Những người lưu giữ hồn dân tộcThái ở Điện Biên

Thứ Ba, 31/01/2012, [GMT+7]
In tin nàyGửi email1 phản hồi


Điện Biên TV - Người Thái có mặt trên đất Tây Bắc đã hàng nghìn năm nay. Trong quá trình sống, lao động, học hỏi và giao lưu, họ đã tạo được những giá trị văn hóa riêng biệt. Ngày nay, sự tác động của những trào lưu văn hóa ngoại lai, đang ít nhiều ảnh hưởng đến việc bảo tồn những giá trị này. Nhưng tại Điện Biên, nơi được coi là cái nôi văn hóa Thái, vẫn đã và đang có những người âm thầm gìn giữ những giá trị riêng có ấy.

Bà Lương Thị Đại bên những bản chữ Thái cổ
Linh hồn của một dân tộc là những giá trị văn hóa được dân tộc đó gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nó được thể hiện qua phong tục tập quán, qua văn học nghệ thuật, qua trang phục truyền thống và hệ thống biểu tượng, tạo nên bản sắc riêng cho dân tộc đó.

Nói đến cộng đồng dân tộc Thái ở Điện Biên, là người ta nghĩ ngay đến khăn Piêu, áo Cóm, nghĩ đến cây đàn Tính hai dây, hay những tác phẩm văn học đặc sắc như: “Tản chụ xiết xương”, “Xống chụ xon xao”, “Khun Lú nàng Ủa”...và những lễ hội mang nhiều ý nghĩa tâm linh.

Một trong số những người đang góp phần gìn giữ, bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống ấy ở Điện Biên là bà Lương Thị Đại. Nhiều năm nay bà đã đến khắp các bản làng người Thái trên toàn tỉnh, để thu thập tư liệu cổ về dân tộc Thái. Tư liệu mà bà thu thập là các lễ hội cổ truyền, là tác phẩm văn học cổ, các bản chữ cổ, và nhiều khi là những tập quán sinh hoạt của người Thái, những cái đang mất đi hoặc sẽ dần mai một.


Bà Lương Thị Đại từng công tác ở Ty Văn Hóa Lai Châu trước đây; nghỉ hưu năm 1988 và hiện đang sống ở xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Nay đã ở tuổi 70, nhưng niềm đam mê đối với những chuyến đi và với những trang viết về văn hóa Thái của bà, khiến tôi thấy bà như không phải đang ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” ấy. Trong vòng 5 năm trở lại đây, bà Đại đã sưu tầm, đã viết và cho xuất bản 7 đầu sách về phong tục tập quán và tác phẩm văn học cổ dân tộc Thái.

Hễ nghe nói ở đâu có những người già còn biết nhiều chuyện xưa của người Thái, ở đâu còn có những bản chữ Thái cổ không mấy người biết đọc, hay vùng nào có những người còn biết những nghi lễ của tổ tiên người Thái xa xưa, là bà Đại tìm đến. Hành trang của bà là một cuốn sổ tay, cây bút, máy ghi âm, rồi máy ảnh, và điều quan trọng nhất là niềm say mê đối với việc gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc.


Với nhiều tác phẩm sưu tầm, dịch thuật và nghiên cứu văn hóa, văn học Thái, được xuất bản từ năm 2009 tới nay như: “Tạo Sông Ca nàng Si Cáy”, “Lời ca trong lễ hội xên bản, xên mường của người Thái”, “Hôn nhân của người dân tộc Thái ở Điện Biên”... bà Lương Thị Đại đã trở thành nhà nghiên cứu văn hóa Thái ở tuổi ngoại lục tuần. Những trang viết của bà đang góp phần gìn giữ, bảo lưu những giá trị văn hóa, được lưu truyền hàng ngàn năm nay trong vùng đồng bào Thái ở Điện Biên.


