I/ Sự tai hại Lòng sân hận:
Rào cản lớn nhất đối với lòng từ bi là sân hận, Khi lòng ta tràn đầy sân hận, không còn chỗ cho hòa bình hay tự tại. Mỗi người phản ứng với sân hận theo cách riêng của mình. Người thì cố gắng để bào chữa cho các cơn giận của mình bằng cách tự nhủ, ‘Tôi có quyền được giận.’ Người khác thì chấp vào sự giận hờn của họ một thời gian dài, đôi khi hàng tháng hay hàng năm. Họ cảm thấy rằng sự sân hận đó khiến họ rất đặc biệt, rất nguyên tắc. Cũng có người lại biểu lộ lòng hận thù ra ngoài bằng những hành động chống báng lại kẻ mà họ giận ghét.
Không cần biết cách bạn thể hiện lòng sân hận như thế nào, bạn có thể chắc chắn về một điều: TÂM SÂN HẬN ĐỀU LÀM HẠI BẠN NHIỀU HƠN LÀ NÓ LÀM HẠI NGƯỜI BẠN GIẬN
Bạn có để ý mình cảm thấy thế nào khi giận dữ không? Bạn có cảm nhận được sự căng thẳng, khó chịu trong lồng ngực, bụng nóng bừng, mắt mờ đi không? Có phải là đầu óc bạn trở nên tối tăm, lời nói trở nên cộc cằn, khó nghe hơn không? Các bác sĩ bảo rằng thường xuyên biểu lộ sân hận mang đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của chúng ta – máu cao, ác mộng, mất ngủ, đau dạ dày, hay ngay cả đau tim. Lòng sân hận cũng nguy hại cho tâm không kém. Nói một cách thẳng thắng là sân hận khiến thân tâm ta rất khổ sở.
Sân hận cũng làm rạn nứt các mối liên hệ tương quan với người. Bạn thường tránh gặp người bạn đang giận, có đúng không? Ngược lại cũng thế, khi biết bạn giận, người kia cũng tránh bạn. Không ai muốn quan hệ với người đang trong cơn nóng giận. Người tràn đầy sân hận có thể rất vô lý, nhiều khi còn nguy hiểm nữa.
Hơn thế nữa, sân hận thường không tác hại nhiều đến người bị giận. Trong nhiều trường hợp, ta nóng giận với người đã xúc phạm ta, nhưng họ không hề hay biết, nên không ảnh hưởng gì đến họ cả. Ngược lại, chính ta là người phải đỏ mặt, phải lớn tiếng và tạo ra một cảnh tượng khó coi, khiến ta cảm thấy rất khổ sở. Kẻ kình địch còn có thể diễu cợt sự giận dữ của ta…
Rõ ràng là sân hận có thể làm hại bản thân ta, vậy ta phải đối phó với nó như thế nào? Làm sao ta có thể buông bỏ sân hận và thay thế nó bằng tâm từ bi, tình thương yêu? Để đối phó với sân hận, trước hết chúng ta phải quyết định tự kiềm chế không hành động theo bản năng sân hận… Một phương cách khác để đối trị với sân hận là quan sát kết quả của nó. Chúng ta biết rất rõ rằng khi giận dữ, ta không thể thấy sự thật một cách rõ ràng. Do đó, chúng ta có thể phạm vào những hành vi bất thiện… Cách đối trị tốt nhất đối với sân hận là lòng kiên nhẫn. Kiên nhẫn không có nghĩa là để cho người khác lấn lướt ta. Kiên nhẫn có nghĩa là dùng chánh niệm để kéo dài thời gian, để ta có thể hành động một cách đúng đắn. Khi phản ứng lại với sự khiêu khích bằng lòng kiên nhẫn, chúng ta sẽ nói lên được chân lý vào đúng thời điểm và dùng ngôn từ chính xác…
Có một câu chuyện rất nổi tiếng miêu tả sự kiên nhẫn và thông thái của Đức Phật khi đối mặt với một người sân hận: có một người Bà la môn giàu có và quyền lực. Người này có thói quen dễ nổi giận, đôi khi không vì lý do gì. Ông ta thường gây gổ với tất cả mọi người. Nếu có ai đó bị xúc phạm mà không nổi giận, ông cũng sẽ tức giận vì điều đó.
Người Bà la môn này đã nghe rằng Đức Phật chẳng bao giờ nổi giận. Một ngày kia ông ta đến gặp Đức Phật và dùng lời lẽ thóa mạ Ngài. Đức Phật lắng nghe một cách kiên nhẫn và từ bi. Sau đó Ngài hỏi người Bà la môn:
– Ông có gia đình hay bạn bè người thân gì không?
– Vâng, tôi có rất nhiều bạn bè và người thân, người Bà la môn trả lời.
– Ông có đi thăm họ thường không? Đức Phật hỏi.
– Dĩ nhiên. Tôi thăm họ rất thường.
– Ông có mang quà tặng cho họ khi ông thăm viếng họ không?
– Chắc chắn rồi. Tôi chẳng bao giờ đến gặp họ mà không mang quà, người Bà la môn trả lời.
Đức Phật lại hỏi, khi ông tặng quà, giả sử họ không nhận. Ông sẽ làm gì với những món quà đó?
– Tôi sẽ mang chúng về và chia sẻ với gia đình tôi, người Bà la môn trả lời.
Lúc đó Đức Phật nói, cũng thế, ông đã cho tôi một món quà. Tôi không muốn nhận. Nó là của ông. Hãy mang nó về nhà và chia sẻ với gia đình.
Người Bà la môn rất xấu hổ khi ông hiểu và ngưỡng mộ lời khuyên từ bi của Đức Phật. Sau cùng, để đối trị sân hận chúng ta có thể nghĩ đến những lợi ích của tâm từ bi. Theo Đức Phật, khi ta thực hành tâm từ bi, ta sẽ ‘ngủ yên, thức dậy thoải mái, và có những giấc mơ đẹp. Được thân cận với chúng sanh và các loài khác. Chư thiên sẽ độ trì ta. [Nếu ta đầy lòng từ bi, thì ngay lúc đó] khói lửa, thuốc độc và vũ khí không thể làm hại ta. Ta thiền định dễ dàng. Nét thanh tịnh hiện trên gương mặt ta. Ta ra đi nhẹ nhàng và được tái sinh vào cõi giới cao nhất.’ Những viễn ảnh này không phải là dễ chấp nhận hơn là sự khổ sở, sức khỏe kém, và ác nghiệp mà tâm sân hận có thể mang đến cho ta sao?
II/ Bí quyết 80/20:
Bí quyết 80/20 là gì? 20% cuộc đời là những gì xảy đến đối với bạn, 80% cuộc đời là do những phản ứng của bạn đối với những chuyện xảy ra.

