Bắc Đế

(北帝): tiếng gọi tắt của Huyền Thiên Thượng Đế (玄天上帝), Bắc Phương Chơn Võ Huyền Thiên Thượng Đế (北方眞武玄天上帝), Chơn Võ Đại Đế (眞武大帝), Huyền Thiên Thượng Đế (玄天上帝), Huyền Võ Đại Đế (玄武大帝), Bắc Cực Đại Đế (北極大帝), Bắc Cực Hựu Thánh Chơn Quân (北極佑聖眞君), Khai Thiên Đại Đế (開天大帝), Nguyên Võ Thần (元武神); dân gian thường gọi là Thượng Đế Công (上帝公, Ông Thượng Đế), Thượng Đế Da (上帝爺, Lão Thượng Đế), v.v. Ông tượng trưng cho sao Bắc Cực, là vị thần của Đạo Giáo, quản lý phương Bắc, thống lãnh thủy tộc (kiêm cả Thủy Thần). Vì ông thuộc màu đen trong 5 màu ở phương Bắc, nên còn có tên là Hắc Đế (黑帝). Huyền Thiên Thượng Đế còn là vị thần trấn hộ quốc gia của thời nhà Minh (1368-1662); cho nên các quan lại có lập nhiều miếu thờ vị thần này. Về lai lịch của ông, căn cứ vào Thái Thượng Thuyết Huyền Thiên Đại Thánh Chơn Võ Bổn Truyện Thần Chú Diệu Kinh (太上說玄天大聖眞武本傳神咒妙經) cho biết rằng Huyền Thiên Thượng Đế là hóa thân thứ 82 của Thái Thượng Lão Quân (太上老君), thác sanh nơi Đại La Cảnh Thượng Vô Dục Thiên Cung (大羅境上無慾天宮), con của Quốc Vương Tịnh Lạc (凈樂國王) và Hoàng Hậu Thiện Thắng (善勝皇后). Hoàng Hậu nằm mộng thấy ăn mặt trăng, đến khi tỉnh dậy thì mang thai, trãi qua 14 tháng và hơn 400 ngày thì hạ sanh ông trong vương cung. Sau khi trưởng thành, từ giã song thân, lên tu đạo trên Võ Đương Sơn (武當山), trãi qua 42 năm thì công thành quả mãn. Nhân đó, Ngọc Hoàng Đại Đế (玉皇大帝) có chiếu chỉ, phong cho ông là Thái Huyền (太玄), trấn thủ ở phương Bắc. Theo Hựu Thánh Chú (佑聖咒) gọi Huyền Thiên Thượng Đế là do “Thái Âm hóa sanh, Thủy Vị chi tinh, Hư Nguy thượng ứng, quy xà hợp hình, châu hành Lục Hợp, uy nhiếp vạn linh (太陰化生、水位之精、虛危上應、龜 合形、周行六合、威懾萬靈, Thái Âm hóa sinh, tinh của Thủy Vị, trên hợp với Hư Nguy, hình kết hợp của rùa rắn, đi khắp Sáu Cõi, uy nhiếp vạn loài).” Nhân vì Bắc Đế thuộc về thủy, nên có thể trị thủy, hàng thủy, giải trừ các tai họa về nước lửa. Các đền thờ vị thần này được kiến lập trong cung nội dưới thời nhà Minh, đều để cầu nguyện cho giải trừ mọi tai họa về nước lửa. Vì Bắc Đế có công lao dẹp trừ, tiêu diệt quy tinh, thuồn luồn dưới chân mình, nên được Nguyên Thỉ Thiên Tôn (元始天尊) phong cho là Huyền Thiên Thượng Đế. Ông là người thống lãnh thủy giới an toàn, có thể hướng dẫn cho tàu bè đi lại đúng phương hướng, chẳng bị lạc hướng trên biển. Còn Huyền Võ (玄武) là tên gọi chung của 7 ngôi sao ở phương Bắc trong Nhị Thập Bát Tú (二十八宿). Trong