kết quả từ 1 tới 6 trên 6

Ðề tài: Đi tìm bí kíp võ công của cao thủ võ lâm Việt Nam

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Đi tìm bí kíp võ công của cao thủ võ lâm Việt Nam

    Đi tìm bí kíp võ công của cao thủ võ lâm Việt Nam



    Docbao.vn - Bí kíp đầu tiên, cũng là cuốn được nhiều cao thủ săn lùng nhất là bí kíp võ công của võ phái Côn Luân do đại sư chưởng môn Đoàn Tâm Ảnh biên soạn bằng cách viết tay.


    LTS: Nhiều năm nay, giang hồ đồn thổi làng võ Việt đang lưu giữ những bí kíp võ công được các cao thủ săn lùng hệt như phim ảnh kiếm hiệp của Trung Quốc.
    Những cuốn bí kíp võ công đó có thật sự tồn tại và có giá trị như nào, lần tìm qua nhiều manh mối, chúng tôi đã có những thông tin, câu chuyện bất ngờ, thú vị.
    Bí kíp võ công này khởi nguồn từ Trung Quốc và được một cao thủ vốn là cố vấn cao cấp của tổng thống Tôn Trung Sơn cất giữ và truyền lại cho học trò cưng của mình, đại sư Đoàn Tâm Ảnh.

    Võ sư Băng Sơn biểu diễn quyền thuật (Ảnh nhân vật cung cấp)



    Điều bất ngờ là bí kíp võ công, phần viết tay do Thiện Tâm thiền sư (pháp danh của đại sư Đoàn Tâm Ảnh) lại hiện đang được một võ sư ở Hà Nội cất giữ. Người may mắn ấy là võ sư Băng Sơn, Chưởng môn phái Võ Lâm Phật gia.


    Cao thủ hành hiệp như… phim chưởng
    Căn nhà cấp 4 liêu xiêu bên bờ hồ Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng) là nơi tá túc của võ sư Băng Sơn, một võ sư nổi tiếng ở Hà Nội.


    Võ sư Băng Sơn tên thật là Bùi Quốc Sơn, sinh năm 1958. Võ sư Băng Sơn vốn đệ tử chân truyền của Chưởng môn đời thứ 44, môn phái Thiếu lâm Phật gia, đại sư người Trung Quốc, Lý Chấn Hòa.
    Cuộc đời võ nghiệp của mình, vó sư Băng Sơn đã may mắn được bái nhiều cao thủ nổi tiếng của làng võ Việt làm thầy.
    Và, ngoài người đầu tiên, đại sư Lý Chấn Hòa thì ông còn có hai sư phụ là Thanh Hư Chân Nhân Đoàn Tâm Ảnh, Chưởng môn phái Võ Lâm Côn Luân và Huyền Không Đạo Trần Công, Chưởng môn phái Không Động, người được tôn sùng là “vương kiếm”, “vua ám khí”.


    Trong số những danh sư trên thì đại sư Đoàn Tâm Ảnh nức tiếng hơn cả. Bôn tẩu giang hồ, đại sư đã thu nạp nhiều đệ tử. Tuy nhiên, “đệ tử ruột” thì chỉ có 12 người, làng võ vẫn gọi họ là nhóm Thập nhị đại đồ đệ.
    Võ sư Băng Sơn là người cuối cùng trong nhóm đệ tử trứ danh đó.
    Nhiều lần trò chuyện, võ sư Băng Sơn bảo, ông là người may mắn. Tuy là “người đến sau” nhưng đại sư đã dành cho ông cả tấm chân tình.


    Và, cũng chính nhờ tình cảm không gì bì sánh ấy mà võ sư Băng Sơn đã được người thầy đáng kính của mình truyền lại cuốn bí kíp võ công mà bất cứ kẻ luyện võ nào cũng ước ao mong sở hữu ấy.
    Võ sư Băng Sơn bảo, cứ “soi” vào nghiệp võ và cả cuộc đời bôn tẩu giang hồ của đại sư Đoàn Tâm Ảnh thì sẽ thấy được giá trị của cuốn bí kíp này.
    Võ sư băng Sơn và đại sư Đoàn Tâm Ảnh (Ảnh nhân vật cung cấp)

    Đại sư Đoàn Tâm Ảnh sinh năm 1910 ở Chợ Lớn (TP.HCM). Ông tên thật là Tô Văn Sinh, là con trai út trong gia đình có 6 người con (5 gái, 1 trai). Cha ông là người Triều Châu (Trung Quốc), mẹ ông là người gốc Nghệ An.Ngay từ nhỏ ông đã sống đời phiêu bạt. Theo đó, năm 12 tuổi, ông được cha mình gửi sang Trung Quốc trú tại chùa Phi Lai Tự, núi Sơn Đầu, tỉnh Mã Dương Cương.


