Nhân mùa lễ Vu Lan: Thực hư chuyện “cõi âm”

(PetroTimes) - Chỉ còn một ngày nữa là đến Rằm tháng 7 hay còn gọi là lễ Vu Lan, ngày “xá tội vong nhân”. Theo quan niệm của Phật giáo, đây là ngày mang tính nhân văn sâu sắc khi có ý nghĩa báo hiếu bậc sinh thành, tưởng nhớ đến người đã khuất, đặc biệt là những vong hồn chưa siêu thoát. Với ý nghĩa như vậy, có nghĩa là tồn tại thế giới người “âm” song song bên “dương thế”? Và chuyện linh hồn là có thật?


Nguyễn Bách (NLM số 249)

Mùa “hiếu hạnh”

Rằm tháng 7 là một trong hai ngày lễ lớn nhất của Phật giáo (cùng với ngày Phật Đản). Mặc dù, là ngày lễ của tôn giáo như vậy nhưng ảnh hưởng của ngày này tới đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam có thể nói rất sâu sắc và phổ biến. Cứ vào đầu tháng 7 âm lịch kéo dài đến ngày rằm, hầu hết những gia đình người Việt theo đạo Phật đều lập đàn làm lễ Vu Lan hoặc cầu siêu cho những “cô hồn”.

Theo sự tích của nhà Phật, lễ này bắt đầu từ một vị tôn giả tên Mục Kiền Liên. Khi Đức Phật còn trên dương thế, Mục Kiền Liên là một trong những người theo hầu Đức Phật, có rất nhiều phép thuật thần thông do chăm chỉ tu luyện. Một hôm, vì nhớ mẹ, Mục Kiền Liên đã dùng “mắt thần” nhìn xuống địa ngục, thấy mẹ là bà Thanh Đề bị Diêm Vương đày làm quỷ đói do kiếp trước gây nhiều ác nghiệp.

Thương mẹ, Mục Kiền Liên liền dùng phép thuật để xuống địa ngục dâng cơm cho mẹ. Do bị đói lâu ngày nên khi được cơm con dâng cho, bà Thanh Đề đã dùng một tay che bát cơm của mình để không cho các cô hồn khác tranh dành ăn với bà. Vì vẫn còn cái tính “tham sân si” ấy nên khi đưa bát cơm lên miệng, thức ăn đã hóa thành lửa đỏ khiến bà không thể ăn được. Chứng kiến cảnh này, Mục Kiền Liên đau xót vô cùng bèn cầu xin Đức Phật ra tay cứu giúp.


Lê Vũ Lan ở chủa Bảng - Hà Nội


Tuy nhiên, Đức Phật lại bảo: Kiền Liên thần thông quảng đại song một mình không thể cứu được mẹ do ác nghiệp của bà quá nặng. Cho nên chỉ còn cách phải nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương may ra mẹ của Kiền Liên mới được cứu giúp. Và để làm được điều này, chờ đến rằm tháng 7, khi các chư tăng mãn hạ (sau 3 tháng an cư kiết hạ) thì sửa một cái lễ đặt vào trong chiếc chậu rồi dâng cúng và thành tâm cầu xin để cứu rỗi vong nhân khỏi địa ngục tăm tối.Nghe lời Phật dạy, Mục Kiền Liên làm đúng như vậy và quả là linh ứng: không những mẹ Kiền Liên mà tất cả các vong linh bị giam cầm ở địa ngục đều được siêu sinh tịnh độ. Từ đó, ngày Rằm tháng 7 mang ý nghĩa “mùa hiếu hạnh” và “xá tội vong nhân”.

Linh hồn là có thật?

Theo GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian, Bộ VH-TT&DL, ý nghĩa của ngày “xá tội vong nhân” thực ra còn sâu sắc hơn thế. Bởi ý nghĩa tưởng là chỉ dành cho người đã khuất nhưng nói một cách chính xác còn chính là để cho người đang sống. Vì người sống nếu muốn yên ổn, hạnh phúc thì phải lo cho những người đã chết một “cuộc sống yên bình”. Tất nhiên những người chết đó phải có liên quan đến người sống có thể với mức độ ít nhiều khác nhau.

Nhưng mới nghe như vậy đừng vội vàng kết luận là mê tín dị đoan mà kể cả theo duy tâm, điều này cũng rất hợp lý. GS Ngô Đức Thịnh nói: “Nếu bạn không lo cho những người thân hoặc những người có liên quan đã khuất mồ yên mả đẹp thì rõ ràng lương tâm bạn day dứt. Lương tâm bạn mà day dứt, cuộc sống của bạn chắc chắn bị ảnh hưởng. Ứng với cách giải thích trên, đúng là như vậy”.

Vậy, cuộc sống của “người âm” và linh hồn liệu có thật?GS Ngô Đức Thịnh trả lời: “Tôi sẽ không khẳng định là có hay không. Nhưng tôi sẽ kể câu chuyện mà tôi vừa trải nghiệm đúng trước rằm tháng 7 khoảng 1 tuần. Từ đó mỗi người có thể tự rút ra cho mình kết luận có hay không “cõi âm” và có hay không chuyện cuộc sống của con người sau khi đã chết”.

Ông Thịnh kể rằng, trước rằm tháng 7 khoảng 1 tuần, ông cùng 1 đoàn gồm 10 nhà khoa học và một số thanh đồng đi công cán tại Phú Quốc. Trước chuyến đi, đoàn của ông có dự định nhân tháng 7 “xá tội vong nhân” thì khi vào Phú Quốc, cụ thể tại nhà tù Phú Quốc, sẽ lập đàn lễ vong linh các chiến sĩ cách mạng của ta đã hy sinh ở đây. Để chuẩn bị cho việc lập đàn, đoàn của ông chuẩn bị sẵn những lễ vật như: gạo, muối... (vì cúng chúng sinh ngày rằm tháng 7 phải có gạo, muối).

Tuy nhiên, khi vào đến nơi, ông xin phép chính quyền địa phương Phú Quốc, họ lại không đồng ý vì lý do: “Ở Phú Quốc chưa có ai lễ thế bao giờ”. Vậy là đoàn của ông đành hủy bỏ kế hoạch lập đàn lễ. Nhưng đúng khi quyết định hủy bỏ buổi lễ, một chuyện bất ngờ xảy ra là một số thanh đồng tham gia trong đoàn bỗng nhiên như bị “vong ” nhập.

Phải nói thêm rằng, những thanh đồng này là thanh đồng chân chính, không làm “vấy bẩn” ngôi nhà Mẫu, cũng như không lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi làm giàu cá nhân, ngược lại họ còn đang cùng với GS Ngô Đức Thịnh làm trong sạch văn hóa tín ngưỡng. Và khi bị “vong” nhập họ nói những điều rất xa lạ, không liên quan gì đến những người trong đoàn, cụ thể họ nói họ tên là gì, quê quán ở đâu, đã ở tù Phú Quốc bao lâu, chết vào ngày nào và vì sao chết... Và rõ ràng những thông tin ấy không phải của các thanh đồng.

GS Ngô Đức Thịnh cho biết: “Có một thành viên trong đoàn đã ghi chép đầy đủ tên tuổi, địa chỉ... mà các thanh đồng đã nói khi bị “vong” nhập nên tôi không ghi chép nữa. Nhưng tôi nhớ có một “vong” đã nói chi tiết nhà “anh” ở Cam Ranh”. Không chỉ nói về nhân thân,

GS Ngô Đức Thịnh còn kể, các “vong” còn “trách” với ý: Đoàn đã quyết định làm lễ sau đó lại không làm, làm cho hàng trăm “người” tập trung ở chùa để chờ “dự” lễ. Thế là sau khi chứng kiến cảnh “vong” nhập đến mức khó tin này, nhiều người trong đoàn của GS Thịnh đã quyết định đến chùa Trùng Hưng tự làm lễ thay vì lễ ngay tại nhà tù Phú Quốc.

Tuy nhiên, khi đến Trùng Hưng tự, quyết định trên lại tiếp tục vấp phải sự bất hợp tác của sư trụ trì Trùng Hưng tự với lý do cũng hệt như chính quyền địa phương đã đưa ra.
Với cương vị của người đứng đầu cơ quan nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian, đồng thời với tư cách là nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng, GS Ngô Đức Thịnh đã phải cố gắng thuyết phục sư trụ trì ở Trùng Hưng tự và may sao cuối cùng nhà sư đồng ý.

Trong quá trình làm lễ, có một chi tiết mà GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, vì nó mà ông không biết nên hay không tin vào chuyện “vong linh”, “âm cung” là có thật. Bởi đó là một trải nghiệm hiếm hoi khiến một người mặc dù đã hơn 30 năm nghiên cứu về tín ngưỡng, tâm linh như ông nhưng vẫn phải bất ngờ và dẫn đến bán tín bán nghi: liệu những gì người ta vẫn khẳng định về “thế giới bên kia”, về “linh hồn” chỉ là tưởng tượng có đúng?

Hay quan niệm: những gì chúng ta chưa biết, không có nghĩa là không tồn tại là sai?
Ông kể: “Sau khi thắp hương trước mâm lễ bày gồm gạo, muối, cháo trắng... và hương cháy chưa được một nửa, bỗng nhiên, hàng loạt thanh đồng trong đoàn xông vào mâm lễ, bốc gạo sống nhai ngấu nghiến trước sự kinh ngạc đến hoảng hồn của những người trong đoàn. Còn cơm và cháo, họ ăn như thể người bị bỏ đói bao nhiêu lâu sau đó mới có được cái ăn.

Lúc đó, tôi có cảm giác, họ không phải là họ. Vì lúc sau tôi hỏi họ: Vừa làm gì đấy thì người nào người nấy với nét mắt ngẩn ngơ không ai nhớ đã làm gì”. Ông còn nói thêm: “Phải chăng vong linh các chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Phú Quốc đã nhập vào các thanh đồng và chuyện tồn tại các vong linh là có thật”.

Với câu chuyện trên đây, một lần nữa GS Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh: “Tôi không muốn khẳng định một điều gì về chuyện này. Bởi theo duy vật, hiện tượng không chạm được vào một cách cụ thể như chạm vào da thịt thì không thể khẳng định là có thật. Còn theo duy tâm, hiện tượng thực thực hư hư đã được công nhận là tồn tại.

Nói chung tùy theo quan niệm của từng người để khẳng định điều này. Nhưng riêng với tôi, sau chuyện này, tôi muốn nhắc lại rằng: những gì ta không biết không có nghĩa là không có thật. Vấn đề chỉ là nó tồn tại dưới hình thức nào mà thôi”.
Nguyễn Bách