Thế nghĩa là sao? Giờ hãy thử xét một ví dụ:

Bạn đang dùng điểm tâm cùng với gia đình. Con bạn làm đổ cà phê lên áo bạn. Chuyện đó xảy ra bất chợt, bạn không kiểm soát được.

Ðiều xảy ra tiếp sau đó là phản ứng thuộc quyền quyết định của bạn.

Bạn mắng cháu. Cháu phát khóc.

Bạn trách cả vợ mình đã đặt tách cà phê quá gần rìa bàn. Hai người bắt đầu cãi nhau một hồi.

Bạn đùng đùng bước lên lầu thay áo. Khi bạn trở xuống con bạn vẫn còn khóc, chưa ăn xong để đi học. Cháu bị lỡ chuyến xe đưa đón. Vợ bạn phải hối hả đi làm. Bạn đi nhanh ra, đưa con đến trường. Sợ trễ, bạn chạy xe vượt tốc độ cho phép. Sau khi chịu phạt nặng, bạn đưa con tới trường trễ hết 15 phút.

Con bạn chạy nhanh vào lớp không kịp chào bạn. Bạn đến văn phòng trễ 20 phút, lại thấy mình bỏ quên chiếc cặp ở nhà...

Một ngày của bạn đã bắt đầu thật khủng khiếp. Chuyện càng lúc càng tệ hại tiếp tục xảy ra...

Buổi chiều bạn buồn chán trở về nhà để thấy vợ con không vui vẻ đón mừng mình như ngày hôm trước.

Tại sao bạn có một ngày buồn chán như thế?

A. Tại tách cà phê chăng?
B. Tại con bạn chăng?
C. Tại người cảnh sát à?
D. Do bạn gây ra đấy chứ?

Câu trả lời đúng là D. Bạn đã không làm chủ cái 80% thuộc quyền phản ứng của mình.

Cách phản ứng chỉ trong năm giây của bạn đã tạo nên một ngày bất hạnh.

Bạn cũng đã có thể phản ứng một cách khác.

Khi tách cà phê đổ, cháu bé muốn khóc, bạn đã có thể nói: “Không sao đâu con, lần sau con nên cẩn thận hơn một chút”.

Bạn nhẹ nhàng lên lầu thay áo và mang theo chiếc cặp. Bạn xuống nhà vừa kịp vẫy tay chào lại cháu bé lên xe đưa đón.

Vợ chồng bạn hôn nhau rồi cùng đi làm.

Bạn đến văn phòng sớm năm phút và vui vẻ chào các đồng nghiệp buổi sáng. Có lẽ sếp cũng khen bạn về một ngày làm việc có hiệu quả.

Hãy nhớ rằng phản ứng của bạn rất quan trọng. Chuyện bất ngờ xảy ra chỉ chiếm 10%, quyết định phản ứng của bạn chiếm tới những 90%.

Hãy nhớ và áp dụng bí quyết 80/20 cho mọi việc xảy ra trong ngày, bạn sẽ thấy cuộc đời bạn tốt hơn thật nhiều.

Chúc bạn thành công!
http://www.baihocthanhcong.com/kiem-...bi-quyet-9010/
III/ Đánh giá vàng -thau
Ngày xửa ngày xưa, bên Ai Cập có một vị hiền triết tên là Zun-Nun. Ngày kia, một anh thanh niên đến và hỏi ông:

“Thưa ngài, tôi không hiểu tại sao những người đáng kính như ngài luôn ăn mặc theo một cách giống nhau và luôn luôn đơn giản như vậy. Chẳng lẽ không cần chưng diện một tí, không phải để khoe khoang, nhưng còn vì mục đích khác nữa chứ, thưa ngài?”.

Nhà hiền triết chỉ cười và cởi chiếc nhẫn ở tay ra, trao cho chàng trai và nói: “Này anh bạn trẻ, ta sẽ trả lời câu hỏi của cậu, nhưng trước tiên cậu phải giúp ta việc này đã. Hãy cầm lấy chiếc nhẫn này và đi đến khu chợ bên kia đường, cậu hãy đổi nó lấy một đồng vàng”.

Cầm chiếc nhẫn đen đúa của Zun-Nun trên tay, chàng thanh niên tỏ vẻ nghi ngại: “Một đồng vàng? Tôi không chắc là chiếc nhẫn có thể bán được với giá đó”.

“Thử trước đã chàng trai, ai biết được điều gì có thể xảy ra?”. Chàng trai trẻ phóng nhanh ra chợ. Anh ta đem chiếc nhẫn vào hàng tơ lụa, rau cải, thịt cá và rất nhiều nơi khác. Nhưng sự thực là không ai đồng ý trả cho anh ta với cái giá đó. Anh ta quay về gặp Zun-Nun và nói: “Thưa ngài, không một ai đồng ý bỏ ra một số tiền nhiều hơn một đồng bạc để mua chiếc nhẫn này cả”.

Với một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt trầm tĩnh, nhà hiền triết đáp lời: “Bây giờ anh hãy ra tiệm vàng ở cuối đường, đưa chiếc nhẫn này cho ông chủ. Đừng yêu cầu giá bán nhưng chỉ lắng nghe xem ông ta trả giá bao nhiêu”.

Chàng thanh niên đi đến tiệm vàng theo yêu cầu và sau đó quay về với vẻ mặt khác hẳn. Anh ta nói: “Thưa ngài, những lái buôn ở chợ rõ ràng không biết giá trị của chiếc nhẫn này, người chủ tiệm vàng đã đồng ý mua chiếc nhẫn này với giá một ngàn đồng vàng, và giá trị thật của nó thì gấp cả ngàn lần so với cái giá của những con buôn ở chợ”.

Zun-Nun mỉm cười và ôn tồn nói: “Đó là câu trả lời cho câu hỏi của anh. Không thể đánh giá con người mà chỉ dựa vào cách ăn mặc bề ngoài. Những lái buôn ở chợ định giá theo kiểu đó. Nhưng những nhà buôn vàng thì không như thế. Vàng và đá quý tồn tại bên trong mỗi con người, chỉ có thể được nhận ra và xác định giá trị nếu anh có thể nhìn thấu tâm hồn.

Cần có con tim để nhìn và cả một quá trình dài lâu. Chúng ta không thể ngang nhiên đánh giá người khác mà chỉ dựa vào những lời lẽ và cách cư xử trong một lúc nào đó. Nhiều lúc cái mà ta nghĩ là vàng hóa ra là đồng thau, nhưng thứ ta tưởng là đồng thau thì lại chính là vàng thật".
http://www.baihocthanhcong.com/biet-...hay-dong-thau/