    Người được “giao nhiệm vụ” rèn cặp cậu bé Tâm Ảnh khi đó ở Trung Quốc hiếm người nào lại không biết tới.
    Cao nhân nổi tiếng ấy chính là Mộc Đức Thiền Sư, cố vấn cao cấp của tổng thống Tôn Trung Sơn.
    Sau gần chục năm luyện tập võ nghệ, tuổi 20, đại sư Đoàn Tâm Ảnh đã được Mộc Đức Thiền Sư cùng đại sư Bắc Phong hoà thượng, Chưởng môn phái Thiếu lâm Bắc phái đứng ra tác hợp để cậu học trò yêu yên bề gia thất.
    Người mà Tâm Ảnh kết tóc se duyên cũng là một cao thủ võ lâm, cô nương Hoa Cẩm Tú, môn đồ cưng của Bắc Phong hoà thượng.


    Sau khi nên vợ thành chồng, đôi uyên ương đã xin phép hai vị sư phụ xuống núi để dựng nghiệp. Và, cũng từ đó, đại sư Đoàn Tâm Ảnh bắt đầu cuộc đời phiêu bạt giang hồ với biệt hiệu là Ta Lô.
    Giai thoại trong làng võ Việt kể lại thì ngày đó, ở Trung Hoa, người luyện võ đều biết tới danh tiếng vợ chồng đại sư Đoàn Tâm Ảnh. Bôn tẩu giang hồ, họ hành hiệp trượng nghĩa hệt như những võ hiệp thời xưa.


    Hễ đâu có áp bức thì ở đó có sự xuất hiện của cặp vợ chồng Tâm Ảnh. Giang hồ đồn thổi rằng bất cứ ma đầu đại ác nào cũng đều phải thúc thủ, thậm chí mất mạng khi đối diện với cặp vợ chồng “thấy chuyện bất bằng chẳng tha” này.


    Thích khách bóng đêm khiến quan tham sợ hãi


    Chiến tranh Hoa- Nhật bùng nổ, vợ chồng ly tán mỗi người một phương. Sau nhiều ngày tìm kiếm nhưng vô vọng, Đoàn Tâm Ảnh đành phải quay trở về Việt Nam.
    Tuy nhiên, về Việt Nam được ít ngày, nhưng máu phiêu bạt, ông lại khăn gói sang Lào, rồi qua Campuchia.
    Lại thêm hơn chục năm bôn tẩu xứ người, hấp thụ thêm nhiều tinh hoa võ thuật thì năm 1944, ông mới về nước và trú tại Bạc Liêu.


    Khi về nước, ông nương nhờ cửa phật, sống ẩn dật ở các chùa chiền với pháp danh Thiện Tâm.
    Cũng thời kỳ này, bởi nạn cường hào ác bá, bởi sự hung đồ của quân cướp nước, ông đã đứng ra thành lập đảng Sao Trắng với sứ mệnh là trừ khử những tên tham quan, ô lại, nhũng nhiễu dân nghèo.


    Nơi yên nghỉ của đại sư Đoàn Tâm Ảnh ở Hậu Giang (Ảnh nhân vật cung cấp)

    Chuyện đại sư Đoàn Tâm ảnh hành hiệp trượng nghĩa thì bây giờ, dân các tỉnh miền Tây vẫn truyền tai nhau như một huyền thoại.
    Theo võ sư Băng Sơn thì ngay khi đại sư Đoàn Tâm Ảnh còn sống (ông mất năm 2008) thì huyền thoại này vẫn được nhiều người xác nhận.


    Theo đó, giống như những hiệp khách trong phim kiếm hiệp, cứ khi mọi người yên giấc, bỏ áo thầy tu, khoác lên người bộ y phục kín mít, đại sư băng mình vào màn đêm tĩnh lặng. Và, lần nào đi thì lần chí ít cũng một tên ác ôn phải đền tội ác.


    Xuất quỷ nhập thần nhưng đại hiệp này vẫn luôn để lại ám hiệu của riêng mình bất chấp sự truy lùng ngày một gắt gao của chính quyền. Ám hiệu đó chính là chữ ký của ông, chữ ký có hình ngôi sao 5 cánh.
    Sự tung hoành của “thích khách áo đen” khiến chính quyền thực dân Pháp và bè lũ tay sai đau đầu hoảng sợ.
    Thời gian ấy, khắp 6 tỉnh miền tây, cường hào ác bá hễ nhác thấy chữ ký hình ngôi sao, hay nghe chuyện “thích khách bóng đêm” là tim đập chân run, mặt cắt không còn máu.


