuân Nội gia. Nếu xem biểu diễn môn Vĩnh Xuân Nội gia chắc chắn khó bắt mắt mọi người, bởi những điều nói ra ở trên. Song điều này chính lại là thể hiện tính Phật rất cao trong võ phái Vĩnh Xuân Nội gia.

Sự cần thiết của tính Phật trong võ thuật

Đi học võ, nhiều người chăm chú đến việc xây dựng cho mình khả năng tự vệ hoặc để chiến đấu (vì các mục đích khác nhau). Song nếu ta không nghĩ đến tính Phật trong võ, tức là ta đã bỏ đi hơn phân nửa giá trị thực của võ. Thậm chí ta đã bỏ đi phần gốc mà chỉ học có phần ngọn, xa rời nền tảng đạo lý của võ thuật. Bởi võ học đâu chỉ là việc ra chân, ra tay để ra đòn, mà trong hệ thống võ thuật còn chất chứa trong đó nền triết học Đông phương sâu xa huyền vi, mà không hiểu nó thì sẽ không thể hiểu được bản chất của từng động tác, từng đòn thế, từng bài quyền và cao hơn là bản chất của môn phái. Điều này sẽ làm cho người tập khó có thể tiến xa trên con đường võ học. Học võ phải tiến tới làm chủ được mình, chiến thắng chính bản thân mình trước khi nghĩ đến chiến thắng người khác. Phải xác định ngay từ những buổi đầu tiên phương châm: “Giữ được mình tức là thắng được người”, lấy tự vệ là chính. Như vậy sẽ học được nhiều nhất, sâu nhất, chắc chắn nhất, bền vững nhất và thành công nhất. Hay nói cụ thể là đi học võ phải nhìn nhận được tính Phật trong quá trình tập luyện. Đó mới là cái gốc của võ thuật.

Giữ gìn tinh hoa trong võ thuật chính là đề cao tính Phật trong võ. Được như vậy, con người chúng ta sẽ càng được hoàn thiện hơn, toàn diện hơn. Góp phần làm cho xã hội trong sáng, tươi đẹp hơn. Và cũng góp phần làm sáng thêm tính Phật trong mỗi con người chúng ta.

http://www.wingchun.com.vn