Cơ thể người có 1 điểm huyệt kéo dài tuổi xuân và chữa bách bệnh

Thái Phong | 11/01/2016 11:35





Chuyện bấm huyệt trường sinh mà sống đến 200 tuổi chỉ là truyền thuyết. Nhưng thực tế, y học phương Đông đánh giá rất cao vai trò của huyệt này trong việc tăng tuổi thọ con người.

1. Truyền thuyết về huyệt trường sinh:

Theo truyền thuyết của Nhật Bản, xưa kia có một chàng trai được thừa kế từ gia đình một bí kíp vô giá, đó là cách xác định 1 điểm trên cơ thể chữa được trăm loại bệnh.

Theo hướng dẫn của cha, chàng trai thường bấm huyệt này mỗi này, và sau đó sống trường thọ qua vài triều đại.
Một câu chuyện khác cũng được lưu truyền ở Nhật Bản, không biết có phải cùng là câu chuyện trên nhưng cách kể khác đi hay không, nhưng trong tình tiết cũng đề cập đến điểm huyệt bí ẩn kia đã giúp cho 1 gia đình thọ đến hơn 200 tuổi.
Dù không kiểm chứng được độ xác thực của những câu chuyện được lưu truyền trên, nhưng có 1 sự thật là người Nhật rất tin rằng huyệt này có thể chữa được bách bệnh, cải thiện sức khỏe, giúp con người trẻ lâu , kéo dài tuổi thọ.

Không chỉ ở Nhật, người Trung Hoa cũng rất tôn sùng huyệt này. Họ gọi đây là điểm huyệt trường thọ và đã áp dụng những biện pháp chữa bệnh thông qua huyệt này trong hàng nghìn năm lịch sử.
Trong y học phương Đông, huyệt này được gọi với cái tên huyệt Túc Tam Lý.

2. Vị trí của huyệt trường sinh:

Theo mô tả của Đông y, huyệt trường sinh, tức túc tam lý, nằm ở dưới mắt đầu gối ba thốn và cách bờ xương ống chân một thốn (1 thốn - 1,8cm).



Bạn có thể tham khảo một mẹo tìm huyệt này: Dùng bàn tay úp ngay bên dưới đầu gối, đầu ngón tay chạm xương ống chân (xương chầy), từ vị trí đầu ngón tay út hơi dịch ra phía ngoài một ít là huyệt.

3. Tác dụng của huyệt trường sinh:

Trong Đông y thường có câu: "Tam lý cứu bất tuyệt, nhất thiết tai bệnh tức" nghĩa là khi bấm vào huyệt này sẽ tránh được những tai ương về bệnh tật.

Theo lý giải của lương y Võ Hà, tác giả cuốn Chữa bệnh không dùng thuốc, "huyệt túc tam lý dùng để chữa các chứng bệnh ở bộ máy tiêu hoá như viêm dạ dày, ruột, ăn uống khó tiêu hoặc cải thiện việc lưu thông khí huyết ở chi dưới, ở vùng khớp gối.

Liên quan đến công năng tăng cường sinh lực, cải thiện việc lưu thông khí huyết toàn thân, gia tăng tuần hoàn ngoại biên, túc tam lý cũng hữu dụng trong các chứng suy nhược thần kinh, kích ngất, suyễn, dị ứng, cao huyết áp.
Đặc biệt là giúp tăng cường hệ miễn dịch đề phòng chống bệnh tật".

Lương y Võ Hà cũng nói thêm: "Ăn uống ngon miệng tất khí huyết sẽ được dồi dào, con người dễ sinh thoải maí, tay chân linh hoạt, sức đề kháng cũng gia tăng.
Do đó, kích hoạt túc tam lý thường là 1 biện pháp dưỡng sinh với nhiều ý nghĩa, tăng cường sự lưu thông khí huyết, gia tăng hệ miễn dịch và kéo dài tuổi thọ".

Theo tổng kết của một số nhà nghiên cứu, việc tác động đến huyệt túc tam lý sẽ giải quyết được những vấn đề sức khỏe sau:

- Ổn định huyết áp
- Ổn định lượng đường, insulin trong máu
- Giải quyết các vấn đề tiêu hóa
- Chữa các chứng suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể
- Cải thiện hậu quả của đột quỵ
- Tăng cường khả năng miễn dịch, chống viêm nhiễm
- Giải quyết các vấn đề về thần kinh như căng thẳng, lo lắng quá mức
- Cải thiện các vấn đề về sức khỏe của đôi chân.​​

4. Cách day bấm huyệt trường sinh

Có nhiều tài liệu hướng dẫn cách thức và thời điểm tác động vào huyệt trường sinh nhằm có lợi cho sức khỏe.
Có tài liệu viết rằng nên thực hiện vào 8 ngày trước khi trăng non (tức thời điểm cuối tháng). Truyền thuyết Nhật Bản kể về gia đình sống đến 200 tuổi thì nói rằng họ đều đặn từ mùng 1 đến mùng 8 hàng tháng.

Về cách thức tác động vào huyệt cũng có thể kể đến hàng loạt ví dụ như cứu bằng điếu ngải, cứu cách gừng, cách tỏi, khí công, bấm huyệt...

Đơn giản nhất là cách day bấm huyệt hàng ngày. Lương y Võ Hà hướng dẫn cách day bấm huyệt trường sinh như sau: Ngồi trên ghế chân chạm đất hoặc ngồi trên phản và co chân ở góc độ vừa phải sao cho việc dây ấn vào huỵệt đạt đựơc lực mạnh nhất.

Tập trung sức chú ý khi day ấn huyệt.
Tay phải day bấm chân phải, tay trái day bấm chân trái. Định vị vùng huyệt. Đặt 4 ngón tay thường bọc phía sau chân, ngón tay cái cong lại, chỉa gần thẳng góc với mặt huyệt và day liên tục khoảng 3 phút. Mỗi ngày có thể làm 2 hoặc 3 lần.

5. Lưu ý:

- Không dùng cách cứu túc tam lý đối với trẻ em hoặc người đang bị viêm nhiễm cấp tính.
- Không thực hiện quá gần giờ đi ngủ vì có thể gây mất ngủ.
Theo Thầy thuốc ưu tú Quách Tuấn Vinh, nguyên chủ nhiệm quân y Tổng cục chính trị, phương pháp này rất hữu dụng với người có tạng hàn. Những người tạng nhiệt thì nên giảm bớt thời gian cứu hoặc chỉ bấm huyệt.
* Tổng hợptheo Trí Thức Trẻ