    Nhiều quan tham đã phải tăng cường thêm lính gác, chó săn, thậm chí cả những thiết bị phòng vệ hiện đại.
    Tuy nhiên, sự canh chừng đó cũng chẳng ích gì. Kẻ nào một khi đã lọt vào “sổ đen” của hiệp sĩ thì kẻ đó phải đền tội ác.


    Những giai thoại khó tin về cao thủ đệ nhất võ Việt

    Nói về bản lĩnh siêu phàm của sư phụ mình, võ sư Băng Sơn kể, ngày trước, tìm hiểu về đại sư, ông đã được nghe nhiều chuyện mà tưởng như không bao giờ có thật.
    Theo đó, nhiều người đã kể với ông rằng, năm 1963, khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, đại sư đã được Nguyễn Cao Kỳ, khi đó là Tư lệnh không quân của chính quyền Việt Nam Cộng hòa mời tham gia đảo chính.
    Đương nhiên, với khả năng võ thuật phi phàm của mình, đại sư sẽ sắm vai thích khách. Tuy nhiên, không muốn dính líu đến chuyện chính trường, ông đã thẳng thắn khước từ.

    Lần khác, năm 1979, khi giặc Pôn- Pốt hoành hành ở biên giới Tây Nam, dù tuổi đã cao nhưng đại sư nhiều lần bộc lộ ý định sang xứ Chùa Tháp để… lấy đầu kẻ diệt chủng khét tiếng này.
    Võ sư Băng Sơn kể, những chuyện trên không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật nhưng cũng đủ để khẳng định rằng, luận về võ công, đại sư Đoàn Tâm Ảnh là một nhân vật kỳ tài, hiếm có.
    Đại sư Đoàn Tâm Ảnh là bậc kỳ tài võ học hiếm có. (Ảnh Internet)

    Tài năng võ công thiên bẩm của đại sư Đoàn Tâm Ảnh còn “phát tác” tới cả con gái mình. Võ sư Băng Sơn kể, ngày ông xuôi phương Nam tìm bái đại sư làm thầy, ông cũng được nghe nhiều chuyện thật mà như bịa về nữ võ sư này.Trong số ấy có chuyện người con gái này một mình mặc áo cộc tay, quần sà lỏn hạ gục cả chục lính gác rồi vào tận dinh của một quan chức cấp cao chính quyền Việt Nam Cộng hòa để đòi quyền lợi cho chồng.
    Chồng bà này là sĩ quan không lực, ra chiến trường và đã tử trận. Không biết do cố tình hay bởi nhập nhèm ở đâu đó mà chính quyền không giải quyền chế độ cho gia đình bà.
    Khiếu kiện nhiều nơi không thành, phẫn chí, người đàn bà này đã một mình tả xung hữu đột xông tận vào tận nơi để đòi quyền lợi.


    Cả chục lính gác lực lưỡng và cả những cận vệ võ thuật cao cường cũng không thể khuất phục người phụ nữ tay không tấc sắt. Sự liều mình và gan dạ ấy của bà cũng được đền đáp khi ông kia tỏ tường câu chuyện.
    Khi việc lớn đã thành, trò chuyện với mọi người, bà bảo, sở dĩ bà mặc áo cộc tay, quần sà lỏn khi lâm trận là để… thông báo cho đám lính canh biết bà không phải thích khách, không mang, không giấu bất cứ loại vũ khí nào trên người.
    Bởi thế, vượt qua hết vòng gác ngoài tới vòng gác trong nhưng thấy bà ăn vận vậy biết là không quá mức nguy hiểm nên đám lính canh cũng không hề nổ súng.


    (Còn nữa)
    Theo Đào Thanh Tuy (Soha.vn/Trí Thức Trẻ
    Last edited by Bin571; 31-08-2016 at 10:05 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Huyền thoại võ Việt và bí kíp võ công độc nhất vô nhị

    Đào Thanh Tuy | 24/02/2016 07:44


    Cuốn bí kíp võ công được võ sư Băng Sơn cất kỹ trong hộp gỗ.

    Giống như danh sư võ thuật Trung Quốc Hoắc Nguyên Giáp đã làm với Tinh võ môn, đại sư Đoàn Tâm Ảnh cũng có ý định hệ thống lại các võ phái của làng võ Việt.

    LTS: Nhiều năm nay, giang hồ đồn thổi làng võ Việt đang lưu giữ những bí kíp võ công được các cao thủ săn lùng hệt như phim ảnh kiếm hiệp của Trung Quốc.
    Những cuốn bí kíp võ công đó có thật sự tồn tại và nó có giá trị như nào, lần tìm qua nhiều manh mối, chúng tôi đã có những thông tin, câu chuyện bất ngờ, thú vị.



