Lý giải những hiện tượng xảy ra khi chơi trò bói bút, cầu cơ

Bảo Trân | 18:00 PM Ngày 27/03/2015



Gần đây, cộng đồng mạng đang xôn xao, hoang mangvới một clip các bạn trẻ chơi trò cầu cơ và được cho là có thể “giao lưu” với “người cõi âm”.

Trong clip, một bạn tham gia trò chơi có biểu hiện bất thường như hét toáng lên, cười man dại như bị “ám” rồi ngất xỉu.
Nhiều bạn cười khẩy cho là các nhân vật trong clip đang diễn xuất nhưng nhiều cư dân mạng “yếu bóng vía” khác thì lập tức hoang mang, sợ hãi, có bạn bị ám ảnh, bạn khác thì hùng hồn khẳng định “Mình đã từng thử và thành công”.


Trò chơi nói chuyện với… người chết

Cầu cơ là một trò chơi dân gian được lưu truyền ở nhiều nước châu Á và được cho là cách để nói chuyện với linh hồn người đã khuất. Theo đó, người chơi cần có một tờ giấy ghi đủ bảng chữ cái và một phía ghi các từ “đúng”, “sai”, “có”, “không”, phía trên ghi “thánh”, “thần”, “ma”, “quỷ”. Người chơi cần có một vật dụng để làm “cơ” là cái chén, ly, nút chai, mảnh gỗ,…

Khi bắt đầu chơi, những người tham gia sẽ cùng đặt một ngón tay lên “cơ” và khấn vái hay đọc thần chú để “gọi hồn” một người đã chết. Người chơi sẽ đặt những câu hỏi và người chết trả lời thông qua cách tự di chuyển “cơ” đến những chữ cái để ghép thành từ, câu có nghĩa.

Người Mexico xưa cũng có một trò chơi để “chat” với người đã khuất gọi là bói bút chì (Pencil game, six pencils hay Charlie Charlie).
Để nói chuyện được với một linh hồn trẻ em có tên là Charlie, 2 người chơi cần có 6 cây bút chì chưa gọt. Mỗi người cầm 3 cây bút và giữ trên tay sao cho chúng xếp thành hình chữ U. Hai người chơi sẽ đứng đối diện nhau và cho hai chữ U nối liền. Trò chơi được bắt đầu với câu hỏi: “Charlie, can we play?” (Charlie, chúng ta chơi được chứ?) và kết thúc với câu: “Charlie, Charlie, can we stop?”. (Charlie, Charlie, chúng ta kết thúc nhé?)


Trò chơi này quy định rằng với mỗi câu hỏi, nếu bút tự di chuyển vào trong thì câu trả lời là “yes”, bút di chuyển ra ngoài thì câu trả lời là “no”. Còn nếu một bên bút di chuyển vào trong, một bên ra ngoài thì câu trả lời là “có thể” hoặc có nghĩa là không có câu trả lời.



Nhà khoa học nói gì?

Nhiều nhà khoa học cho rằng những câu trả lời của người chết thông qua việc di chuyển “cơ” thực ra chỉ là kết quả của “hiệu ứng vô thức” (ideomotor effect).Khi tái thực hiện và quan sát quá trình vận hành của trò chơi cầu cơ trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học cho rằng những người chơi đã tự mình di chuyển “cơ” trong vô thức. Các thông điệp được viết ra bởi “cơ” thực chất là những thông điệp đi qua tâm thức của các đối tượng tham gia.Các nhà khoa học thuộc ĐH British Columbia đã tiến hành một thí nghiệm cụ thể hơn với các tình nguyện viên. Họ để cho người chơi bịt mắt và chơi thử trò cầu cơ. Sau đó, người chơi sẽ trả lời lại những câu được hỏi trong lúc chơi bằng cách gõ vào máy tính.

Kết quả cho thấy tỉ lệ đúng khi sử dụng bàn cầu cơ là 65% và trên máy tính là 50%. Điều này giúp các nhà khoa học đưa ra kết luận rằng bàn cầu cơ thực chất là cách để con người thể hiện ra ngoài những linh cảm trong tâm trí mình vì sâu trong vô thức mỗi người, họ đã tự có ý niệm về câu trả lời đúng.
Với trò bói bút chì, các nhà khoa học của ĐH British Columbia cũng cho rằng hiện tượng bút di chuyển là phản ứng bình thường khi lực (dù rất nhỏ) từ tay bạn truyền đến bút chì và gặp lực truyền từ người chơi đối diện. Hai lực này sẽ đẩy nhau, tạo ra một lực làm cho bút chệch khỏi vị trí ban đầu.

Có hay không thế giới của những linh hồn đang tồn tại song song với thế thực?


vẫn là một câu hỏi mà khoa học chưa thể chứng minh và nhân loại vẫn luôn tò mò, thắc mắc. Chính vì vẫn chưa có một kết luận rõ ràng, bạn đừng nên cả tin vào những trò chơi mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của mình nhé!