kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: Sẽ tặng ấn Hoàng thành Thăng Long?

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Sẽ tặng ấn Hoàng thành Thăng Long?


    Sẽ tặng ấn Hoàng thành Thăng Long?



    TP - Du khách đến Hoàng thành Thăng Long sắp tới có thể được tặng lá ấn từ chiếc ấn quý Sắc mệnh chi bảo-do các nhà khảo cổ học tìm thấy sau 700 năm lưu lạc.

    Chiếc ấn “Sắc mệnh chi bảo” bằng gỗ, cổ nhất hiện nay được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long.

    Chưa được biết nhiều như lễ khai ấn đền Trần, chiếc ấn Sắc mệnh chi bảo bằng gỗ do các nhà khảo cổ học phát hiện năm 2002 tại khu vực Vườn Hồng, Hoàng thành Thăng Long thuộc loại quý. Ngoài lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, tiên hiền sáng 16/2 tại Hoàng thành, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức lễ khai ấn nho nhỏ. Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền của Trung tâm cho biết thời gian tới có thể lấy ý kiến các nhà nghiên cứu về lễ khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long.

    “Ấn Sắc mệnh chi bảo là ấn của vua, đời vua nào cũng có. Ấn này có nghĩa vua ban mệnh, ban chức tước, công việc cho người giúp vua giúp nước. Sắc mệnh chi bảo bằng gỗ này tính đến thời điểm này là ấn sớm nhất và cổ nhất trong lịch sử ấn chương, ấn tín của Việt Nam”, PGS.TS Tống Trung Tín nói. Một số nhà nghiên cứu xác định ấn thuộc đời vua Trần Thái Tông. PGS. Tín thận trọng hơn, chỉ nói rằng nó được tìm thấy trong lớp văn hóa thời Trần khi khai quật khu vực điện Kính Thiên năm 2012.

    GS Hoàng Văn Khoán, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội so sánh chữ nghĩa các thời kỳ, nhất là chữ viết trên đồng tiền đưa ra kết luận: Chữ trên ấn này gần gũi chữ ghi trên tiền thời Trần. Về mặt thư pháp cũng như tầng văn hoá phát lộ khiến các nhà nghiên cứu xác nhận ấn thuộc thời Trần. Chiếc ấn này có niên đại 700 năm, chiếc ấn duy nhất được làm bằng gỗ trong các đời vua được nhắc tới trong Đại Việt sử ký toàn thư: Năm 1257 khi vua thống lĩnh quân chống giặc, ấn báu được giấu tại điện Đại Minh quan giữ ấn chỉ đem theo ấn nội mật và chiếc ấn này bị mất. Giấy tờ trong quân không thể thiếu ấn, vua sai thợ khắc gỗ làm ấn.

    Có nên thêm một lễ khai ấn nữa tại Hoàng thành? “Theo tôi rất nên làm với chiếc ấn cổ này. Tuy nhiên làm thế nào, có nên gọi là lễ khai ấn hay không thì các nhà nghiên cứu sẽ phải bàn. Ai cũng muốn đến thắp nén nhang tưởng nhớ liệt đế liệt hậu, chư thần và đem về lá ấn để xây dựng niềm tin lạc quan, hướng thiện thì nên quá đi chứ. Tôi nghĩ rằng làm thế nào phải để việc này diễn ra một cách tự nhiên”, PGS.TS Tống Trung Tín nói.

    Câu chuyện phát ấn đền Trần thời gian qua luôn là điểm nóng phức tạp, từ chiếc ấn tưởng nhớ công ơn tiền nhân, cầu may biến tướng ý nghĩa thành thăng quan tiến chức. Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội cũng nói, năm nay việc khai ấn chỉ tiến hành nội bộ, tránh phát sinh phức tạp và chờ ý kiến dư luận. Tuy vậy Trung tâm cũng nghĩ tới việc tặng lá ấn cho du khách như lộc may đầu năm. Nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ phương án này với quan điểm “để việc này diễn ra tự nhiên với người dân, nhẹ nhàng như đi lễ chùa và được thụ lộc vậy thôi”.