    • Hoắc Nguyên Giáp của làng võ Việt

      Lại nói chuyện đại sư Đoàn Tâm Ảnh, sau thời gian náu mình trong chùa và đêm đến thì thực hiện sứ mệnh trừ gian diệt ác và khi Cách mạng Tháng 8 thành công, ông lại tiếp tục cuộc đời bôn tẩu giang hồ.
      Lần này, bước chân phiêu bạt đưa ông đến Mã Lai, Phi-líp-pin, Nhật Bản và sang cả Thổ Nhĩ Kỳ. Ở bất cứ đâu ông cũng lần mò hấp thụ những tinh hoa võ học của người bản địa và truyền bá võ công mình học được cho mọi người.


      Năm 1954, ông trở lại Việt Nam và sống tại Cần Thơ. Tại đây, ông thâu nạp môn sinh, mở võ đường dạy võ.
      Võ sư Băng Sơn bảo, nếu Trung Quốc có danh gia võ thuật Hoắc Nguyên Giáp, người đã hệ thống hóa võ thuật Trung Quốc để thành lập Tinh võ môn thì Việt Nam có đại sư Đoàn Tâm Ảnh.



    Danh sư Đoàn Tâm Ảnh được ví như Hoắc Nguyên Giáp của làng võ Việt. (Ảnh Internet)

    Cũng với mong muốn hệ thống lại nền võ thuật nước nhà nhằm truyền bá rộng rãi hơn những tinh hoa võ Việt mà năm 1960, tại tây đô, đại sư đã đứng ra sáng lập Võ lâm đạo Việt Nam và thành lập Tổng hội Võ lâm Việt Nam.
    Trở lại chuyện “cuốn bí kíp võ công trị giá 200 cây vàng”, theo võ sư Băng Sơn, đây là bí kíp võ công của môn phái Côn Luân và hệ phái này ở Việt Nam do đại sư Đoàn Tâm Ảnh đứng đầu cũng có tên là Võ lâm Côn Luân.
    Theo võ sư Băng Sơn, khi ở Cần Thơ mở võ đường dạy võ, tuy chưa lấy đích danh tên môn phái nhưng thứ võ công mà đại sư Đoàn Tâm Ảnh truyền thụ tới mọi người cũng chính là những chiêu thức, kỹ thuật của Côn Luân Bắc phái.


    Báu vật bất ly thân được cao thủ Trung Quốc truyền tặng


    Võ sư Băng Sơn cho biết, trước đây, khi tiếp xúc với đại sư, ông đã được thầy mình kể, sau khi theo Mộc Đức Thiền sư luyện võ, khi từ biệt, ông đã được sư phụ mình truyền lại cuốn bí kíp võ công này.
    Đại sư coi cuốn bí kíp như báu vật và mang theo bên mình suốt những năm tháng bôn tẩu giang hồ.


    Bản gốc của cuốn bí kíp viết bằng chữ Hán, ngôn từ bằng cổ ngữ khó hiểu, những chiêu thức chỉ là gợi mở, chỉ những người uyên thâm võ thuật mới có thể thụ cảm.
    Bởi thế, theo võ sư Băng Sơn, khi muốn truyền bá những tinh hoa võ thuật mà mình nhiều năm khổ luyện, đại sư đã diễn giải cuốn bí kíp đó bằng tiếng Việt cho dễ hiểu hơn.



    Đại sư Đoàn Tâm Ảnh đã diễn giải những chiêu thức trong cuốn bí kíp mà mình vẫn giữ bên mình như báu vật.

    Theo sự diễn giải đó thì cuốn bí kíp chia làm 5 phần, đại sư viết tỉ mỉ trên 7 cuốn sổ tay được đóng tử giấy ô-li và được đại sư đặt tên là Bí kíp cẩm nang của Ngọc Hư Xiển Giáo Đích Hư Cung.
    Thuyết giải của đại sư Đoàn Tâm Ảnh thì bí kíp này cũng như môn phái Côn Luân Bắc phái được khởi nguồn từ đạo tiên do 3 vị chân nhân (học trò của Hồng Quân lão tổ) sáng lập.

    Ba vị đạo nhân đó là Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thông Thiên giáo chủ, Thái Thượng lão quân.

    Truyền thuyết thì từ thuở xa xưa, các vị này đã nhận thấy cuộc đời là nơi giam hãm con người, phú quý công danh như trẻ nhỏ mò trăng đáy nước, thế mà người đời vẫn cố nhau giành giật như đá dằn thây, như dao lóc thịt để cuối cùng chết thảm trong khổ đau.
    Bởi suy nghĩ trên, ba vị này đã nghĩ ra phương pháp tu luyện để sống đời thanh cao, lánh xa thế tục lụy phiền và trường thọ mãi mãi.

