Sơ lược tiểu sử Nabi Muhammad (Saw) » được chia ra làm ba phần, đây chỉ là sự tóm lược tiểu sử của Người (saw). Insha-Allah, Chanlyislam.net sẽ phát hành quyển sách « Tiểu sử Nabi Muhammad (saw) » trọn bộ dày khoảng 300 trang, do Mohamad HOSEN chuyển ngữ. Insha-Allah khi nào xong chúng tôi sẽ giới thiệu đến tất cả độc giả, mong quí vị nhớ đón xem.


مختصر عن حياة الرسول الله صلى الله عليه وسلم.








Islam là tôn giáo của Allah truyền xuống nhân gian từ thời khai thiên lập địa, do tổ tiên của nhân loại là Nabi Adam (A) truyền đạt. Islam được những Thiên Sứ sau đó truyền lại với hình thức khác nhau về giáo lí hay luật lệ để áp dụng nhưng cùng một chủ thuyết là chỉ tôn thờ ở Allah duy nhất và không thờ phụng ai khác bên cạnh Ngài. Đó cũng là nhiệm vụ đầu tiên của mỗi vị Thiên Sứ (Sứ Giả của Allah) trên trái đất này. Sứ mạng kêu gọi nhân loại trở về tôn thờ nơi Allah duy nhất xuất phát mạnh mẽ nhất từ thời của Nabi Noah (Alaihissalam) vì con người bắt đầu sai lầm, đưa nhân tạo lên để tôn thờ chung hay đồng đẳng với Allah.








Trong thiên kinh Al Qur’an, Allah chỉ nhắc đến hai mươi lăm danh của Sứ Giả. Nhưng thực tế, Allah đã gửi xuống trên trái đất này vô số Sứ Giả. Những vị Sứ Giả vô danh khác của Ngài mà chúng ta không biết được. Vị Thiên Sứ cuối cùng của Islam là Nabi Muhammad (saw) được Allah truyền xuống cho toàn nhân gian như ý nghĩa Allah đã phán trong Qur’an :








قال تعالى: ( ومآ ارسلناك إلا كآفة للناس بشيرا ونذيرا ولكن اكثر الناس لا يعلمون ). سبأ :28








« Ta chỉ phái ngươi (Muhammad) xuống để truyền tin mừng và để cảnh cáo nhân loại nhưng đa số con người không biết điều đó ». S. 34 / A. 28








Alhamdulillah, xin chân thành ca ngợi và tạ ơn Allah đã tạo ra chúng ta trong gia đình Islam và trở thành môn đệ của Thiên Sứ Muhammad (saw). Tiếc thay, trước kia chúng ta không có nhiều điều kiện thuận tiện để tìm hiểu sâu sắc về tiểu sử của Rasul Muhammad (saw). Ngày hôm nay, thật hãnh diện biết bao, chúng ta đã có rất nhiều phương tiện để học hỏi về lịch sử Islam, tiểu sử của Thiên Sứ (Saw) cũng như tiểu sử của những vị sohabah (bạn đồng tâm) của Người đã chịu đựng bao khổ cực và hi sinh cả cuộc đời để gây dựng và phát triển đạo giáo đến ngày hôm nay. Chúng ta là những người mang danh môn đệ của họ nên phải học hỏi từ họ để lấy đó làm gương và phương châm để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Vì nhu cầu cần thiết này, hôm nay, chúng tôi xin trình bày về tiểu sử của Nabi Muhammad (Cầu sự bình an cho Người) để cùng nhau học hỏi về cuộc đời của Người với mục đích hiểu biết thêm về thực chất của Islam.








Vài dòng sơ lược về bán đảo Arab.








Bán đảo Arab nằm về phía tây của Châu Á, bắc giáp Syria và Palestine, nam giáp vịnh Adan (nam Yemen) và biển Ấn Độ Dương, đông giáp vịnh Ba Tư và vịnh Umman, tây giáp vịnh Kholij (Kuwait, Bahrien) cửa Mandub và biển Đỏ. Diện tích của bán đảo khoảng một triệu dặm vuông, dài một ngàn bốn trăm dặm, dân số khoảng bảy triệu. Bán đảo Arab gồm các xứ Yemen, Al Hijaz, Tihama, Nad, Yamamah và Bahrien. Điều phỏng định này được viết trước khi vương quốc Saudi thành lập.