    Sáng 16/2, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu đoàn đại biểu và lãnh đạo nhiều ban ngành dâng hương tại sân điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long. Lễ dâng hương có sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, người dân làng Triều Khúc, Yên Hòa, Sở Thượng, Vân Canh trình diễn múa rồng, trống hội, thực hiện các nghi lễ tế và dâng hương.


    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Chuyên gia nói gì về việc tổ chức khai ấn ở Hoàng Thành Thăng Long?


    GS Nguyễn Quang Ngọc, GS Nguyễn Xuân Kính và GS Nguyễn Chí Bền đều có những ý kiến khác nhau về việc tổ chức khai ấn ở Hoàng Thành Thăng Long.

    Ấn Sắc mệnh chi bảo được tìm thấy tại Hoàng Thành Thăng Long vào năm 2012

    Ngày 16/2 vừa trong, nhân lễ dâng hương các vị vua tại Hoàng Thành Thăng Long, bà Nguyễn Thị Yến - Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, thời gian tới có thể lấy ý kiến các nhà nghiên cứu về lễ khai ấn “Sắc mệnh chi bảo” tại Hoàng thành Thăng Long.
    Tuy nhiên, theo bà Yến thì rút kinh nghiệm từ sự phức tạp của lễ khai ấn đền Trần Nam Định, trước mắt Trung tâm không tổ chức phát ấn ngay mà cần thêm thời gian để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và người dân về lễ khai ấn tại Hoàng Thành Thăng Long.

    Ngay sau đó đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc này. Một số chuyên gia đã chia sẻ với Dân Trí về suy nghĩ của họ về việc nên hay không nên tổ chức lễ khai ấn ở Hoàng Thành Thăng Long.

    GS. TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ:

    Theo tôi, việc khai ấn đầu năm là một phong tục, truyền thống có từ rất lâu đời của dân tộc Việt Nam. Thường vào dịp cuối năm, đến quãng ngày 23 tháng Chạp - Tết ông Công ông Táo là lúc các triều đại xưa làm lễ đóng ấn. Đóng ấn mang ý nghĩa nghỉ ngơi, không làm việc nữa để đón Tết vui xuân. Đến ngày mồng 7 Tết là ngày Khai hạ thì các triều đình mới bắt đầu làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Theo nghi lễ quốc gia, triều chính thì triều đình sẽ tổ chức lễ khai ấn. Việc khai ấn như một hình thức đề cầu cho một năm mới tốt đẹp, hanh thông, thuận lợi... Cho nên việc khai ấn là một chuyện rất bình thường.

    GS Nguyễn Quang Ngọc.

    Nếu tổ chức việc khai ấn ở Hoàng Thành Thăng Long là một Di sản văn hóa thế giới, là trung tâm quyền lực hàng nghìn năm của nước Việt thì cũng rất có ý nghĩa. Vấn đề là chúng ta tổ chức như thế nào cho phù hợp với văn hóa và nhận biết của người dân.Trước nay người dân được tuyên truyền sai về ý nghĩa của việc khai ấn. Người ta cứ nghĩ khai ấn là để phong tước, thưởng công... thế nên người nào cũng cố tranh cướp được cái ấn về để được thăng quan tiến chức, được này được nọ. Điều này hoàn toàn sai lệch, là sự xuyên tạc không đúng bản chất và ý nghĩa của việc khai ấn. Chúng ta cần phải nhận thức lại.

    Về việc tổ chức, nếu nhận thức đúng ý nghĩa của việc khai ấn thì chúng ta tổ chức ở Hoàng Thành Thăng Long là rất có ý nghĩa. Nhưng không nên kéo dài đến tận mồng 7 hoặc tận Rằm Tháng Giêng mà có thể là một ngày đầu xuân. Có thể là mồng 4 hoặc mồng 5 Tết, nếu ngày tốt thì ta tổ chức khai ấn.
    Tất nhiên, trước khi tiến hành ta phải nghiên cứu kỹ và nên tôn trọng ý nghĩa truyền thống của việc khai ấn, đưa việc này vào trong cuộc sống hiện đại như thế nào cho phù hợp.

    GS.TS Nguyễn Xuân Kính, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa:

    Bên cạnh truyền thống rất tốt đẹp từ xa xưa của cha ông ta thì ngày nay trình độ dân trí của chúng ta rất kém và rất đáng xấu hổ. Ví dụ, chen chúc nhau đi hội, đi lễ; vứt rác bừa bãi nơi tôn nghiêm, tranh cướp nhau đặt lễ, đốt vàng mã vô tội vạ... điều này là do ý thức của người dân nhưng một phần cũng do lỗi của các nhà quản lý. Vậy trong bối cảnh hiện nay với những điều đã nói như trên, theo tôi không nên mở thêm một hội khai ấn nữa.

    GS Nguyễn Xuân Kính.

    Cho đến bây giờ, nhiều người thấy người ta đi cướp ấn, xin ấn thì đi theo chứ thực tế vẫn không hiểu được ý nghĩa của việc khai ấn. Ngày xưa, những người làm vua quan thường đến ngày 23 tháng Chạp thì làm thao tác đóng ấn lại để nghỉ ngơi và ra Giêng chọn ngày tốt để khai ấn tức là bắt đầu làm việc trở lại. Còn dân mình có làm quan đâu mà đi lấy ấn. Các trưởng phó phòng đã được đóng dấu đâu mà đi xin lắm thế.Đảng và Bác Hồ dạy rồi, cán bộ là người đầy tớ của dân thì cần gì phải đi tranh ấn tranh lộc làm gì. Dành thời gian đi tranh ấn cướp ấn đó mà làm những việc tốt cho dân.
    Chẳng hạn bây giờ lo đi chống hạn cho người dân vùng Ninh Thuận - Bình Thuận cho họ có nước sinh hoạt, sản xuất. Trẻ em miền núi đang đói rét đó, nghĩ cách giúp các bé có cái ăn, cái ấm đi. Tập trung làm những việc đó để có lợi cho dân, cho nước vẫn tốt hơn chứ.

    GS Nguyễn Chí Bền, Nguyên viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam:

    Tôi có biết sự việc này rồi, theo tôi là chúng ta nên nghiên cứu thật kỹ về tư liệu lễ khai ấn của nhà Trần vào thế kỷ XIII tại Hoàng Thành Thăng Long rồi mới hãy quyết định. Kể cả ấn cũng phải kiểm tra lại xem có những thư tịch nào nói đến.

    GS Nguyễn Chí Bền. Ảnh: VOV.

    Tất nhiên, sáng tạo văn hóa tùy thuộc vào từng thời đại khác nhau. Nhưng theo tôi là nên thận trọng trước tất cả những cái chưa đủ dữ liệu. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải xem xem trước đây lễ khai ấn ấy của nhà Trần ở tại Hoàng Thành Thăng Long có không, tồn tại không? Và nếu có thì có như thế nào. Không phải cứ sáng tạo văn hoá, tái tạo truyền thống là có thể làm được tất cả mọi thứ.Trước đây tôi đã từng làm về vụ khai ấn ở Thiên Trường - Nam Định rồi, tôi đã rất vất vả để tìm cứ liệu lịch sử của nó. Bây giờ cứ phải tìm hiểu đã, không nên vội vàng. Đừng cứ thấy ấn là tổ chức khai ấn. Vì có những cái ấn người ta chỉ dùng vào những việc quan trọng nhất của triều đình thôi.