    Nguyên Thủy Thiên Tôn nghĩ ra Thiên can quyền, Thông Thiên giáo chủ nghĩ ra Địa chi quyền, Bát quái quyền, Thái Thượng lão quân thì nghĩ ra Ngũ hành quyền và cùng nhau tu luyện.
    Theo võ sư Băng Sơn thì cuốn bí kíp võ công mà ông đang giữ có ghi đầy đủ những tuyệt kỹ công phu của Côn Luân Bắc phái. Và, cuốn sách đến tay ông vừa là duyên vừa trọng trách thiêng liêng mà đại sư Đoàn Tâm Ảnh đã giao phó cho ông.

    Hành trình tìm cao nhân khổ ải

    Theo lời kể của võ sư Băng Sơn, năm 1988, danh sư Lý Chấn Hòa (Chưởng môn phái đời thứ 44 của võ phái Thiếu lâm Phật gia) sư phụ đầu tiên của ông bởi da diết nhớ cố hương đã về nước.
    Trước lúc chia tay, sư phụ ông đã dặn lại rằng nếu muốn phát dương nghiệp võ thì phải vào Nam tìm và bái cho kỳ được đại sư Đoàn Tâm Ảnh làm thầy. Nhớ lời sư phụ dặn nên ngay sau đó võ sư Băng Sơn đã từ biệt gia đình vào Nam.


    Võ sư Băng Sơn, đệ tử cuối cùng trong nhóm Thập nhị đại đồ đệ của đại sư Đoàn Tâm Ảnh, người đang giữ cuốn bí kíp võ công quý giá.

    Danh sư Đoàn Tâm Ảnh tiếng nổi như cồn nhưng miền Nam bao la, tìm ông không dễ. Võ sư Băng Sơn bảo, phải mất mấy lần đi lại, ngược xuôi ông mới tìm được cao nhân.
    Tính phóng khoáng, đại sư chẳng ở yên chỗ nào. Khi ở nhà con cái, khi ở tư gia của các đệ tử nhưng chỉ được ít ngày là ông lại cất bước phiêu bồng.


    Sự kiện đại sư Đoàn Tâm Ảnh đặc cách thâu nạp ông làm môn đệ cuối cùng trong nhóm Nhị thập đại đồ đệ cũng khiến làng võ phía Nam xôn xao khi đó.
    Tuy nhiên, sau này tìm hiểu, võ sư Băng Sơn mới biết, sư phụ đầu tiên của ông, danh sư Lý Chấn Hòa đã có lời gửi gắm trước khi về nước.


    Thêm nữa, qua vài lần thử người, thử tài đại sư Đoàn Tâm Ảnh đã tuyệt đối tin tưởng và muốn ông phát dương Côn Luân Bắc phái ở miền Bắc. Đây có lẽ cũng chính là lý do ông may mắn được thừa hưởng bí kíp võ công độc nhất vô nhị này.

    Bất ngờ được trao sách quý

    Võ sư Băng Sơn kể, năm 1991, khi ra Hà Nội dự Hội nghị thành lập Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, đại sư Đoàn Tâm Ảnh được bố trí ở tại khách sạn Năng Lượng trên đường Cát Linh.


    Thầy ra, ông cùng một đệ tử tên Hải của mình đã ngày đêm túc trực để nghe thầy sai việc cũng như chỉ giáo võ thuật.
    Mấy ngày ở Hà Nội, phòng đại sư lúc nào cũng tấp nập khách vào ra. Họ là là những nhà báo thể thao và đương nhiên không thể thiếu những người đam mê võ thuật bởi hâm mộ đại sư mà tìm đến hỏi han, tham vấn.
    Ngay ở khách sạn, võ sư Băng Sơn cũng tận mắt chứng kiến thầy mình truyền dạy Lục mạch thần kiếm, Đả cẩu bổng pháp cho một số võ sư đến sở cầu.


    Vấn an, chăm sóc cho thầy được vài hôm thì võ sư Băng Sơn phải xuống Quảng Ninh dự cuộc liên hoan võ thuật mà ông đã hẹn từ trước đó. Trước lúc đi, ông đã dặn người đệ tử tên Hải phải thay mình ở cạnh để đại sư tiện bề sai bảo.
    Và rồi, đúng hôm ông đi Quảng Ninh đó thì qua người học trò, đại sư đã truyền lại cho ông phần đầu tiên của cuốn bí kíp võ công trên.


    Khi về nhà, nghe đệ tử kể lại, sáng đó trước mặt rất nhiều nhà báo, đang trò chuyện bất chợt đại sư tìm trong va li hành lý của mình cuốn sổ bé bằng bàn tay rồi dúi nhanh vào tay đệ tử của ông và bảo: “Đem về cho thầy anh, bảo thầy anh phải giữ cẩn thận!”.
    Thấy hành động có vẻ khác thường của đại sư, các nhà báo đã rất đỗi ngạc nhiên và tò mò gặng hỏi cuốn sổ đó viết gì nhưng đại sư đã lớn tiếng đuổi kẻ môn hạ kia khẩn trương ra về.


