Sọan giả: HT Nguyễn Long Thành

Cõi Âm Quang


Đức Bát Nương Diêu Trì Cung khi giảng về cõi âm quang có nói đại ý rằng quan niệm về Địa ngục, Diêm đình, phong đô, địa phủ, âm ty, Thập điện diêm cung.v.v.. các cõi giới đó đã bị mê tín gieo truyền nhiều trong đầu óc con người, nghĩa là giáo lý của các tôn giáo đã truyền dạy bị xuyên tạc bởi sự mê tín của quần chúng.

Vì vậy trong Đạo Cao Đài, bà sáng tạo ra một từ ngữ mới gọi là Cõi Âm Quang để thay thế những quan niệm xưa đã bị hiểu lầm rất nhiều. Chúng ta cần chú ý điểm nầy. Sau đo,ù bà có giảng dạy rằng khi con người thoát xác, chơn hồn phải đi qua một cửa ải đệ nhứt sợ, đó là chỗ để xét mình coi trong kiếp sanh bao nhiêu phước tội. Cõi đó đối với người làm nhiều tội lỗi là cõi tối tăm khiếm khuyết ánh sáng Thiêng Liêng, một nơi để giải thần định trí.

Giải thần : tức nhiên là giải tán tà thần tức là những tư tưởng tà vạy của mình, tồn đọng trong ký ức của chơn thần.

Định trí : là gom tư tưởng của mình lại để xét một vấn đề gì đó đừng cho phóng tâm hoặc là để không không chẳng nghĩ gì cả.

Bà còn dạy rằng :
" Chớ chi nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác thì tự nhiên tránh khỏi Âm Quang."

Nghiã là Cõi Âm Quang nầy sẽ hiện ra khi nào chúng ta sống không biết xét mình. Còn nếu chúng ta lúc sống biết xét mình tức nhiên là biết tránh điều tội lỗi thì Cõi Âm Quang sẽ không hiện ra.

Nói cách khác cõi Địa ngục không có đối với người không tội lỗi.

Vì vậy vấn đề Địa ngục có hay không sau khi chết là do chính mình tạo ra lúc còn sanh tiền. Hiền thì thăng, dữ thì đọa là lẽ tự nhiên.

Vây âm quang là chỗ phạt tù những linh hồn hung ác mà cũng là một trạng thái sống với những dày vò, đau khổ bởi quả kiếp xấu mà mình đã gây ra trong khi còn sống. Còn nếu như mình biết thức tỉnh lo tu hành giải thoát thì tự nhiên trạng thái sống sau khi chết, vẫn tiếp tục thong dong gọi là nhẹ nhàng siêu thoát, đó là con đường dành cho những người sống biết tu hành, tu đúng pháp và thành công. Cho nên trong kinh điển Cao Đài mô tả cả hai điều :

- Cảnh đọa đày nơi Địa ngục nay gọi là Cõi Âm Quang là có thật .
- Và một điều nữa là khi mở Đạo, Đức Chí Tôn đã ân xá tội lỗi cho chúng sanh.
Ngài đã làm thức tỉnh chơn thần của họ và hướng dẫn họ tu hành cho đắc Đạo thì tức nhiên đối với những người thành công trên đường tu, việc mở ra một nền Đạo có nghĩa là đóng địa ngục, đóng từ khi còn sống, không tạo ra tình trạng tối tăm tiếp nối sau khi chết, tức nhiên là"vô địa ngục, vô quỷ quan ".

Trong bài kinh Thuyết Pháp câu chót là "Khai cơ giải thoát mở tù phong đô ".

Thuyết pháp nghĩa là giảng Đạo, giảng về chân lý cho người ta hiểu được lẽ thật của cuộc đời mà lo tu hành. Dùng lời nói để thức tỉnh chúng sanh có nghĩa là mở tù phong đô cho họ.

Tới đây chúng ta thấy khá rõ kinh điển trong Cao Đài nói về cõi Địa ngục không có gì là mâu thuẫn cả, nếu chúng ta hiểu được lý sâu của Đạo. Còn nếu như căn cứ vào từ ngữ chỗ nầy nói đóng Địa ngục mở tầng thiên, chỗ kia mô tả cảnh Địa ngục thế nầy, thế nầy...chúng ta sẽ thấy dường như có mâu thuẫn với nhau.

Không gian vật lý và không gian tâm lý, ấy là nói về phương diện kinh điển chánh truyền, còn về phương diện vật lý bạn thử đưa một ngón tay lên trước mặt, tại điểm đầu ngón tay của bạn đo,ù tọa độ không gian vật lý ấy hiện tại có biết bao nhiêu làn sóng điện của các đài truyền thanh, truyền hình gởi đi trong không gian xuyên qua tọa độ đó. Con mắt mình nhìn vào không thấy gì cả, nhưng mà chúng ta biết có những làn sóng điện ấy với kiến thức khoa học bây giờ. Tùy theo bạn chỉnh làn sóng máy thu thanh hay máy truyền hình của bạn ở tầng số nào thì sẽ bắt gặp sự sinh hoạt của đài truyền thanh hay truyền hình đó.

Đối với không gian tâm lý cũng vậy nơi bạn đang ngồi đó cũng có đầy đủ những cõi giới từ Niết bàn đến Địa ngục. Thế giới đó con người gọi là vô hình, nhưng thực ra chứa đầy đủ các cõi giới tâm linh sinh hoạt khác nhau.

Vậy thì do nơi tâm lý sống của tâm linh mình mở ra ở loại nào mình sẽ giao cảm với loại sinh hoạt của tâm linh đó.

Mình hành thiện, tức nhiên mình sống với cõi tâm linh Thần Thánh, mình mở ra cõi giới giao cảm đó từ khi còn trong xác phàm nầy, tức nhiên sau khi chết chơn thần mình vẫn tiếp nối con đường đó thôi.

Nếu mình hành ác mình đã mở ra cõi giới tâm linh của ma quỷ thì sau khi thoát xác, chơn thần sẽ tiếp tục sống trong dày vò đau khổ gọi là đọa đày, đại khái là như vậy.

Vì vậy cõi Địa ngục vẫn có thường xuyên trong cõi không gian nầy. Cánh cửa mở để người ta đi vào cảnh giới đó là do không gian tâm lý mà trong buổi sanh tiền mình đã sống theo sinh hoạt loại nào.

Vì vậy chúng ta phải ý thức rằng quan niệm về Địa ngục là một nơi chốn mà cũng có nghĩa là một trạng thái của chơn thần.

Ảo hay thật.
Còn bây giờ nói về cảnh sinh hoạt trong kinh Sám Hối mô tả rất là ghê rợn để hành tội chơn thần con người ở cõi địa ngục, có thật hay không hay là những chuyện do tiền nhân bịa đặt ra để cho người ta sợ mà không dám làm điều ác. Những hình ảnh ấy có thật hay không hay chỉ là những điều bịa đặt do trí tưởng tượng của con người.

Xin thưa.
Đó là những ảo giác, ảo tưởng, hồi niệm mà chơn thần con người tiếp tục sinh hoạt sau khi rời khỏi thân xác, nó chịu ảnh hưởng của nền văn hóa mà mình sống đã hấp thụ được. Những cảnh mô tả trong kinh Sám Hối là loại ảo tưởng, ảo giác mà một số linh hồn đã trãi qua thật, những linh hồn này đã chịu ảnh hưởng của nền văn hóa vùng Đông Nam Á hay nói rộng hơn là vùng Á Châu.

Tại sao như vậy?
Chẳng hạn trong kinh Sám Hối chúng ta thấy những hình ảnh đọa đày như trụ đồng, hình bào lạc, đốt lửa lên cho nóng rồi trói người vào đó xát chà.

Đó là những câu chuyện mô tả trong tiểu thuyết hoặc là sách vở của Trung Quốc kể lại chuyện Trụ Vương làm những điều tàn ác, bày ra những hình phạt để hành hạ con người.

Tất cả những hình ảnh ghê rợn khác nhau đó, đều có chung ý nghĩa là diễn tả cảm giác đau đớn mà con người phải chịu khi sống trong cảnh Địa ngục như là kết quả tất nhiên của một khoảng thời gian dài, mang xác phàm đã làm nhiều điều ác cho nguời khác, giờ đây phải gánh chịu sự đau đớn diễn tả bằng những hình ảnh đầy dẫy trong kinh Sám Hối, mình thấy như là mê tín dị đoan. Không phải mọi người đều bắt gặp hình ảnh như thế trong chơn thần đâu.

Nếu như một người suốt cuộc sống ở vùng sa mạc hoang vu đâu có biết con cua kình ra sao, đâu có cảm giác đau đớn khi bị nó kẹp vào da thịt mình, thành thử đối với những người sống ở vùng sa mạc không có ao hồ, sông nước thì cảnh cua kình rỉa thây mô tả trong kinh Sám Hối sẽ không bắt gặp trong chơn thần, dù người đó có làm điều ác. Y sẽ gặp những hình ảnh khác có liên quan đến tư tưởng y đã nghĩ tới trong sinh hoạt lúc sống. Còn một loại nữa là những hình ảnh, âm thanh, cảm giác mà chơn thần y phóng ra một cách hỗn loạn chưa từng gặp trước đó nhưng cứ diễn đi diễn lại hoài. Những hình ảnh đọa đày nầy sẽ tan biến mất khi chơn thần định trí được.

Đức Bát Nương đã nói.

" Cõi Âm Quang là nơi giải thần định trí "


Định trí được thì những ma ảnh tan biến hết tức nhiên mình qua được một trạng thái sống tâm lý, vượt khỏi cõi lộn xộn có nghĩa là thăng tiến lên được một bước trên đường tấn hóa.

Vì vậy, khi mới mở Đạo được vài năm, có một số nhà trí thức ở miền Bắc chuyển lời đề nghị của họ, yêu cầu Tòa Thánh cắt bỏ bài kinh Sám Hối, bởi vì nó đầy dẫy mê tín dị đoan trong đó.

Hội Thánh không đồng ý xóa bỏ, dù vẫn biết rằng nó là những ảo tưởng, ảo giác, nhưng tình trạng đó nó diễn ra thật trong chơn thần của một số người và nó sẽ không có đối với người khác./.

http://www.daotam.info/booksv/suutam...vedianguc.html