Độc đáo gia đình “tứ đại đồng đường” kể chuyện giữ nếp nhà bằng ảnh


Có thành viên trong gia đình "tứ đại đồng đường" của cụ Ngô Thế Chiện đã đi vào cõi vĩnh hằng, con, cháu, chắt cũng đi khắp phương trời, nhưng nếp nhà vẫn được giữ nguyên, truyền từ đời này sang đời kDùng ảnh để kể chuyện nếp nhà
Bao năm nay, hơn 20 thành viên trong gia đình cụ Ngô Thế Chiện, sinh sống êm đềm trong một ngôi nhà trên phố Phùng Hưng. Đã bước qua tuổi cổ thập lai hy, dù khỏe mạnh nhưng đôi tai cụ không còn nghe rõ. Tiếp chuyện chúng tôi là ông Ngô Thế Phổ, con trai trưởng của cụ.
Theo lời kể, ông nội ông mua ngôi nhà này từ lúc còn trẻ, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, năm tháng của những cuộc đời, ngôi nhà vẫn tồn tại. Mới đây, do xuống cấp nên gia đình ông quyết định sửa sang lại nhưng không khác xưa là bao.
Gia đình cụ Ngô Thế Chiện (ảnh gia đình cung cấp).
Dù xã hội thay đổi, nhiều trật tự đã đảo lộn nhưng gia đình ông vẫn giữ nếp nhà xưa. Dẫu biết rằng việc giữ nếp của gia đình tứ đại đồng đường không hề dễ dàng, ông càng ra sức gìn giữ.
“Bố tôi đã 93 tuổi, những khi rảnh rỗi, lúc trà dư tửu hậu, tôi thường đàm đạo với bố về dòng họ, về quê hương và về ông nội… Những lúc như vậy bố như một từ điển sống, chằng quên tí nào”, ông Phổ cho hay.
Ông quan niệm, cây có gốc, có rễ chắc chắn, cành và ngọn mới phát triển xum xuê. Gia đình là tế bào của xã hội, nếp nhà trong mỗi gia đình mà giữ được sẽ làm cho xã hội trật tự và đi đúng hướng hơn, tình cảm giữa con người với nhau sẽ đằm thắm hơn.
Ông bảo, bao năm nay mỗi thành viên trong gia đình ông hế hệ sau luôn có ý thức giữ gìn, bồi đắp, những thành quả của thế hệ trước: “Tôi vẫn giữ chiếc ống nhổ bằng đồng (ngày xưa các cụ ăn trầu), chiếc mâm đồng mà cụ nội, ông nội, bố tôi và tôi đã bao năm quây quần bên mâm cơm, mâm cỗ những dịp lễ tết. Bộ đồ thờ của ông nội gồm một "cái tíu" trước đây sơn son, thiếp vàng, đôi câu đối, vẫn được giữ gìn và đặt trang trọng trên phòng thờ tầng 4”.
Bên trong ngôi nhà treo rất nhiều ảnh, của nhiều thế hệ, từ đen trắng đến ảnh màu. Tất cả các tấm hình đều sạch sẽ, dường như không có hạt bụi nào.
Bản thân ông Phổ cũng có chút am hiểu về nhiếp ảnh, ông còn phóng to bức ảnh cụ Chiển đứng giữa giao thông hào, phía sau là hàng trăm chiếc dù trắng, chụp sáng ngày 9/5/1954 tại chiến trường Điện Biên Phủ để lưu giữ, răn dạy các cháu hướng theo truyền thống cha ông.
Bức ảnh của bố mẹ ông Phổ chụp đầu năm 1944, trong dịp cưới được các thành viên trong gia đình nâng niu. Hồi xưa, trong chiến tranh, sơ tán chuyển nhà rồi những khó khăn thiếu thốn của thời bao cấp mẹ ông vẫn giữ như một báu vật.
Một trong những bức ảnh từ thời xưa của cha mẹ được ông Phổ gìn giữ (ảnh gia đình cung cấp).
Năm 1995, 5 người con đã trưởng thành, mẹ ông đã ra đi mãi mãi. Bây giờ, bức ảnh đó còn quý hơn báu vật vì trong đó có hình ảnh của mẹ, người đã mang nặng đẻ đau mấy anh em. Với ông gìn giữ bức ảnh này là một nghĩa vụ. “Tôi đã sửa màu ảnh cũ, nhân thành nhiều bức ảnh để tặng các em, các cháu để ghi lại khoảnh khắc yêu thương này, coi đó là sự tri ân với bố mẹ”, ông nói.