Bán đảo Arab được chia ra thành nhiều tiểu vương nhỏ khác nhau, lệ thuộc vào những bộ lạc xa xưa đã sinh sống tại đấy. Allah đã chọn đa số những Sứ Giả của Ngài từ những dân tộc này để truyền bá đạo giáo nhưng phần đông dân chúng khước từ theo đạo nên đã bị những hình phạt tàn khốc đến mức bị xóa tên trên bản đồ. Nhiều vùng, Allah đã lật ngược mảnh đất lại như thời của Sứ Giả Load (A) qua những hành động ngược lại sự thiên tạo của Allah. Họ đã mắc phải những căn bệnh của dục vọng cá nhân mà ngày nay lịch sử thế giới lặp lại. Đó là loại bệnh ghê gớm nhất mà Islam lên án khắt khe : bệnh đồng tính luyến ái. Ngoài ra, còn có câu chuyện của Saba’a, câu chuyện của Nabi Salomon đều xảy ra trong bán đảo Arab.








Ngày xưa, người Arab Yemen đã biết xây đập dẫn thủy, cày cấy, biết xây cất nhà cửa, nhà lầu trong hang núi rất khang trang. Họ biết tổ chức những đoàn kị binh với hàng loạt con voi dẫn đầu, lập những đoàn quân bộ binh và huấn luyện tinh nhuệ với kỉ luật rất khắt khe và chiến lược tinh vi.








Bên cạnh đó, còn có câu chuyện mà người Muslim không một ai lại không biết. Đó là câu chuyện của Nabi Ibrahim (A) với vợ là bà Hajaroh và đứa con là Nabi Ismael (A). Từ đó, mới có giếng nước zamzam, kurban (tế lễ) Nabi Ismael (A) và xây cất Ka’bah mà người muslim đều hướng về đó khi hành lễ và đi hành hương. Nhờ có giếng nước zamzam, bộ lạc Arab Al Khohton mới đến thung lũng Mecca hiểm nghèo này sinh sống. Nabi Ismael (A) lớn lên, lập gia đình với con gái của bộ lạc này. Sau này, Nabi Ibrahim (A) được lệnh của Allah cùng với Nabi Ismael (A) xây cất đền Ka’bah để làm trung tâm điểm của người Muslim để cầu xin Allah. Từ đó, cuộc sống ở Mecca bắt đầu trở nên phồn thịnh. Hàng năm, có cả triệu triệu người Muslim đến thi hành nghĩa vụ thứ năm trong Islam là hadj (hành hương) như ngày hôm nay chúng ta đã được biết và có dịp đi đến đền ka’bah và sự thi hành của chúng ta ngày hôm nay cũng phát nguồn từ đó.








Đoàn binh voi tinh nhuệ.








Một sự thể quan trọng khác xảy ra trong lịch sử của Arab đó là vào năm 570 Tây lịch, đoàn voi hộ tống đoàn binh của Abroh xứ Yemen đem quân sang tàn phá đền Ka’bah. Đây cũng là năm mà Nabi Muhammad (saw) ra đời. Câu chuyện xảy ra sau khi hoàng đế As Sobah Asram nắm quyền ở Yemen. Ông ta ra lệnh cho xây cất một nhà thờ ở Qulais lớn nhất bán đảo. Nhà thờ được dựng lên với những tảng đá kiên cố, quý giá, cây cối thật chắc, có viền vàng, viền bạc nhằm quy tụ những thương buôn và những người dân ở bán đảo đến hành hương. Họ muốn tất cả đều tụ tập tại đó nhằm bỏ rơi Mecca có đền Ka’bah mà người Arab đã chiêm ngưỡng từ xưa và mục đích quan trọng của vua Abroh là kêu gọi người Arab vào đạo Thiên Chúa vì lúc đó Abroh được sự bảo hộ của vua Habashi (Ethopia). Đây là trung tâm lớn nhất của đạo Thiên Chúa ở Phi Châu vào thời đó.








Khi những tin tức và sự thể được loan truyền khắp nơi trên bán đảo, những người Arab thuộc bộ lạc An Nasa’ah phá lệ, động quân và chém giết nhau vào những ngày tháng cấm. Họ đem quân đến Yemen phá việc xây cất nhà thờ này. Vua Abroh nổi giận và thề là sẽ đem quân tàn phá Ka’bah không để cho một ai chiêm ngưỡng nữa, rồi họ đã thi hành. Họ dẫn theo 13 con voi với đoàn quân tinh nhuệ để tàn phá Mecca và để người Arab không còn có nơi thờ phụng nữa mà quay về Yemen.