Sở Từ (楚辭), Thiên Viễn Du (遠遊) của Khuất Nguyên (屈原, 304-278 tcn) có câu: “Chiêu Huyền Võ nhi bôn thuộc (召玄武而奔屬, mời Huyền Võ đến hộ vệ).” Hình của Huyền Võ như rùa rắn, nên có lời chú giải rằng: “Huyền Võ vị quy xà, vị tại Bắc phương, cố viết Huyền; thân hữu lân giáp, cố viết Võ (玄武謂龜蛇、位在北方、故曰玄、身 鱗甲、故曰武, Huyền Võ có nghĩa là rùa rắn, an vị ở phương Bắc, nên gọi là Huyền; thân nó có giáp lân, nên gọi là Võ).” Trong khoảng niên hiệu Khai Bảo (開寶, 968-976) nhà Bắc Tống (北宋, 960-1127), Thần Huyền Võ giáng xuống Chung Nam Sơn (終南山). Vào năm thứ 6 (981) niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (太平興國), ông được phong là Dực Thạnh Tướng Quân (翌盛將軍). Đến năm thứ 7 (1014) niên hiệu Đại Trung Tường Phù (大中祥符, 1008-1016) đời vua Tống Chơn Tông (宋眞宗, tại vị 997-1022), ông được phong thêm là Dực Thánh Bảo Đức Chơn Quân (翌聖保德眞君). Về sau, để tránh tên húy của Thánh Tổ Triệu Huyền Lãng (聖祖趙玄朗), Huyền Võ được đổi thành Chơn Võ. Ngày sinh của Huyền Thiên Thượng Đế là mồng 3 tháng 3 âm lịch. Theo truyền thuyết của Đài Loan, ông không phải là vương tử, mà là người đồ tể. Có hôm nọ, chàng đồ tể được thần minh mách bảo, nhất định từ bỏ không làm nghề đó nữa, cải tâm tu đạo, mổ bụng mình đem vất xuống sông và nhờ quyết tâm đó mà đắc đạo. Sau khi chứng đạo, bụng ông biến thành rùa tiên, ruột biến thành rắn tiên; cả hai tác quái khắp nơi. Nhân đó, Huyền Thiên Thượng Đế bèn mượn cây bảo kiếm của Bảo Sanh Đại Đế (保生大帝, có thuyết là mượn của Lữ Đồng Tân [呂洞賓]) để trấn áp hai tiên đó và cuối cùng thâu phục được. Sau đó, vì sợ hai con rùa rắn này không chịu quy phục, Huyền Thiên Thượng Đế cứ cầm kiếm canh giữ mãi mà không chịu hoàn trả cho Bảo Sanh Đại Đế. Cho nên, nơi tượng thờ Huyền Thiên Thượng Đế ở Đài Loan, ông có chân đỏ, đạp lên hai con rùa rắn, tay cầm chặt cây bảo kiếm. Cũng trên cơ sở của truyền thuyết này, tại Đài Loan, các nơi chế biến thịt, công ty đồ tể, thảy đều phụng thờ Huyền Thiên Thượng Đế làm vị thần bảo hộ cho công việc của họ. Minh Thành Tổ (明成祖, tại vị 1402-1424) đã từng đại tu các ngôi miếu vũ của Võ Đương, trong bức thư sắc chỉ kiến tạo Tử Vân Đình (紫雲亭), ông có ghi rằng: “Tịnh Lạc Quốc chi đông, hữu Tử Vân Đình, nãi Huyền Võ Đế giáng sanh chi phước địa (淨樂國之東、有紫雲亭、乃玄武帝降 之福地, phía đông Tịnh Lạc Quốc, có Tử Vân Đình, là vùng đất phước giáng sanh của Huyền Võ Đế).”

http://anphat.org/dictionary/detail/...1580/bac-de/31