    Về đến nhà, được cậu đệ tử đưa sách và nghe kể lại câu chuyện trên, võ sư Băng Sơn đã vội vàng chạy lên nhà khách tìm thầy. Tuy nhiên, nhân viên nhà khách bảo, đại sư vừa dọn đồ và đi được vài phút.
    Chẳng biết tìm thầy ở đâu bởi thời đó chưa có điện thoại cầm tay, linh tính ông vội vã chạy thẳng ra ga. Lần hồi tìm kiếm ở khắp các toa tàu, rất may ông đã gặp được sư phụ mình.


    Trước khi tàu lăn bánh, đại sư đã bảo: “Cuốn sách ta đưa cho anh là tất cả những gì ta đã có. Anh giữ lấy mà rèn luyện cho mình, có điều kiện thì truyền lại cho mọi người. Đây mới là phần đầu tiên của cuốn sách, sau này anh vào tìm, ta truyền nốt cho.
    Ta đã già rồi, thời gian không còn nhiều nữa nên chẳng giữ lại làm gì”.
    Nghe những lời ấy của bận chân sư, võ sư Băng Sơn đã rưng rưng nước mắt.




    Bút tích và chữ ký cùng con dấu của đại sư Đoàn Tâm Ảnh trên cuốn bí kíp.

    Võ sư Băng Sơn bảo, đại sư Đoàn Tâm Ảnh truyền lại cho ông tập bí kíp vô cùng quý giá trên không phải là phút giây ngẫu hứng mà ông đã có dụng ý từ trước. Ngay trang đầu của cuốn sổ tay, đại sư đã viết“Tập này cho Bùi Quốc Sơn” (tên thật của võ sư Băng Sơn).

    Và, dưới dòng chữ ấy là dấu triện và chữ ký của đại sư. Chữ ký có hình ngôi sao 5 cánh, chữ ký từng khiến cường hào ác bá thuở trước khiếp đảm.
    Ở trang kế tiếp, đại sư cũng lưu bút rõ ràng: “Võ đạo thể thao, thầy cho Bùi Quốc Sơn được phép phát hành nếu được phép của nhà nước Việt Nam”. Dưới dòng lưu bút ấy vẫn là chữ ký của đại sư và triện dấu hình chữ nhật.
    (Còn nữa)

    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Cuốn bí kíp võ công trị giá tới 200 cây vàng?


    Đào Thanh Tuy | 26/02/2016 07:36



    Trọn bộ bí kíp võ công do võ sư Băng Sơn sở hữu.
    ĐỌC NHIỀU NHẤT


    Danh tiếng của đại sư cộng với biết được giá trị của cuốn bí kíp võ công mà ông coi như báu vật, một nhà sách ở Sài Gòn đã gạ mua đứt bản quyền với giá lên tới 200 cây vàng.

    LTS: Nhiều năm nay, giang hồ đồn thổi làng võ Việt đang lưu giữ những bí kíp võ công được các cao thủ săn lùng hệt như phim ảnh kiếm hiệp của Trung Quốc.
    Những cuốn bí kíp võ công đó có thật sự tồn tại và nó có giá trị như nào, lần tìm qua nhiều manh mối, chúng tôi đã có những thông tin, câu chuyện bất ngờ, thú vị.

    Cảm kích tình nghĩa thầy trò
    Tiếp nhận cuốn bí kíp võ công của bậc danh sư, võ sư Băng Sơn đã đêm ngày nghiền ngẫm. Và càng đọc ông càng thấy sở học của mình so với đại sư chẳng khác nào bát úp đặt cạnh Thái Sơn.
    Một năm sau, sau khi đã thuộc nằm lòng những chiêu thức võ công trong cuốn sổ mà thầy mình truyền lại, nhớ lời đại sư dặn, võ sư Băng Sơn lại lên tàu vào Nam. Tuy nhiên, như vài chuyến đi trước đó, lần này ông cũng thể tìm thấy chân sư.

    Nhờ khắp các bạn bè chiến hữu đang sống ở Sài Gòn, rồi miền Đông, miền Tây nhưng chẳng ai biết đại sư đang náu thân chốn nào.


    Võ sư Băng Sơn kể, lần đó, ông lang thang cả tháng ở khắp các tỉnh thành phía Nam nhưng thầy vẫn chim cá bặt tăm, ông đã vô cùng sốt ruột.
    Nhớ lần trước, khi chia tay tại ga, thầy ông đã bảo: “Sự khổ luyện của ta thì ta đã viết hết trong cuốn bí kíp này. Trước anh theo học, ta đã truyền anh phân nửa, sau này vào Nam, ta sẽ truyền nốt cho”.


