Chuyện ‘tiền kiếp’ vua Thần Tông nhà Minh

(PetroTimes) - Mẩu chuyện “ly kỳ về tiền kiếp của vua Thần Tông nhà Minh” có liên quan đến nước Việt Nam rất đáng để chúng ta lưu ý.


Vua Thần Tông nhà Minh.

Vua Thần Tông
(1572 – 1620) tên thật là Chu Dực Quân, hoàng đế thứ 13 của triều Minh (Trung Quốc).

Sử sách lưu truyền một câu chuyện kỳ lạ về tiền kiếp của ông, có liên can đến nước Việt.
Số là, vào thời vua Lê Kính Tông (1599 – 1619) và chúa Trịnh Tùng (1570 – 1623), triều đình ta có cử một đoàn sứ bộ sang Trung Quốc. Chánh sứ của đoàn sứ bộ này là Nguyễn Tự Cường (1570 - ?), tiến sĩ Khoa Giáp Thìn (1604).Bấy giờ, sau khi hoàn tất các việc công, trong lúc vào cung bái yết vị hoàng đế, chợt sứ thần Nguyễn Tự Cường nghe Minh Hoàng đế lên tiếng hỏi: “Sứ thần ở nước Nam, vậy có biết chùa Quang Minh của nước Nam ở đâu không?”.Bắt đầu từ đoạn này, chúng tôi để nguyên văn lời sử, không trau chuốt lại, để cho quý bạn đọc thưởng thức đúng giọng văn xưa (lời soạn giả).

Nguyễn Tự Cường đáp là không biết, ông băn khoăn tự hỏi không rõ vua Minh muốn biết đến ngôi chùa đó làm gì?
Thấy vẻ mặt đăm chiêu của viên Chánh sứ, Minh Thần Tông nhân đó mới nói với Nguyễn Tự Cường rằng: “Lúc mới sinh ra, trên vai ta đã có hàng chữ son, nói rõ kiếp trước của ta chính là vụ thiên sư ở chùa Quang Minh. Nay, ta muốn xóa dòng chữ ấy đi mà chưa biết phải làm như thế nào”.Nguyễn Tự Cường thưa: “Thần nghe nói nhà Phật có nước công đức để tẩy trần.

Nếu Bệ hạ là kiếp sau của thiền sư trụ trì chùa Quang Minh thì phải lấy nước giếng của chính chùa Quang Minh mới có thể rửa được”.
Về nước, Nguyễn Tự Cường đem việc này tâu với triều đình. Triều đình bèn cử người đi tìm ngôi chùa mà Minh Thần Tông đã nói tới.Ngôi chùa đó chính là chùa Bóng, tên chữ là Quang Minh Tự, vì xây dựng trên đết làng Bóng nên có tên dân gian như vậy. Nơi đây thuộc địa phận xã Hậu Bổng, phủ Hạ Hồng, xứ Hải Dương (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay).

Theo các thư tịch cổ như Lĩnh Nam chích quái, Công dư tiệp ký, Đại Nam nhất thống chí…, chùa được khởi công xây dựng vào cuối thời Trần. Ban đầu có quy mô nhỏ, nhưng qua nhiều đời được trùng tu, mở rộng và được coi là một trong những ngôi chùa đẹp.Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Chùa Quang Minh ở xã Hậu Bổng, huyện Gia Lộc có ngàn cây xanh biếc, bốn mặt nước trong, xa xa phía trước có đường cái chạy qua và có dòng sông bao bọc, thật xứng đáng là một thắng cảnh của thiền lâm”.

Chùa Bóng không chỉ nổi tiếng về vẻ đẹp mà còn được biết đến bổi có nhiều vị cao tăng đạo hạnh, có công lao hoằng dương Phật pháp, trong đó, có Thiền sư Huyền Chân (còn gọi là Thiền sư Bật Sô).Theo Quang Minh Tự sự tịch cho hay, Thiền sư Huyền Chân người làng Hàm Nghi, xã Danh Hương, trấn Sơn Nam Hạ (nay thuộc huyện Kiến Xương, Thái Bình) thế danh là Đức, sinh và mất năm nào chưa rõ.

Tương truyền rằng khi đã về già, một hôm, Thiền sư Huyền Chân nằm mơ thấy phật A Di Đà (Amitabhâ) đến nói cho biết rằng: “Ngươi dày công với Phật sự đã lâu, lòng từ bi của ngươi đã được Phật Tổ thấu hiểu, vì thế, đến kiếp sau, ngươi sẽ được làm Đại đế ở phương Bắc”.Tỉnh dậy, Thiền sư Huyền Chân liền kể lại giấc mơ với các đệ tử của mình và dặn: “Sau này, lúc ta viên tịch, các con hãy lấy son viết lên vai ta mấy chữ sau: “An Nam quốc, Quang Minh tự, Sa Việt Tì khưu sau”, sau đó mới đem nhục thân của ta đi hỏa thiêu”.

Các đệ tử đều lắng nghe, ghi nhớ và về sau làm theo đúng ý củ Thiền sư Huyền Chân.
Vậy là qua tìm kiếm, triều đình nhà Lê không chỉ biết được ngôi chùa Quang Minh mà còn khám phá ra một câu chuyện lạ về tiền kiếp của ông vua nước láng giềng phương Bắc. Sau đó, nhà Lê cho lấy nước giếng của chùa Quang Minh đem sang biếu Minh Thần Tông.Minh Thần Tông liền dùng nước ấy để rửa thì quả là rất hiệu nghiệm, lấy làm vui mừng vì thế đã sai gửi 300 lạng vàng thưởng cho Nguyễn Tự Cường. Tự Cường liền đem toàn bộ số vàng này cúng dường cho chùa Quang Minh để lo việc trùng tu.

Sau này Nguyễn Tự Cường làm quan đến chức Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước Xuân Quận công; khi mất, ông được tặng chức Thượng thư, hàm Thiếu bảo.
Giữa vô vàn câu chuyện luân hồi, chúng tôi còn nhắc chọn câu chuyện dẫn trên là do những lý do sau đây: một là, câu chuyện này dẫu rằng có hoàn toàn có thực hay chăng; dẫu không thì ít nhất cũng có thực một nửa.

Một nửa ấy nằm trong sự kiện danh nhân, thắng tích và đồng thời: lịch sử.
Danh nhân ấy là những Tiến sĩ Nguyễn Tự Cường, sứ thần Nam quốc thời Lê Trịnh; Thiền sư Huyền Chân, người mà sách xưa ghi rằng đã là tiền thân của một hoàng đế Trung Hoa; và cuối cùng, danh lam, ấy là chùa Quang Minh ở xã Hậu Bổng, xứ Hải Dương, tục gọi là chùa Bóng.Một nửa còn lại là chuyện xưa có thể là thực mà cũng có thể là huyền thoại; nhưng ví dù là huyền thoại, thì nó cũng có một ưu điểm, đó là nói lên cái tinh thần vô biên giới trong cõi lục đạo luân hồi.

Có nghĩa là, bất chấp ranh giới chủng tộc, một thiền sư Việt, do công đức tu nhân và độ thế, cũng có khả năng để, trong kiếp lai sinh, hóa thân thành một vị đế vương nơi một đại quốc, như thường.
Trong sự tích nhà Phật, những câu chuyện mang tinh thần như thế xuất hiện rất nhiều; và câu chuyện một thiền sư Đại Việt chuyển kiếp thành một hoàng đế Trung Hoa âu cũng nằm trong “giai điệu tinh thần” đó.

“Những giọt lệ cùng mặn,
Những giọt máu cùng hồng”…
Thiên địa vạn vật đồng nhất thể…

Câu chuyện tiền kiếp của vua Thần Tông nhà Minh như trên đã thuật, là câu chuyện xảy ra vào thế kỷ 16, và dĩ nhiên chỉ là câu chuyện ghi trong sách sử.