Đoàn quân dựng binh ở gần Ta-if, cách xa Mecca sáu, bảy chục cây số. Abroh sai một vị tướng tên là Al Aswad ibnu Mahsud đến cướp phá của cải dân chúng Mecca và bắt đi một trăm con lạc đà của ông Abdul Muttalib (lúc đó, ông là lãnh tụ của dân Mecca). Sau đó, ông Abdul Muttalib (ông nội của Rasul) được Abroh mời đến để điều đình về những việc xảy ra. Khi hai người gặp nhau, với bản lĩnh và tính tình cao thượng của ông Abdul Muttalib, vua Abroh đã mời ông ngồi ngang hàng với ông ta. Ông Abroh hỏi ông Abdul Muttalib muốn gì. Ông Abdul Muttalib trả lời : « Tôi là chủ nhân của một trăm con lạc đà mà quân sĩ của ông đã cướp lấy. Tôi muốn nói chuyện về việc này. Còn Ka’bah thì có chủ của nó. Chủ nhân của nó sẽ bảo vệ nó (ý nói của Allah thì Allah sẽ bảo vệ) ». Sau khi nghe qua, Abroh ra lệnh trả lại lạc đà của ông Abdul Muttalib. Khi trở về, ông liền đến cầu xin Allah che chở Ka’bah và kêu gọi quần chúng bỏ Mecca để khỏi phải đổ máu vì lực lượng của Abroh quá hùng hậu, không thể chống cự được.








Abroh sai quân tiến vào Mecca. Khi gần đến Mecca, bổng nhiên đoàn voi dẫn đầu không chịu tiến nữa. Chúng cứ quay mặt đi hướng khác. Mặc dù bị đánh đập nhưng chúng vẫn không chịu tiến vào. Lúc đó, Allah sai những con chim Aba-bil từ biển đến. Mỗi con mang ba cục đá nhỏ tựa như hạt đậu, một viên thì ngậm, hai viên bấu ở hai chân. Chúng đến thả trên đầu đoàn quân và bầy voi. Những con voi hay đoàn quân nào bị trúng đá đều cháy tan ra tro. Còn ai không bị trúng thì cũng hoảng sợ và kinh hãi mà chết. Mặt khác, Allah cho nước biển dâng tràn lên làm cho một số quân lính của họ bị nước cuốn đi, còn những ai sống sót dù có chạy về đến Yemen thì cũng ngã ra chết. Còn Vua Abroh thấy quân lính thất trận nên gắp rút chạy về đến hoàng cung, nhưng chưa kịp cởi áo trận ra thì cũng ngã xuống mà chết một cách hãi hùng.








Câu chuyện về đoàn binh voi đã được Allah thuật lại trong kinh Qur’an với ý nghĩa như sau:








قال تعالى: (الم تركيف فعل ربك باصحاب الفيل * الم يجعل كيدهم في تضليل *وارسل عليهم طيرا ابابيل * ترميهم بحجارة من سجيل * فجعلهم كعصف ماكول ) سورة الفيل 105.








« Ngươi chẳng thấy cách Chúa đối phó với đoàn binh cưỡi voi ra sao chăng? Không phải Ngài đã làm hỏng âm mưu của chúng hay sao? Ngài đã khiến từng đàn chim bay trên đầu chúng. Và ném đá gạch vào người chúng. Làm chúng như cọng rơm bị ăn mòn ». Chương 105 (Al-Fil)








Kết quả trận chiến trả thù và muốn biến bán đảo Arab thành thiên chúa giáo đã thất bại. Đó cũng là nguyện vọng của quần chúng Mecca và sự bảo tồn ngôi đền thiêng liêng của Allah như ông Abdul Muttalib đã cầu nguyện. Ngôi đền sẽ tồn tại mãi mãi cho đến Ngày tận thế. Vật gì của con người có thể tàn, còn của Allah thì tồn tại và bất diệt mãi mãi.








Vài hàng về thị trấn Mecca.








Ngày xưa, Mecca là một thị trấn phồn thịnh, sầm uất nhất của bán đảo Arab. Đây là trung tâm điểm của những thương buôn tứ xứ tập trung ghé lại để trao đổi hàng hóa và hưởng lạc cảnh giàu sang phú quý. Mecca cũng là nơi dân chúng ghé qua tấp nập và là nơi tập trung những thi hào lỗi lạc. Ở đó, có chợ Sukul Ukaz, là nơi để các thi hào trổ tài làm thơ và nói chuyện trước công chúng. Họ có thể nói thao thao bất tuyệt cả tiếng đồng hồ, cũng như đọc lên một lúc cả trăm câu thơ.








Đặt biệt nhất, Mecca là vùng đất thánh, nơi thiêng liêng thầm kín của sự thờ phụng trang nghiêm, bên cạnh Ka’bah có đến 360 tượng thần để quần chúng chiêm ngưỡng. Hàng năm, không biết có bao nhiều người trên bán đảo tụ tập đến hành hương theo ý tưởng của họ. Không riêng gì những người đa thần giáo, cả những người theo tôn giáo khác cũng đến đó để chiêm ngưỡng về tín ngưỡng của họ. Mặc dù thời tiết oi bức của thung lũng nhưng với nguồn nhiên liệu thiên nhiên mà Allah đã ban xuống từ xưa qua giếng nước zamzam mà nó trở thành nơi phồn thịnh, khang trang. Nơi này cũng là mảnh đất lành mà sau này đã xuất hiện từ đó hòn ngọc quý giá của thế giới, ánh sáng của sự công bằng, bác ái, tình thương nhân loại mà từ xưa chưa bao giờ thấy được.








نبي محمد صلى الله عليه وسلم:








Nabi Muhammad (saw) ra đời.








Nabi Muhammad ra đời vào sáng sớm ngày thứ hai, nhằm ngày 12 tháng Robiul Awwal hay ngày 28/8/570 AD sau kỉ nguyên Thiên Chúa, vào năm con voi, như chúng ta đã biết qua phần trên. Cũng vì biến cố đó mà người Arab đã đặt tên cho năm đó là năm con voi.








Lúc ra đời, Người ngước mặt nhìn lên trời và hai tay xòa xuống như tư thế sujud (quỳ lạy). Thân mẫu của Người cho hay là lúc bà có mang, bà không hề cảm thấy mệt nhọc, nặng nề, buồn nôn hay khó chịu. Bà cảm thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái như người bình thường. Ngay cả khi lâm bồn, bà cũng không cảm thấy đau đớn, vất vả như người khác. Khi đứa bé ra đời, người ta chạy đến báo cho ông Abdul Muttalib. Lúc đó ông đang cầu nguyện hay đang đi bảy vòng quanh Ka’bah. Người ta báo cho ông ta biết là đứa bé ra đời một cách kì lạ. Ông Abdul Muttalib lo sợ hỏi như thế nào, người ta trả lời là đứa bé vừa lọt lòng mẹ đã ngước mặt lên trời và hai tay quỳ xuống đất. Ông Abdul Muttalib liền chạy đến và vội vã mang đứa bé ra cầu nguyện ở Ka’bah, xin Thượng Đế che chở và ban sự lành mạnh cho nó. Ông tuyên bố đặt tên cho đứa bé là محمد Muhammad. Đây là một cái tên lạ mà từ xưa người Arab không hề đặt. Ông giải thích về việc đặt tên này rằng: “Sau này ai ai cũng biết đến và sẽ cảm ơn cậu ta”.








Năm Nabi ra đời đã xảy ra hiện tượng khác lạ hơn những năm đã qua vì mấy năm vừa qua trên bán đảo Arab không hề có một giọt mưa nào rơi, cây cỏ khô cằn, đất đai chết khô, thú vật gầy ốm, buôn bán khó khăn, dân chúng đói khát. Từ ngày Người ra đời, mây chuyển động, mưa bắt đầu rơi, đất đai sống lại, cây cỏ mọc đầy vườn, buôn bán bắt đầu tấp nập, dân chúng vui vẻ... Người ra đời đã đem lại cuộc sống thịnh vượng, an khang cho dân chúng. Tuy nhiên, những người Do Thái sinh sống ở bán đảo bắt đầu lo lắng cho tương lai theo sự dự đoán trong sách kinh của họ đã diễn tả từ trước. Những đại cường quốc thời đó cũng xảy ra những biến cố mà từ xưa chưa xảy ra trong hoàng cung của họ.








Thân phụ của Nabi là ông Abdulloh con ông Abdul Muttalib con Hashim con ông Abdulmanaf thuộc dòng dõi Quraish và là cháu tông tích của Nabi Ismael (A). Mẫu thân của Người là bà Aminah con ông Wahbun con ông Abdulmanaf cũng thuộc dòng dõi Quraish.








Thân phụ của Người mất lúc Người còn trong bụng mẹ. Sau khi ra đời không lâu, mẹ của Người đã trao Người cho bà Halimah As Sa’diyah nuôi nấng ở vùng Ta-if. Từ đó, Người làm quen với cuộc sống sa mạc thô sơ, nghèo nàn, chất phác của dân du mục, sống xa thành phố, xa sự tranh chấp, dành giật, mưu mẹo, giàu hiếp yếu, bất công trong cuộc sống lao động, cho vay lãi mà người mượn suốt đời không trả nổi, danh dự của con người bị coi thường nhất là đàn bà con gái...








Lúc nhỏ, người được hai vị thiên thần mổ bụng và tẩy sạch những máu dơ để thay vào đó dòng máu mà quỷ Sa-tăng không hại được. Sự thể này đã được người anh bú chung dòng sữa và bà Halimah thuật lại. Khi đứa con chạy đến thông báo cho bà Halimah, lúc đến nơi bà vẫn thấy Nabi nằm thiêm thiếp trên tảng đá. Nabi thuật cho bà nghe, bà mở áo ra xem nhưng không thấy một vết mổ nào. Tuy nhiên, gương mặt của Nabi lại hồng hào và khỏe mạnh hơn. Bà sợ ma quỷ hại Người nên đem trả lại cho bà Aminah. Khi nghe thuật qua, thân mẫu của Người quả quyết: “Ma quỷ không hại được con tôi đâu”. Quả vậy, sau này bà Halimah đã chứng kiến sự thật nên hầu như toàn gia đình của bà đều theo Islam.








Sau khi đi thăm viếng bà con họ hàng bên chồng ở Medina trở về, thân mẫu của Người lâm bệnh và mất ở ngoại ô Medina. Lúc đó, Nabi mới được sáu tuổi. Được ông nội là Abdul Muttalib đem về nuôi nhưng rồi hai năm sau, ông nội lại vĩnh biệt ra đi. Lúc đó, Người mới được tám tuổi. Từ thuở ấu thơ, Nabi đã mất đi tình thương của cha mẹ, được nương tựa nơi ông nội, nay ông nội lại ra đi, bao tình thương yêu của gia đình thân quyến hầu như không có đối với đứa bé mồ côi này. Sau đó, Người được bác là Abutalib đem về nuôi trong gia đình mười hai đứa con, bữa đói bữa no. Nhưng dù với hoàn cảnh khó khăn nào, người bác cao cường này cũng lo chu toàn cho cháu và lúc nào cũng kề cận bên cháu cho đến khi trưởng thành.








Năm mười tuổi, Người sống cuộc đời của trẻ chăn cừu như bao trẻ nghèo khác. Có nhiều đêm, người phải ngủ lại ngoài sa mạc. Người chăm nom bầy cừu không hề thất lạc một con. Sau này, nhờ tiếng gọi của Thượng Đế, Người đã trở thành vị chăn chiên của nhân loại mà không ai lại không biết đến sự hiểu biết, danh dự, công bằng bác ái, tình thương nhân loại mà Người đã đem lại.








Lúc mười hai tuổi, Người đòi theo bác đi buôn ở Sham (xứ Syria). Ở đó, bác và những đoàn tháp tùng được vị linh mục بحيرة Buhairo mời dùng bữa. Vì còn trẻ tuổi nên Người không tham dự. Khi vị linh mục đem thức ăn ra mời, vị ấy hỏi ông Abutalib: “Dường như còn thiếu một người?” Ông Abutalib trả lời: “Con tôi còn nhỏ nên không ra ăn chung”. Vị linh mục nói cứ mời tới ăn chung. Khi Nabi đến, vị linh mục đem thức ăn ra và nói : “Nhân danh Lat và Uzza mời cậu dùng” (Lat và Uzza là hai tượng thần mà quần chúng Mecca tôn thờ), Nabi (saw) trả lời: “Tôi không hề tin ở hai vị đó. Tôi chỉ tin ở Allah”. Vị linh mục nghe những người Arab thường kêu gọi thề thốt với nhau nên mới gọi hai vị thần này để mời Nabi nhưng Nabi đã từ chối sự hiện diện của hai vị thần này trong cuộc sống tinh thần của Người.








Sau khi nghe qua, vị linh mục đã xác nhận được những gì từ xưa mà ông đã hiểu biết qua sách kinh. Ông căn dặn ông Abutalib hãy mau mau trở về Mecca vì sợ rằng người DoThái biết được sẽ tìm cách hại Nabi (saw).








Từ nhỏ, Nabi (saw) được mọi người tín nhiệm và đặt cho cái tên الآمين Al Amine có nghĩa là thành thật, chất phác, trung thành. Từ đặc tính này, ai ai cũng cảm mến và tin tưởng nên đã giao của cải cho Người giữ dùm. Vào năm Người được hai mươi lăm tuổi, Người được bà Khadijah giao cho toàn của cải để đem đi bán ở Sham (Syria). Ở đây, hiện tượng lạ lại xảy ra khi Người cùng người tùy tùng là Maisaroh đến nghỉ ngơi dưới bóng mát của một cây cổ thụ mà từ xưa đến nay không một ai đến trọ mát. Kế bên cây cổ thụ này, có một đền thờ nhỏ, khi vị linh mục đi ra thấy vậy ngạc nhiên không ít nên tới gặp Nabi (saw) và nói: “Theo sự học hỏi và hiểu biết của tôi, không có ai đến trọ mát ở đây ngoại trừ vị đó là Sứ Giả của Thượng Đế”. Và hiện tượng lạ nữa là suốt dọc đường trở về Mecca, lúc nào cũng có bóng mát che bóng cho Nabi (saw). Ngay cả khi về gần tới Mecca, người tùy tùng đến thông báo cho bà Khadijah biết trước và chính bà cũng chứng kiến điều này khi bà đứng trên lầu nhìn đoàn của Nabi (saw) trở về. Với chuyến đi này, tiền lời đã tăng gấp đôi những chuyến đi của người khác. Từ sự lạ lùng và thật thà, chất phác này, bà Khadijah đem lòng mến mộ và thương yêu Người. Bà là một người đàn bà góa chồng, lúc nào cũng có những người đàn ông giàu sang, tiếng tăm chờ đợi bà thuận làm vợ của họ. Với sắc đẹp, sự giàu sang, quý phái của bà, bà còn được mệnh danh là bà chủ của Quraish. Qua sự chất phác của Nabi (saw), bà đem lòng thương yêu người thanh niên trẻ, nghèo nhưng thành thật, đạo đức và tín nhiệm. Do vậy, bà gửi người đến hỏi ý kiến ông Abutalib. Sau đó, ông Abutalib hỏi ý kiến cháu, hai bên cùng đồng ý nên ông Abutalib đứng ra làm đám cưới cho hai người. Lúc đó, Nabi (saw) mới hai mươi lăm tuổi, còn bà Khadijah đã bốn mươi tuổi. Bà sinh cho Nabi (saw) bốn người con gái đó là : رقية، زينب،أم كلثم و فاطمة Rokaiyah, Zainob, Ummul Kaksum và Fatimah.








Chung đụng với cuộc sống bất công, xảo trá, quyền thế trên hết, công bằng, công lí bị coi thường, Người chán nản và từ từ lùi dần vào cuộc sống trầm tư để suy nghĩ về sự biến thiên cao cả của tạo hóa. Người thường bỏ cảnh thao túng tấp nập của thành thị để đến hang đá Goro Hiroh tìm sự yên tĩnh của lương tâm và tinh thần. Theo bà Aisah (thân mẫu của người tin tưởng) thuật lại trong sách Al Bukhory, lúc đó Nabi (saw) theo chân lí của Nabi Ibrahim (A) để trầm tư mặc niệm. Có lần, Người nằm mơ thấy được giao cho một sứ mạng để truyền bá cho dân gian. Giấc mơ đó là hiện thân của Wahy (lời mặc khải) vì không lâu sau, nó đã trở thành sự thật như bình minh ló dạng. Vài ngày sau, thiên thần Jibriel (A) hiện thân đến rồi ôm chặt Người và bảo : «Hãy đọc ! » Người trả lời là không biết đọc. Cứ như vậy ba lần. Sau đó, Nabi (saw) đọc được đó là câu kinh hay wahy (lời mặc khải) đầu tiên của Allah truyền xuống với ý nghĩa :








قال تعالى: ( اقرأ باسم ربك الذى خلق * خلق الانسان من علق * اقرأ وربك الأكرم * الذى علم بالقلم ) العل 1-4








« Hãy công bố rằng nhân danh Chúa của người là Đấng Sáng Tạo * Đấng đã tạo ra con người từ một giọt máu đông * Hãy công bố rằng Chúa của ngươi là Đấng Cao Thượng * Đấng đã dạy con người cầm bút viết » Chương 9 : 1-4








Năm đó, Nabi được bốn mươi tuổi. Kể từ đó, Người bắt đầu truyền bá chân lí cao thượng của Allah cho quần chúng. Người bắt đầu từ trong gia đình, rồi thân quyến, từ chân lí này được truyền ra trong quần chúng. Người đầu tiên đã tin theo đó không ai khác hơn là người vợ yêu quý đã hết lòng tin tưởng, giúp đỡ, an ủi Người khi Người bị người ta chỉ trích hay bạc đãi. Bà đã cung phụng cho Người mọi thứ, từ tinh thần đến vật chất. Đó là bà Khadijah (R) خديجة








Người đàn ông đầu tiên theo đạo là ông أبوبكر الصديق Abubakar As Siddik (R)








Con nít đầu tiên theo đạo là على ابن ابي طالب Aly ibnu Abitalib (R). Lúc đó, Aly mới được mười tuổi.








Đứa con đỡ đầu đầu tiên theo đạo là زيد بن حارث Zaid ibnu Harith (R)








Nô lệ đầu tiên theo đạo là بلال بن رباح الحبشى Bilal ibnu Ribah Al Habashi (R)








Từ đó, Islam bắt đầu phát triển dần dần, từ cá nhân đến gia đình, người thân thuộc, láng giềng. Những người không tin bắt đầu cảm thấy sự thờ phụng của họ từ xưa bị lung lay, sứt mẻ nên họ bắt đầu chống lại những người tin tưởng bằng những lời chê bai, sỉ nhục, gây xáo trộn và tạo sự đe dọa cho những người tin tưởng. Nhưng rồi nó không đem lại kết quả mà càng ngày, người theo đạo càng đông nên họ đã dùng đến vũ lực bằng cách ném đá, tẩy chay, hành hạ những nô lệ yếu hèn theo đạo. Ngay cả Nabi (Saw) cũng bị họ ném bã vào mình. Khi Nabi (Saw) đang hành lễ trong thánh đường (Masjid), họ cũng hành hiếp. Mặc dù phải chịu biết bao nhiêu khổ cực nhưng Nabi (Saw) và những người theo đạo vẫn vững lòng chịu đựng cho đến một ngày Nabi (Saw) thấy những người anh em theo đạo đã chịu đựng quá nhiều nên cho phép họ li hương هجرة(Hidroh) đi Habashi (Ethopia) để lánh nạn.








Cuộc li hương đầu tiên vào năm 615 kỉ nguyên Gia tô, gồm có 16 người, trong đó có 4 người đàn bà. Cuộc li hương này lại không đem sự tốt lành hơn cho những người ở lại. Những người chống đối biết được, họ tăng cường sự hành hạ đối với những người ở lại. Nhưng sau khi Allah hướng dẫn ông همزة Hamzah (R) và ông عمر بن الخطاب Omar ibnu Al Khottob (R) vào Islam, tình hình và tinh thần của người Muslim lại lên cao và sáng sủa hơn. Thể theo lời yêu cầu của ông Omar (R), cuộc truyền bá, giảng đạo được công khai hóa. Mặc dù lúc đó Islam đã khá mạnh nhưng Nabi (Saw) không cho phép chống lại những người chống đối ở Mecca.








Qua những cuộc chống đối mãnh liệt và sự gia tăng việc gây khổ đau cho những người Muslim, Nabi (Saw) ra lệnh cho li hương đi Habashi lần nữa. Đoàn người đã lên đến 83 đàn ông và 11 đàn bà. Họ đã được vua Najasi bảo đảm an ninh và tiếp đãi chu đáo. Ở đó, họ được mọi quyền công dân như người dân bản xứ. Theo hadith soheh thuật lại khi vua Najasi mất, Nabi (Saw) đã cùng tín đồ ở Medina soly mayid go-ib (hành lễ cho người mất vắng mặt) cho ông ta vì ông ta đã bỏ đạo mà theo Islam dù đã là vua và thông thái học của Thiên Chúa giáo.








قال تعالى: ( وما أرسلنك الا كآفة للناس بشيرا ونزيرا ولكن اكثر الناس لا يعلمون ) سورة سبأ : 28








Allah phán với ý nghĩa: « Ta chỉ phái ngươi (Muhammad) xuống để truyền tin và để cảnh cáo nhân loại nhưng đa số con người không biết điều đó » Chương 34 : 28








Trong thời gian đó, những người đa thần ở Mecca bắt đầu lo lắng khi biết được sự an toàn của những người Muslim dời cư ở Habashi. Ngoài sự kiện đó ra, từ khi ông Hamzah (R) và ông Omar (R) vào Islam, họ không dám đụng chạm trực tiếp vì xưa nay họ rất ngại khi phải đối đầu với hai nhân vật này. Do đó, họ thay đổi chiến lược bằng cách tập hợp lại những bộ lạc Arab để tẩy chay những người Muslim và thân nhân của những người theo đạo Islam.








Những bộ lạc ở chung quanh họp lại, viết lên một giao ước chống bộ lạc Hashim và Bani Muttalib bằng cách trục xuất những người theo đạo và hai bộ lạc này ra sống cô lập ở ngoại ô Mecca, không có giếng nước, không có cây cối, không buôn bán giao thiệp, không cưới gả với những người này cho đến khi Nabi (Saw) chịu ngưng truyền bá Islam. Cuôc tẩy chay, cô lập này kéo dài hơn hai năm trời đến nỗi họ không còn thực phẩm, phải ăn những lá khô, thiếu thốn mọi nhu cầu cần thiết. Trong thời gian này, bà Khadijah (Ra) đã tiêu dùng hầu như gần hết gia sản của bà để giúp chồng củng cố và tiếp tục truyền bá Islam. Tờ giao ước đó, sau khi được thỏa thuận xong, họ đem niêm yết trong Ka’bah để không một ai dám đụng đến. Cho đến một hôm, Nabi (Saw) nói với người bác là tờ giao ước đó đã bị mọt ăn hết chỉ chừa lại duy nhất chữ Allah mà thôi. Nabi (Saw) cũng bảo đảm với bác là nếu sự việc xảy ra không như lời Người nói, Nabi (Saw) sẽ ra hàng. Sau đó, người bác mời những người chống đối tới nơi điều đình và ra điều kiện như Nabi (Saw) đã nói. Khi hai bên cùng nhau đến mở cửa Ka’bah để xem thực hư thế nào thì quả thật mọt đã ăn hết những chữ viết trên đó và chỉ chừa lại chữ Allah mà thôi. Sự thật đã quá rõ ràng nên không ai chối cãi nữa đành phải trả tự do cho những người Muslim và hai bộ lạc liên quan đến Nabi (Saw). Từ đó, tiếng vang của Islam ngày một tăng thêm.








Trên đời này, không gì tồn tại mãi mãi, tới một ngày nào đó con người cũng phải theo quy luật để trở về với Allah. Thật vậy, người đã nuôi nấng, che chở bảo vệ cho Nabi (Saw) từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, giai đoạn gian nan nhất trên con đường truyền bá đạo giáo mà lúc nào Nabi (Saw) cũng đặt hi vọng là sẽ cùng người bác bước chân vào thiên đàng để hưởng một cuộc đời bình an, vĩnh cửu nhưng không ngờ giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông ta đã chết đi trong hàng ngũ của đa thần khi từ chối đọc câu kalimah (câu chứng nhận chỉ có một Thượng Đế Duy Nhất và Mohamad là Sứ Giả của Ngài) chỉ vì tự ái, sợ dư luận những người Arab chê cười cho là theo đạo của cháu truyền lại mà quên đi cách thờ phụng đa thần của tổ tiên xưa kia. Người đó là ông Abutalib, bác của Nabi (Saw). Nabi (Saw) đau buồn, thương xót cho cái chết không cùng đạo của bác và cầu nguyện ngày đêm cho đến khi Allah truyền lệnh xuống với câu kinh để cảnh tỉnh như sau:








قال تعالى: ( إنك لا تهدى من احببت ولكن الله يهدى من يشاء وهو اعكم بالمهتدين ) القصص 56.








« Ngươi không thể dẫn đạo tất cả những người mà ngươi yêu mến nhưng Allah sẽ dẫn đạo bất cứ kẻ nào mà Ngài vừa lòng và Ngài biết rõ nhất ai có thể chấp nhận sự dẫn đạo của Ngài » Chương 28 : 56








Vì quá yêu thương và thấu hiểu hậu quả đau khổ cùng sự hành hạ khốc liệt trong địa ngục nên Nabi (Saw) đã không ngừng cầu nguyện xin Allah tha thứ tội lỗi cho bác. Sau đó, Allah đã truyền đoạn kinh xuống với ý nghĩa như sau:








قال تعالى: ( ما كان للنبي والذين آمنوا أن يستغفروا للمشركين ولو كانوا اولى قربى من بعد ما تبين لهم أنهم اصحاب الجحيم ) التوبة 112.








« Sau khi biết rõ những kẻ thờ đa thần giáo là người ở địa ngục, dẫu họ là người thân thích đi nữa, những vị sứ giả và các tín đồ không được xin sự ân xá cho họ ». Chương 9 : 112








Theo hadith soheh (lời kể có thật) do Muslim ghi lại, bác của Nabi (saw) bị đày vào tầng cuối cùng của địa ngục, nhưng với hồng phúc và sự vị tha của Allah cùng những hành động của ông Abutalib đã từng hết lòng bảo vệ và che chở cho sự truyền bá của Nabi (saw) nên Allah đã giảm xuống tầng nhẹ nhất của địa ngục và bù lại ông sẽ không bao giờ ra khỏi địa ngục.








Đọc qua ý nghĩa của câu kinh trên, ta hiểu rằng ngay cả Nabi (saw) không cứu vớt được bác ruột của mình ra khỏi sự hành hạ khủng khiếp trong địa ngục huống chi những người tầm thường như chúng ta. Sự cứu rỗi đó chỉ được phép khi Allah ưng thuận mà thôi, không một ai có thể làm trung gian hay can thiệp vào được. Chúng ta chỉ là người truyền đạt, khuyên răn, còn lòng hướng thiện là do Allah quyết định.








Cũng trong năm ấy hay năm 619, người vợ yêu dấu của Nabi (saw) lại vĩnh viễn ra đi để lại Người đơn độc với đàn con thơ cùng biết bao kỉ niệm mà Nabi (saw) không bao giờ quên. Bà luôn luôn bên cạnh Người khi cô đơn, an ủi lúc Nabi (saw) buồn, hết lòng hi sinh khi Người gặp hoạn nạn. Bà đã sinh cho Nabi (saw) bốn người con trong khi những người vợ sau không một ai sinh con cho Nabi (saw) cả. Người đàn bà đó không ai khác hơn là bà Khadijah (Ra) đã được hồng ân của Allah nhờ thiên thần Jibriel (A) chuyển salam (lời chào bình an) cho bà, và bà là một trong bốn mệnh phụ xinh đẹp, cao sang, đạo đức nhất trên thế gian này như lời của Nabi (saw) đã nói.








Sau hai sự mất mát lớn lao đó, Nabi (saw) cảm thấy quá cô đơn vì quần chúng không nghe theo mà lại còn chống đối mãnh liệt thêm, nên Nabi (saw) bỏ Mecca đi Ta-if cách đó khoảng 80 km để truyền bá với hi vọng quần chúng ở đó sẽ nghe theo. Không ngờ ở đó, Nabi (saw) lại gặp sự chống đối và xua đuổi mãnh liệt hơn nên Người đành quay trở về Mecca lại. Vì quá đau buồn qua những biến cố đó, Nabi (saw) đã đặt tên cho năm đó là năm Buồn hay Ammul Husnu