    Lời dặn dò ấy khiến võ sư Băng Sơn quyết chí tìm đại sư cho kỳ được. Tuy nhiên, hơn một tháng trời lòng vòng trên chiếc xe đạp tìm khắp các ngõ ngách mà chẳng thấy bóng dáng thầy đâu, võ sư Băng Sơn đành phải buồn bã ra về.
    Ra đến Hà Nội được ít ngày thì có một người lạ tìm đến. Người này là cha của một đệ tử thân thiết hiện đang sống ở Đồng Nai. Đệ tử ấy cũng từng nhiều ngày cùng ông tìm tung tích đại sư Đoàn Tâm Ảnh ở trong Nam.


    Gặp ông, người này bảo, ông có việc ra Bắc chơi và con trai ông có nhờ chuyển hộ đến tận tay ông hai cuốn sổ nhỏ. Vội vàng lật dở cuốn sổ, võ sư Băng Sơn đã vô cùng ngạc nhiên khi đó chính là phần tiếp theo của cuốn bí kíp võ công trên.
    Thư tay gửi cho ông, đệ tử ông cho biết, khi ông ra Bắc thì anh này vẫn tiếp tục miệt mài tìm kiếm cao nhân “lai vô ảnh, khứ vô hình” Đoàn Tâm Ảnh. Và, may mắn, anh này đã tìm được.


    Lần gặp đó, nghe chuyện ông vào Nam vất vả tìm kiếm, đại sư đã vô cùng xúc động. Và, cũng trong lần gặp gỡ ấy, đại sư đã nhờ người học trò chuyển phần tiếp theo của cuốn bí kíp cho ông.
    Sáu tháng sau, qua đường bưu điện, đại sư gửi nốt cho ông phần còn lại của cuốn bí kíp này.



    Võ sư Băng Sơn cho rằng, cuốn bí kíp võ công mà ông được Đại sư Đoàn Tâm Ảnh truyền lại từng được hỏi mua với giá 200 cây vàng.

    Sách quý hơn vàng

    Võ sư Băng Sơn kể, sau khi lĩnh hội được tất thảy những ghi đại sư lưu lại trong bí kíp, mùa hè năm 1994 ông lại khăn gói vào Nam để vấn an thầy. Và chuyến đi này ông đã vô cùng ngỡ ngàng khi biết được giá trị của cuốn bí kíp mà thầy ông đã gửi gắm.


    Câu chuyện ấy khiến càng khiến võ sư cảm kích tấm lòng vì võ thuật của thầy mình.
    Lần ấy, thăm thú huynh đệ làng võ, ông đã vô tình nghe được câu chuyện thú vị. Chuyện rằng, khi chưa giải phóng, nhiều nhà sách đã tìm đến danh sư Đoàn Tâm Ảnh để cậy nhờ đại sư biên soạn sách về võ thuật.
    Ngày ấy, bởi chiến tranh loạn lạc nên người dân mê võ. Những cuốn sách về võ thuật bán chạy như tôm tươi. Và, với danh tiếng của mình, nếu đại sư chấp nhận hợp tác thì đương nhiên các nhà sách sẽ thu được bộn tiền.
    Tuy nhiên, bởi nhiều lý do, đại sư còn phân vân, lưỡng lự.


    Trong số những “đối tác” trên thì nhà sách Khai Trí “chăm sóc” đại sư kỹ nhất. Ngoài chuyện mời mọc đại sư cộng tác độc quyền cho mình thì họ còn mong muốn đại sư nhượng lại bản quyền một cuốn bí kíp võ công mà họ biết chắc là ông đang cất giữ.
    Cái giá mà họ đưa ra khiến nhiều người giật mình. Theo đó, nếu đại sư gật đầu thì ngay lập tức họ đem 200 cây vàng đến. Thế nhưng, trước tất cả sự chèo kéo ấy, đại sư đều lắc đầu, thậm chí ông còn chối thẳng rằng mình không có bí kíp nào cả.


    Nghe được câu chuyện trên, trong một cuộc chuyện trò, võ sư Băng Sơn đã lựa lời gặng hỏi. Và, câu trả lời của đại sư đã khiến ông giật mình thảng thốt.
    “Thì sách đó ta đã chuyển tận tay anh rồi đấy thôi. Đúng là người ta hỏi mua với giá đó thật, nhưng sách quý, nhất là sách võ thì phải tìm đúng chủ chứ!”, đại sư thản nhiên nói.
    Võ sư Băng Sơn ở một mình trong căn nhà có phần tạm bợ bên hồ Thanh Nhàn. Trong nhà chật kín mộc nhân và binh khí luyện võ. Gác trên, nơi nghỉ ngơi của ông cũng chật kín sách vở và lỉnh kỉnh đồ đạc cá nhân. Đàn ông ở một mình thường bề bộn.


    Mấy lần tôi đến thăm, hỏi cuốn bí kíp võ công thì ông đều cất giữ ở mỗi nơi khác nhau trong căn nhà lỉnh kỉnh những đồ đạc khó gọi tên ấy. Tuy nhiên, dù cất giấu chỗ nào thì cuốn bí kíp đó đều được trang trọng để trong chiếc hộp gỗ được khóa cẩn thận.

    “Thì nhà cửa mình thế nên phải có cách cất giữ riêng, nhỡ chẳng may mất thì chết. Mất thì tiếc giá trị một, thấy có tội với sư phụ mười”, võ sư Băng Sơn chia sẻ.
    Trước mỗi khi lần hồi mở hộp lấy cuốn bí kíp võ công ấy ra võ sư Băng Sơn đều làm một nghi lễ tôn nghiêm ấy là thắp nén nhang thơm tưởng nhớ chân sư mình, đại sư Đoàn Tâm Ảnh.



    Võ sư Băng Sơn nâng niu, cất giữ sách quý hơn cả báu vật.

    Những tuyệt kỹ khiến người tập “muốn tha thì phải chạy”


    Theo võ sư Băng Sơn, cuốn bí kíp mà ông đang sở hữu hội đủ những tinh hoa võ thuật của Côn Luân Bắc phái. Theo sự sắp xếp của đại sư Đoàn Tâm Ảnh thì phần một của bí kíp dạy về bộ pháp, thủ pháp, cước pháp và thiên can quyền.
    Phần hai là những chiêu thức của địa chi quyền, bát quái quyền, ngũ hành quyền. Phần ba chủ yếu nói chuyện võ đạo, giáo lý quy môn và một phần dạy về binh khí.
    Phần bốn của cuốn bí kíp là dạy chiến thuật, chiến lược trong chiến đấu cùng cách luyện khí. Phần cuối cùng là chỉ cách đánh huyện và sử dụng một số loại binh khí.



    Võ sư Băng Sơn trong một lần về Hậu Giang viếng mộ Đại sư Đoàn Tâm Ảnh.

    Võ sư Băng Sơn cho biết, bởi Côn Luân Bắc phái phát triển võ thuật trên cơ sở của võ tiên nên các bài võ trong cuốn bí kíp rất ngắn, mỗi bài không quá 50 động tác. Tuy nhiên, đó là những động tác vô cùng hiệu quả trong chiến đấu.
    “Võ tiên chủ yếu hướng đạo, hướng thiện nên ít hoa mỹ, rườm rà. Do vậy người tập võ tiên khi muốn tha ai thì chỉ có nước bỏ chạy còn đã đánh thì tính sát thương rất khủng khiếp, thậm chí khiến đối phương mất mạng ngay tức khắc”, võ sư Băng Sơn cho biết.


    Khi truyền lại cho võ sư Băng Sơn, đại sư Đoàn Tâm Ảnh cũng có nguyện ước là phổ biến rộng rãi cuốn bí kíp đó cho nhiều người. Di nguyện đó, theo võ sư Băng Sơn thì đến giờ ông vẫn canh cánh trong lòng.
    “Sách nào cũng vậy, nó chỉ thực sự quý khi đến được tay người đọc chứ còn cứ cất kỹ trong hộp thì cũng chẳng khác tập giấy vô tri. Nhưng giờ người có tâm với võ, luyện võ chân chính ngày càng ít đi, nghĩ cũng buồn lắm.
    Nhiều lần tôi cũng có ý định in cuốn bí kíp nhưng thấy tình hình thế này thì chưa ổn nên thôi. Đời tôi chưa in được thì tôi sẽ truyền lại cho đệ tử mình, họ sẽ giúp tôi làm việc đó”, võ sư Băng Sơn chia sẻ.
    (Còn nữa)



    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  4. #4

    Mặc định

    Tối k có võ công , tôi chỉ có đa5o , xin giao luu cung ban huu

  5. #5
    Nhất Đẳng Avatar của GM.Đường Tank
    Gia nhập
    May 2010
    Nơi cư ngụ
    hà nội chẳng đi đâu mà vội
    Bài gởi
    1,451

    Mặc định

    Thầy của Thầy mình, người tôi vô cùng kính trọng
    Om cale cule cunde svaha

  6. #6

    Mặc định

    các bác cho e hỏi trong 4 phần liệt kê ở trên thì phần nào đã phổ biến ? Có tài liệu trên mạng ko ?

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •