Tác dụng của thanh phù

Bạn đọc: Tôi đã nghe lỏm ông An Chi có nói rằng thanh phù của các chữ Hán thuộc loại hình thanh rất có ích cho việc truy tầm từ nguyên của nhiều từ Việt gốc Hán. Xin ông cho một vài thí dụ. Cảm ơn ông.
Trần Bá Đào (Yên Phụ, Hà Nội)



Học giả An Chi:

"Thanh phù" là một khái niệm liên quan đến một khái niệm khác là "hình thanh tự", tức chữ hình thanh. Hình thanh là một trong sáu phép đặt chữ của Tàu, cùng với 5 phép khác là: tượng hình, chỉ sự, hội ý, chuyển chú và giả tá.
Chữ hình thanh gồm hai thành phần là nghĩa phù và thanh phù. Nghĩa phù, cũng gọi hình phù [形符], là yếu tố chỉ phạm trù ngữ nghĩa của chữ, nằm trong 214 bộ quen thuộc thường thấy trong nhiều quyển từ điển.


Còn thanh phù là yếu tố dùng để chỉ âm (cách đọc) của nó, có khi là chữ đồng âm tuyệt đối, có khi chỉ là chữ cận âm mà thôi. Chữ "trượng"
[杖], chẳng hạn, là một chữ hình thanh mà nghĩa phù là "mộc" [木] ( = cây) còn thanh phù là "trượng" [丈] (= đơn vị đo lường bằng 10 thước). Nhưng trên đây chỉ là nói về nguyên tắc và điểm xuất phát chứ do quá trình biến chuyển theo thời gian thì hiện nay âm của thanh phù và âm của chữ mà nó hài thanh có khi khác nhau rất xa, thí dụ như "địa" [地] (= đất) là một chữ hình thanh mà thanh phù lại là "dã" [也] (= cũng). Khác nhau rất xa! Rồi chữ "dã" [也] này lại hài thanh cho chữ "trì" [池] là ao, cũng khác nhau rất xa. Nhưng với tư cách là thanh phù của cả "địa" [地] lẫn "trì" [池], chính chữ "dã" lại là một chỗ dựa chắc chắn để ta kết luận rằng "đìa" là điệp thức của "trì".



Dưới đây, xin giới thiệu về một thanh phù đặc biệt là chữ "quê" [圭], thường đọc là "khuê" (trong "sao Khuê").
1.- Nó là thanh phù trong chữ "quái" [卦] mà nghĩa phù (bộ thủ) là "bốc" [卜], có nghĩa là "quẻ" (trong "quẻ bói").


Về mối quan hệ AI ↔ UE/OE, ta còn có: – "quái" [獪] (= gian trá) ↔ "qué" trong "mách qué"; ↔ "khoái" [快] (= mau lẹ, nhanh chóng; thích chí; nhọn sắc, sắc sảo; v.v...] ↔ "khỏe" trong "khỏe khoắn"; chữ "hòe" trong "hoa hòe hoa sói" theo đúng phiên thiết phải đọc là "hoài" [槐].
2.- Nó là thanh phù trong chữ "oa" [蛙] (= chẫu chuộc) mà "nhái" (trong "ếch nhái") là một điệp thức, tuy rất xa về ngữ âm nhưng lại rất thuyết phục vì một lý do rất đơn giản và hiển nhiên là chử "oa" [蛙] hài thanh bằng chữ "quê" [圭] mà chữ "quê" [圭] cũng hài thanh cho chữ "nhai" [街] (= đường đi). "Nhái" (thanh điệu 5) chỉ khác "nhai" (thanh điệu 1) có một cái dấu "sắc" (').3.- Nó là thanh phù trong chữ "giai" [佳] (= tốt, đẹp) mà "hay" là một điệp thức không thể phủ nhận được vì hai lý do.


Một là về mối quan hệ AI ↔ AY, ta còn có: "bài" [排] (= sắp xếp) ↔ "bày" trong "phô bày"; "khái" [愾] (= giận, ghét) ↔ "kháy" trong "nói kháy"; "đại" [袋] (= túi, tay nải) ↔ "đãy" (= túi to); v,v... Còn về mối quan hệ GI ↔ H thì chính chữ "giai" [佳] hài thanh bằng chữ "quê" [圭] mà chữ "quê" [圭] còn hài thanh cho chữ "hài" [鞋] là "giày".
4.- Nó là thanh phù trong chữ "hài" [鞋] là "giày" mà chính "giày" là một điệp thức của nó, như đã có thể thấy tại mục 3 trên đây.5.- Chữ "nhai1" [厓] và chữ "nhai2" [睚] là hai đồng nguyên tự (chữ cùng gốc), vì cả hai đều cùng một nghĩa gốc là "bên, cạnh": "nhai1" [厓] là "bờ nước" còn "nhai2" [睚] thuộc bộ "mục" [目] (= mắt) là "bờ mắt", như Lưu Quân Kiệt [劉鈞杰] đã chứng minh trong Đồng nguyên tự điển tái bổ (Ngữ văn xuất bản xã, Bắc Kinh, 1999, tr.10). "Nhai2" [睚] hài thanh bằng "nhai1" [厓] còn "nhai1" [厓] thì lại hài thanh bằng "quê" [圭], thường đọc thành "khuê".


Đây chính là căn cứ đầy đủ sức thuyết phục cho phép kết luận rằng "khóe" trong "khóe mắt" chính là điệp thức của "nhai2" [睚].
Tóm lại, với 5 trường hợp trên đây liên quan đến thanh phù "quê/khuê" [圭], chúng tôi đã chỉ ra được từ nguyên của 5 từ "quẻ", "nhái", "hay", "giày" và "khóe" mà chắc chắn có nhiều người, kể cả nhiều nhà, sẽ cho là những từ "thuần Việt". Cả 5 từ này đều là những từ Việt gốc Hán.

Nguồn:Năng lượng Mới 484