Mấy chục năm trôi qua, có người trong ảnh đã không còn, có người tóc đã bạc trắng, tất cả đều theo quy luật của tạo hóa, nhưng tất cả các bức ảnh minh chứng cho một gia đình không bao giờ phai.

“Tôi vẫn hay cho các cháu nội ngoại xem ảnh của các cụ thời còn trẻ. Trẻ con nhìn vào ảnh đen trắng thời xưa thì thích thú lắm. Chúng chủ động hỏi, nhiều khi chỉ những câu “đây là ai hả ông?” và tôi kể chuyện, kể về truyền thống rồi thành tựu và quay sang nhắc nhở con cháu. Tôi coi đó là một hình thức giáo dục, răn dạy con cháu hiểu hơn về nếp nhà xưa”.
Vì có nếp nên giáo dục con cháu thuận lợi
Như một quy luật, mỗi dịp Xuân về, sáng mùng một tại nhà họ Ngô, bốn con trai và bốn cô con dâu, cùng các cháu, chắt tập trung đầy đủ chúc Tết, mừng tuổi cụ Chiện. Đúng ngày mùng năm tết con trưởng, cháu đích tôn, chắt đích tôn tháp tùng cụ du Xuân và chụp ảnh.
Bức ảnh địa diện cho 4 thế hệ cùng sinh sống dưới một mái nhà (ảnh gia đình cung cấp).
Cụ Chiện có tới 24 chắt nội, chắt ngoại. Hiện giờ vẫn đang sống cùng bố, mẹ, ông bà và cụ nội trong ngôi nhà nhiều kỷ niệm này. Năm tháng trôi đi, vạn vật thay đổi, nhưng mọi sinh hoạt trong gia đình vẫn đươc giữ nguyên như thời ông nội, không khác xưa là bao.
Để giữ trong ấm ngoài êm, người quản lý trong gia đình thì cân bằng, đảm bảo bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, cần có ý thức, trách nhiệm của con cháu.
“Nói thật, để nói bí quyết thì chúng tôi không có, tôi cũng không lý giải được tại sao nhưng bao đời nay chúng tôi chung sống hạnh phúc. Khi ông nội mất, di chúc của ông để lại chúng tôi cũng không có ý kiến gì. Ai nấy đều đồng lòng, thương yêu nhau hết mực”, ông chia sẻ.
Riêng cá nhân ông Phổ sinh được 2 người con, 1 nam, 1 nữ. Ông bảo việc dạy con với không gặp trắc trở nào. Ông kể, Khi con 3 tuổi rưỡi thì vợ đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Ông sống cảnh gà trống nuôi con 2 năm ròng. Hằng ngày, sáng đưa con đến nhà trẻ rồi mới đi làm, chiều về đón con, tắm táp, rồi cho con đi ngủ.
Vào những ngày cuối tuần, ông Ngô Thế Phổ thường xuyên tổ chức cuộc đi chơi, thăm thú Hà Nội để gắn kết tình cảm gia đình (ảnh gia đình cung cấp).
Thủa ấy, mọi người đều vất vả và thiếu thốn như nhau, 6 tháng đầu chưa có tiếp tế, bố con rau cháo nuôi nhau trong cảnh thiếu thốn.
Kỳ lạ, mới gần 4 tuổi, con trai đã tư lập, hầu như không quấy bố, đến bữa tự xúc cơm ăn, buổi sáng tự dậy đánh răng. Con trai biết thương bố khi mẹ vắng nhà. Có hôm vắng nhà hai bố con ôm nhau tưởng tượng rằng, mẹ nằm ngoài, “mẹ nằm ngoài con nằm giữa bố và mẹ”. Lúc đó, nghe đứa con 4 tuổi bảo vậy, ông nằm cạnh mà thương con não nề.
Nhớ mãi một hôm về muộn, con trai bé tẹo ngồi chờ ngồi chờ bố ở ngoài cửa mà trời đã xẩm tối, bà kể “đã bảo vào ăn với bà nhưng nhất định con chờ bố về”. Từ đó, hình ảnh đứa con 4 tuổi nhỏ bé ngồi lọt thỏm giữa khuôn cửa buổi chạng vạng chờ bố về cứ đọng lại trong mi mắt ông.
Nghĩ lại những khó khăn chờ đợi ấy, tuy đã đi vào dĩ vãng xa xôi, hiện con trai đã yên bề gia thất, có 2 mặt con, công việc ổn định. Nhưng, trong những buổi gia đình ngồi lại đông đủ, ông vẫn hay nhắc lại, để nhớ về một thời xa xa nhau của bố con với mẹ ở xứ tuyết xa xôi.
Theo Gia đình & Xã hội