Ông Mo Thức đang biểu diễn bài hát Then "Lên trời cầu khấn"
Nói đến người nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, và dịch các tác phẩm văn học tiếng Thái để bảo lưu và giới thiệu, mà không nói đến những người có công lưu truyền chúng thì sẽ là một thiếu sót. Những người tôi muốn nhắc đến ở đây là những ông Mo bản. Họ là người thông thuộc nhiều lễ tục cổ truyền của dân tộc, từ lễ lớn của cộng đồng như: Xên bản, xên mường, cho đến những lễ tục trong gia đình người Thái như: Lễ cúng nhà mới, ma chay, cưới hỏi.

Và đặc biệt họ cũng chính là những người có công lưu truyền các tác phẩm văn học truyền miệng của người Thái, trong đó có nhiều truyện thơ như: “Tản Chụ xiết xương”, “Xống chụ xon xao” và nhiều tác phẩm khác còn chưa được công bố và giới thiệu. Ở Thị xã Mường Lay có một ông Mo được nhiều người biết đến. Tên ông là Vàng Văn Thức, sống tại bản Na Nát, phường Na Lay. Người dân ở đây quen gọi ông là “Mo Thức”. Mo Thức là người được dân bản rất tin tưởng mỗi khi có việc về tín ngưỡng tâm linh cần đến thầy Mo.

Theo lời Mo Thức nói, trong khi làm những nghi lễ cần thiết, ông Mo sẽ hát các bài ca nghi lễ. Bài ca nghi lễ của người Thái phần lớn là các truyện thơ đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đó là những tác phẩm văn học truyền miệng phản ánh lịch sử dân tộc, hoặc quan niệm thẩm mĩ của những tộc người Thái xưa. Ví như trong bài Then “Đưa người lên chơi chợ Mường trời”, thường được các ông Mo hát trong lễ giải hạn, có đoạn ca tụng vẻ đẹp của con người có sức mạnh phi thường:

Đạp đất đen co cứng thành hòn
Đạp đất cằn co lại thành cục
Mặt đỏ gay như chiếc dùi nung
Bàn chân mỏng như lưỡi mai
Chặt cây không cần búa
Tỉa cây không cần dao...

Dân bản rất tin tưởng các thầy Mo vì họ là những người thông tuệ, hiểu biết về phong tục tập quán, nhưng ngày nay không mấy người biết được họ là những pho truyện thơ sống của dân tộc. Và chính họ cũng là người đang gìn giữ một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo. Năm 2007, cùng với đoàn nghệ nhân diễn xướng tỉnh Lai Châu tham dự "Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ II" tại tỉnh Cao Bằng, Mo Thức đã đem bài Then “Lên trời cầu khấn” đi biểu diễn. Tiết mục đã được Ban tổ chức trao giải A vì sự độc đáo trong lối hát cũng như hình thức biểu diễn.

Nghệ nhân Lò Văn Ơn với bộ sưu tầm các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái

Và tôi còn muốn nói đến những người đang lưu giữ những loại nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Thái ở Điện Biên. Một trong số đó là nghệ nhân Lò Văn Ơn, sống tại bản Nà Ten, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Có thể nói ông là một người say mê sưu tầm và chế tác các loại nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là nhạc cụ dân tộc Thái. Đã nhiều năm nay ông liên tục học hỏi để có thể làm được những cây đàn Tính Tẩu, những cây Nhị Bầu và các loại sáo trúc có âm thật thanh, đem biểu diễn trong các hội vui, hoặc chỉ để chơi cho vui mỗi khi cao hứng. Vì vậy mà trong nhà ông có nhiều loại nhạc cụ khác nhau, trong đó có những cây đàn Tính, cây Nhị Bầu của người dân tộc Thái. Các nhạc cụ này được ông xếp vào một chiếc tủ riêng và giữ gìn, trân trọng chúng như vật báu.


Những người như bà Lương Thị Đại, như ông Lò Văn Ơn và những ông Mo bản giàu tâm huyết, đang là người gìn giữ, bảo lưu vốn văn hóa cổ truyền của người Thái Điện Biên. Trong từng trang viết, từng tiếng đàn, điệu Then của họ, là linh hồn dân tộc, sẽ sống mãi qua những bước thăng trầm của thời gian, qua những bể dâu của đời sống hiện đại hôm nay và ngày mai.


Đặng Minh Giang