    Theo Dân trí


    Last edited by Bin571; 20-02-2016 at 02:55 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Sẽ không tổ chức phát ấn tại Hoàng thành Thăng Long
    ĐINH THỊ THUẬN (TTXVN/VIETNAM+) LÚC : 26/02/16 21:39



    Tại lễ dâng hương khai Xuân Hoàng thành Thăng Long tổ chức mới đây, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội lần đầu tiên tổ chức thể nghiệm lễ khai ấn tại điện Kính Thiên.

    Đây là ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ học tại khu vực Vườn Hồng vào năm 2012. Ngay sau đó, lễ khai ấn này vấp phải nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

    Trước sự quan tâm của dư luận, chiều 26/2, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức cuộc tọa đàm khoa học ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.

    Xác định ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo" thuộc thời Trần

    Theo giáo sư Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam, ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được phát hiện ở độ sâu 6,38m so với mặt nước biển. Ấn bị mất núm, gồm hai mảnh ghép, kích thước của ấn là 10,5cm. Đặc biệt, khi phát hiện, ấn nằm nguyên vẹn trong tầng văn hóa thời Trần, sau tầng văn hóa thời Lý, trước thời Lê Sơ và nằm giữa nhiều di vật khác. Tầng văn hóa này không hề bị xáo trộn.

    Hai mặt ấn đều rõ ràng và bốn chữ “Sắc mệnh chi bảo” được viết đúng ấn tín Việt Nam. Đặc biệt, vị trí tìm thấy ấn nằm ở trục trung tâm của di sản Hoàng thành Thăng Long.

    Từ căn cứ, ấn nằm trong tầng văn hóa thời Trần, kết hợp với thư tịch Đại Việt sử ký toàn thư đề cập đến một ấn gỗ của thời Trần và cách viết chữ tương tự trong thư tịch tiền cổ thời Trần, các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử xác định đây là ấn thời Trần.

    Tại hội thảo, nhiều ý kiến còn băn khoăn đây có phải là ấn thời Trần hay không; là ấn nguyên gốc hay không, niên đại của ấn nhưng với những căn cứ trên giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định chắc chắn ấn thời Trần.

    Đồng quan điểm trên, giáo sư-nhà giáo nhân dân Hoàng Văn Khoán đưa ra chứng cứ dựa trên các tài liệu lịch sử, ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được xác định đích thực của vua Trần Thái Tông khắc trên đường đi chiến đấu với quân Nguyên Mông. Dấu chính bằng ngọc cất ở cung Đại Minh không mang đi mà nhà vua chỉ mang dấu nộ mật nhưng trên đường đi bị mất dấu. Vì vậy, nhà vua cho khắc dấu gỗ để kịp việc nước nên dấu mới được khắc trên đường đi. Giáo sư-nhà giáo nhân dân Hoàng Văn Khoán khẳng định dấu tìm thấy ở Vườn Hồng đích thực là chiếc dấu trên.

    Chính vì vậy, các nhà khoa học đều khẳng định ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” có một giá trị rất lớn. Giáo sư-nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê khẳng định mặc dù ấn “Sắc mệnh chi bảo” là ấn gỗ nhưng có tính độc đáo và rất có giá trị.

    Trong lịch sử quân chủ Việt Nam và cả lịch sử Phương Đông không có một vương triều nào khắc ấn gỗ. Ấn của Hoàng đế mà khắc bằng gỗ là điều chưa từng có. “Đây là trường hợp đặc biệt gắn liền với hoàn cảnh khẩn trương, ác liệt của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ. Vì vậy cái ấn này ngoài giá trị về di vật, có có giá trị về lịch sử. Nó ghi lại một chiến công oai hùng của dân tộc ở thế kỷ 13 và phản ánh được tình hình cực kỳ khốc liệt của cuộc chiến tranh lúc bấy giờ. Ấn này là bảo vật rất quý cần bảo vệ, bảo quản nghiêm ngặt và cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm,” giáo sư-nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê khẳng định.

    Không tổ chức phát ấn rộng rãi

    Với một hiện vật quý, việc phát huy giá trị ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” ra sao đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Đa phần các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng việc phát huy giá trị cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc trước khi triển khai.

    Nhà nghiên cứu Hán Nôm, tiến sỹ Hoàng Quốc Quân cho rằng Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long phát huy giá trị ấn là một việc cần làm nhưng làm như thế nào, tổ chức trong thời gian nào, kịch bản ra sao, phục vụ đối tượng nào thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu làm được thì đó là cách quảng bá, phát huy giá trị rất tốt và đó cũng là cách để phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

    Còn theo tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long đã có điện Kính Thiên nên việc phát huy giá trị ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” là một hướng tốt.

    Tuy nhiên, tiến sỹ Nguyễn Quốc Tuấn cũng cho rằng không nên phát huy để dẫn đến việc tạo ra hình ảnh hỗn loạn trong tranh cướp ấn, không thể chấp nhận được. Mặc dù con người ta có tâm linh cần che chở, là tâm lý hoàn toàn đúng và có thể đáp ứng nhưng nếu Trung tâm không chuẩn bị tốt lại tạo ra một sự cạnh tranh, rất phi lý giống như lễ khai ấn đền Trần ( Nam Định).

    Các nhà khoa học cũng lý giải việc khai ấn đền Trần xuất phát từ cái ấn thờ của nhà Trần, gọi là “Trần triều tự điện” giữa các đền thờ nhà Trần với nhau và việc khai ấn đền Trần tổ chức để lại nhiều lộn xộn khiến dư luận bất bình. Còn ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” là ấn của Vương triều chủ yếu để sắc phong cho phong thần và quan lại. Vì thế, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội không thể tổ chức lễ khai ấn như đền Trần.

    Triều đình xưa có cũng có nghi thức phong ấn (bọc ấn, cất ấn vào cuối năm) và khai ấn (mở ấn bắt đầu cho một năm làm việc) nhưng tổ chức trong cung đình, không phải phát ấn như hiện nay.

    Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng cần nghiên cứu cách phát huy giá trị của ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” phù hợp với giá trị của ấn, mang tính chất văn hóa, lịch sử. Phát huy như nào cần cân nhắc thêm nhưng có lẽ cách phát huy được mọi người ủng hộ nhất là có thể in ra trên các tấm lụa quý rồi làm viền đẹp thành những tặng phẩm để tặng cho khách du lịch và bạn bè quốc tế.

    Đây chưa phải là cuộc tọa đàm cuối cùng để làm rõ giá trị và bàn thảo hướng phát huy giá trị của ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo.” Trong thời gian tới, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các cuộc tọa đàm khác để có những chứng cứ chắc chắn và hướng phát huy giá trị phù hợp./.
    http://www.vietnamplus.vn/se-khong-t...ong/373134.vnp
    Last edited by vien dung; 27-02-2016 at 08:48 AM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. đi Tìm Thăng Long Thành .
    By dienbatn in forum Các bài của DIENBATN
    Trả lời: 97
    Bài mới gởi: 19-04-2022, 03:28 AM
  2. Thăng Long thành hoài cổ
    By thanhpv in forum Văn học - Hội họa - Thi Ca
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 24-10-2012, 12:53 AM
  3. Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản thế giới
    By Bin571 in forum Văn Hóa - Phong Tục - Lễ Hội
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 03-08-2010, 11:58 PM
  4. Tứ trấn của thành Thăng Long
    By Bin571 in forum Truyền thuyết - Giai thoại - Lịch sử VIỆT NAM
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 19-05-2010, 12:44 PM
  5. Võ Miếu Thăng Long, Võ Miếu Việt, tại sao không?
    By Bin571 in forum Văn Hóa - Phong Tục - Lễ Hội
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 08-12-2007, 10:37 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •