Xét thấy có rất nhiều ngộ nhận về Pháp môn Niệm Phật và Vãng sanh không chỉ trong giới Cư sĩ tại gia mà còn cả trong giới Tu sĩ xuất gia, làm ảnh hưởng không nhỏ đến Tín tâm, sự hành trì và thành tựu của một đời tu hành gian khó nên bài này được viết với tâm nguyện nhằm giúp các đạo hữu có CHÁNH KIẾN VỀ NIỆM PHẬT VÃNG SANH, từ đó liễu pháp trực tâm để không còn mơ hồ, lầm lạc, nghi hoặc… chướng trái; dõng mãnh phát Bồ Đề tâm, nguyện Chánh Tinh Tấn hành trì Diệu Pháp trên đường hướng tới giác ngộ - giải thoát. Có mấy điều cần sáng tỏ, liễu tri như sau:


1. CHƠN TÍN - NGUYỆN - HẠNH

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng thọ ký rằng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh! Ta là Phật đã thành”.

Lời thọ ký trên chính là Diệu Pháp Phật truyền về CHÁNH TÍN cần có nơi tất cả mỗi người tu Phật, dù theo bất kỳ Tông môn nào đi nữa (Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông). Rõ ràng, không có Phật vị “độc tôn, vô nhị”, không có sự “ban ơn, giáng họa” thần quyền cảm tính trái với Luật Nhân-Quả chí công thì ai thống thiết với sanh tử luân hồi sẽ tự nhẫn lực tu hành không mỏi, bất luận sự đời thịnh - suy, thăng - trầm dâu bể… Đó là ngoài tin sâu Luật Nhân-Quả nghiệp báo tuần hoàn, lòng Từ Bi vô lượng và Hạnh Nguyện vô biên của mười phương Chư Phật, trực tâm y theo Diệu Pháp Như Lai mà tu hành chơn chánh thì hành giả tu Phật phải xác tín một niềm tin tuyệt đối về TỰ TÁNH PHẬT của chính mình như lời Phật thọ ký. Nếu không tin hay nghi hoặc Tự Tâm, dù chỉ một chút, thì cả đời tu hành sẽ luống công vô ích. Căn cơ thấp - cao là lý của kẻ mê, Pháp môn thượng - hạ là lời của kẻ chấp, hỏi tâm ngã chấp mê sao thành Chánh Giác? Thế mà bao người tu chẳng tín tự tâm, nặng lòng “phó thác” cầu Phật tiếp dẫn vãng sanh mà chẳng “phản quan tự kỷ, hồi quang phản chiếu” trong từng sát na tâm niệm xem mình đã thật sự tu hành tinh tấn hay chưa, công hạnh điều phục thân - tâm hướng thượng tinh chuyên đến độ nào (?). Nên nhớ: nếu gieo “nhân tự giác - tự độ” nơi Diệu Pháp Như Lai thì chắc chắn có ngày thành tựu “quả giác ngộ - giải thoát” lẽ tự nhiên trong mai hậu nếu trực tâm tu hành chơn thật! Đó chính là Lý Tánh Từ Bi - Trí Huệ - Bình Đẳng - Vô Ngã thậm thâm vi diệu, bất khả tư nghì của nhà Phật!

Có câu: “Đức Tin, tức Chánh Tín, là cửa ngõ vào Đạo, là cội nguồn của Công đức và vạn Hạnh xuất thế”. Nhờ CHÁNH TÍN TỰ TÁNH PHẬT nên hành giả thúc liễm tu chơn, Giới - Định - Huệ nghiêm trì, TỪ BI phát NGUYỆN - lập HẠNH VÔ NGÃ hóa độ, nhiêu ích chúng sanh mà không màng sanh tử. Nguyện - Hạnh nói ở đây là nơi công phu Giới - Định - Huệ khi hành thiền mà Tự Tánh Từ Bi - Vô Ngã khởi thệ lập chứ không phải “tác ý” tưởng nghĩ thường tình (xem bài “Hạnh nguyện người tu Phật”). CHƠN TÍN – NGUYỆN – HẠNH xuất phát từ TỰ TÁNH như thế mới khế hợp với Bổn Nguyện của Đức Phật A Di Đà và chư Phật khắp 10 phương, là tư lương vô cùng quan trọng đối với “tất cả” những ai hướng Phật tu hành vì đại sự liễu sanh thoát tử và hóa độ chúng sanh nơi khôn cùng cảnh giới khắp Thập phương Tam cõi chứ không phải “chỉ” dành riêng cho hành giả tu Tịnh, càng không phải “cầu” vãng sanh cho bản thân mình để sau này trở lại Ta Bà cứu độ (ý niệm “ngã” vi tế) như bao tu sĩ đã lầm tri diễn thuyết. Tôn chỉ tu Phật là “ưng vô sở trụ” thì Tín - Nguyện - Hạnh cũng phải tương ưng khế hợp với Tự Tánh Phật Từ Bi - Vô Ngã, có như thế sự tu hành mới mong thành tựu. Đó chính là: CHÁNH TÍN TÂM – TỪ BI NGUYỆN – HẠNH VÔ NGÃ trang nghiêm vi diệu. Đại chúng nên liễu rõ lý này!

2. ĐIỀU KIỆN VÃNG SANH

Điều kiện để được vãng sanh về A Di Đà Phật Quốc là: Thập phương chúng sanh trước phải phát Bồ Đề tâm, sau tu các công đức, đến khi lâm chung niệm Phật được “nhất tâm bất loạn” thì mới thành tựu vãng sanh.

- Trước phải phát Bồ Đề Tâm tức Tín – Nguyện – Hạnh như đã giảng ở trên.

- Sau tu các “công đức” tức hành giả phải kiết già tọa thiền niệm Phật (Giới - Định - Huệ), không phải chỉ hành Thiện “phước đức” như bố thí, phóng sanh, trai Tăng, xây chùa, đúc tượng… như bao người lầm tưởng, bởi công đức ở trong Pháp Thân nhờ công phu Thiền Định mà có, chẳng ở tại tu Phước vốn chỉ trợ hạnh mà thôi.

- “Nhất tâm” là công phu trì tâm nơi Phật hiệu miên mật không gián đoạn, không bị xen tạp bởi một vọng niệm “vi tế” nào. “Bất loạn” là trạng thái “nhất tâm” kéo dài trong một khoảng thời gian dài hay ngắn tùy vào công phu sâu hay cạn mà sai khác. Vậy, phút lâm chung nếu niệm Phật được “nhất tâm bất loạn” thì mới thành tựu vãng sanh, hay nói cách khác, sự vãng sanh A Di Đà Phật Quốc tùy thuộc vào thành quả tu hành cả đời có được “nhất tâm bất loạn” hay không.

HỎI:

- Phút lâm chung, chỉ một niệm “vi tế” khởi lên ngoài niệm Phật, vị ấy sẽ liền theo nghiệp mà thọ báo luân hồi trong Lục đạo. Vậy vãng sanh Phật Quốc có phải là chuyện dễ dàng hay không?

- Một đời tu hành có chắc sẽ thành tựu “nhất tâm bất loạn” hay không (chớ đừng nói đến “Vô Niệm”)?

Tin rằng Đại chúng đã tự có câu trả lời minh bạch.

3. LIỄU NGHĨA “VÃNG SANH”

Thế nào là Vãng sanh? Vãng sanh ở đây hàm Chánh Nghĩa: “TỰ GIÁC - TỰ ĐỘ VIÊN MÃN, THÀNH TỰU GIẢI THOÁT” nên nếu còn đa nghĩa nào khác thì đó chỉ là tùy nghi dụng ngôn làm phương tiện để khuyến hóa sơ cơ, định hướng tu hành mà thôi, không phải nghĩa rốt ráo. Người tu đạo khi đã có căn bản về Phật Pháp thì nên “liễu nghĩa” vãng sanh, chớ sanh tình chấp, vọng cầu mà chướng trái Tự Tánh. Thật vậy! Thế gian vạn sự vô thường do duyên hợp - tan giả tạm theo Nhân-Quả tuần hoàn - Nghiệp báo chí công thì sự hướng Phật tu hành là thuận theo Chơn lý và Tự Tánh, nào có ngoại lệ chi. Dẫu Chư Phật từ bi vô lượng, Phật lực vô biên bất khả tư nghì nhưng nếu chúng sanh lãng tu thất niệm thì cũng vô phương hóa độ mà thôi. Nhân bao biển Quả, Quả suốt nguồn Nhân nên “Quả vãng sanh” phải do “Nhân giải thoát tu hành” mà thành tựu:

a. Nếu cư sĩ tại gia hay tu sĩ xuất gia tu hành chơn thật, tịnh Giới nghiêm trì, miên mật Thiền Định bất luận tháng ngày, một lòng cầu Đạo chẳng màng sanh tử, công hạnh thành tựu Vô Niệm liền kiến Tự Tánh Di Đà, liễu thoát tử sanh, an nhiên tự tại. Do “tâm ĐÃ tịnh tức Phật Độ tịnh” nên hành giả đâu cần Chư Phật tiếp dẫn lúc mãn kiếp tàn hơi mà trái lại, thân tuy còn hiện hữu tại Ta Bà ngũ trược nhưng hành giả du hóa đến đâu thì nơi đó hóa thành Đạo Tràng Tịnh Độ trang nghiêm vi diệu cho thập phương chúng sanh khắp cõi tầm về nương tựa. Có câu: “Tự Tánh Di Đà, duy Tâm Tịnh Độ”, lý - sự viên dung là nghĩa này vậy!

b. Nếu cư sĩ tại gia hay tu sĩ xuất gia tu hành chơn thật, tịnh Giới nghiêm trì, chuyên tâm Thiền Định, công hạnh thành tựu nhất tâm bất loạn liền khế hợp với Phật nguyện A Di Đà, mãn kiếp hậu phần chắc chắn sẽ được tiếp dẫn vãng sanh Phật Quốc (dù công hạnh chưa thành tựu “Vô Niệm”).

c. Nếu cư sĩ tại gia hay tu sĩ xuất gia tu hành chơn thật, tịnh Giới nghiêm trì, chuyên tâm Thiền Định nhưng công hạnh đến cuối đời vẫn chưa đạt “Nhất tâm” thì khi thác đi, hành giả chắc chắn sẽ tiếp nối Huệ mạng tu hành của mình ở đời vị lai cho đến khi đạo nghiệp tự giác - tự độ viên mãn “Nhất tâm cho đến Vô niệm” như đã nói ở trên mới thành tựu vãng sanh, giải thoát.

d. Nếu ai tiền kiếp đã từng gieo trồng phước điền nơi Tam Bảo tôn quý, Phật sự nhiêu ích chúng sanh không ngơi nghĩ; hiện đời lại năng làm lành lánh dữ, hiếu - nghĩa lo tròn, trí - tín đầy đủ, giới đức hướng thượng trưởng dưỡng tinh chuyên, trong phút giây cận tử lại có được duyên lành thân cận Thiện-tri-thức chơn tu khuyến hóa mà nhàm chán tử sanh tuần hoàn mê mãi, thành tâm sám hối với oan gia trái chủ và nghiệp tội bao đời, khởi tâm nguyện Bồ Đề dõng mãnh chí thiết quy Phật độ sanh đến nỗi lòng thành “cảm ứng” chư Phật khắp 10 phương thì vãng sanh có thể xảy ra trong trường hợp này nếu căn duyên công đức hội tụ hiện tiền đến kỳ viên mãn.

e. Nếu một đời không tu, mê tâm chất ngất, tác nghiệp muôn trùng cho đến khi cuối đời mới sám hối tu niệm thì phút giây cận tử chiêu cảm nghiệp tội - oán báo tương ưng gieo tạo nhiều đời khiến tâm tán loạn trong hơi tàn lực kiệt…, hậu phần chắc chắn đọa lạc không ngoa, làm sao vãng sanh Phật Quốc? Dẫu có được hộ niệm phút lâm chung đi nữa thì chỉ là “trợ duyên” định hướng tịnh tâm nghĩ tưởng Chư Phật, từ đó sám hối giúp gia giảm nghiệp lực phần nào mà thôi, tuyệt không có phần quyết định hậu báo.


4. TỊNH ĐỘ NƠI TÂM, CHỚ “CẦU” CHƯỚNG TRÁI

Tập khí chúng sanh bao đời do bởi tam độc Tham - Sân - Si ứng nơi 6 căn khi duyên với 6 trần thành 6 thức khiến tam nghiệp Thân - Khẩu - Ý chất chồng, từ đó chiêu cảm nghiệp báo luân hồi trong Lục Đạo thống khổ nên hành giả tu Phật nếu không thu nhiếp 6 căn, tọa thiền tâm niệm “DIỆU A DI ĐÀ PHẬT” tương tục không ngừng, hỏi làm sao có thể điều phục thân tâm trước tập khí vô minh và cám dỗ của thế sự? Niệm Phật tức tâm niệm, chẳng phải miệng tụng. Nếu hành giả không khởi 10 tâm thù thắng gồm: Tín tâm, Thâm trọng tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm, Xả ly tâm, An ổn tâm, Đà-ra-ni tâm, Hộ giới tâm, Ba-la-mật tâm, Bình đẳng tâm và Phổ Hiền tâm, hỏi làm sao có thể niệm Phật đúng Pháp (xem bài “Chơn niệm Phật”)? Nếu hành giả không đoạn trừ tâm Sát - Đạo - Dâm - Vọng khi hành thiền (niệm Phật, tham thiền) thì ắt lạc lối rơi vào Tà mị, sao có thể giữ gìn Huệ mạng nơi Tam Bảo dài lâu, tiến tu bất thối (xem bài “Tâm sát - đạo - dâm - vọng”)?... Do đó, công phu CHƠN NIỆM PHẬT chẳng phải dễ hành trì vì NIỆM PHẬT LÀ NIỆM TÂM, nếu tâm chẳng chơn chánh, còn tham - sân - si, chấp Ngã - chấp Pháp thì làm sao có thể thành tựu “nhất tâm”, từ đó khế nguyện của Đức Phật A Di Đà mà vãng sanh giải thoát? Cho nên, Đại chúng đừng lầm nghĩ Vãng sanh là chuyện dễ mà sanh tiền giải đãi biếng tu, mãi mê tạo nghiệp, phút lâm chung bèn niệm trả phó thác thì hối hận muộn màng. Vạn sự trong vũ trụ nhơn sinh đều thuận theo Nhân - Quả nghiệp báo chí công, kể cả đại sự tu Phật liễu sanh thoát tử nên có “cầu” cũng không được bởi Giác siêu - Mê đọa lẽ công bằng, nào phải thần quyền thưởng phạt thăng - giáng bất công, trái Lý. ĐẠO TẠI TÂM HÀNH nên Đại chúng chớ có chấp trước làm gì chuyện “vãng sanh” mà “mong cầu” thêm chướng, đôi khi thái quá có thể rơi vào mê tín, ươm mầm tà kiến không hay.

Có câu:

Tự Tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ.
Tâm tịnh tức Phật độ tịnh.

Vì vậy, hành giả thiết tha khuyên Đại chúng bất luận trong hoàn cảnh nào, dù thuận hay nghịch, cũng đừng cho lay chuyển chí nguyện, thối tâm Bồ-Đề mà hãy miên mật tu trì, đến khi công hạnh viên mãn thì “tự nhiên” thành tựu vãng sanh, giải thoát. Tuyệt đối đừng niệm Phật cầu sanh nơi khác mà hãy tự tin nơi TÂM MÌNH, lấy Chánh Tín Tâm làm “nhân” tu hành chuyên nhất bởi “Tự-Tánh Di-Đà, Tâm tức Phật”, Tâm Phật vô lượng vô biên thì Tịnh-độ Di-Đà cũng vô cùng vô tận, trùm khắp 10 phương Pháp giới, nào chỉ tại phương Tây (?). Ngược lại, mong cầu, phóng dật, buông lung, giải đãi, biếng lười trong sa đọa… thì giác ngộ mãi còn xa. Điều này chứng tỏ người tu Phật không nên sợ quả mà phải sợ nhân bởi đạo lý Nhân - Quả cảm ứng thiên nhiên chí công là chơn lý tuyệt đối. “Bồ Tát sợ nhân, Chúng sanh sợ quả” là nghĩa này vậy!

Niệm Phật tức niệm Tự Tâm,
Tức tâm tức Phật, Phật nào đâu xa?
Dù cho bao nổi phong ba,
Di Đà Tự Tánh khắc sâu trong lòng.
Tín Tâm miên mật tự hành,
Từ Bi phát Nguyện, Hạnh thời tương ưng.
Xả thân cầu Đạo chẳng màng,
Tiếp theo gót Phật, nguyện thừa Như Lai.
Vãng sanh, Giải thoát đến “thời”,
Di Đà Phật Quốc rạng ngời Tâm Minh!

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

A Di Đà Phật _()_


NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT